HĐ Cà phê mùa hoa nở
Theo bước đường năm xưa
Pháp Hoa chùa tĩnh lặng
Trải qua cùng “Hai Cô”.
Biết đến chùa Pháp Hoa là một nhân duyên bất ngờ. Hôm ấy, Thầy con ngẫu nhiên gặp được hình ảnh của ngôi chùa tại một trang trên facebook, hình ảnh được chụp khá nghệ thuật. Ánh hoàng hôn bao trùm lên khung cảnh, ngôi chùa được phủ một màu cam vàng nhạt đẹp rung động lòng người. Thầy nhìn hình mà cảm khái: “ Con sẽ không tưởng được sự hình thành Đạo tràng Pháp Hoa này kỳ diệu ra sao đâu.” Nhìn đứa trẻ ngây ngô đầy lòng hiếu kì, Thầy mỉm cười và kể con nghe một câu chuyện về những gian nan, tuyệt vời của hai vị Ni trưởng thành lập chùa Pháp Hoa khiến người nghe phải kính phục.
Trở về 50 năm trước, vào thời kì kháng chiến, hai vị Sư còn rất trẻ, tuổi đời vừa tròn 30 đã dũng mãnh rời thành phố rộn ràng, đi đến vùng cao nguyên hoang sơ hẻo lánh tìm cho mình chốn chân tu thanh tịnh. Đến với Di Linh, lúc đó mọi thứ đều bao phủ với hàng ngàn cánh rừng, hai Ngài (Ni trưởng Thích Nữ Như Đức và Ni trưởng Thích Nữ Minh Hiền hiện tại) trong túi vỏn vẹn chỉ có 150 ngàn đồng bằng giá trị của 15 cái mền hai da nên chỉ có thể mua một thửa đất xa tít trong vùng quê heo hút, dựng một căn nhà bé như cái lều bằng ván bìa rồi lợp tranh men theo bờ suối Đa Ri. Phong cảnh thiên nhiên của đất rừng rất thanh bình, mát mẻ, trong lành càng thích hợp cho việc ẩn tu. Sau này lũ lụt lên cao, nhị vị đành chuyển dời tịnh thất đến cạnh bìa rừng.
Ngày ấy, nơi chốn hoang sơ suốt ngày luôn vang vọng tiếng chim ca, vượn hú, thỉnh thoảng có cả tiếng thú dữ gầm gừ. Đường đi nhỏ khó khăn đầy trơn trượt trong một đám cỏ hoang đầy sên vắt đua nhau sinh trưởng tháng năm trên những bụi gai. Hoàn cảnh bấy giờ rất khó vượt qua, hai vị huynh đệ độ tuổi thanh xuân phải nương tựa nhau mà sống để tu tập. Bởi vì một lòng hướng về Phật pháp nên mọi sự khó khăn đều trải qua như những cơn sóng to gió lớn làm biển động, sau rồi cũng lặng êm.
Hai mươi năm không có điện, chỉ dựa vào ánh đèn dầu mờ ảo soi rọi quyển kinh Pháp Hoa đọc tụng hằng đêm. Sẽ là một ý chí kiên cường đến thế nào thì gặp phải cảnh rắn độc lẻn vào gầm giường mà không hoảng hốt, dũng khí đối mặt rồi thản nhiên chấp nhận, thích nghi hoàn cảnh, tinh tấn tu hành!
Nghe đến đây con không thể ngừng được sự thán phục đầy kính nể đối với quý Ni trưởng đạo tràng Pháp Hoa! Một cuộc sống không thể tưởng đối với độ tuổi thanh niên hiện giờ. Đặt trường hợp bản thân vào hoàn cảnh đó, con chỉ cảm thấy thật sợ hãi. Những người hùng của đạo pháp đã vượt qua những chướng ngại, hướng đến sự tu tập, truyền trao Phật pháp.
“Một lòng vì đạo xả thân
Việc chi cũng bỏ chỉ cần từ bi.”
Ngày xưa huyện Di Linh chưa hình thành nên chùa Ni, ngay lúc đó nhị vị Ni trưởng bước đến như đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển chánh pháp. Mọi người đều ngỡ ngàng xem đó là điều không tưởng.
