Thứ Bảy, 1 Tháng Tư 2023
Phật học Di sản văn hóa Những dấu ấn đầu tiên Phật giáo tại Đảo Tích Lan

Những dấu ấn đầu tiên Phật giáo tại Đảo Tích Lan

  Không như Ấn Độ – cái nôi của đạo Phật lại trở thành quốc giáo vào sau khoảng 300 năm Phật nhập diệt, Phật giáo tại Đảo quốc Tích Lan đã sớm công nhận quốc giáo từ ngay những buổi đầu du nhập dù đó là một tôn giáo ngoại lai. Sự ưu ái này đã cho thấy giá trị lớn lao của đạo Phật trong đời sống quần chúng đương thời. Song, những thông tin và dữ liệu tạo nên sức ảnh hưởng này cũng rất cần được xác minh bởi các tư liệu được xếp vào hàng chính sử.

Nguồn tư liệu được đề cập và quan tâm nhiều nhất của giới nghiên cứu về Phật giáo ở Đảo quốc sư tử là Dīpavaṃsa và Mahāvaṃsa. Trong đó, Dīpavaṃsa đã đề cập “ba lần viếng thăm của đức Phật, sự thiết lập Phật giáo ở đảo, triều đại các vị vua cùng một số hoạt động liên quan đến Phật giáo và kết thúc ở triều vua Mahasena1.” Các tư liệu liên quan phần lớn lại mô tả rất kỹ hành trình truyền bá đạo Phật đến Tích Lan của Trưởng lão Mahinda – con trai A Dục Vương Đại đế vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Dầu vậy, một số học giả về sau cho rằng, với danh tiếng và cống hiến của Asoka, “Có thể dân chúng Tích Lan đã biết đến Phật giáo và mặc dầu có một số Phật tử sống rải rác trong nước, nhưng không có hàng Tăng sĩ, nên vua không cho xây dựng chùa chiền, tự viện2.” Cũng có thể vì muốn quan trọng hóa nhân vật Mahinda – con một đại vương danh tiếng nên đã không nhắc đến người tiền nhiệm hoặc các hình thức Phật giáo đã tồn tại lúc bấy giờ.

Tượng phật Avukana từ thế kỷ thứ 5.

Song, lý luận cho cùng thì phần đông vẫn cho rằng, mốc son chính thức đánh dấu Phật giáo có mặt ở Tích Lan được biết đến qua sự kiện truyền giáo của Mahinda vào ngày trăng tròn tháng Yettha năm 236 PL (thế kỷ III thời Vua A Dục). Phái đoàn gồm 7 người, ngoài Ngài Mahinda còn có 4 vị Tỳ kheo, đủ túc số Tăng để truyền thọ giới pháp xuất gia; một vị Sa di Sumana – con trai của Sanghamitta làm thị giả và một cư sĩ Panduka-cháu của Ngài Mahinda, sau này cũng xuất gia ở Sri Lanka có thể theo phái đoàn để khuân vác hành lý. Việc phái đoàn được cử đi với số lượng người như thế là một con số vừa đủ với nhu cầu cần thiết. Xét kỷ, “Tất cả thành viên của phái đoàn đều thuộc hoàng tộc, chứng tỏ tầm quan trọng của Asoka trong việc phổ biến Phật giáo tại Sri Lanka. Đó không những là phái đoàn truyền Phật giáo bình thường mà còn là phái đoàn ngoại giao cao cấp3.”

