HĐ Bến Tre là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Tiền, xung quanh bị bao bọc bởi sông nước, chằng chịt. Do đó, trước năm 2009 để đến được với “ốc đảo” xứ dừa này là vô cùng khó khăn và vất vả, phải đi bằng phà. Tuy nhiên, trên mảnh đất này, công cuộc hoằng dương Phật pháp lại nở hoa kết trái, để lại nhiều thành tựu, có nhiều tự viện nổi tiếng (Chùa Hội Tôn, Chùa Bửu Sơn, Chùa Tuyên Linh, Chùa Huệ Quang, Chùa Vĩnh Bửu, Chùa Viên Giác,…)và các bậc danh Tăng. Tiêu biểu là Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947). Ngài tên thật là Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, vốn là người làng Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1895, Ngài xuất gia cầu đạo tại chùa Long Phước (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Với tấm lòng quyết chí cầu đạo và chuyên tu, Ngài sớm được các bậc cao Tăng ở nhiều nơi quí mến và tên tuổi vang xa. Trước tình hình Phật giáo ngày một suy, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với nhiều vị cao Tăng đương thời như: Khánh Anh, Thiện Chiếu… quyết tâm chỉnh đốn tình hình sao cho đúng theo chánh pháp của đức Phật, đào tạo nhiều Tăng tài để phục vụ, cần mẫn dịch kinh ra chữ Quốc ngữ để phổ biến cho đại chúng. Từ phong trào chấn hưng Phật giáo và tấm gương sáng ngời của Hòa thượng Khánh Hòa đã để lại những bài học quý báu trên bước đường tu học. Đặc biệt, ngài luôn dành sự quan tâm đối với hoạt động Phật sự của Ni giới, với mong ước thành lập Ni bộ. Vì thế, năm 1939, Ngài thành lập Ni viện Vĩnh Bửu (xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) để đào tạo Phật học cho Ni chúng. Tuy nhiên, chiến tranh đã làm trở ngại công việc này, Sư bà Diệu Ninh-người kế nghiệp Tổ để quản lý Ni viện này và chư Ni đi về Sài Gòn để tu học và làm Phật sự tại Chùa Từ Nghiêm. Chùa Bạch Vân, thành phố Bến Tre, được khai sơn năm 1954, là nơi mà hai vị Sư bà Diệu Minh cùng Diệu Ninh tích cực hoạt động Phật sự, làm từ thiện xã hội và đào tạo Ni chúng, tạo nền tảng phát triển Ni giới Bến Tre về sau này. Một sự kiện đặc biệt, trên nhu cầu cần có một tổ chức để qui tụ và lãnh đạo Ni giới Việt Nam thừa hành Phật sự, vào năm 2009, sau khi Phân ban đặc trách Ni giới Trung ương ra đời, thì tại Bến Tre Phân ban đặc trách Ni giới tỉnh cũng được thành lập do Ni trưởng Thích Nữ Như Ngọc làm Trưởng Phân ban. Từ đây, Ni giới Phật giáo Bến Tre đã có một tổ chức nằm trong cơ cấu của Ban Trị sự tỉnh, thống nhất và tập hợp sức mạnh để hoạt động Phật sự. Văn phòng Phân ban đặt tại chùa Bạch Vân, phường 6, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, gồm: Ban Chứng minh 02 thành viên, Ban thường trực 18 ủy viên chính thức và 8 ủy viên dự khuyết. Qua ghi nhận lại, ngày đầu thành lập, toàn tỉnh có 66 ngôi chùa, 8 tịnh xá, 2, tịnh thất, 2 niệm Phật đường do chư Ni làm trụ trì. Theo lệ, vào mùa an cư kiết hạ, chư Ni tập trung an cư tại trường hạ Chùa Bạch Vân theo đúng định chế và thực hiện bố tát đầy đủ. Để hoạt động của Phân ban Ni giới đi vào nền nếp, các ủy viên đều thực hiện tốt Quy chế hoạt động, báo cáo đầy đủ đúng thời gian quy định, duy trì chế độ họp mỗi tháng một lần vào ngày 2 dương lịch. Hàng tháng tổ chức bố tát 2 kỳ vào ngày 15 và cuối tháng tại chùa Bạch Vân, mang đậm sắc thái truyền thống tu tập của Bắc tông, có khoảng 70 vị tham gia thính giới. Mọi hoạt động Phật sự đều tuân thủ sự hướng dẫn của Phân ban Ni giới Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre. Nhờ đó, hoạt động của Phân ban thật sự mang lại hiệu quả, đạt được một số thành tựu đáng kể và đã cho thấy việc lấy giới luật lẫn tinh tấn tu hành làm mục tiêu tối thượng.