Ngày ấy khó khăn cách trở, vượt núi rừng tạo dựng nơi tu, một lòng vì chánh pháp, quý Sư không ngừng nỗ lực để tạo dựng nên một cơ sở của chư Ni. Trải qua bao năm, mọi thứ dần ổn định, nhận thấy gương hạnh mẫu mực của nhị vị, hàng giáo phẩm đã đề đạt quý Ngài trở thành người có trách nhiệm trong Phân ban Ni giới. Lấy chùa Pháp Hoa làm cơ sở chính của chư Ni, là địa điểm An cư kiết Hạ. Ngày bố tát hàng tháng, Ni chúng vùng Di Linh đều tề tựu về đây để cùng tụng giới, nhắc nhở nhau sống trong tinh thần của giới luật, trang nghiêm Giáo hội.
Quý Sư mặc dù vừa bận rộn công việc chùa, vừa làm việc Phật sự của tỉnh, thế nhưng với lòng từ trải khắp, muốn đem sự mầu nhiệm của đạo pháp hoằng hóa chúng sanh nên đạo tràng Phật tử chùa Pháp Hoa được hình thành! Có một điều đặc biệt trong đạo tràng đó là số lượng người đồng bào K’Ho quy y Tam bảo rất đông. Vào những năm đầu chỉ có vài hộ quy y nhưng dần sau đó, nhờ vào lòng từ bi với tinh thần “tự lợi và lợi tha” quý sư đã không ngừng khuyến khích, giáo hóa người dân đi đến con đường giác ngộ.
Đến với Đạo tràng, Phật tử được quý Sư quan tâm hết mực, tựa như người mẹ hiền thương yêu người con. Các Phật tử được quý Sư tận tình chỉ bảo học tụng kinh. Ai cũng được Sư dạy cho cách đánh mõ để dễ dàng theo nhịp khi niệm Phật. Nói đến đây Thầy lại bảo: “Con biết không, chùa này đã có một cái rất đặc biệt. Đó là lấy gáo dừa làm mõ, rất mộc mạc đáng quý.” Con ngạc nhiên hỏi nguyên do thì Thầy kể. Hóa ra do số lượng Phật tử ngày càng đông mà số lượng mỏ có hạn nên quý sư mới nghĩ ra cách này. Quả thật là đáng quý! Nghe nói, sau này có quý thiện tâm đã cúng rất nhiều mõ hình con cá nên những mõ gáo dừa đã được lưu lại trong kho.
Trải qua bao năm, hiện tại Đạo tràng Pháp Hoa trở thành nơi tu tập đông nhất của người K’Ho trên miền đất Tây Nguyên. Hơn 1000 Phật tử đồng bào đã quy y xin theo tu học. Điều này đã trở thành một trong những việc thành tựu nhất trong sự hoằng dương Phật pháp.
Quá khâm phục hình ảnh hai vị tôn đức cao cả! Với sự khát khao được tận mắt thấy nghe hình ảnh chân thực, con bèn xin phép Thầy đi đến chùa Pháp Hoa.
Ngôi chùa được tọa lạc trên mảnh đất an bình tại thị trấn Di Linh. Hỏi người dân tại đây đường đến chùa Pháp Hoa, lúc đầu họ ngỡ ngàng, rồi tận tình chỉ đường cho con, sau đó cười bảo: “Ở đây gọi chùa Pháp Hoa là chùa Hai Cô”.
Rời quốc lộ 20, rẽ sang phải của bệnh viện là con đường bê tông trải dài hơn 600m đã được tân trang kiên cố. Thấp thoáng qua màu xanh của những hàng cây cà phê tươi tốt hai bên đường, chúng ta sẽ thấy được hình ảnh bức tượng của Bồ tát Quán Thế Âm, mái ngói đỏ hồng của ngôi chùa. Đến với chốn thiền môn tại đây, bạn sẽ cảm nhận được sự an bình và thanh tịnh vô cùng với những làn gió thanh mát mang theo hương hoa nhẹ nhàng cùng với bầu không khí hòa quyện cả thiên nhiên. Dường như ngôi chùa được tách khỏi chốn trần gian náo nhiệt mà sừng sững tọa lạc một tiên cõi. Nơi đây khung cảnh vô cùng yên bình, không mang theo hơi thở của tiếng ồn ào, khói bụi của chốn phố thị.