Nhờ mối quan hệ thân hữu với vua A Dục từ trước nên phái đoàn được vua Devanampiya Tissa đón tiếp rất nồng hậu. Chỉ qua buổi đàm đạo đầu tiên, Mahinda thấy nhà vua có thể tiếp thu Phật pháp, bèn thuyết giảng cho vua nghe ‘Tượng Tích Dụ kinh’ (Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi). Đây là bản kinh đầu tiên được nói ra khi Phật giáo mới truyền vào. Nội dung bài kinh giảng về Tam bảo, phương pháp quy y Phật pháp, phép tắc của Tỳ-kheo xuất gia, khuyên Tỳ-kheo nên tu tịnh hạnh để đạt tới Niết-bàn. Trong kinh còn nói về Tứ thánh đế. Mahinda đặc biệt còn nói cho vua biết về việc hoàn thiện tổ chức Tăng đoàn. Nghe xong nhà vua và các quan đều hoan hỷ quy y Phật pháp. Những động thái tích cực này cho thấy, chính tầng lớp vua quan, trí thức là những thành phần đầu tiên thọ nhận niềm tin và những giá trị chơn chánh của Phật pháp. Nói khác, họ là những Phật tử đầu tiên chính thức dự vào một trong 7 chúng đệ tử của đức Phật tại Tích Lan.

Sự hoan hỷ và thành tâm của nhà vua đã khiến cho Ngài Mahinda nhận thấy rằng Phật giáo có thể đặt nền móng tại đất nước nầy. Tiếp nối thuận duyên đó, Mahinda đã giảng hai bộ kinh: ‘Ngoạ quỷ sự và Thiên cung sự’ với nội dung mô tả cảnh giới thọ báo con người sau khi chết. Kích thích được tâm lý người nghe bằng những tín ngưỡng vốn có, Ngài Mahinda đã dẫn dụ được hội chúng đi từ niềm tin thuần túy tín ngưỡng dân gian đến một niềm tin đầy tuệ tri và minh triết. Thông qua đó, họ biết được rằng, sự tái sanh vốn lấy hành nghiệp làm nền tảng, y theo nghiệp sở tác mà con người thọ lãnh cảnh giới tương ưng.

Sau khi thức tỉnh được dân chúng ra khỏi các tín điều mụ mị, Ngài Mahinda tiếp tục trình bày về Tứ Thánh đế và Luân hồi. Với cặp nhân quả này, Ngài chỉ rõ cho mọi người: Muốn đoạn diệt luân hồi, phải tu chứng đắc Tứ Thánh đế, siêu phàm nhập thánh. Thấy người nghe chăm chú, Ngài lại kết hợp giảng kinh Thiên sứ, giúp mọi người hiểu rõ nhân quả thiện ác và việc bỏ ác làm thiện có thể mang lại niềm hạnh phúc cho hiện tại và tương lai.
Có thể nói, chính những bài pháp giản dị mà thâm thúy buổi đầu đã gợi mở một bức thông điệp lớn cho dân chúng Sri Lanka về niềm tin, về chánh kiến, giá trị tu tập và đặc biệt là hóa giải được những xiềng xích của chế độ giai cấp, phân biệt sắc tộc, chủng tánh. Để tỏ lòng kính trọng đối với những công lao này, nhà vua thỉnh phái đoàn về tại khu vườn Đại Vân để vua thân cận cử hành điển lễ, cung kính cúng dường. Nhân đó, vua Devanampiya Tissa tuyên bố thành lập Phật giáo ở Sri Lanka.

Như vậy, ngoài việc phải tri ơn đến vua A Dục, phái đoàn Ngài Mahinda, … tín đồ Phật giáo tại Sri Lanka phải cảm ơn sâu sắc đến vị vua Devanampiya Tissa. Chính ông là người đầu tiên đón nhận Phật giáo, người đầu tiên cảm nhận được giá trị của giáo lý, cho phổ cập giáo lý và tạo cơ hội để Phật giáo được cắm rễ nhanh chóng trên đất nước mình. Bên cạnh đó, nhà vua cũng trợ duyên cho Mahinda mở giới trường, xây dựng đạo tràng Phật giáo ở Sri Lanka. Đó là ngôi Đại Tự (Mahāvihāra)- ngôi chùa đầu tiên có mặt trên Đảo quốc và cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục của Phật giáo Thượng tọa bộ Tích Lan về sau.

Đại bảo tháp ở Anuradhapura, Sri Lanka (khoảng 140 TCN). Ảnh: www.wikipedia.org

Từ những bước đổ bộ đầu tiên đó, coi như Phật giáo được định hình nhưng thực chất những điều này chưa được khả quan để làm nên một đạo Phật vững mạnh vùng quốc Đảo. Cuộc trò chuyện giữa nhà vua và Mahinda đã cho thấy có điều thiếu sót được đề cập ở đây. Nhà vua hỏi: “Phật giáo tới mức như vậy đã phải là được thành lập ở Sri Lanka chưa? Mahinda thưa: Tuy tới mức như vậy, nhưng chưa thể gọi là Phật giáo đã được thành lập ở Sri Lanka. Vì muốn xây dựng vững chắc Phật giáo thì trong số thiện nam tử, thiện nữ nhân, phải có người xuất gia, tu học Phật pháp và phụng hành giới luật4.” Chính cuộc đàm đạo đã khơi dậy hai vấn đề, một mặt đề cao vai trò và bổn phận của người xuất gia, mặt khác lại chỉ rõ thực trạng Phật giáo Tích Lan chưa có hệ thống Tăng già thực sự. Nhận thấy được sứ mạng lớn lao của người tu sĩ trong mạng mạch kế vãng khai lai, tiếp nối gia tài pháp bảo, vua đã cho phép và khuyến khích người dân Sri Lanka y pháp xuất gia. Chỉ 26 ngày, sau khi Trưởng lão Mahinda đến kinh thành Anuradhapura thì mùa An cư vừa tới. Ngài bèn trở về núi Missaka. Đây là nơi đầu tiên cử hành mùa an cư đầu tiên tại Tích Lan với số chúng trong giáo đoàn lên đến 62 vị. Một con số không lớn nhưng đánh dấu được sự có mặt của Tăng chúng tại Đảo quốc sư tử.

Sau 3 tháng An cư, Trưởng lão Mahinda xin nhà vua cho xây dựng bảo tháp để cúng dường Xá Lợi Phật do Sa di Tumana thay mặt Ngài Mahinda và đức vua sang thỉnh xá lợi ở vua Asoka. Ngôi tháp Phật được xây dựng trên núi Missaka. Sau này, ngọn núi đó được đổi tên là núi Tháp (Tháp Sơn, Cetiya-Pabbata), tức ngôi tháp Phật ở trong chùa Tháp (Thùparàma) ở Anuràdhapura ngày nay. Đây là ngọn tháp thờ xá lợi Phật đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Sri Lanka.

Về sau, bảo tháp mọi người biết đến nhiều là của Ngài Mahinda, được tôn thờ ở Anuradhapura và nhiều nơi khác trong nước. Điều này đã góp phần cho khảo cổ học xác minh được dấu ấn lịch sử cũng như đánh dấu sự thành công của phái đoàn truyền giáo do Asoka gửi tới quốc đảo. Mặt khác, tỏ lòng ghi tạc công ơn của một thái tử, một nhà tu chân chánh đã sống và cống hiến hết mình cho Tích Lan gần 50 năm5. Đó là một sự hi sinh lớn lao bao hàm trên nhiều phương diện mà nói một cách văn chương thì đó là một sự hiến dâng: hiến dâng những người con cho đạo pháp của Asoka, hiến dâng những người con Phật biết làm giàu mảnh đất tâm linh cho xứ ‘Đảo quốc sư tử.’