Để Phật pháp ngày càng hoằng truyền rộng rãi trên ba đảo dừa xanh, chư Ni Bến Tre luôn quan tâm đến vấn đề hoằng pháp, tạo điều kiện cho Phật tử tu học qua việc mở các đạo tràng niệm Phật, thọ Bát quan trai, khóa tu một ngày an lạc, lớp học giáo lý… Năm 2012-2013, Phân ban Ni giới phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức khóa tu mùa hè tại chùa Phú Thọ (huyện Bình Đại), Kim Long (huyện Chợ Lách) có khoảng 1.100 em tham gia sinh hoạt. Chùa Từ Huệ (huyện Châu Thành) tổ chức lớp học giáo lý đều đặn vào mỗi buổi chiều chủ nhật hàng tuần để Phật tử có cơ hội tìm hiểu giáo lý Phật đà. Năm 2016, Ni giới Bến Tre tổ chức được 40 đạo tràng, có 64.900 lượt người thính pháp. Ngoài các khóa tu học, các chùa còn tổ chức các ngày lễ lớn trong năm như: lễ Phật đản, lễ Vu lan, rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng mười. Tất cả những lễ hội này đã trở thành nét văn hóa truyền thống Phật giáo ở địa phương, thu hút sự đón nhận của Phật tử và truyền đi những thông điệp mang tính nhân văn. Các chùa cũng chú trọng đến việc tổ chức lễ húy nhựt ân sư tiền bối thủ công nhằm tri ân tiền nhân trong tinh thần trang nghiêm, tiết kiệm.
Nhằm duy trì và kế thừa mạng mạch Phật giáo, Phân ban Ni giới rất quan tâm đến vấn đề giáo dục Ni chúng. Đến nay đã có 14 Ni sinh khóa II tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, còn có nhiều vị đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, các trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học ở các tỉnh thành khác. Chư tôn đức Ni luôn tập trung xây dựng và trùng tu tự viện ngày một khang trang, ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Theo báo cáo chưa đầy đủ, hiện nay có 52 tự viện do chư Ni quản lý được chính quyền công nhận là Nơi thờ tự văn minh. Bên cạnh hoạt động Phật sự sôi nổi, chư Ni Bến Tre thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội, thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của Đức Thế tôn. Hoạt động từ thiện xã hội rất đa dạng, thực hiện ở nhiều mặt như: tặng quà cho người nghèo, xây cầu, nhà tình thương, làm đường, phát học bổng, bếp ăn từ thiện. Trong hai năm 2015, 2016 tổng trị giá từ thiện xã hội được quy thành tiền khoảng 12 tỷ đồng/năm.
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, tuy thời gian không dài nhưng đã để lại nhiều dấu ấn. Chư tôn đức Ni luôn gắn bó chặt chẽ với nhau trong công tác Phật sự và xã hội, không ngừng khắc phục khó khăn, vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những thành tựu viên mãn này đều để phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sinh. Trong giai đoạn mới, Ni giới Bến Tre sẽ có những đổi mới, năng động để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Hơn nữa, luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp mà chư vị tiền bối đã dày công vun đắp và trao truyền cho hậu thế. Tóm lại, Ni giới Bến Tre là một bộ phận không thể tách rời của ngôi nhà Phật giáo Bến Tre lẫn Ni giới Việt Nam. Sự phát triển của Ni giới chính là sức mạnh, động lực góp phần vào sự nghiệp trang nghiêm Giáo hội, làm cho đạo pháp xương minh trên vùng đất Bến Tre còn nghèo khó và bao khó khăn do chiến tranh tàn phá. Với tinh thần và lòng nhiệt huyết, Ni giới Bến Tre nguyện đem hết tâm sức để đưa Phân ban Ni giới phát triển lên một tầm cao mới.
Thích Nữ Như Uyên
(UV.BTS, Phó Phân ban kiêm chánh thư ký Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre)