HĐ Nghệ thuật là một mảng triết lý nhân văn, được con người khám phá trong thời cổ đại từ tín ngưỡng tôn giáo. Trong khi nghệ thuật có chủ đích hướng về cái đẹp thì tôn giáo hướng đến cái Thiện. Giữa cái đẹp nhất thời và cái đẹp miên trường, chất nghệ thuật mà tôn giáo lựa chọn như là một đại bộ phận môi giới, kích thích cho nhân sinh tìm về cửa ngõ Chân-Thiện-Mỹ. Dù rằng, tôn giáo không nhất thiết phải cần đến nghệ thuật, nhưng sự biểu hiện của nghệ thuật có thể dẫn con người vào cửa ngõ tôn giáo.
Nằm trong guồng máy của hệ thống tín ngưỡng, đạo Phật vì thế, cũng trở thành một nguồn mạch tối ưu tạo nên những nét đẹp nhân tâm hòa lẫn văn hóa, kiến trúc tôn giáo. Bản chất của Phật giáo đối với nghệ thuật có thuận, có nghịch. Song, với tính cách coi trọng việc kiến thiết nhân cách con người trong chiều sâu tinh thần nội tại, không chú trọng đến việc sùng bái hình thức qua nghi lễ tế tự, ngẫu tượng đã làm cho Phật giáo có một tính cách riêng.
Hẳn nhiên, thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy chú trọng đến việc hành trì, tránh thanh sắc, nhưng không có nghĩa nghệ thuật không có ở thời kỳ này. Bởi lẽ, trong hành trình giáo hóa độ sanh, Đức Phật không phản đối nghệ thuật nhưng đó không phải là mục đích cứu cánh của người xuất gia. Hơn thế nữa, đạo Phật nhận diện rõ bản chất của các pháp hữu vi vốn là vô thường, khổ, vô ngã nên cố nhiên đạo Phật sẽ không sùng bái, đam mê nghệ thuật.
Hơn 25 thế kỷ trôi qua, Phật giáo đến đâu đều có một bản sắc, biểu tượng riêng tạo nên sức sống hào hùng cho dân tộc bản địa. Điều này cũng ngầm khẳng định sức mạnh thực thụ của công tác hoằng pháp lợi sanh. Trong ý nghĩa đó, kiến trúc mỹ thuật nghiễm nhiên được đón nhận làm phương tiện bảo tồn, thăng hoa giá trị đời sống tâm linh. Thay vì được biết đến đạo Phật qua âm thanh, ngôn ngữ, thì quần thể các kiến trúc mỹ thuật cũng được xem là một phương pháp tu tập gần gũi, thiết thực nhất khi con người chấp nhận đó là đối tượng có thể bảo toàn tuệ năng, tránh xa ái luyến sắc pháp.
Vốn là chiếc nôi sản sinh ra nghệ thuật Phật giáo cổ đại, Ấn Độ trở nên đa sắc màu với các quần thể kiến trúc chùa, tháp, hang động, Tăng viện, phù điêu,… Mỗi trung tâm nghệ thuật đều là một tổng thể vĩ đại, đánh dấu những giai đoạn phát triển vàng son của văn minh bản địa. Với mục đích tìm về cội nguồn lịch sử của văn hóa Phật giáo qua những chặng đường thịnh suy, thăng trầm cùng thời đại, người viết xin được “Khái quát nguồn gốc và quan điểm tạo tượng qua các thời kỳ Phật giáo” làm đề tài khảo luận. Ngõ hầu, thấy rõ được bản chất mỹ thuật đời thường và bản chất mỹ thuật Phật giáo. Tiến tới, xây dựng cho bản thân một nếp sống, một nhận thức lành mạnh trước những quy ước của thanh sắc.
1. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ
Ấn Độ vốn là đất nước có nền văn minh lâu đời, cổ kính nhất thế giới nhưng điều thiếu sót lớn nhất của quốc gia này là không chú trọng về lịch sử. Do vậy, khi tìm hiểu về “Ấn Độ và nghệ thuật” cũng như niên đại khai sinh nền mỹ thuật Phật giáo, hầu hết mốc lịch sử đều nằm trong sự ước đoán, đại khái chung: “Mỹ thuật Phật giáo sơ khởi từ thế kỷ II trước Tây lịch, là chứng tích lịch sử đáng tin nhất có thể nói lên sức sống hào hùng của các dân tộc có truyền thống văn hóa Phật giáo”1. Thông qua những chứng cứ, di vật cổ còn lại ngày nay, các học giả cho rằng: “Từ ba nghìn năm trước, những nền văn minh tối cổ của nhân loại đã tìm đến nhau, đã sống chung và hòa đồng về mọi phương diện từ nhân chủng đến văn minh, văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật”2.
Khi được chấp nhận làm một công cụ như nhịp cầu nối kết con đường hoằng pháp với nhân sinh, “Mỹ thuật phục vụ tôn giáo lại bừng sáng, tìm hình thái mới, hầu thể hiện ý thức mới. Bộ môn kiến trúc chuyển mình ngay từ giai đoạn đầu, bằng ngà bảo tháp xá lợi Phật, những thạch trụ khắc ghi giáo luật được dựng khắp nơi. Điêu khắc là bộ môn phát triển trong lòng các kiến trúc như bảo tháp, đền đài và dinh cơ triều đình”3.
Vốn mang khuynh hướng tôn giáo, những biểu tượng được kiến thiết trong Phật giáo đa phần đều nhắm đến mục đích phụng thờ và hoằng pháp. Bằng con đường này, đặc tính tư duy ngày càng trở nên quan trọng hơn trong sự sáng tạo, ngõ hầu chuyển tải các luân lí của nhà Phật. Để thể hiện rõ hơn sự phát triển này, giới nghiên cứu đã chia lịch sử nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo Ấn Độ gồm 4 thời kỳ.
Thứ nhất, thời kỳ cổ đại (bắt đầu từ thế kỷ V trước Tây lịch đến thế kỷ I Tây lịch), được nhấn mạnh vào thời kỳ Vua A-dục, đánh dấu tiền đề cho nghệ thuật Phật giáo về sau. Thời kỳ này, kỹ thuật điêu khắc trên vách đá, trụ đá cực kỳ tinh xảo. Những sản phẩm này là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ, chiếm vị trí cao trong lịch sử nghệ thuật của thế giới. Thời kỳ cổ đại xem Đức Phật là đấng tối tôn, siêu nhân nên cố ý tránh lấy hình tượng con người để mô tả Đức Phật. Do đó, còn được gọi là thời kỳ phi thánh tượng. Nghệ thuật Phật giáo thời kỳ đầu (Asoka) không hướng đến thưởng thức nghệ thuật mà chủ yếu là tượng trưng cho nhu cầu tín ngưỡng. Đó cũng là nét riêng của điêu khắc Phật giáo Nam Ấn.
Thứ hai là thời kỳ Qúy Sương (thế kỷ I – III Tây lịch), lấy 3 địa điểm: Kiên-đà-la, Mạt-thổ-la và Án-đạt-la làm trung tâm hoạt động mỹ thuật với sự xuất hiện đặc biệt của nhiều tượng Phật. Tại Kiền-đà-la, thời kỳ này lấy tượng Phật, Bồ tát làm chủ đề. Sử dụng kỹ thuật điêu khắc của người Hi Lạp để biểu hiện tín ngưỡng Phật giáo. Đến khoảng thế kỷ II TCN, tức sau Vua A-dục chừng 100 năm, lại có thêm Bharhut và cửa thép Shanchi cũng cực kỳ tinh xảo. Vốn ảnh hưởng từ các chiều kích văn hóa Nam Ấn Độ và Đại Nguyệt Thị trong quá trình xâm nhập và tạo lập triều đại đã kích hoạt cho ra đời nền nghệ thuật Lan thuẫn, nhưng vẫn giữ được thủ pháp thuần túy của Ấn Độ thời kỳ thứ nhất. Sự pha trộn này rất xứng tầm với nhận định: “Giữa hai cực Ấn-Hoa là một vùng đệm, tức văn minh sa mạc Trung Á, nhuộm màu sắc quốc tế hỗn hợp Đông Tây, tuy lai căn nhưng không thiếu những vẻ đẹp xa lạ bốn phương, trong đó nghệ thuật Phật giáo sắc thái nổi bật với những mỹ phẩm nửa Ấn, nửa Ba Tư”4.
