HĐ Nguồn gốc và sự phát triển của Phật tượng qua các thời kỳ Phật giáo
Nguồn gốc tạo tượng Phật có rất nhiều giả thuyết khác nhau. Theo các nhà khảo cổ học Cận đại: “Tượng Phật được phát hiện sớm nhất tại Ấn Độ là địa phương Tát Đặc Na thuộc Nam Ấn1” với một tác phẩm được điêu khắc sau vua A Dục lên ngôi khoảng 150 năm. Vì có nét phỏng theo hình tượng Dạ Xoa của người Hi Lạp nên đỉnh đầu tượng Phật không có tướng nhục kế và phần lớn là dùng sư tử làm tòa… Về sau, thần được quy hóa thành Hộ pháp của Phật giáo và phong cách tạo tượng Phật đã có nhục kế, có râu tóc và sư tử làm tòa. Đây cũng là nét đặc thù của nền nghệ thuật điêu khắc ở Kiền-đà-la trước sau Tây lịch 400 năm.
Đồng tình với quan điểm này, TT. Thích Hạnh Bình cũng cho rằng: “Nghệ thuật điêu khắc tượng Phật, thông thường cho là bắt đầu từ thời kỳ Qúy Sương (cuối thế kỷ I), nhưng nơi đầu tiên điêu khắc tượng Phật là Gandhara (Kiên-đà-la) hay Mạt-thổ-la, hiện vẫn chưa xác định, nhưng giả thiết cho rằng bắt đầu điêu khắc ở vùng Gandhara thì hợp lí hơn, vì vào thời bấy giờ nghệ thuật khắc tượng Phật chịu ảnh hưởng phong cách điêu khắc tượng thần Hy Lạp2“.
Riêng học giả Điền Đăng Nhiên, “vào thời kỳ Nguyên thủy Phật giáo và bộ phái Phật giáo, Phật giáo vốn chưa xuất hiện loại hình nghệ thuật tạo tượng, sau khi bước vào thời kỳ Phật giáo Đại thừa thì nền nghệ thuật tạo tượng mới bắt đầu phát triển3”. Tuy nhiên, người viết cho rằng không có sự phát triển nào bỏ qua dấu ấn hình thành và tồn tại. Chắc chắn trước đó phải có những vết tích manh nha.
Xét thấy, vào thời kỳ Phật giáo được coi là ‘nhất vị’, Thế Tôn không chủ trương cho các đệ tử tạo hình tượng Ngài để sùng bái mà luôn khuyến tấn thực hành con đường Thánh đạo. Nội hàm của sự giáo hóa này muốn nhấn mạnh rằng: Nếu chỉ dùng tôn tượng mà có thể giải thoát thì ít ai cần tìm đến Ngài học đạo và đức Phật cũng không muốn hàng đệ tử ảo tưởng trong sự ban ơn, cứu rỗi của các Đấng Tối Cao. Dù các nhà khảo cổ học Cận đại vẫn chưa minh chứng được mối liên hệ giữa nghệ thuật và Phật giáo thời kỳ Phật còn tại thế nhưng hệ thống kinh luật của Phật giáo Nguyên thủy đã cho thấy Phật tượng đã xuất hiện từ thời Đức Phật.
Trong đó, có một điển tích cho rằng: Khi Phật Thích Ca còn ở độ trung niên, có một vị vua tên là Bình Sa Vương mướn thợ vẽ Đức Thế Tôn nhưng ánh quang không thể làm cho người họa sĩ nhìn được trực diện, họa sĩ bèn thỉnh Ngài ngồi bên dòng sông. Rồi lấy hình ảnh phản chiếu trên mặt nước để phác họa chân dung của Ngài với những nếp áo dợn sóng, được gọi là ‘áo Phật sóng nước’ hay còn gọi là ‘Thủy y Phật’. Đây được xem là bức tranh Phật đầu tiên trên thế giới4.
Một dữ liệu quan trọng khác cũng xuất hiện trong kinh Tăng Nhất A Hàm đề cập: “Thích Đề Hoàn Nhơn mời Phật lên cõi trời 33 thuyết pháp cho Thánh mẫu Ma-da, các Vua Ưu Điền, Ba-tư-nặc vì nhớ Đức Thế Tôn mà phát bệnh, có nguy cơ mất mạng, các quan đại thần vì không muốn mất Vua nên đã nghĩ ra cách tạc tượng Phật cho Vua chiêm ngưỡng. Pho tượng đầu tiên trong lịch sử tạo hình thượng Phật được tạc bằng gỗ chiên-đàn ngưu đầu, cao năm thước. Pho tượng thứ hai do Vua Ba-tư-nặc chỉ đạo chế tác bằng vàng ròng tử ma, cũng cao năm thước5“.
