Phẩm Trần Cấu có 19 bài kệ. Đại ý của phẩm này nói về sự khác biệt giữa thanh tịnh và ô trược. Tu Đạo cần phải học tập thanh tịnh, đừng làm việc nhiễm ô và nhục nhã.
[1]
Lúc sanh chẳng làm lành
Khi chết đọa đường ác
Chịu khổ không gián đoạn
Đến nơi chẳng tư lương
[2]
Hãy siêng cầu trí tuệ
Tu trì ý kiên định
Lìa cấu chớ nhiễm ô
Tất sẽ thoát ách khổ
[3]
Bậc trí luôn tinh cần
An tường chầm chậm tiến
Tẩy trừ tâm cáu bẩn
Như thợ đúc vàng ròng
[4]
Như sắt bị rỉ sét
Trở lại ăn thân nó
Ác sanh từ nơi tâm
Trở lại hủy thân đó
[5]
Chẳng tụng lời sẽ dơ
Chẳng siêng nhà sẽ bẩn
Chẳng nghiêm sắc sẽ cấu
Buông lung việc sẽ uế
[6]
Keo khiến huệ thí dơ
Ác khiến hành vi bẩn
Hiện đời cùng vị lai
Pháp ác luôn cấu uế
[7]
Dơ bẩn trong dơ bẩn
Chẳng gì bằng si mê
Tu học nên trừ ác
Bhikṣu [bíc su] không cấu uế
[8]
Cẩu thả vô liêm sỉ
Như chim có mỏ dài
Mặt dày chịu uất nhục
Đó gọi là sanh uế
[9]
Liêm khiết sống tuy khổ
Nhưng nghĩa giữ trong sáng
Chẳng dối lìa uất nhục
Đó gọi là sanh tịnh
[10]
Kẻ ngu ưa giết hại
Lời nói chẳng thành thật
Trộm lấy vật không cho
Vợ người thích xâm phạm
[11]
Khoái ý ưa phạm giới
Say mê nơi rượu chè
Kẻ đó mãi đời đời
Đào mộ tự chôn mình
[12]
Những ai hiểu lẽ phải
Chẳng nên khởi niệm ác
Kẻ ngu gần phi pháp
Lâu dần đốt dìm mình
[13]
Nếu tin làm bố thí
Danh tiếng muốn vang lừng
Gặp người luôn khoe khoang
Chẳng thể nhập chánh định
[14]
Đoạn trừ tất cả dục
Diệt tận gốc của ý
Ngày đêm giữ chánh niệm
Tất sẽ nhập chánh định
[15]
Chấp trước nhiễm trần cấu
Do nhiễm sanh hữu lậu
Chẳng nhiễm chẳng làm uế
Thanh tịnh lìa si mê
[16]
Thấy người tự nhiễm trần
Lòng ta luôn tỉnh ngộ
Làm uế là dối mình
Lậu tận không cấu uế
[17]
Lửa nóng nào bằng dâm
Vụt nhanh nào bằng sân
Lưới kín nào bằng si
Sông chảy nào bằng ái
[18]
Hư không chẳng dấu vết
Đạo Nhân chẳng ý dơ
Người đời ưa làm ác
Duy Phật tịnh vô uế
[19]
Hư không chẳng dấu vết
Đạo Nhân chẳng ý dơ
Thế gian đều vô thường
Phật lìa ngã, ngã sở
Phẩm Phụng Trì có 17 bài kệ. Đại ý của phẩm này là giảng giải ý nghĩa của Đạo. Tu học Phật Pháp quý nhất là ở đức hạnh. Tâm đừng có tham lam và ưa hưởng thụ xa xỉ.
[1]
Ai thích trì Kinh Đạo
Lợi danh chẳng đua tranh
Có lợi hay vô lợi
Không tham không si mê
[2]
Tu học luôn quý mến
Chánh tâm dùng tu hành
Ôm ấp trí tuệ báu
Đó là người vì Đạo
[3]
Gọi là bậc trí tuệ
Không phải lời khôn khéo
Chẳng sợ chẳng kinh hoàng
Tu thiện là bậc trí
[4]
Gọi là bậc trì Pháp
Không phải đọc tụng nhiều
Dù chỉ nghe ít thôi
Y Pháp thân hành trì
Giữ Đạo chẳng lãng quên
Đó là người trì Pháp
[5]
Gọi là bậc trưởng lão
Không phải tuổi tác cao
Già nua tóc bạc trắng
Ngu si chẳng biết tội
[6]
Chánh Pháp luôn ôm ấp
Nhu hòa lòng từ bi
Hiểu rộng tâm thanh tịnh
Đó là bậc trưởng lão
[7]
Gọi là người đoan chánh
Không phải đẹp như hoa
Keo kiệt lòng ganh ghét
Lời nói có lỗi lầm
[8]
Ai khéo lìa việc ác
Căn nguyên đã đoạn trừ
Thông tuệ chẳng sân hận
Đó là người đoan chánh
[9]
Gọi là bậc Đạo Nhân
Không phải cạo râu tóc
Nói dối nhiều tham ái
Tham dục như phàm phu
[10]
Ai khéo ngưng việc ác
Đạo Pháp rộng tuyên dương
Tâm an vọng tưởng diệt
Đó là bậc Đạo Nhân
[11]
Gọi là bậc Bhikṣu
Không phải đi khất thực
Làm ác kỳ vọng người
Cầu lợi cầu tiếng tăm
[12]
Ai khéo biết tội phước
Luôn tu hạnh thanh tịnh
Dùng tuệ diệt trừ ác
Đó gọi là Bhikṣu
[13]
Gọi là bậc hiền minh
Không phải giữ lặng thinh
Nội tâm chẳng thanh tịnh
Ngoại thân nhiễm bụi trần
[14]
Bất nhiễm tâm vô vi
Thanh tịnh như hư không
Người ấy được tịch diệt
Đó là bậc hiền minh
[15]
Gọi là bậc đắc Đạo
Không phải chỉ cứu một
Rộng độ khắp chúng sanh
Vô hại là hành Đạo
[16]
Dạy người chẳng nhiều lời
Lời thật việc làm chánh
Ai muốn được định tuệ
Chỉ cần vọng khép trừ
Ý muốn cầu an lạc
Chớ làm việc phàm phu
Kết sử chưa trừ sạch
Vẫn không được giải thoát