Thứ Bảy, 13 Tháng Tư 2024
Phật họcNghiên cứuMột vành đai, một con đường và sự lan tỏa Phật giáo

Một vành đai, một con đường và sự lan tỏa Phật giáo

  Tham luận tại Hội thảo “Theravada and Mahayana Buddhism on the Belt and Road”
29-30/6/2017, Hồng Kông

Một trong những thuật ngữ nổi tiếng về ngoại giao và chính trị của Trung Quốc trong nhiệm kỳ cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình (2012 đến nay) là chiến lược “Một vành đai, một con đường”. ”Một vành đai” đề cập tới vành đai kinh tế con đường tơ lụa mới, liên kết Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á và Tây Á. “Một con đường” chỉ con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu. Chiến lược này là một trong những sáng kiến Trung Quốc đưa ra để nâng cao vị thế và ảnh hưởng của đất nước ở khu vực và trên thế giới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là, con đường tơ lụa không chỉ liên quan đến ‘tơ lụa’ hay ‘con đường’, mà nó còn liên quan đến ‘những ý tưởng’. Trong thời cổ đại, con đường tơ lụa đã giúp thúc đẩy thương mại giữa các đại lục trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, giấy cũng như trao đổi ý tưởng. Bằng chứng khảo cổ học chỉ ra rằng, con đường tơ lụa đã giúp cho sự truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Quốc, Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới. Như được chỉ ra một cách đúng đắn bởi Ma Junjie, ‘điều cần phải tính đến trong chiến lược lớn ‘Một vành đai, một con đường’ không phải là sự dịch chuyển năng lực dư thừa trong nước, thương mại hay mối quan hệ ngoại giao gần gũi hơn với các nước láng giềng mà còn là thị trường ý tưởng’. Thương mại hàng tiêu dùng vẫn là một nội dung của chiến lược ‘Một vành đai, một con đường’ nhưng cần nhấn mạnh hơn đến ‘thị trường ý tưởng’ (market for ideas). Người ta hy vọng rằng, cùng với chiến lược Vành đai và Con đường, một ‘thị trường ý tưởng’ lớn hơn và phức tạp hơn sẽ xuất hiện. Bài viết này sẽ tìm hiểu về sự lan tỏa của Phật giáo trong bối cảnh Trung Quốc triển khai chiến lược Vành đai và Con đường.

1. Chiến lược Vành đai và Con đường

Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc trong những thập niên gần đây tạo điều kiện cho Trung Quốc hiện thực hóa ‘giấc mộng’ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Sáng kiến ‘Vành đai Con đường’ (BRI) là một trong những phương tiện để Trung Quốc thực hiện ‘Giấc mộng Trung Hoa’ vào năm 2050. Sáng kiến BRI là kết hợp hai sáng kiến vành đai kinh tế con đường tơ lụa’ và “Con đường tơ lụa trên biển’. Sáng kiến này lần đầu tiên được đưa ra trong chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9/2013 và sau đó được nhắc lại trong chuyến thăm Indonesia và Malaysia vào tháng 10/2013. Ngày 18/8/2014, vào dịp lễ kỷ niệm 47 năm ngày thiết lập ASEAN ở Indonesia, Trung Quốc đã nhắc lại đề xuất xây dựng con đường tơ lụa trên biển. Hai con đường trên bộ và trên biển này sẽ kết nối Trung Quốc với những nền kinh tế năng động ở ba lục địa châu Á, châu Âu và châu Phi. Đây được coi là ‘Chiến lược hướng Tây’ của Trung Quốc, nhằm xây dựng mạng lưới giao thông trên bộ và trên biển để hỗ trợ cho khu vực kinh tế rộng lớn trải dài từ Trung Quốc đến châu Âu từ tất cả các hướng.

Vào ngày 28/3/2015, tại Diễn đàn Bác Ngao châu Á, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cùng với Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động cho sáng kiến BRI tựa đề ‘Tầm nhìn và hành động về việc cùng xây dựng vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI’. Mục tiêu cơ bản của sáng kiến BRI được đề ra trong các văn bản chính thức là để ‘thúc đẩy dòng chảy tự do của các yếu tố kinh tế, sự phân bổ nguồn lực hiệu quả và sự hội nhập sâu của các thị trường; khuyến khích các quốc gia dọc theo BRI có được sự phối hợp về chính sách kinh tế và tiến hành hợp tác khu vực sâu rộng hơn; cùng nhau tạo nên một kiến trúc hợp tác kinh tế khu vực mở, bao trùm và cân bằng có lợi cho tất cả’.

