HĐ Cuối năm 2019… theo sự hướng dẫn của quý cô đang du học tại trường đại học Gautam Buddha, bang Uttar Pradesh- Bắc Ấn Độ, tôi thu xếp hành trang rồi một thân một mình lên đường với tâm trạng háo hức chờ đợi của người lần đầu tiên du hành đến xứ Phật.
Háo hức chờ đợi là vậy, nhưng khi đặt chân xuống sân bay của niềm mơ ước bấy lâu thì gặp ngay sự cố dở khóc dở cười, tưởng đâu không qua khỏi cửa ải đầu tiên này. Số là do bản tính hậu đậu hay quên nên tôi chỉ mang theo passport mà quên mất tờ khai Visa. Sau gần nửa giờ ra dấu, năn nỉ mỏi cả miệng lẫn tay, cùng sự trợ giúp của một thông dịch viên bất đắc dĩ, là một nữ du khách Việt đang bị giữ lại vì thiếu thông tin gì đó. Cuối cùng nhân viên Hải quan cũng hiểu nên thông cảm khoát tay chỉ hướng cửa ra.
Thủ đô New Delhi đón tôi vào lúc nửa đêm, trời mù sương với cái lạnh mười độ tê cóng người nhưng tôi lại vỡ òa niềm vui vì vừa thoát nạn quên Visa và rồi hình bóng các Sư cô thân quen đang đứng đợi phía ngoài sảnh (họ chờ chắc cũng khá lâu). Thế là thoáng chốc bao nhiêu mệt nhọc lo âu cùng giá buốt ngày đông đều tan biến. Trong ý tưởng của tôi lúc này hiện ra nào là khu vườn Lumbini huyền thoại, nơi đản sanh đức Từ phụ Thích Ca; là cánh rừng nai Sarnath cây cỏ bạt ngàn, nơi Phật chuyển pháp luân độ cho năm anh Kiều Trần Như; rồi Bodhgaya- Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo dưới gốc cây Bồ đề và Kushinagar- nơi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn. Và còn biết bao thánh tích kỳ diệu mà chỉ vài ngày nữa thôi kẻ lữ hành độc bộ này sẽ được đặt chân đến để tận mắt chiêm ngưỡng lễ lạy.
Vậy mà… có lẽ cơ duyên chưa đủ thấm nhuần nên trong suốt chuyến hành trình hai tuần lễ, tôi chỉ đến được hai trong bốn thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo. Khi tôi có mặt tại ký túc xá trường Gautam Buddha là lúc Tăng Ni sinh đang trong thời kỳ nghỉ đông và như thường lệ, một số thầy cô tổ chức chuyến hành hương chiêm bái tứ động tâm. Tham gia chuyến hành hương đa phần là du học sinh năm thứ nhất. Quý Sư cô tôi quen biết thì lên kế hoạch đến Bồ Đề Đạo Tràng tĩnh tu một tuần, sau đó sẽ đi chiêm bái các thánh tích tại bang Bihar và ghé thăm trường Đại học Nalanda mới theo lời mời của một Sư cô đang là du học sinh của trường.
Thế là tôi theo chị em đi chiêm bái Thánh địa Bodh Gaya – nơi Đức Phật thành đạo. Trước ngày khởi hành, quý cô đưa tôi lên New Dedhi tham quan Thánh đường Hồi giáo lớn nhất tại đây; tiếp đến là Pháo đài đỏ nổi tiếng, rồi Pháo đài Qutb Minar nguy nga tráng lệ; ghé viện Bảo tàng quốc gia chiêm ngưỡng Xá Lợi của Phật cùng các pho tượng cổ, sau cùng viếng đền Hoa Sen (nhà thờ Đức tin Bahá’í) một tuyệt tác kiến trúc của nhân loại được xây dựng vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX…
Chưa đủ duyên đến Lumbini tham kiến khu vườn ghi dấu nơi Phật đản sanh, cũng không thể về Kushinagar đảnh lễ tôn tượng Như Lai nhập diệt nhưng tôi cũng có những ngày tịnh tu thật an lành tại nơi Đức Thế Tôn thành đạo. Từ chổ trọ, mỗi ngày tôi đi bộ tới đạo tràng với lòng thành kính của người con Phật cùng cặp mắt hiếu kỳ của một du khách khi tận kiến một không gian sắc màu hết sức kỳ thú. Trên mọi ngã đường dẫn tới Bồ Đề đại thọ, dân bản địa bày bán đủ mọi thứ từ tượng Phật, đồ pháp khí đến chuỗi hạt, tọa cụ, khăn choàng, chăn đệm rực rỡ đủ kích cỡ, rồi đồ thủ công mỹ nghệ, các loại thức ăn nước uống, các vật dụng sinh hoạt dành cho khách lưu trú tu tập…
Từng đoàn hành hương đổ về Bodh Gaya từ nhiều vùng quốc gia lãnh thổ, bất đồng ngôn ngữ, khác cả màu da sắc phục và dĩ nhiên họ chẳng hề quen biết, vậy mà ai cũng nở nụ cười tươi khi gặp nhau trên đường. Nơi hội tụ để thực hành nghi lễ tụng niệm là một khuôn viên rộng lớn, có tòa tháp đại giác uy nghiêm sừng sững một góc trời, phía trên tháp thờ xá lợi của Phật, bên dưới là chánh điện, có pho tượng Phật mạ vàng mà sáng chiều dòng người xếp hàng vào lễ tụng không ngớt. Bốn góc bảo tháp có bốn tòa tháp nhỏ, cây bồ đề lịch sử nằm phía sau, cành lá xum xuê rợp bóng, dù trời mù sương hay nắng ấm thì cội bồ đề này vẫn lan tỏa một sức sống diệu lành an lạc.
