Chủ Nhật, 14 Tháng Tư 2024
Cảm tácMùa xuân về nhớ bếp củi chùa xưa

Mùa xuân về nhớ bếp củi chùa xưa

  Về chùa quê tôi trong dịp Tết này, sau khi hương khói lễ Phật, được thầy mời ăn bữa cơm chay ngon và thịnh soạn, được quý Phật tử nấu bằng bếp ga, bếp điện, nồi áp suất… tôi chợt nhớ đến bếp củi ngày xưa, mấy ai còn nhớ bếp chùa xưa nó như thế nào.

Vào thập niên 60, 70 thế kỷ trước ngôi chùa Hưng Long này, thuộc làng Dương Lăng, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, một ngôi chùa nằm trong làng vùng nông thôn cách xa thị trấn đến chục cây số. Vào ngày rằm, mùng Một hằng tháng, Phật tử về đông, các chị em Phật tử ai nấy đều vào bếp nấu bữa cơm chay cúng Phật, mà cái ngày xưa ấy, nấu bữa cơm chùa vất vả lắm!

Để nấu cho hàng trăm khách ăn, các Phật tử phải dùng đến xoong to, chảo bự, bếp củi cây cây to như bắp tay, bắp chân, có khi củi ướt khói bay mù mịt, mà để có được củi ấy, phải tìm mua cây to từ các nơi trong làng, rồi đốn chở xe bò đem về, chẻ ra, hoặc cưa thành khúc… nấu xong bữa cơm, quần áo lấm lem, mồ hôi tuôn ra ướt cả áo, thế mà ai cũng vui vẻ, một không khí hòa đồng, thuận hòa từ mái bếp tranh thấp lè tè, quên đi nỗi nhọc nhằn.
Cô nấu bếp bấy giờ có tên gọi là bà Ba. Bà xin về làm bếp cho chùa từ thuở còn con gái. Đến khi tôi biết thì bà đã hơn tuổi 50 (nếu còn sống, nay bà phải hơn 100 tuổi). Bếp chùa được làm bằng 3 cái kiềng sắt to vững chãi, đặt trong góc bếp mái tranh. Trong chùa có chục vị sư thầy, chú tiểu, nên bà Ba nấu ăn cũng vất vả. Sáng sớm, bà dậy lúc 4 giờ. Quý thầy tụng kinh mai, còn bà bắc nồi cháo trắng lên bếp, với vài que củi to cho đượm lửa để đó, bà đi tụng kinh. Xong hồi kinh, bà trở xuống bếp lục đục nêm nếm nồi cháo, rồi dọn lên bàn dài. Đúng giờ, quý thầy ngồi vào ăn sáng.

Bữa sáng ngày ấy chỉ có cháo trắng như vậy. Xong quý thầy ra đồng làm ruộng, cày bừa, làm cỏ đậu, cỏ bắp,… Vì chùa ở quê nên cũng làm ruộng như những hộ nông dân. Chùa còn nuôi vài còn bò để đi cày phục vụ đồng áng. Tôi còn nhớ rất rõ, quý thầy chia phiên nhau đi chăn bò và dọn phân, cực khổ lắm!

Xong buổi sáng, bà ra vườn hái rau nhổ cỏ bón phân cho rau, hàng chục rò rau muống xanh tốt, trồng xen với chuối, được bà chăm bón hàng ngày để làm thức ăn chủ lực, chỉ có ngày rằm, mùng Một may ra mới có miếng đậu hủ chiên. Lục đục tới gần trưa, bà vào bếp nấu cơm, luộc rau, lấy nước làm canh, xào chút mít non hay dưa leo kho mặn, chấm với nước tương đậu nành, cứ như thế mà ăn quanh năm.

Bếp củi có khi không có củi, bà quay ra nấu bằng lá khô, trong vườn chùa lá cây khô rụng xuống hằng ngày, bà quét gom lại thành đống để dành khi mưa gió làm chất đốt.
Nói đến bếp núc của chùa ngày xưa ở quê rất cực khổ, đâu có được như bây giờ bếp điện bếp ga, nấu cơm vừa tiện vừa nhanh mà không tốn giọt mồ hôi nào. Đi về chùa hôm nay ngồi ăn bữa cơm chay thịnh soạn, nhiều món chay ngon và dinh dưỡng, nhớ lại một thời bếp củi của chùa ngày xưa đến cay mắt.

Vừa rồi, có dịp về quê, tôi đến thăm chùa. Chùa nay đã khang trang hơn, bếp núc tươm tắt hơn.


Thấy Thầy Cả bị tét ngón chân phải đi bệnh viện khâu mấy mũi, hỏi ra mới biết, thầy vừa bửa củi không may bị lạc búa trúng. Thầy nói, bửa củi để chuẩn bị mấy ngày nữa đám giỗ cúng ông Ngài, và nấu Tết. Té ra, dù chùa đã có bếp điện nhưng thầy nói khi nấu nhiều vẫn dùng bếp củi cho đỡ tốn tiền điện. Sư cô Tịnh Sơn nấu bếp hôm nay cũng mỉm cười góp vui: “Thầy tiết kiệm lắm chú à.”

Nguyễn Văn Dũng

Tin khác

Cùng chuyên mục