Sự xuất hiện của Mahinda không những đem đến cho Tích Lan một tôn giáo mới mà còn đánh dấu trang sử mới về nền văn hóa, văn minh xán lạn đương thời. Điều này được nhìn thấy từ các công trình tự viện, nghệ thuật kiến trúc bảo tháp, thiết kế thành Anuradha-pura… cho đến việc tạo tiền đề khai sinh ra nền văn học Tích Lan qua các bộ luận sớ Tam tạng và Tam tạng chú thích (Aṭṭhakātha). Ngài được xem là cha đẻ của nền văn hóa Tích Lan, “có công xây nền đắp móng cho Thượng tọa bộ thuộc Nam phương Phật giáo6.” Hòa vào những đóng góp đáng nhớ ấy, Luận sư “Buddaghosa nói Mahinda mang đến cho Tích Lan luận sớ Tam tạng được dịch sang tiếng Tích Lan cho dân chúng được thừa hưởng pháp lạc, biến tiếng Tích Lan thành nghĩa văn học và có lẽ Ngài đã đem cho Tích Lan mẫu tự Asoka7.”

Bày tỏ lòng tri ân ở phương diện xa hơn thì Ngài Mahinda cũng đã có công rất lớn trong việc kết nối và thành lập Ni đoàn. “Tóm lại, Mahinda đến Sri Lanka đã làm tăng cường quan hệ hữu hảo giữa hai nước Ấn Độ và Sri Lanka, mở ra cho nhân dân Sri Lanka nền tín ngưỡng Phật giáo vĩ đại, giúp cho văn hóa Sri Lanka phát triển và mang đậm màu sắc Phật giáo8.”

Riêng nói về Ni đoàn, được thành lập sau sự phát tâm xuất gia của vương phi Anula và một số cung nữ, dưới sự hướng đạo của Tỳ kheo Ni Sanghamitta – em gái Ngài Mahinda, được vua mời từ Ấn Độ. Trong chuyến đi này, Sanghamitta đã mang theo nhánh Bồ đề9 nơi Phật thành đạo và đã làm lễ xuất gia cho vương phi và các cung tần. Họ là những Tỳ-kheo Ni đầu tiên của Ni giới Tích Lan. Về sau, vua cho sửa sang, mở rộng ‘Ưu-bà-di tịnh xá’ và đổi tên thành Bhikkunipassaya (Tỳ-kheo Ni tự)- ngôi chùa Ni đầu tiên tại Tích Lan do Tỳ kheo Ni Sanghamitra lãnh đạo Ni đoàn. Trong vai trò cao cả ấy, Sanghamitta thật xứng đáng trong lời đánh giá: “Bước theo dấu chân của Đức Phật, kính nhường, đối xử thanh nhã với nữ giới và soi sáng cho họ con đường đến thanh bình an lạc, trong sạch và thánh thiện, Đức bà Sanghamitta tận lực nâng cao nữ giới từ thấp lên những tầng lớp cao của đời sống10.” Có thể nói, không thua kém anh trai mình trong sự nghiệp cống hiến cho đạo Phật tại Sri Lanka, Trưởng lão Ni Sanghamitta cũng đã hết lòng phụng sự cho Ni giới và trút bỏ hơi thở cuối cùng trên xứ Tích Lan sau một năm Trưởng lão Mahinda viên tịch, tức vào năm PL 347. Ngôi tháp xá lợi hiện vẫn còn trước chùa tháp.

Ngày nay, Ni giới đã biệt tích trên vùng quốc Đảo nhưng nhánh Bồ đề được trồng ở Anuràdhapura là tín vật đánh dấu mối quan hệ giữa hai nước, đánh dấu sự có mặt một thời của Ni đoàn và cũng “… được coi là tượng trưng cho việc Phật giáo bén rễ chắc chắn bền vững ở Xây Lan (Tích Lan11).” Ngoài ra, cây Bồ đề, xá lợi Phật là những bảo vật vô giá củng cố thêm tín tâm và lòng nhiệt thành đối với Phật giáo của đất nước này. Nói khác, “Cây Bồ đề không những tượng trưng cho tâm giác ngộ và lòng từ bi mà đức Phật truyền dạy cho chúng sanh mà còn tượng trưng cho chính sách trị nước của Đại đế Asoka dựa trên đạo đức Phật giáo mong cho toàn nhân loại chung sống hòa bình trong tình hữu nghị, từ đó có được ấm no, hạnh phúc bền vững muôn đời. Với tinh thần đó, các nhà Sư và một số chính khách am hiểu văn hóa Phật giáo và tôn kính đại đế Asoka đã tặng cây Bồ đề cho nhiều nơi trên thế giới12.”

