Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 2024
Cảm tácNgày xưa trung thu

Ngày xưa trung thu

  Khoảng trên dưới 60 năm về trước, cái thuở mà tuổi thơ chúng tôi còn áo cộc quần đùi chân đất đầu trần ôm sách hàng ngày hai buổi đến trường làng xin thầy một ít chữ bỏ bụng, dường như quê tôi không có khái niệm về Trung thu nên năm mười hai tháng rằm nào cũng là đêm trăng sáng huyền diệu bàng bạc lung linh trên ngàn cây nội cỏ. Nếu không phải gặp lúc gió mưa thì không rằm nào mang ý nghĩa khác với rằm nào.

Lúc chúng tôi lớn hơn một chút, giã từ trường làng để lên trường huyện mới lần đầu tiên nghe được hai tiếng “Trung thu” từ trong lớp học do chính thầy tôi truyền đạt nhằm vào những ngày giữa tháng Tám âm lịch bằng một bài hát và trò chơi “tiếng reo”.

Năm ấy chúng tôi vừa từ lớp ba trường làng lên trường huyện học theo lớp nhì (lớp 4 bây giờ) với thầy Lê Nguyên Hoàng. Bình thường thầy có tật nói lắp, nhưng khi giảng bài hoặc lúc hát thầy lại không bị lắp bao giờ. Thầy vừa đánh đàn Mandoline, vừa say sưa hát cho học trò trong lớp nghe một bài nói về Trung thu mà đã trên dưới sáu mươi năm qua bây giờ chúng tôi không còn nhớ được tên bài hát, nhớ được tên tác giả, chỉ mang máng nội dung bài hát đại loại như: “… Đêm Trung thu đèn sao cờ bay phấp phới, tiếng trống khắp nơi, câu ca vang trời, ấy Tết thiếu nhi, là muôn điệu múa vui cười… ”

Trình bày xong bài hát thầy chia học trò trong lớp ra làm hai nhóm, lấy khoảng trống lên xuống giữa hai dãy bàn làm ranh giới, thầy đứng giữa, tay trái chỉ bên dãy bàn này thì tất cả học trò bên dãy bàn ấy đồng loạt hô to: “Bánh Trung thu!” Tiếng hô vừa dứt, tay phải thầy liền chỉ sang dãy bàn bên kia thì tất cả học trò của dãy bàn bên ấy lại hô lớn: “Ăn hàng!” Cứ thế, lúc chậm rãi, càng về sau càng nhanh dần theo hai tay của thầy chỉ qua, chỉ lại liên tục cho đến lúc không còn thể nào nhanh hơn được nữa mới thôi. Vui thật là vui!
Lúc bấy giờ bọn học trò xuất thân từ miền quê như chúng tôi mới biết được hàng năm đều có Tết Trung thu vào rằm tháng Tám âm lịch, là Tết dành riêng cho thiếu nhi. Tết Trung thu thì có bánh Trung thu không phải để dành cho người lớn. Biết có bánh Trung thu, nhưng chúng tôi lại không thể hình dung được chiếc bánh ấy như thế nào nhưng chắc phải là ngon lắm. Không hình dung được, vì bánh không sản xuất đại trà như hiện nay nên chỉ có thể bày bán ở các cửa hàng lớn trong thành phố, không đến được vùng quê thì bọn học trò quê chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy được trong giấc mơ. Chắc là ngon lắm, vì sản phẩm chỉ dành cho mùa Trung thu hẳn phải đặc biệt hơn các loại bánh ngọt rẻ tiền bày bán ở các cửa hàng xén thường ngày. Trong một bài Tập đọc về một người nhận được một món quà tặng là “Chiếc bánh Trung thu nhân hạt sen rất ngon” vào lúc bấy giờ thì cũng có thể hiểu rằng rất ngon, nhưng cũng rất đơn giản chứ không đầy những trứng, thịt, lạp xưởng, vi cá,… quá đắt tiền như hiện nay.

Cũng từ năm học lớp nhì, sắp đến ngày Trung thu, thầy cho bọn học trò chúng tôi làm thủ công bằng những chiếc lồng đèn. Học trò tự chẻ nan tre, tự kết thành lồng đèn bánh ú hoặc ngôi sao năm cánh, phất loại giấy ngũ sắc thô rám rồi mang đến trường để được chấm điểm. Sau đó, tất cả lồng đèn lại được mang về nhà để đêm Trung thu cùng với trẻ con lối xóm đốt đèn rồng rắn lượn qua khắp các nẻo đường quê dưới bóng trăng thanh huyền diệu vừa hồn nhiên, vừa mang nét đẹp của lứa tuổi rất thơ… Chúng tôi không ai nghĩ đến chiếc bánh Trung thu – vì có biết được đâu mà nghĩ đến? Người lớn không tham gia vào cuộc, mà chỉ đứng bên ngoài để hỗ trợ, khuyến khích.

Càng về sau, Tết Trung thu càng phát triển không ngừng theo chiều hướng hiện đại cả về vật chất lẫn tinh thần. Càng phát triển càng bị người lớn lấn át, giành lấy cho riêng mình, trẻ con trở thành phụ thuộc ăn theo. Ý nghĩa của Tết Trung thu đã chìm vào quá khứ, không còn tìm thấy đâu nữa!

Long Trà

Tin khác

Cùng chuyên mục