Lại thêm trong hệ thống ‘Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da’, có thuật: Lúc Đức Phật thuyết giảng giáo lí, hàng đệ tử oai nghi chỉnh túc nhưng lúc Thế Tôn vắng mặt, thân tướng môn đệ không mấy trang nghiêm. Do đó, trưởng giả Cấp Cô Độc thỉnh thị Đức Phật chuẩn hứa cho ông được tạo tượng của Ngài. Đức Phật đáp ‘tùy ý đương tác, trí ư chúng thủ’. Cũng trong hệ thống luận tạng này, có thuật lại câu chuyện Vua Ảnh Thắng nước Ma Kiệt Đà xin Đức Phật được tạo tượng, Ngài không những cho phép mà còn chỉ cách thức họa tượng6.
Như vậy, nguồn gốc của Phật tượng đã có từ thời Nguyên thủy và bộ phái. Vì ít được phổ biến trong ý thức hệ quần chúng nên được xem như phi thánh tượng. Nguyên nhân khiến Phật giáo thời kỳ Nguyên thủy và bộ phái ít phát triển nghệ thuật tạo tượng có thể tập trung vào 3 lí do. Thứ 1, Giới luật Phật giáo quy định ‘rời xa việc xem nghe, ca múa, hát xướng’. Thứ 2, Đức Phật là bậc Vô Thượng giác, việc sử dụng nghệ thuật dân gian để diễn tả hình tượng của Đức Phật có nét tương đồng với việc xem thường bậc Thánh. Thứ 3, Phật giáo chủ trương thực hành học thuyết ‘quán không’ hay ‘Duyên khởi, Vô thường, vô ngã’. Trong sự tương tác từ nhân sinh, vũ trụ quan như thế, tượng Phật cũng không thể nào vượt ra khỏi định luật chi phối của vô thường, của ‘thành, trụ, hoại, không’. Do vậy, thời bấy giờ không thịnh hành nghệ thuật tạo tượng mà chỉ lấy các biểu mẫu như hoa sen tượng trưng cho sự đản sanh, cây bồ đề tượng trưng cho Đức Phật thành đạo, Luân Bảo tượng trưng cho sự chuyển bánh xe pháp, tháp tượng trưng cho Phật Niết-bàn…
Nhìn chung, “Nghệ thuật thời Nguyên thủy Phật giáo, tức là khi Phật nhập diệt đến hết triều đại Maurya, thể hiện trung thành quan điểm Tiểu thừa, đáng lưu tâm nhất là biểu tượng “Khoảng Trống” trên những điêu khắc thuật sự về cuộc đời Đức Phật hồi Ngài còn tại thế, khi giác ngộ, sơ chuyển pháp luân hay lúc nhập diệt7… ”.
Qua đến thời đại Kushan thì thể hiện cả hai khuynh hướng Nguyên thủy và Đại thừa. Hình ảnh Phật đầu tiên được thấy khắc trên kim tiền sản xuất dưới thời Kanishka. Vậy là gần 5 thế kỷ sau khi Alexandre xâm lược sông Indus, tượng Phật kiểu Ấn Hy mới hình thành. Sự chậm trễ này được luận bàn và cho rằng: Do có sự can thiệp của tư tưởng Đại thừa. Khách quan mà nhận xét thì: “Nền tảng siêu nhiên và quan điểm vị tha của Đại thừa là 2 yếu tố quan trọng, là ý lực kết hợp với hình thái mỹ thuật quốc tế và địa phương, hầu sáng tác những hiện ảnh đầu tiên của Phật giáo8“.
