Thứ Năm, 28 Tháng Ba 2024
Phật họcNắm được thì buông được - Đại sư Tinh Vân nói về...

Nắm được thì buông được – Đại sư Tinh Vân nói về “Xã”

<HĐ>Cái mà rất nhiều người không buông bỏ được, đó chính là “Ngã” Chúng ta có thói quen thường nói rằng: Cha mẹ của tôi, gia đình của tôi, vợ của tôi, chồng của tôi, con cái của tôi, tiền của tôi, tài sản của tôi, sỉ diện của tôi, danh tiếng của tôi, thân thể của tôi… Hai từ “Của tôi” (我的) khiến cho mọi người luôn tính toán chi li, lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Những sự việc trên thế gian, thường là do cầu không được mà tâm sanh phiền não, đau khổ, tham lam; nếu không diệt trừ tham lam, thì tâm con người khởi lên tội ác, tuần hoàn như vậy, quả báo ác cứ nối tiếp nhau mà đến. Một khi thoát khỏi “Ngã chấp” (我執), thì tất cả phiền não đau khổ liền thời tiêu diệt, cảnh giới thiền định lập tức hiện ngay trước mắt. Người tầm thường tự mình lo lắng, tự mình chuốt lấy não phiền; người ngu thì tự buộc, tự trói chân mình. Đây là bi kịch không ngừng diễn ra hằng ngày của thiên hạ trên thế gian. Chúng ta thường thường giống như một con nhộng tằm, suốt ngày bận rộn để phá vỡ cái kén tinh xảo mà chính mình đã chế tạo, bằng cách sử dụng một thành ngữ nào đó để hình dung, chính là tự mình trói buộc trong cái kén của chính mình. Suy xét kỹ tận cùng căn nguyên cội rễ, đó chính là tất cả đều vì một cái “Tôi”, cái mà buông không được nhất lại là “Tôi” này. Thế là, tất cả mọi người suốt cả cuộc đời, luôn kiếm tìm những nhu cầu về tinh thần, vật chất để cho cái “Tôi” hưởng thụ, cuối cùng sinh ra nỗi khổ đau vô cùng, vô tận. Nếu cứ mãi chấp trước tự ngã, thì sẽ khiến cho con người thường dễ bị vật chất bên ngoài xỏ mũi kéo đi

Tô Đông Pha (蘇東坡) – Văn Học gia nổi tiếng triều đại nhà Tống. Có một lần, đến chùa Kim Sơn cùng đả tọa tham thiền với Thiền sư Phật Ấn (佛印禅師 1032-1098), ông cảm thấy thân tâm của mình rất thoải mái thông suốt, ông liền hỏi Thiền sư:

– Thiền sư! Ông thấy tôi ngồi như thế nào?

– Rất trang nghiêm, giống như một vị Phật!”

Tô Đông Pha nghe xong rất vui. Thiền sư Phật Ấn hỏi ngược lại Tô Đông Pha:

– Học Sĩ, ông thấy tư thế tôi ngồi như thế nào?

 

Tô Đông Pha từ xưa đến nay không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để chế giễu Phật Ấn, lập tức trả lời:

– Giống như một đống phân bò”

Thiền sư Phật Ấn nghe xong cũng rất vui! Thấy Thiền sư bị người ví mình là phân bò, lại không trả lời, trong lòng Tô Đông Pha cho là mình đã thắng, thế là gặp người nào cũng khoe: ” Hôm nay tôi đã thắng Thiền sư!” Tin này rất nhanh truyền đến tai cô em gái ông là Tô Tiểu Muội (蘇小妹), Tiểu Muội hỏi: “Anh à! Rốt cuộc anh thắng Thiền sư như thế nào”? Đông Pha mặt mày tươi tỉnh mô tả như thật cuộc đối thoại với Thiền sư Phật Ấn một cách đắc ý. Tư chất Tô Tiểu Muội vốn thông minh linh lợi, tài hoa xuất chúng, sau khi nghe ông anh tự hào thuật qua câu chuyện, nói: “Anh đã thua rồi, trong tâm của Thiền sư giống như Phật, cho nên người nhìn anh như Đức Phật, ngược lại trong tâm anh toàn phân bò, cho nên anh thấy Thiền sư giống như phân bò”! Tô Đông Pha ngậm miệng không nói nên lời, mới biết công phu tham thiền của mình không bì kịp Thiền sư Phật Ấn.