Thứ ba là thời kỳ Cấp Đa (từ thế kỷ IV-VII), nền mỹ thuật này mang sắc thái Hi Lạp pha trộn với văn hóa bản địa Ấn Độ. Thời kỳ này tiếp tục khai thác kỹ thuật tạo tượng của Kiền-đà-la và phát huy nguyên tắc điêu khắc của Ấn Độ cổ đại, cho nên, tượng Phật thời kỳ này đắp y rất mỏng, đường nét, dáng vẻ mảnh mai hơn.
Thứ tư là thời kỳ Mật giáo (từ thế kỷ VII – XII), có chiều hướng Phật giáo hòa nhập vào Ấn Độ giáo. Nền mỹ thật của Phật giáo cũng theo đó dần bị đồng hóa bởi mỹ thuật Ấn Độ giáo, “phá vỡ sự hài hòa và cân bằng cổ điển, đánh mất nét mộc mạc của phong cách để theo đuổi sự trang trí rắc rối”5. Điều này cũng làm cho những đặc trưng riêng của 2 nền nghệ thuật trở nên khó phân biệt. Song, đó cũng là cơ sở chính hình thành nên mỹ thuật Mật giáo mang tính đặc thù. Tượng Phật, Bồ tát thời kỳ này đều căn cứ theo giáo lý Mật giáo. Trong tất cả các tư thế ngồi, đứng, kiết ấn, phóng quang, Đức Phật được tôn tạo thêm bởi các thứ trang sức để tạo sự tôn nghiêm. Nổi bật nhất là tượng có nhiều mắt, nhiều tay.
2. Những trường phái nghệ thuật nổi tiếng nhất của Phật giáo Ấn Độ
Thuở đầu, Phật giáo Ấn Độ không có nghệ thuật tạo tượng, cho đến khi chịu ảnh hưởng của người Hi Lạp, mới sáng tạo nên nghệ thuật tượng Phật mang phong cách Kiện-đà-la. Trải qua các triều đại sau đó, cuối cùng cũng hình thành được một phong cách nghệ thuật bản địa hóa huy hoàng rực rỡ của chính người Ấn Độ. Với 4 thời kỳ được xem như cực thịnh của nền mỹ thuật, Ấn Độ được biết đến rõ hơn bởi các trường phái làm nên trang sử nghệ thuật Phật giáo. Trong đó, nổi bật nhất là Gandhara và Mathura với các kỹ thuật điêu khắc Phật tượng, chùa, tháp, hội họa, văn học… một thời tuyệt đỉnh. Tại đó, “Gandhara là điểm xuất hành đưa Phật giáo tiến sang Trung Á và Viễn Đông”6.
Gandhara là một trường phái đã được thành lập đầu tiên vào nửa thế kỷ I (AD) và trở nên cực điểm vào đế quốc Kushan, tức Đại Nhục Chi với một nền nghệ thuật đượm màu sắc quốc tế, chứa các tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Hi Lạp. Về sau, giới nghiên cứu chia trường phái này làm 2 giai đoạn: Gandhara thời kỳ đầu (từ thế kỷ I – cuối thế kỷ III mới chấm dứt) và Gandhara thời kỳ cuối (từ đầu thế kỷ IV đến thế kỷ V). Kèm theo đó cũng trải qua 2 giai đoạn sử dụng chất liệu đá điệp thạch, phyllite và chất vữa Stucco. Thế kỷ V gần như mất dạng vì thế lực chính trị bất ổn, khiến cho các nghệ nhân bị kiềm chế khả năng phát triển văn hóa Phật giáo. Kiến trúc Gandhara gần như thuần túy là Phật giáo, nhân vật chính là Đức Phật Thích Ca. Bên cạnh đó, còn được chú ý đến các tháp Phật và phù điêu, không thấy tác phẩm hội họa. Những tác phẩm, mô típ này có ảnh hưởng rất lớn đến nền mỹ thuật Phật giáo Ấn Độ sau này, đặc biệt là mỹ thuật Ba Tư. Hiện nay, Gandhara không còn một kiến trúc nghệ thuật nào còn nguyên vẹn. Song, những kiến trúc tháp Phật còn lại với những nền tháp được điêu khắc thêm chùa tháp hay tượng Phật xung quanh đã cho thấy hình thức lễ bái tháp đã chuyển thành lễ bái tượng Phật. Nhìn chung, nghệ thuật Phật giáo bấy giờ không phải để trang trí mà phục vụ tín ngưỡng tôn giáo, giáo lý, lời dạy tiền thân của Đức Phật. Một vài chi tiết khác được mô tả ở Gandhara cũng “mang tính chất siêu thế hơn là thế tục”. Bằng “Bàn tay của người Hi Lạp và trái tim của người Ấn Độ”, tất cả tác phẩm nghệ thuật đều là những thông điệp gợi nhớ, hay sự gởi gắm của tác giả. Nói khác, nghệ thuật Maurya mang sắc thái nửa Phật giáo, nửa Ấn Độ giáo. Trong giai đoạn về sau, các bức phù điêu về tượng Phật ít mà chỉ là tượng đơn thân như tượng Phật, Bồ tát.
