Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023
Phật học Lấy của không cho

Lấy của không cho

<HĐ>Một trong năm điều giới cấm của Phật trong đó có giới “Không trộm cắp”, hay nói đơn giản dễ hiểu hơn “lấy của không cho”.  Có nhiều hình thức lấy của không cho”: Trộm, cắp, cướp, giựt, lừa đảo… Gợi ý để người phải gượng ép tặng, biếu…; thị uy để người sợ hãi mà dâng cúng…; mượn rồi lấy luôn không trả,…. nói chung là hành động lấy đi, chiếm đoạt… một vật gì đó khi chủ nhân của nó không hay biết, hoặc chủ nhân của vật đó không hoan hỷ, không tự nguyện san sẻ…, hoặc thọ dụng một món gì vượt quá phạm vi cho phép… tất cả đều là hành vi lấy của không cho. Trên ý nghĩa cốt lõi: Chủ nhân không hay biết, không hoan hỷ, không tự nguyện san sẻ…. chúng ta thấy có rất nhiều hành vi lấy của không cho. Chẳng hạn đến nhà người, ta tự tiện lấy món gì đó ăn khi chủ nhà chưa mời, hoặc vô vườn trái cây tự tiện hái trái ăn mà không hỏi chủ nhà…, đó là lấy của không cho. Hoặc khi ta đến nhà người ăn tiệc, chủ nhà dọn ra thức ăn, bánh trái để đãi, ngoại trừ phần ta đã ăn tại chỗ, ta tự lấy phần còn dư đem về – dù chủ nhà có thấy hay không thấy, căn bản ở ý nghĩa là không phải chủ nhân tự lấy đưa cho ta – đó cũng là lấy của không cho.
Khi ta đi ăn ở tiệm ăn, hàng quán…, “tranh thủ” lấy khăn giấy, tăm xỉa răng… để dùng thêm khi đi đường (mục đích để khỏi tốn tiền mua sắm), đó cũng là lấy của không cho. Trong một tập thể, khi được chia phần, ta lấy về mình vượt quá “chế độ” được hưởng (thâm lạm vào phần của chung hoặc phần của người khác) cũng là lấy của không cho. Khi mình tự tiện lấy của chung (trong thẩm quyền quản lý của mình) để cho, tặng, biếu… người thân quen của cá nhân mình, vì sự lợi ích riêng của cá nhân (ta có món vật để thi ân, trả nghĩa… với người mà không phải tốn tiền mua sắm) cũng là lấy của không cho. Cộng nghiệp của tội lấy của không cho, đó là sự vòi vĩnh “nửa đùa nửa thật” khi huynh đệ đi ăn đám, ăn tiệc: “Nhớ đem bánh về nhe!”. Tất nhiên, ta đã thừa biết của đem về không phải do mua mà có, tất nhiên phải xin (là điều xấu hổ), phải lấy (lén lấy, hay lấy công khai- là điều xấu hổ hơn). Như vậy, câu vòi vĩnh có vẻ “nhẹ nhàng”, là “chuyện nhỏ”, nhưng vô hình trung xui người lấy của không cho đem về cho mình. Tương tự như vậy, trường hợp ta xin ai món vật gì đó mà biết chắc người ấy có thẩm quyền lấy, hoặc có thể lấy (của người khác, của công, của Nhà nước…) để cho mình, đó cũng là “xui” người lấy của không cho. Những điều nêu trên đây có thể được xem là “chuyện nhỏ”, được xem “bình thường” trong thực tế xã hội hiện nay, nhưng xét kỹ, tất cả đều quy về tội trộm cắp.
Trên đây chỉ là lấy của không cho nhỏ nhặt, xoay quanh chuyện tham ăn, tham vặt… Nhưng nếu món vật trộm cắp to tát hơn, đáng giá hơn, thì lấy của không cho”, ngoài cái tội trộm cắp, còn kéo theo một số tội lỗi khác rất vi tế, nhưng không thể nói là không có. Đó là, khi ta lấy trộm một vật của người, người không hay biết, người phải mất thời gian và công sức để tìm kiếm một cách vô ích, sanh tâm phiền não. Và rồi, tìm không ra, tất phải sanh tâm nghi ngờ kẻ này người nọ, gây nên sự mất đoàn kết của tập thể, nếu lớn chuyện thì xảy ra hiểu lầm nhau, thù oán nhau… Vậy nên, việc thì nhỏ, nhưng hệ lụy từ đó đâu phải là chuyện giản đơn mà ta có thể xem thường. Trong truyện Phật giáo Tây Tạng “Sư Tử Tuyết bờm xanh” của Surya Das có câu chuyện Geshé Ben rất đáng suy gẫm như sau: Thời còn trẻ, Geshé Ben là một Tăng sĩ khất thực tại Tây Tạng và kiên trì giữ giới luật Đại thừa. Ben sống vào thế kỉ XI là một người tu tập nghiêm túc cho đến ngày giác ngộ hoàn toàn.
Có lần Geshé Ben được mời thọ thực với các vị Tăng sĩ cao cấp trong phái. Chủ nhà là các vị tu sĩ giàu có, sống trong các cung điện vùng Penyul, miền Nam Tây Tạng. Theo tuổi tác Geshé Ben ngồi khoảng giữa và đợi thức ăn đem đến. Chủ nhà và những người hầu cận vừa bắt đầu dọn sữa cho các vị trưởng lão thì Geshé Ben bắt đầu nóng ruột. Chỉ nhìn qua Ben đã thấy bình sữa xem ra hơi nhỏ và đến phiên mình chắc đã cạn sạch. Vừa nghĩ đến đó, Geshé Ben tự nói to: “Ôi tham lam!”. Ben xoay mặt không nhìn bát gỗ để trước mặt mình và im lặng trước cái nhìn khó hiểu của các bạn đồng tu. Sau đó, người ta đem thêm sữa vào và sắp sửa cho vào bát của Geshé Ben thì ông chận tay lại nói: “Không cám ơn, ý nghĩ tham lam của tôi đã ăn hết phần của tôi rồi”. Qua đó, chúng ta thấy vị tu sĩ này rất chân chính, đã tự răn mình ngay khi chỉ mới phát khởi lòng tham “lấy của không cho”, chứ không cần phải đến khi ý niệm tham lam này thể hiện ra thành hành động. Cho nên, người tu hành cần phải quan sát nghiêm túc từng những ý niệm trong tâm mình, để có thể nhận ra và chấm dứt ngay những tà niệm vừa phát khởi. Có như thế mới mong không phạm vào cái lỗi “Lấy của không cho”.

Thích nữ Huệ Nhẫn

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!