Tại sao Tô Đông Pha lại thua Thiền sư Phật Ấn? Nguyên nhân là vì trong tâm của ông còn chấp trước, nói mình là Phật thì mặt mày vui vẻ rạng ngời; nhưng khi Tô Tiểu Muội đã chỉ rõ, ông nhìn Thiền sư Phật Ấn giống như một đống phân bò bởi trong tâm của ông là phân bò, thì ông xấu hổ vô cùng. Con người luôn có xu hướng bảo vệ cái ngã của mình, tin tưởng cái ngã của mình, tin cậy cảm giác của mình, dựa vào kinh nghiệm cũ kỹ của riêng mình mà hành sự, mà siết chặt cái ngã của mình. Nào ngờ, cái ngã mà con người luôn chấp trước hoàn toàn không phải là chân ngã, mà là một ảo ảnh của tự tánh. Vì vậy, Đại sư Tinh Vân nói: “Sự phát triển của xã hội loài người đến ngày hôm nay, đã nhắc nhở cho chúng ta: Phải sử dụng trí tuệ để trang nghiêm tất cả mọi thứ, không nên sử dụng ngã chấp, ngã kiến để phân chia”. Vậy thì làm thế nào để buông bỏ cái tâm “ngã chấp”?

Nhân đây Đại sư Tinh Vân kể một câu chuyện Thiền Tông: Có một lần, Thiền sư Duy Nghiễm Dược Sơn (惟俨藥山禅師737-834) đi tản bộ trong núi, nhìn thấy bên đường có hai cây cổ thụ, một cây rất sum suê tươi tốt, còn một cây đã khô héo. Lúc đó, hai đệ tử của Thiền sư Dược Sơn là Thiền sư Vân Nham và Thiền sư Đạo Ngộ vừa khéo đi ngang qua, Sư hỏi họ: “Hai ông thấy cây nào tốt”? Thiền sư Đạo Ngộ nói trước: “Cây cành lá sum suê tốt nhất”. Sư nghe xong, gật gật đầu. Thiền sư Vân Nham tiếp nói: “Ngược lại con cảm thấy cây khô héo tốt hơn”! Sư cũng gật đầu. Chú thị giả không hiểu hỏi: “Sư phụ, cái gì Thầy cũng gật đầu, cuối cùng thì cây nào tốt?” Thiền sư Dược Sơn hỏi ngược lại chú thị giả: “Vậy thì, con cho rằng cây nào tốt?” Chú thị giả suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Cây có cành lá sum suê dĩ nhiên là đầy đủ sức sống, cây cành lá thưa thớt cũng không mất đi nét tươi đẹp cổ xưa”. Sau khi Thiền sư Dược Sơn nghe xong mỉm cười không nói một lời.

Thật vậy, Thiền giả chân chính không thể lấy tiêu chuẩn và định kiến của “Ngã” để yêu cầu tất cả mọi thứ, do đó trong tâm của họ, muôn vật đều bình đẳng, hoàn toàn không phân chia cao thấp, không phân biệt sang giàu, nghèo hèn, tốt, xấu. Vì vậy, khô héo và sum suê đều tươi tốt như nhau. Phá trừ “Ngã chấp” cũng như vậy, trước hết phải thoát khỏi xiềng xích của “Ngã”, phải phá vỡ những ham muốn riêng tư, phải mở rộng tấm lòng, nâng cao cảnh giới, thường xuyên phản tỉnh bản thân, học hỏi người khác và học cách đứng trên quan điểm về cách nhìn, từng góc độ của đối phương, học cách yêu thương người khác, yêu thương chúng sinh hữu tình, thậm chí yêu thương cả chúng sanh vô tình. Đây chính là lời giảng trong “Kinh Kim Cang” (金剛經): “Không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả”. Chỉ như vậy, mới có thể phá bỏ “Ngã chấp”. Sau khi loại bỏ bản ngã, thuận theo tâm của mình mà dạo chơi trong muôn vật, lúc này những phiền não không còn phát sinh, hoa sen trong tâm nở rộ. Cuối cùng Đại sư Tinh Vân khai thị: Nên lấy trí tuệ để trang nghiêm tất cả, không nên lấy ngã chấp, ngã kiến để phân biệt sự vật.

Thanh Như trích dịch

 

Tin khác

Cùng chuyên mục