Thứ Bảy, 1 Tháng Tư 2023
TIN TỨC Sự kiện Màu hồng nào cho ta?

Màu hồng nào cho ta?

  Tâm hiếu là tâm Phật
Hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Đạo Phật lấy đạo đức làm trọng, đức lấy lòng hiếu thảo làm gốc. Mùa Báo hiếu gợi lại trong tâm tư mỗi người con Phật công ơn sanh thành dưỡng dục của Cha và Mẹ.

Câu chuyện về đạo hiếu, hạnh hiếu thực chất không chỉ tồn tại riêng lẻ trong Phật giáo mà nó vẫn âm ỉ trong đời sống con người thuộc nhiều tôn giáo khác. Riêng ở góc độ Phật giáo, những người con hiếu lan tràn khắp các kinh điển từ Nguyên thủy đến Đại thừa. Trong đó, có đức Mục Kiền Liên Tôn giả, Xá Lợi Phất,… và cao cả nhất là tấm gương vĩ đại của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Hành trạng của các Ngài chính là minh chứng để mở rộng thêm phạm vi ý nghĩa về chữ Hiếu được đề cập ở đạo Phật xưa nay.

Tại Việt Nam, chữ Hiếu và đạo hiếu đã được hiện thực hóa thành một nghi lễ, một truyền thống tu học dựa trên tinh thần của một đạo Phật nhập thế. Truyền thống “Vu Lan – Báo Hiếu” chính là những yếu tố kết hợp giữa kinh điển và thực nghiệm; giữa lý thuyết và thực hành. Từ đó, tạo nên một hình thức nghi lễ để hướng dẫn tín đồ, cũng như giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo đến toàn thể công dân – những người chịu ân sanh dưỡng của hai đấng sinh thành vào tháng 7 (âm lịch) hàng năm.

Điểm nổi bật nhất của truyền thống này chính là nghi thức cài hoa hồng.

“Hai tay nâng một đóa hồng
Chí thành dâng hiến mẹ cha tỏ tường
Nói rằng một đóa song đường
Công cha nghĩa mẹ khôn lường thâm sâu.”

Không biết tự bao giờ nhân loại đã chọn hoa hồng để biểu tượng cho tình yêu thương, trong đó có tình yêu cha mẹ. Cứ mỗi độ Vu lan về, lại chọn hoa hồng hai màu trắng và đỏ để gắn lên trái tim những người con hiếu thảo. Hoa màu đỏ tượng trưng cho những ai còn cha mẹ trên đời, hoa màu trắng tượng trưng cho những ai mất mẹ. Hoa màu vàng kính dâng lên chư Tôn đức tỏ lòng quý kính những bậc Thầy cao cả, thay Đức Phật giáo hóa chúng sanh.
“Cài hoa hồng” tại Việt Nam có thể được xem như một điển tích được tạo nên vào năm 1962, từ cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Câu chuyện được khơi dậy khi Ngài được cài một đóa cẩm chướng trắng vào “Ngày của mẹ” trong một lần đến nhà sách ở Nhật Bản. Sau khi tìm hiểu ý nghĩa về đóa hoa đỏ, đóa hoa trắng được cài lên áo mọi người; Thiền sư đã chấp bút viết nên đầu sách mang tên “Bông hồng cài áo.” Từ đó, văn hóa Vu lan lại được điểm thêm những đóa hồng, những vần thơ cùng những khúc nhạc mang tên “Bông hồng cài áo.”

“Hồng vàng dâng Phật – Pháp – Tăng
Hồng đỏ dâng mẹ, cha mừng Vu lan
Hồng trắng xúc động bàng hoàng
Con côi cút mẹ lại càng xót xa
Hồng hường còn mẹ mất cha
Nép bên chân mẹ lệ nhòa tiếc thương.”

Đúng như những vần điệu ấy, câu chuyện cài hoa vẫn được viết tiếp qua năm tháng. Hàng cư sĩ rồi ai cũng phải dần thay hoa trên áo của mình, nhưng đời sống của một bậc tu hành thì mãi mãi chọn cho mình một đóa hồng vàng tinh khiết. Đành rằng, một đời sống thoát tục chưa bao giờ phủ nhận ân sinh dưỡng của cha mẹ huyết thống hiện đời nhưng với lý tưởng “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, người xuất gia sẽ lấy cha mẹ nhiều đời kết làm quyến thuộc. Bông hồng đỏ cho cha mẹ hiện tiền là việc làm đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn: đó là tất cả chúng sinh. Chính vì lẽ đó, cứu cánh giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất mà hàng xuất gia tưởng niệm đến các đấng song thân trong muôn một.

