Mùng 4 tháng 4 Vía Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Văn Thù Sư Lợi hay Mạn-Thù-Thất-Lợi là tiếng Ấn Độ, Tàu dịch là Diệu Cát Tường nghĩa là tất cả diệu sự thế gian hay xuất thế gian đều do trí tuệ mà có. Cát Tường nghĩa là an lành.
Thời Phật Thích Ca ở Ấn Độ, Ngài thuộc giòng Bà-la-môn, phái Tịnh Hạnh, ở làng Dala nước Xá Vệ, theo Phật học đạo, đứng địa vị một đệ tử thượng thủ trong hàng tại gia. Người ta thường gọi Ngài là đồng tử vì Ngài không lập gia đình, chuyên tu Bồ-tát đạo. Ngày nay tượng Bồ-tát Văn Thù thờ chầu bên phải Đức Phật tiêu biểu cho trí tuệ. Tượng Bồ-tát Phổ Hiền chầu bên trái tiêu biểu đại hạnh. Cho nên biết rằng thời Phật tại thế, hai vị có trách nhiệm trợ hóa về giáo lý đại thừa.
Trong Kinh Phong Bát, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Ta thành Phật là nhờ ơn Văn Thù. Vô số Phật quá khứ đã là đệ tử của Văn Thù. Chư Phật vị lai cũng phải nương nhờ trí tuệ Bồ-tát mới thành tựu”. Cho nên Văn Thù được coi là cha mẹ chư Phật.
Về tôn dung của Bồ-tát Văn Thù người ta tạc tượng Ngài đỉnh đầu có 5 búi tóc, tượng trưng 5 trí của Phật (nhất thiết chủng trí, đại viên kính trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí). Tay cầm gươm biểu hiện trí tuệ có khả năng chém chặt tất cả phiền não chướng ngại. Ngài cưỡi sư tử vì trí tuệ là chúa tất cả công năng cũng như sư tử là chúa muôn loài. Hình tượng phần nhiều hiện tướng cư sĩ nhưng ở Trung Hoa, Nhật Bản và các nước đại thừa, tại những Tăng-đường, Trai-đường và các giới đàn đều có thờ đức Văn Thù với hình tướng Tỳ-kheo.
Trong Kinh Bà Sa Ni, Bồ-tát Văn Thù tự nói: “Các quốc vương, các quân sĩ ra trận nếu viết phù câu đà-la-ni của Ta lên đỉnh đầu và luôn luôn tưởng niệm thì không bị hại. Nếu vẽ tượng Văn Thù cưỡi sư tử vào lá cờ cho vác đi trước, giặc sẽ tan”. Cho nên biết rằng đỉnh lễ đức Văn Thù, không những chúng ta tưởng niệm đến trí tuệ Bát-Nhã là nền tảng của đạo Phật mà chúng ta còn được oai thần Bồ-tát gia hộ cho được bình an tinh tấn tu hành để sớm thành công mãn quả.