HĐ Buổi trưa nay, trong thiền phòng Học Viện Phật Giáo cơ sở 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh còn tĩnh lặng bỗng có tiếng điện thoại vang lên. Tôi liền bắt máy, đầu dây bên kia là Sư Diệu Đạt, Trụ trì Chùa Đông Thuyền (Huế), gọi điện thoại nhắc nhở viết bài về cố Ni trưởng Diệu Không nhân kỉ niệm 20 năm ngày Ni trưởng về với Phật. Trước đó, tôi đã hứa với Sư nhưng rồi lại quên bẵng đi vì tất bật việc chuẩn bị khai giảng năm học mới ở Học viện và lo bài cho Đặc san Hoa Đàm số ra tháng 10 đến gần kề.
Gần một buổi chiều tôi chẳng nghĩ ra được một chủ đề nào để viết về Sư Bà Diệu Không! Tôi đi đi lại lại trong phòng rồi ngồi suy nghĩ, thỉnh thoảng uống thêm mấy ngụm trà….Cứ như vậy mà chẳng thể viết được tí gì! Tôi thầm nguyện cầu Ni trưởng thùy từ gia hộ cho tôi thêm minh mẫn, lóe sáng vài ý tưởng trong đầu để nhanh chóng hoàn thành bài viết nhân lễ kỷ niệm đặc biệt này, cũng là thực hiện đúng lời hứa với Sư Diệu Đạt.
Buổi tối, tôi trầm tư suy nghĩ, nhưng ý tứ thì cứ vắng bặt, chỉ có mùi hương trầm tỏa nhẹ trong phòng. Hay là tôi không có duyên với Ni trưởng Diệu Không? Mãi đến khá khuya, tôi chợt nhìn lên tường, rồi đôi mắt bỗng dưng sáng rực, lòng vui mừng không thể tả. Tôi thầm nghĩ: “Vậy là Thầy đã phù hộ con tìm ra chủ đề cho bài viết!” Bức ảnh chụp hình thầy tôi- Sư trưởng Như Thanh lúc nào cũng đỉnh đạc và uy nghi, đôi mắt trông thật từ bi. Tôi ngắm nhìn mỗi ngày để cầu nguyện Thầy gia hộ cho bản thân mình càng thêm tinh tấn. Tôi luôn cảm nhận Thầy vẫn dõi theo từng bước chân của tôi mỗi ngày!
Thầy cùng Ni trưởng Diệu Không là hai vị danh Ni của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX. Giờ đây, cả hai ngài đều an trú nơi cõi Niết bàn vô tung bất diệt, thật sự để lại trong lòng đồ chúng niềm ngưỡng mộ, sự luyến tiếc và nỗi nhớ thương khôn nguôi! Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy là vậy.
Tôi chợt lắng lòng hồi tưởng về Thầy, đồng thời càng nghĩ ngợi về Ni trưởng Diệu Không nhiều hơn!
Lúc này, màn đêm càng vắng lặng, thỉnh thoảng chỉ có tiếng đồng hồ chạy lạch cạch báo hiệu thời gian đã qua nhanh. Bên ngoài, cảnh khuya thật đẹp, nhìn kỹ trên bầu trời luôn nhấp nháy những vì sao sáng.
Tôi chợt nhận ra rằng, điểm tương đồng giữa hai sư trưởng kính quí đều có xuất thân từ dòng dõi trâm anh khuê các, con nhà quyền quí nhưng chí hướng xuất trần lại lộ rõ ngay từ thuở nhỏ do chủng từ bồ đề vốn được gieo trồng từ nhiều kiếp quá khứ. Thầy tôi vốn con quan tri huyện tên là Nguyễn Minh Giác, còn Ni trưởng lại là ái nữ của Quận công Hồ Đắc Trung ở tận kinh đô Huế. Vì vậy, cả hai đều được học hành bài bản, cũng như trưởng thành trong nếp nhà gia phong lẫn thâm tín Tam bảo, luôn coi trọng nhân nghĩa đạo lý, thật sự trong sạch và thanh liêm. Tuy con nhà quyền thế, vật chất đầy đủ, nhưng khi bước vào cửa thiền, Thầy lẫn Ni trưởng Diệu Không thậm thâm nếp sống khổ hạnh thiền môn, không hề than van một lời, quyết lòng học đạo nhằm thông tỏ thật nghĩa giáo lý Như Lai dù có nhiều thử thách. Không những vậy, nhị vị Sư trưởng còn là lá cờ đầu để hàng Ni lưu nối gót theo sau với tinh thần xả thân hành đạo, nhập thế cứu đời, tuy thân nữ mà chí khí trượng phu, khiến mọi giới đều nể phục. Từ đó, giữa chốn tùng lâm, Sư trưởng Như Thanh và Ni Trưởng Diệu Không tọa trấn với pháp âm vi diệu tuôn trào, lời lẽ dõng dạc, là thạch trụ tòng lâm của Ni bộ Bắc tông để lèo lái con thuyền Ni giới vượt bao khó khăn nhằm khẳng định mình trong thời điểm lịch sử đất nước bao phen đổi dời, thăng trầm.