Sở dĩ chọn màu vàng dâng Tăng Ni, bởi lẽ màu vàng theo triết lý Phật giáo là màu giải thoát của Vô thượng phước điền y. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự ly dục, buông bỏ, không chấp thủ và thành tựu giải thoát. Tợ như màu vàng của đất, người ta có thể dẫm, đạp, cày xới, thậm chí gieo xuống đó những gì ô uế nhất…; vì Đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang, chấp nhận tất cả. Người xuất gia học đạo cũng thế; vì coi tất cả chúng sinh là Cha – Mẹ, là quyến thuộc, họ hàng, là những vị Phật tương lai nên thích hợp với màu vàng đượm sắc.

Hòa mình trong ngày Lễ Vu lan thắng hội; người tu sĩ cũng muốn mượn sắc hoa vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu lan là sự giải thoát. Sau khi cài hoa hồng vàng lên Pháp Y chư Tôn đức, hàng Phật tử sẽ dâng cúng Pháp Y trong lễ hội để tỏ bày lòng kính ngưỡng Phật – Pháp – Tăng; tưởng nhớ đến ân đức cao dày của cha mẹ và lan tỏa thông điệp yêu thương nhiều hơn đến tất cả mọi người.

Thông điệp về Vu lan tất nhiên không chỉ dành cho một ngày, một tháng mà thực hành khi chúng ta còn mang trên mình bổn phận: bổn phận làm người, bổn phận làm con, bổn phận của một người Thầy hướng đạo. Thông qua đó, Lễ nghi là trở thành phương tiện để nhắc nhở hàng Phật tử: không tội lỗi nào lớn bằng tội bất hiếu, không phước đức nào lớn hơn phước hiếu thảo. Một giờ tưởng nhớ cha mẹ là một giờ tăng trưởng phước đức. Cũng thế, một tình thương nào đó được gọi là “bao la” mà trong đó không có tình thương cha mẹ thì đó không phải lòng từ bi của đạo Phật. Một người con bội bạc với cha mẹ thì không còn ai để mình đối xử tốt hơn, như “Người quên ân, mặc dầu đứng bên cạnh ta, vẫn cách xa ta muôn dặm.” Có thể nói, đó là bức thông điệp tình thương muôn thuở để xây dựng con người. Người có đạo đức phải bắt đầu từ lòng hiếu thảo. Biết báo đáp công người đã hy sinh cho mình, từ đó mới có tâm từ thương xót mọi người xung quanh, dần dần lan rộng ra tới cộng đồng, xã hội.

Cha mẹ hiện tiền phải hết lòng phụng dưỡng, bởi cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế, cúng dàng cha mẹ như cúng dàng Phật. Hơn nữa, không chỉ báo ân cho cha mẹ hiện tiền mà cần nhớ đến ân đức cha mẹ nhiều đời. Vì vậy, ngay bây giờ những ai lỡ bất hiếu với cha mẹ rồi thì hãy quỳ bên gối cha, bên gối mẹ sám hối tội tình, nói lên lời nói thể hiện mẫu tử hay phụ tử tình thâm và thực thi những hành động thiết thực để đền đáp công ơn cha mẹ trong muôn một. Chúng ta hãy cùng dâng “đóa hoa lòng” thanh khiết nhất, kết thành tràng “hoa hiếu hạnh” dâng lên cúng dàng thập phương chư Phật trong mùa báo ân.

Như thế, mùa báo hiếu là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Nhất là với giới trẻ hôm nay, trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai đó đã có phút xao nhãng, lãng quên đến thâm ân to lớn của phụ mẫu. Mùa báo hiếu cũng là cơ hội để ta gửi gắm tình cảm và hành động thiết thực quan tâm tới những số phận nghèo khó, không may mắn xung quanh mình. Làm được như vậy thì dù cha mẹ còn khỏe mạnh hay đã khuất bóng, trong tim ta vẫn mãi một màu hồng thắm đượm công ơn cha mẹ, đời đời không phai.

Cha mẹ ân thâm tựa đất trời
Thương con nuôi dạy chẳng đầy vơi
Mở vòng tay lớn vì con trẻ
Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời.

PV. Hoa Đàm

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!