Hôm ấy con có đủ phước duyên nên khi đến chùa đã được diện kiến nhị vị Ni trưởng. Thật là niềm vui to lớn cho một đứa nhỏ như con! Hạnh phúc trào dâng khi con được quý Sư dạy bảo trên đường tu, kể con nghe biết bao là câu chuyện ngày xưa. Con vẫn nhớ như in hình ảnh Ni trưởng Minh Hiền hồi tưởng lại năm ấy, Ngài nói một cách nhẹ bâng:
“Ngày ấy chùa không được như vầy đâu, chỉ lợp bằng ván bìa rồi che bạt đỡ thôi. Xung quanh toàn là núi rừng, thời đó ăn toàn khoai mì, bo bo. Nhang cũng không có để đốt.” Nói rồi Ngài quay sang cười với Ni trưởng Như Đức rồi cảm thán: “Không biết sao hồi đó hai đứa mình gan quá ha!”.
Tình cảm huynh đệ gắn bó bền lâu trong bao sự khó khăn vất vả khiến con vô cùng xúc động. Về đạo tràng Phật tử, con có thắc mắc đến sự truyền bá Phật pháp đối với người đồng bào K’Ho, Sư kể:
“Thương lắm con ơi. Họ có duyên khá sâu với Phật đấy! Chăm chỉ tu học và luôn đoàn kết thương yêu nhau.”
Qua Sư, con được biết, sau khi Phật tử quy y Tam bảo xong là tự động quay về bán trâu hết, chẳng nuôi nữa và hạn chế luôn cả việc ăn thịt uống rượu. Quả là một sự diệu kì! Con nghĩ nhờ đức độ của quý Ngài đã cảm hóa được quý Phật tử, tình yêu thương của Ngài bao bọc lấy trái tim từng người dân nơi đây.
Cuộc sống của đa số Phật tử tại đây luôn cận kề với những khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc. Thấu hiểu hoàn cảnh sống ấy và cũng để mọi người yên tâm tu học, Ni trưởng Thích Nữ Minh Hiền và Ni trưởng Thích Nữ Như Đức đã nỗ lực vận động rất nhiều trong khả năng giới hạn của mình để giúp bà con phần nào giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Đạo tràng Phật tử chùa Pháp Hoa sinh hoạt, tu học vào thứ 7 hàng tuần và hàng tháng có một ngày thọ Bát Quan Trai. Một hình ảnh trên cả tuyệt vời khi từ người già đến trẻ em cùng niệm chú Đại bi trong tiếng mõ vang rền, theo hiệu lệnh của Ni trưởng Thích Nữ Minh Hiền với những tiếng chuông, tiếng khánh mà cùng nhịp nhàng lạy Phật, đi kinh hành đều nhịp bước, niệm hồng danh Phật.
Qua những lời kể và sự chứng kiến tận mắt, dường như bản thân con đã thấy được bao chặng đường đầy khó khăn của chùa Pháp Hoa. Từ thời kì kháng chiến cho đến thời đại tiên tiến, đạo pháp vẫn mãi trường tồn và ngày càng phát triển. Nhờ có sự hy sinh của quý Ni trưởng, không ngừng truyền trao Phật pháp mà giờ đây nhiều người được hiểu rõ Chánh pháp, sống một đời sống tu tập đáng quý.
Trên đây là những thước phim chân thực và đáng quý nhất trong cuộc sống. Vạn lời chân thành cảm phục với tấm lòng cao cả của quý Ni trưởng và vô cùng khen ngợi đối với những tấm chân tình của quý Phật tử với đạo pháp. Con xin thành tâm cầu nguyện mười phương chư Phật gia hộ cho quý Ni trưởng sức khỏe khinh an tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành, mãi là những cây đại thụ che chở cho chúng con trên bước đường tu tập giải thoát, mong cho quý Phật tử luôn mãi vững tâm trên con đường học Phật tu nhân.
Chân Mỹ