“Nếu phong cách của Gandhara ảnh hưởng Hi Lạp thì phong cách của Mathura hoàn toàn bản địa từ hai tôn giáo đã bắt rễ từ lâu đời là Brahman và Jain”7. Tượng Phật được tạc bằng đá màu đỏ, kiến trúc Mathura bao quát văn hóa, chính trị, tôn giáo. Mô hình kiến trúc Mathura ở giai đoạn Gupta cũng phát triển không kém Gandhara. Mathura nổi bật nhất ở giai đoạn Kushan. Đặc biệt, “Mathura cũng kế thừa nền mỹ thuật thời cổ đại, rất ít chịu ảnh hưởng của vùng nghệ thuật Gandhara”8. Trường phái này chủ yếu là điêu khắc tượng Phật, nó có ảnh hưởng lớn đối với nền mỹ thuật của vương triều Cấp Đa. Kanishka hết sức nhiệt thành ủng hộ công cuộc phát huy đạo Phật thời đế quốc Kushan, có thể sánh với Asoka của vương triều Maurya. Do vậy, “Thời đại Kushan là một mùa xuân nghệ thuật và tư tưởng Phật giáo”9.
Tựu trung, với sự hộ pháp đắc lực của 2 quân vương Asoka thời Maurya và Kanishka thời Kushan, cùng sự ủng hộ của các tiểu vương Hi Lạp, nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ có cơ hội phát huy nhiều sắc thái mới lạ, phức tạp, trong đó tư tưởng nhân bản La Hy là yếu tố nổi bật.
Như Hạnh
(Còn tiếp)
- Phạm Kim Khải (1967), “Tạp chí Vạn Hạnh, Khai nguyên mỹ thuật Phật giáo huyền thoại Udayana”, số 22-24, tòa soạn 95b, Gia Long, Sài Gòn, tr. 125.
- Sđd, tr. 128.
- Sđd, tr. 127.
- Phạm Kim Khải (1967), “Tạp chí Vạn Hạnh, Khai nguyên mỹ thuật Phật giáo huyền thoại Udayana”, số 22-24, tòa soạn 95b, Gia Long, Sài Gòn, tr. 128.
- Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch 2008), “Nghệ thuật Phật giáo”, Nxb Tôn giáo, tr. 27.
- Phạm Kim Khải (1967), “Tạp chí Vạn Hạnh, Khai nguyên mỹ thuật Phật giáo huyền thoại Udayana”, số 22-24, tòa soạn 95b, Gia Long, Sài Gòn, tr. 129.
- Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Trung San-Giáo thọ bộ môn “Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ”, Phó khoa Lịch sử Phật giáo – Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
- Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Trung San-Giáo thọ bộ môn “Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ”, Phó khoa Lịch sử Phật giáo – Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
- Phạm Kim Khải (1967), “Tạp chí Vạn Hạnh, Khai nguyên mỹ thuật Phật giáo huyền thoại Udayana”, số 22-24, tòa soạn 95b, Gia Long,Sài Gòn, tr. 130.