Nói cách khác, Phật giáo Đại thừa có sự thay đổi về mặt giáo nghĩa, thiên về ‘hòa thế lạc quần’ hay ‘hòa quang đồng trần’. Chủ trương khai hóa cho quảng đại quần chúng nên nghệ thuật cũng là một công cụ, một phương tiện dẫn lối cho các sứ giả thừa sự tốt nhiệm vụ hành Bồ tát đạo. Với ý nghĩa đó, con người của Đại thừa dẫu bên ngoài có những tính cách dị biệt người thường nhưng thực chất bên trong họ hàm chứa một đời sống tâm linh vô cùng sâu sắc. Họ là những con người mang trong mình sứ mạng Phật hóa nhân gian, chấp nhận tạo tượng và không xem đó là việc trái với đạo lí, giáo nghĩa Phật giáo. Nhờ đó, nghệ thuật Phật giáo lại được lan tỏa trên khắp kim cổ, Đông Tây. Sự kết hợp của Phật giáo Đại thừa trong đó Đức Phật được tôn thờ với những phát triển mới nhất trong phong cách nghệ thuật La Mã – Ấn Độ. Qua đó, Đức Phật được nhìn như một con người thần thánh, “vượt qua mọi giới hạn trần tục về thời gian, không gian và giới tính9“.
Như vậy, sự khác biệt cơ bản giữa nghệ thuật Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa là sự lý giáo ngay trong đức tin. Theo đó, Nguyên thủy chủ trương xây dựng Đức Phật trong mô típ của sự hành trì, đề cao những hình tượng đơn độc, nhấn mạnh đến đời sống Thiền hành, khổ hạnh và chỉ thừa nhận Đức Phật thành đạo của thế giới này, xem Phật tương lai là vị Bồ tát duy nhất. Đại thừa lại “đặt trọng tâm vào ba cảnh giới: Thế gian, cảnh trời và cảnh giới Phạm Thiên, ảnh hưởng đến tính cách chủ đề phô diễn10“. Theo đó, Đức Phật Thích Ca đóng một vai trò trừu tượng, siêu việt, siêu thế nhiều hơn với tất cả các sự kiện chúng sanh. Nói cách khác, Nguyên thủy ca ngợi giải thoát tự ngã, cường điệu xuất thế gian, coi xuất gia là con đường có thể vượt qua khổ nạn, còn Đại thừa lại cổ xúy nhập thế, do vậy xuất gia hay tại gia nếu tu tập đúng đắn sẽ đến được quả vị giải thoát.
Nhận định
Mỹ thuật là con đường hiện thực hóa vai trò lĩnh vực hoằng pháp không kém phần hữu hiệu trong thời cận-hiện đại. Bằng nghệ thuật, các tác phẩm đã thể hiện rõ văn hóa tâm linh của người con Phật. Ngoài những kinh sách viết bằng Phạn ngữ thì “mỹ thuật là phương tiện truyền đạt tình ý bằng hình sắc, là một ngôn ngữ vô ngôn rất hợp với bản chất của đạo Mâu Ni11“.
Sự phát triển của nghệ thuật tạo tượng qua các thời kỳ Phật giáo đã nói lên sự dẻo dai, nhu nhuyến của Phật giáo trong quá trình hội nhập, tiếp biến nền văn hóa Đông-Tây. Đồng thời, cũng cho thấy tinh thần mến mộ đạo pháp của các vương triều sau khi Phật diệt độ. Dù Đức Phật không còn tại thế nhưng bóng dáng của Ngài là nơi quy ngưỡng cho hàng triệu tín đồ trên toàn thế giới từ phương diện đạo đức cho tới trí tuệ.
Với ánh sáng thiện lành được toát ra bao đời qua, tôn dung của Ngài vốn đã được khắc tạc từ lâu trong tâm khảm tín đồ Phật tử. Nghệ thuật cũng nhờ bản thảo lưu xuất trong tâm mà thêm một lần nữa khắc họa chân dung của Ngài trên những hoạt động, vật chất, dụng cụ trần thế. Nghệ thuật Phật giáo vì vậy trở thành một cực phẩm, một quá trình thẩm thấu, biến tấu, thăng hoa những cái đẹp mẫu mực, đáng có nhất trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Đó là những cái đẹp tuyệt vời nhất trong việc quân bình cả hai thế giới, mang lại một sự sâu sắc từ những dáng vẻ bên ngoài hòa hợp với cái đẹp tinh thần miên viễn bên trong.