Sáng kiến BRI có tầm nhìn hướng tới 5 sự kết nối: chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và con người (sự phối hợp về chính sách, xây dựng năng lực, tự do hóa và tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư, hợp tác tài chính).

Khái niệm “Con đường tơ lụa trên biển mới” có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử Trung Hoa, từ các triều đại Tần và Hán (221 TCN – 220 CN). Theo Hanshu (Hán Thư), người Hoa đã đi từ các cảng ở Xuwen (tại tỉnh Quảng Đông hiện nay) và Hepu (tại Khu vực Tự trị Guangxi Zhuang hiện nay) qua Biển Đông để mở rộng khám phá. Con đường tơ lụa trên biển đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao tiếp về văn hóa và kinh tế giữa phương Đông và phương Tây thời cổ đại. Người ta cho rằng, con đường tơ lụa trên biển với lịch sử 2.000 năm là một con đường thương mại có một không hai trên thế giới và là biểu tượng của sự vươn ra thế giới rộng lớn của Trung Quốc.

Sáng kiến BRI hiện đại là một chiến lược lớn của Trung Quốc, nhằm nâng cao vị thế và ảnh hưởng của quốc gia này ở khu vực và thế giới trong thế kỷ XXI. Theo Christopher K. Johnson: “Vành đai và Con đường là biểu tượng của sự dịch chuyển trong chiến lược ‘vươn ra ngoài’ của Trung Quốc cùng với nỗ lực chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của nước này. Rõ ràng, Chủ tịch Tập coi Sáng kiến Vành đai và Con đường là dấu ấn và điểm nhấn cho nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, là biểu hiện cụ thể của ‘Giấc mộng Trung Hoa’, nhằm thúc đẩy sự phục hưng dân tộc và củng cố địa vị cường quốc hàng đầu thế giới của đất nước”.

2. Sự lan tỏa của Phật giáo

Điều quan trọng cần lưu ý là, con đường tơ lụa không chỉ liên quan đến tơ lụa hay con đường, mà quan trọng hơn, nó còn liên quan đến các ý tưởng. Bên cạnh tơ lụa và hàng hóa, con đường này cũng giúp lan tỏa những ý tưởng mới. Như được giải thích bởi GS. Susan Whitfield, con đường tơ lụa có ba hàm ý cho nền văn minh nhân loại. Về mặt kinh tế, nó thúc đẩy sự phân chia lao động theo mô hình lợi thế so sánh của Ricardo, cùng với hợp tác khu vực. Từ quan điểm Địa chất học và theo nghĩa có phần tiêu cực, con đường làm lây lan bệnh tật, bao gồm “Cái chết đen” (Black Death) khét tiếng thời Trung Cổ. Tuy nhiên, tác động lớn nhất của con đường tơ lụa cổ đại là tạo điều kiện cho sự lưu thông và truyền đạt các ý tưởng’.

Bằng chứng Khảo cổ học chỉ ra rằng, con đường tơ lụa đã giúp cho Phật giáo lan tỏa từ Ấn Độ đến Đông Nam Á, Trung Quốc và nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong khi nhiều tài liệu đương đại nhấn mạnh vào sáng kiến BRI, các tài liệu này chủ yếu nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế và chính trị, còn khía cạnh văn hóa, tinh thần, ý tưởng thường bị xem nhẹ. Chức năng quan trọng của con đường tơ lụa mới trong việc truyền bá các ý tưởng thường bị lãng quên. Theo Ma Junjie, ‘điều cần lưu ý trong tính toán của chiến lược lớn về BRI không chỉ là sự dịch chuyển của khả năng dư thừa trong nước, thương mại hay mối quan hệ ngoại giao gần gũi với các nước láng giềng, mà đó còn là thị trường của các ý tưởng’. Thương mại về hàng tiêu dùng vẫn là lĩnh vực phù hợp cho chiến lược BRI, nhưng cần có sự nhấn mạnh nhiều hơn vào thị trường ý tưởng. Người ta kỳ vọng rằng, với chiến lược BRI, một thị trường ý tưởng lớn hơn và phức tạp hơn sẽ xuất hiện.