Sinh thời, cả hai Sư bà đều tôn kính lẫn nhau, người này xem người kia là một tấm gương sáng để học tập. Tôi nghĩ rằng chỉ có bồ tát tái sinh trong cuộc đời này, có cùng một hạnh nguyện mới hiểu nhau và hành xử như vậy! Đó là hạnh nguyện làm thân nữ để độ cho Ni vững bước tiến tu giải thoát, hạnh nguyện đem lòng từ bi trang trải khắp nơi, hạnh nguyện đem giáo lý nhà Phật ra cứu độ chúng sanh đang mê lầm khổ hải. Chỉ có bồ tát mới sáng tác những vần thơ để đời, ai đọc cũng đều kính phục về đạo lực, đạo hạnh, đạo tâm và cuối cùng là đạo quả của hai vị Sư bà đáng kính. Thầy tôi tự tại trước dâu bể cuộc đời với hai câu thơ nổi tiếng:
“Thân này đã thoát vòng duyên nghiệp
Chẳng bận lòng ai sự bại thành”
Còn Ni trưởng Diệu Không phát đại nguyện làm lay động tâm tư:
“Nguyện Phật chứng minh muôn vạn kiếp
Con xin lăn lóc cõi ta bà!”
Cả hai để lại cho đời những bộ kinh được dịch ra có giá trị, hiển lộ một trí tuệ lớn lao trong thân tướng người nữ. Với những ai đã tiếp xúc, gần gũi nhị vị Sư trưởng đều một mực kính trọng về nhân cách cao quí , về bản lĩnh mạnh mẽ, kể cả việc đối nhân xử thế bằng tâm đại bi, buông xả, không mảy may vướng bận thị phi, lợi danh tầm thường của thế gian.
Thầy tôi và Ni trưởng Diệu Không luôn nhất mực tôn kính Bát kỉnh pháp, quí trọng chư Tăng, nhưng cũng luôn ủng hộ Ni giới mở rộng các hoạt động Phật sự, chăm lo đầu tư học vấn cho thế hệ Ni trẻ, dù đó là Phật học hay thế học. Lúc nào hai vị cũng canh cánh trong lòng nỗi ưu tư sao cho hàng Ni lưu tiếp tục phát triển hơn nữa. Nhờ vậy mà Sư trưởng Như Thanh và Ni Trưởng Diệu Không có nhiều đệ tử thành danh, dù cho đang hành đạo trong nước hay chu du phương ngoại. Lúc nào hàng đệ tử cũng nhớ thương, nhất mực noi theo hạnh nguyện lớn lao của thầy mình! Đây thật sự là hồng ân và phước báu vô lượng, một gia tài tinh thần quí báu mà nhị vị Sư trưởng để lại cho hàng môn đồ pháp quyến, trong đó có tôi và Sư Diệu Đạt may mắn được thọ lãnh phần nào!
Tôi chợt ngước nhìn lên đồng hồ thì đã gần ba giờ sáng. Tự nhiên bỗng thấy lòng mình lặng thinh và bình yên đến lạ!
Tôi muốn viết thật nhiều về Thầy và Ni trưởng Diệu Không nữa! Nhưng chợt nghĩ chẳng có từ ngữ nào để biểu lộ được hết hạnh nguyện, công đức sâu dày của các bậc bồ tát thị hiện giữa cõi ta bà này.
Chỉ có vô ngôn của các bậc thượng căn thượng trí mới đủ diễn tả điều đó mà thôi!
Thương nhớ Thầy và quí kính Sư trưởng Diệu Không trong muôn một!
TKN Như Nguyệt
Học Viện Phật Giáo tại TP. HCM