Khi còn tại thế, một lần đi hoằng pháp xa, Phật đã chỉ vào cây bồ đề rồi nói với đại đức Anan: “… Sau này hàng Phật tử nhìn thấy cây bồ đề cũng như là nhìn thấy Như Lai vậy… ” Từ đó cây được chiết cành đem trồng nhiều nơi nhưng tâm nguyện người con Phật vẫn luôn hướng về cội bồ đề nơi Phật từng ngồi thiền đắc đạo. Ai chẳng mong một lần đến chốn này để cùng đảnh lễ quỳ lạy trước tôn tượng đức Bổn Sư, để cùng tu tập thiền hành, cảm nhận một không gian thoáng đảng yên bình, lắng nghe từng bước chân đi, từng hơi thở nhẹ nhàng qua mỗi phút giây được trở về miền đất Phật.
Ôi! miền đất Phật là đây, nơi lưu xuất ánh đạo từ bi trí tuệ, nơi khởi nguồn của chơn lý bình đẳng vị tha. Vẫn còn đó biết bao điều kỳ bí mà ai từng đặt chân đến mới cảm nhận hết mọi ý nghĩa tinh túy sâu xa vi diệu. Cho dù Phật giáo không phát triển qua mấy ngàn năm xoay vần thế sự, nhưng mảnh đất này vẫn sản sanh và nuôi dưỡng biết bao bực kỳ tài thánh thiện. Cây Bồ đề hiện hữu dù là đời cháu chắt mấy mươi lần tái sanh nhưng đã khoác lên mình sứ mạng cao cả mà tiền nhân còn lưu dấu. Thế rồi, qua mỗi mùa tu tập, chứng tích lịch sử của mọi thời đại… lại nối tiếp trọng trách vươn lên che bóng mát để người hữu duyên tìm đến hành lễ chiêm bái.
Một tuần tu tập tại Bồ đề đạo tràng, là nửa thời gian của chuyến hành hương, song cũng giúp tôi góp nhặt thêm vài dòng suy tư trải nghiệm về vùng đất Phật linh thiêng mầu nhiệm. Ấy vậy mà… phải hơn một năm sau, khi cơn bão Covid-19 càn quét qua xứ Ấn, tôi mới có ý tưởng ghi lại chuyến đi về nguồn đáng nhớ. Dòng cảm xúc còn đó, niềm suy tư lắng đọng vẫn chưa phai. Nhưng trên tất cả là tâm thành nguyện cầu cho đại dịch sớm dứt trừ, cho thế giới mau dứt bệnh tai, cho cuộc sống đời người được thoát khỏi vòng khổ đau nghiệt ngã.
Cây Bồ đề xứ Phật cũng không ít lần chứng kiến những cảnh thăng trầm tang thương biến đổi nơi trần thế. Rồi vẫn như bao lần, cây an nhiên chờ đợi một ngày sự bình yên sẽ trở lại, dịch bệnh chóng đi qua và trên những con đường dẫn đến bồ đề chánh đạo lại rợp bóng người tìm đến. Sau đại dịch, hạt giống từ bi vẫn nảy mầm trên từng mảnh đất đau thương, vẫn lan tỏa qua từng nẻo đường ban vui cứu khổ.
Lam Khê