Phật giáo có thể được xem như một ‘hàng hóa’ trong thị trường ý tưởng đó. Thời cổ đại, cùng với thương mại và di cư, con đường tơ lụa cũng là phương tiện giúp cho sự lan tỏa của Phật giáo ở Trung Á. Từ phía Tây Bắc Ấn Độ, Phật giáo đã được truyền đến nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam.

Trung Quốc

Mặc dù hiện nay chúng ta không biết rõ Phật giáo đến Trung Quốc chính xác vào thời điểm nào, nhưng khi con đường tơ lụa được mở ra vào thế kỷ thứ II TCN, các nhà truyền đạo và những người hành hương đã bắt đầu đi lại giữa Trung Quốc, Trung Á và Ấn Độ. Người ta nói rằng, Chang Ch’ien, trên đường trở về từ Ta-hsia (Ferghana) vào thế kỷ thứ II TCN, có nghe về một đất nước có tên là Tien-chu (Ấn Độ) và những lời giáo huấn của Đức Phật. Đây có lẽ là lần đầu tiên một người Trung Quốc nghe nói về Phật giáo.

Tuy nhiên, câu chuyện nổi tiếng nhất về dấu ấn của Phật giáo ở Trung Quốc diễn ra vào thế kỷ thứ I TCN, khi Hoàng đế của Triều Hán, Mingdi, mơ thấy Đức Phật. Vào năm 68, Hoàng đế của Triều Hán, Mingdi đã cử quan Cai Yin đi đến Trung Á để tìm hiểu thêm về Phật giáo. Cai Yin trở về sau 3 năm ở Ấn Độ và mang về nhiều tranh Phật cũng như Kinh sách của Phật giáo, đồng thời mang theo hai vị Tăng sĩ Phật giáo có tên là She-mo-teng và Chu-fa-lan để thuyết giảng Phật giáo ở Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có Tăng sĩ Phật giáo và cách thức thờ cúng của Phật giáo.

Sau đó, các cộng đồng Phật giáo dần dần hình thành và lớn lên ở Trung Quốc. Họ giới thiệu những cuốn Kinh sách quý và quan trọng, đặc biệt là những ví dụ về nghệ thuật Phật giáo chưa từng được thấy ở Trung Quốc trước đó. Vào năm 148, một nhà truyền giáo Parthia, An Shih-kao đến Trung Quốc và giúp thúc đẩy Phật giáo bằng việc dựng lên một ngôi chùa ở Loyang. Ông cũng bắt đầu công việc dịch thuật tốn nhiều thời gian, dịch các Kinh sách Phật giáo sang tiếng Trung. Trong suốt thế kỷ thứIV, một Phật tử đến từ Trung Á có tên Kumarajiva, đến Trung Quốc và tổ chức phòng dịch thuật đầu tiên, và đó là đội dịch thuật tốt nhất từng có ở Trung Quốc cho đến thời điểm đó. Ông và đội phiên dịch của mình đã dịch 98 tác phẩm từ nhiều ngôn ngữ sang tiếng Trung, trong số đó 52 tác phẩm còn được lưu giữ và được đưa vào các Kinh điển của Phật giáo. Cho đến năm 514, ước tích có khoảng hai triệu tín đồ Phật tử Trung Quốc.

Phật giáo phát triển ở đỉnh cao nhất trong lịch sử Trung Quốc vào các triều đại nhà Tống và nhà Đường (581-907). Một hình thức mới của Phật giáo Trung Quốc xuất hiện và lan tỏa đến Hàn Quốc và Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ VI. Tuy nhiên, vào năm 845, Phật giáo suy giảm nghiêm trọng do cuộc đàn áp tín đồ Phật giáo ở Trung Quốc dẫn đến việc 4.600 ngôi chùa bị phá hủy và 260.500 Tăng Ni phải cởi bỏ mũ áo.

Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VII, nhiều tín đồ Phật giáo Trung Hoa hành hương đến Ấn Độ vào những thời điểm khác nhau. Ghi chép lịch sử nhắc đến tên của một số tu sĩ hành hương đến Ấn Độ, bao gồm Pháp Hiển (399 – 414), Huyền Trang (629 – 645) và Nghĩa Tịnh (671 – 695). Những tu sĩ Phật giáo hành hương này đã đi dọc theo con đường tơ lụa và tác phẩm của họ cung cấp cứ liệu lịch sử quan trọng về tình hình Phật giáo ở Trung Á và Ấn Độ từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII.