Tưởng chừng, sau các cuộc phục hưng Phật giáo, Ni giới Tích Lan sẽ được trở về cội nguồn nguyên thủy, sẽ được thắp lên ngọn đuốc sáng như thuở Phật giáo buổi bình minh nhưng đáng tiếc sự vắng bóng của Ni đoàn đã mang lại một thiệt thòi lớn cho các tu nữ vùng đảo quốc ngày nay. Dầu vậy, lịch sử vẫn phải thừa nhận: “Ni đoàn theo truyền thống Theravada do công chúa Sanghamitta thành lập không những phát triển mạnh tại Sri Lanka, mà còn phát triển qua Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, … Như thế, sự đóng góp của công chúa Sanghamitra vào sự quảng bá Phật giáo tới Sri Lanka và thế giới là vô cùng quý giá, cho nên, tên của công chúa được đồng nghĩa với “Ni đoàn Phật giáo Theravada.13

Tóm lại, sự thành công của phái đoàn truyền giáo và của hai anh em Ngài Mahinda được thấy rõ ở giai đoạn du nhập qua sự xuất gia của người dân Tích Lan với đầy đủ 4 chúng. Do đó, phải ghi nhận rằng, “Trong lịch sử, không bao giờ có trường hợp hai anh em nhiệt thành với nhiệm vụ hoằng dương đạo pháp ở xứ ngoài và tạo được thành quả thâm sâu, rộng lớn và lâu dài như Mahā Mahinda và Sanghamitta14.”

Như Hạnh


  1. Tỳ kheo Indacanda. (dịch), (2010). “Sử liệu về đảo Lanka”, NXB. Tôn giáo, tr. xiv.
  2. Trần Quang Thuận. (2008). “Phật giáo Tích Lan”, NXB. Tôn giáo, tr. 68.
  3. Lê Tự Hỷ. (2020). “Đại đế Asoka – từ huyền thoại đến lịch sử”, NXB. Đà Nẵng, tr. 300.
  4. Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải. (2008). “Lịch sử Phật giáo Thế giới”, NXB. Khoa học xã hội, tr. 568.
  5. Mahinda tới Sri Lanka năm 32 tuổi, Ngài viên tịch năm 80 tuổi ở Cetiyapabbata (núi Tháp Sơn), với 60 hạ lạp. (Nhằm năm thứ tám dưới thời vua Uttiya, năm PL 346 – tức năm 199 TCN.
  6. Thích Thanh Kiểm. (soạn), (2015). “Lược sử Phật giáo Ấn Độ”, NXB. Tôn giáo, tr. 95.
  7. Trần Quang Thuận. (2008). “Phật giáo Tích Lan”, NXB. Tôn giáo, tr. 84.
  8. Pháp sư Thánh Nghiêm, sđd, tr. 570.
  9. H.G. Wells: Cây này, hiện còn sống với lịch sử xưa nhất thế giới. Trích trong Lê Tự Hỷ. (2020). “Đại đế Asoka-từ huyền thoại đến lịch sử”, NXB. Đà Nẵng, tr. 305.
  10. Phạm Kim Khánh. (dịch), (2009). “Phật giáo nhìn toàn diện”, NXB. Phương Đông, tr. 592.
  11. Pháp sư Thánh Nghiêm, sđd, tr. 569 – 570.
  12. Lê Tự Hỷ, sđd, tr.305-306
  13. Sđd, tr. 303
  14. Phạm Kim Khánh, sđd, tr. 592.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!