Đành rằng, tượng Phật chỉ là biểu tượng mang những giá trị ước lệ, tượng trưng. Tuy nhiên, khu vực giáo hóa của Phật giáo ngày càng phát triển và mở rộng, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau, hẳn nhiên, ‘nhập tục hóa tục’ và Tứ nhiếp pháp là những điều kiện tiên quyết mở đầu khai phá cho công trình lan tỏa Phật pháp. Trong bối cảnh như thế, mỗi người phải quý trọng được Đức Phật đang ngự trong lòng mình. Đây chính là cái đẹp được tôn vinh như là hương liệu quý của lõi cây. Nói một cách hoa mỹ, ‘Phật sắc’ là nguyên liệu tô bồi, trang điểm cho ‘Phật tâm’ nhưng chất Phật sẽ mất đi khi sự dụng tâm, khai ý bị sai sử lệch hướng.
Thiết nghĩ, giá trị vẻ đẹp vật chất được đánh giá là cánh tay trái cân bằng cho giá trị tinh thần. Do vậy, đừng nên hỏi: ‘Nghệ thuật có làm mất tư cách đạo đức và mục đích của người xuất gia hay không? Bởi lẽ, chẳng có gì sai hình thức, mất nội dung, khi đặt nó trong tinh thần xiển dương đạo pháp. Hãy đón nhận việc truyền trì mạng mạch Phật pháp, xem đó là trách nhiệm của hàng khất sĩ, gìn giữ Phật môn là việc đáng làm của tứ chúng đồng tu. Phật sự này là tích phước, gieo duyên, vun bồi chủng tử thiện lành cho hàng đệ tử luôn thân cận Tam bảo. Chớ mượn Thiền tông cho rằng: ‘Phật tại tâm, ngoài tâm không có Phật’ để bỏ qua mảng hoằng pháp từ chuyên ngành nghệ thuật này. Phải thừa nhận là nhờ những chứng tích lịch sử này mà đời sau thấy rõ hơn sức mạnh của Phật giáo trên chặng đường thăng trầm cùng thời đại, mọi góc độ đạo đức, triết lí, khoa học, nghệ thuật… Và củng cố niềm tin vững chắc hơn về một bậc Thầy, một Đấng Đạo Sư vĩ đại có thật trong lịch sử nhân loại.
Đạo Phật với một bề dày lịch sử gần ba ngàn năm, luôn phát triển theo thời gian, thích nghi với không gian và hài hòa với cuộc sống của nhân loại. Vốn được xem như một loại thực dưỡng cho tinh thần, đạo Phật vì thế, càng phải được trình bày một cách bắt mắt, nhẹ nhàng, tinh khiết mà người già, trẻ em, nữ nhi, trai tráng đều dùng được. Do vậy, nếu thiếu đi nghệ thuật và kiến trúc, đạo Phật sẽ khô khan
Như Hạnh
- Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch 2013), “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, Nxb Phương Đông, tr. 287.
- Thích Hạnh Bình, Phương Anh (dịch 2017), “Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, Nxb Phương Đông, tr.165.
- Điền Đăng Nhiên, dịch giả Thích Ngộ Thành (2009), “Thế giới Phật giáo – phương diện lịch sử, văn hóa và minh triết”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr.190.
- Sđd, tr.190.
- Thích Nguyên Hùng (biên soạn 2012), “Toát yếu kinh Tăng Nhất A Hàm”, Nxb Hồng Đức, tr. 422.
- Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch 2013), “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, Nxb Phương Đông, tr.285-286.
- Phạm Kim Khải (1967), “Tạp chí Vạn Hạnh, Khai nguyên mỹ thuật Phật giáo huyền thoại Udayana”, Số 22-24, tòa soạn 95b Gia Long, Saigon, tr. 131.
- Phạm Kim Khải (1967), “Tạp chí Vạn Hạnh, Khai nguyên mỹ thuật Phật giáo huyền thoại Udayana”, Số 22-24, tòa soạn 95b Gia Long, Saigon, tr. 131.
- Michael Kampen O’Riley, Phan Quang Định (biên dịch 2005), “Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây”, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 79.
- Robert E. Fisher, Thích Thiện Minh, Trần Văn Huân (dịch 2000), “Nghệ Thuật và Kiến trúc Phật giáo”, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 18.
- Phạm Kim Khải (1967), “Tạp chí Vạn Hạnh, Khai nguyên mỹ thuật Phật giáo huyền thoại Udayana”, Số 22-24, Tòa soạn 95b Gia Long, Saigon, tr. 132.