Từ thế kỷ thứ VIII về sau, Phật giáo dọc theo con đường tơ lụa bắt đầu suy yếu do sự tan rã của triều đại nhà Tống ở phía Đông và sự xâm lược của người Ả Rập ở phía Tây. Sự xuất hiện của Hồi giáo dẫn đến sự suy yếu của Phật giáo. Vì Hồi giáo lên án việc thờ ảnh tượng nên hầu hết các bức tượng Phật và những bức tranh tường đã bị phá hủy. Các ngôi đền và tháp Phật giáo cũng bị bỏ hoang và chôn vùi dưới cát bụi. Cho đến thế kỷ thứ XV, toàn bộ lưu vực Trung Á đã bị cải đạo sang Hồi giáo.

Sáng kiến BRI hiện đại kỳ vọng thúc đẩy năm sự kết nối trong chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và con người, chắc chắn sẽ mang lại sự kết nối về văn hóa và tôn giáo. Các mạng lưới thương mại rộng khắp sẽ không chỉ mang theo đó hàng hóa và thương mại, sự di chuyển thường xuyên và dễ dàng của con người cũng như sự hòa trộn của người dân từ các quốc gia khác nhau, chắc chắn sẽ mang đến sự truyền bá tri thức, ý tưởng, văn hóa và tôn giáo. Sáng kiến BRI hiện đại xuất hiện vào đúng thời điểm Phật giáo được phục hưng ở nhiều quốc gia. Bối cảnh đó cũng thuận lợi cho sự phục hưng của Phật giáo ở Trung Quốc.

Phật giáo có thể là nhân tố giúp Trung Quốc đạt được những mục tiêu chiến lược trong việc sử dụng sức mạnh mềm để đạt được những kết quả chính trị. Chính quyền Trung ương đã phát triển những chiến lược từ trên xuống dưới, nhằm thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc, cùng với ngoại giao công chúng, được thiết kế, nhằm xây dựng một hình ảnh tích cực cho Trung Quốc trên trường quốc tế.

Việt Nam

Phật giáo đến Việt Nam từ rất sớm theo hai hướng Bắc và Nam và theo hai con đường – đường biển và đường bộ. Về đường bộ, Phật giáo từ Ấn Độ đã lan tỏa đến Trung Quốc và sau đó đến Việt Nam. Phật giáo cũng theo con đường thương mại đến Việt Nam qua đường biển. Vào thế kỷ thứ II TCN, hai vị Tăng sĩ Ấn Độ có tên là Mahajavaka và Kalyanacuri đã đến Việt Nam. Những dấu ấn của Kalyanacuri vẫn có thể được tìm thấy ở chùa Đậu, Bắc Ninh hiện nay. Ông đã truyền bá Phật giáo vào Việt Nam, kết hợp với các tín ngưỡng dân gian và giúp tạo nên Phật giáo Việt Nam. Sau đó, một số Tăng sĩ Việt Nam đã đi Trung Quốc để truyền bá Phật giáo. Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, nhiều tàu buôn Ấn Độ đã đến các cảng biển Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, để thực hiện việc buôn bán gia vị. Trên những chuyến tàu của họ còn có các Tăng sĩ Phật giáo, những người theo họ để cầu nguyện sự bình an, may mắn và trợ giúp họ vượt qua chướng ngại. Những bức tượng Phật và tượng Bồ tát cũng được mang theo.

Vào thế kỷ thứ VI, Virutaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi), một Thiền Tăng đã đến Giao Châu (Bắc Ninh) và hình thành Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam, được biết đến như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo Ấn Độ, ít chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung Hoa. Trường phái này được truyền trong 19 thế hệ và đã bị thất truyền vào thế kỷ thứ XIII.

Vào đầu thế kỷ XI, một Thiền Tăng có tên là Sùng Phạm (mất năm 1087), thuộc về thế hệ thứ 11 của Trường phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã đi Ấn Độ để nghiên cứu Phật giáo trong 9 năm. Khi trở về, ông đã mở trường học ở chùa Pháp Vân. Nhiều đệ tử đã theo ông, bao gồm Đạo Hạnh, một Thiền Tăng nổi tiếng về Phật giáo bí truyền. Sùng Phạm đã giúp thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Vua Lê Đại Hành tìm kiếm sự cố vấn của ông nhiều lần. Ngoài Sùng Phạm, một số tu sĩ Mật tông Ấn Độ cũng đến Việt Nam sau đó, như Yogibrahman (thế kỷ thứ XIII), Bodhist (thế kỷ XIV) dưới thời nhà Trần.

