HĐ Chú Út về quê ăn tết, mang theo một thùng giấy bìa cứng nói là quà tết cho các cháu. Thùng giấy dán kín nên không biết có gì ở bên trong. Chú Út cười bảo: “Quà tết chú cho các cháu, đố các cháu đó là quà gì?”. Các cháu tranh nhau đoán già đoán non nhưng không ai đoán đúng. Chú Út lại cười: “Thì cứ mở ra mà coi!”. Các cháu vừa cười vừa nói tranh nhau khui thùng giấy. Nắp thùng mở ra, những đôi mắt tròn xoe nhìn vào. Những tiếng reo vui đồng loại thốt lên: “Đầu lân”.
Năm nào cũng vậy, gần đến ngày tết tiếng trống múa lân vang lên, nhiều lúc kéo dài đến qua khỏi rằm tháng giêng. Không phải tiếng trống lân của đội lân thường đi biểu diễn quanh làng trong những ngày tết mà là của đám trẻ con xóm dưới, chỉ chơi trong vườn nhà. Tiếng trống vang lên làm cho các cháu của chú Út cứ nô nức trong lòng, muốn có đựơc bộ lân để cùng vui chơi mà không dám nói ra. Chú Út biết được sự ao ước của các cháu nên tết này về, mua một bộ lân để làm quà tết. Nói “một bộ lân” vì gồm đủ cả đầu lân, mặt nạ ông Đại, chú Khỉ, phèng la, trống, … giống như đám múa lân của người lớn nhưng thu nhỏ lại để cho con nít vui chơi. Tất cả được gom vào một thùng giấy lớn và chú Út đã không ngại khó mang về.
Đó là một món quà tết thật sự mang lại cho các cháu niềm vui lớm. Đứa lớn, đứa nhỏ không kịp phân tâm, chụp được món nào là mang cả ra sân “biểu diễn”. Sự ngây ngô của “đội lân gia đình” đã làm cho người lớn bật cười thích thú. Thì đã có đứa nào biết đánh trống múa lân bao giờ, chỉ nhìn thấy đám lân biểu diễn, nhớ lại mà bắt chước làm theo. Vì thế mà lân thì cứ ngắc ngứ, trống thì cứ lựng khựng, Điạ, Khỉ thì cứ nhảy nhót lung tung… không phối hợp được với nhau. Đứa này chê đứa kia dở, giành đổi vai cho nhau nhưng rồi cũng chẳng có đứa nào hay ho, thuần thục gì hơn. Người lớn cũng tham gia làm cố vấn, đạo diễn nhưng người lớn cũng mù tịt, bày vẽ tùy hứng. Vậy mà cũng vui thật là vui.
Dần dần rồi “đội lân” cũng trở nên thuần thục, một sự thuần thục không theo bài bản nào. Khán giả là những người lớn trong gia đình, luôn tỏ ra hết sức nhiệt tình, vừa khen vừa vỗ tay tán thưởng, khích lệ con cháu trong suốt cuộc chơi. Tết này trở nên rôm rả hơn những tết trước.
Chú Út có công việc làm ăn ở thành phố, tết có năm về được có năm không. Nhưng “đội lân” thì tết năm nào cũng được biểu diễn xôm tụ. Sau mỗi mùa lân lại được xếp lại cẩn thận vào thùng giấy cho đến “mùa diễn” năm sau. Mỗi lần biểu diễn như thấy chú Út ngồi vỗ tay cười.
Cát Tường