Việt Nam cũng tham gia vào sáng kiến BRI hiện đại của Trung Quốc. Những kết nối được tạo ra bởi sáng kiến này là nhân tố thuận lợi cho dòng chảy của những ý tưởng của Phật giáo giữa Việt Nam và các quốc gia khác dọc theo vành đai và con đường.

3. Kết luận

Sáng kiến BRI hiện đại của Trung Quốc chính là sự hồi sinh của con đường tơ lụa thời cổ đại. Sự hồi sinh của con đường tơ lụa cổ đại được thiết kế như là dự án của thế kỷ XXI. Sáng kiến BRI là nhân tố thuận lợi giúp lan tỏa Phật giáo về chiều rộng và chiều sâu. Điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi sinh của Phật giáo ở Trung Quốc, Việt Nam và những nước khác. Vào thời cổ đại, khi giao thông đường biển và đường bộ là hai phương tiện chính, con đường tơ lụa cổ đóng vai trò quan trọng trong sự lan tỏa của Phật giáo. Trong thời hiện đại, con đường tơ lụa mới tiếp tục có ý nghĩa trong sự truyền bá của Phật giáo đến nhiều vùng khác nhau. Ngược lại, Phật giáo cũng sẽ trở thành nhân tố quan trọng giúp củng cố sức mạnh mềm của Trung Quốc và Việt Nam, qua đó gián tiếp làm tăng thêm sức mạnh kinh tế và chính trị của đất nước.

TKN.TS. Như Nguyệt
Khoa Lịch sử Phật giáo, HVPGVN TP.HCM


  1.  Ma Junjie, The new Silk Road and the Power of Ideas, The Diplomat, 10 February 2015, http://thediplomat.com/2015/02/the-new-silk-road-and-the-power-of-ideas/ accessed on 1st April 2017.
  2. at stake in Beijing’s “New Silk Road” Project. http://www.worldfinancialreview.com/?p=3388 ngày truy cập 15/6/2017.
  3. The Belt and Road Initiative: 65 countries and beyond, May 2016. https://www.fbicgroup.com/sites/default/files/B%26R_Initiative_65_Countries_and_Beyond.pdf ngày truy cập 16/6/2017.
  4. The Silk Road Economic Belt and the 21st Century Maritime Silk Road, May 2015, https://www.fbicgroup.com/sites/default/files/The%20Silk%20Road%20Economic%20Belt%20and%2021st%20Century%20Maritime%20Silk%20Road%20MAY%2015.pdf, ngày truy cập 15/6/2017.
  5. Zhang Renping, Jiang Zhouyang, Ren Xiuyu, Yang Ying, The 21st Century Maritime Silk Road: Sino-Sri Lanka Bilateral Maritime Cooperation, China Oceans Law Review, Vol. 2015, No.2,
  6. Như chú thích trên.
  7. Christopher K. Johnson, President Xi Jinping’s “Belt and Road” Initiative, A practical assessment of the Chinese Communist Party’s Roadmap for China’s Global Resurgence, https://www.csis.org/analysis/president-xi-jinping%E2%80%99s-belt-and-road-initiative ngày truy cập 10/6/2017.
  8. Ma Junjie, The new Silk Road and the Power of Ideas, The Diplomat, 10/02/2015, http://thediplomat.com/2015/02/the-new-silk-road-and-the-power-of-ideas/ truy cập ngày 15/6/2017
  9. Như chú thích trên.
  10. Buddhism and its spread along the Silk Road, http://www.silk-road.com/artl/buddhism.shtml ngày truy cập 15/6/2017.
  11.  Như chú thích trên.
  12.  Như chú thích trên.
  13.  Như chú thích trên.
  14.  Như chú thích trên.
  15.  Như chú thích trên.
  16.  Như chú thích trên.
  17. Đỗ Thu Hà, Cultural and Educational Exchange between India and Vietnam in the context of a rising India, Second Round Table, ASEAN – India Network of Think-tanks, Vietnam Academy of Social Sciences, Hà Nội, 8/2014.
  18. Việt Nam Phật giáo sử luận, Chương 05, Thiền phái Tỳ Ni Da Luu Chi, http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-05-thien-phai-ty-ni-da-luu-chi?set_language=vi, ngày truy cập 20/10/2015.

Tin khác

Cùng chuyên mục