Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023
Lối sống Khen con đúng cách

Khen con đúng cách

 Vợ chồng chị Hoa sinh được cô con gái giống như búp bê Barbie. Cô bé tên Hương, xinh đẹp, trắng nõn nà, có hai má lúm đồng tiền rất đáng yêu. Chỉ cần nhìn cách cô bé chạy nhảy thôi cũng đủ làm cho các cặp vợ chồng khao khát có được một đứa con như thế. Cả nhà ai cũng cưng Hương như trứng mỏng. Ông bà trông Hương 24/24 vì sợ Hương té ngã, trầy xước, lớn lên để lại sẹo sẽ xấu xí. Hương đòi gì cũng được ông bà, cha mẹ đáp ứng đầy đủ. Vì quá thương cô bé nên tất cả những gì cô bé làm, dù là nhỏ nhặt, không đáng, cả nhà cũng trầm trồ khen ngợi như một thần đồng. Cô bé lớn dần trong sự bảo bọc của gia đình đến từng centimet.  Khi Hương vẽ tranh, chỉ là một bức tranh bình thường như bao đứa trẻ tập vẽ, nhưng ông của Hương đã ồ lên kinh ngạc: “Ôi, cháu của ông vẽ đẹp quá! Cháu đúng là một thiên tài. Họa sĩ của tương lai đây mà”. Những lúc cô bé tập hát, bà khen lấy khen để: “Đúng là giọng oanh vàng. Cháu hát hay hơn những ca sĩ nhí. Sau này cháu sẽ là một ca sĩ cho xem”. Chưa dừng lại ở đó, những bài tập điểm 10 mà Hương mang về nhà khoe đều được ba mẹ tâng lên chín tầng mây: “Con của ba là thiên tài, là vĩ nhân. Con tuyệt vời lắm!”. Còn mẹ Hương thì lăng xăng phục vụ cô con gái từ việc cởi giày, cất cặp, thay quần áo, rửa tay… Rồi chị Hoa còn tặng con những món quà  đắt tiền như giày dép, quần áo, đồ chơi, nữ trang… Chị dịu dàng nói với bé Hương: “Con xứng đáng được những món quà như thế! Cố gắng thật nhiều điểm 10, con nhé!”.

Chính vì sự nuông chiều, khen con thái quá đã khiến cho cô bé tự kiêu, tự phụ. Hương cứ nghĩ trong mắt mọi người, mình luôn là số một như ở nhà nên cô bé tỏ ra kiêu ngạo, khoe của, xem ai không ra gì. Vào lớp, cô bé chẳng thích chơi với ai vì cho rằng họ quá tầm thường, không xứng đáng. Bạn bè học giỏi, Hương không ủng hộ, ngưỡng mộ, ngược lại còn chê bai ganh tị. Trong những buổi biểu diễn văn nghệ thiếu nhi, Hương luôn cho mình hát hay nhất và tỏ thái độ giận dỗi, vô lễ khi ban giám khảo chấm điểm thấp nhất. Đối với hàng xóm, Hương hay nói leo, nói ngang như trang bằng phải lứa. Chưa bao giờ cô bé khoanh tay chào mọi người, được tặng quà cũng chẳng cảm ơn, làm sai thì không hề biết xin lỗi. Có lần dì Ba gần nhà mang tặng Hương đôi giày mà dì đã mua trong chuyến đi công tác ở Trung Quốc. Khi cầm món quà trên tay, Hương đã buột miệng nói: “Hàng Trung Quốc không tốt! Con không nhận đâu!”. Dì Ba chưng hửng, ê mặt khi cô bé quẳng đôi giày xuống đất. Ngạc nhiên hơn, sau đó ba mẹ Hương không xin lỗi mà còn nói thêm vào: “Con bé chỉ thích xài hàng hiệu, chị Ba ơi!”.

Cũng từ việc hay được nhận quà khi có điểm 10 nên dần dần Hương ra giá, mặc cả với ba mẹ: từ món quà nhỏ đến món quà to, từ rẻ tiền đến đắt tiền. Những lúc bài đạt điểm 10 nhưng ba mẹ quên (hoặc không) tặng quà là xem như ngày đó Hương giận dỗi bỏ ăn, nghỉ học. Dần dần từ một cô bé đáng yêu, ngoan ngoãn, học giỏi, Hương trở nên bướng bỉnh, lười học và xấc xược, chẳng được ai yêu mến.

Khi con đạt được thành quả tốt trong lao động, học tập (dù là chuyện nhỏ) thì việc khen là điều hết sức cần thiết. Trẻ được khích lệ sẽ phấn chấn tinh thần, thích lao động và lao động hăng say. Tuy nhiên hãy khen con đúng mực, đúng cách và định hướng sự năng động của con. Hãy khen trẻ bằng những câu đánh giá, mô tả kết quả của chúng, chẳng hạn: “Bài toán của con làm rất đúng, không sai câu nào”, “Cảm ơn con, việc con làm đã tiết kiệm cho ba mẹ một giờ đồng hồ, rất giỏi!”… Cần chú ý kỹ đến việc làm của trẻ rồi nói cho trẻ biết những việc làm đó là có ích cho gia đình, cho cuộc sống như thế nào. Sau đó thì khen trẻ và khuyến khích trẻ tiếp tục phát huy. Trẻ cảm thấy được tin tưởng, thấy mình có ích, nên không ngần ngại giúp ba mẹ ở những lần sau. Tuyệt đối không tâng bốc con thái quá bằng những từ “vĩ nhân, thiên tài, số một, tuyệt vời”, vì như thế chỉ làm trẻ “ngủ trên vinh quang”, tự cao tự phụ. Cũng cần lưu ý đến cách “thưởng” cho con. Không nên tặng những món quà có giá trị cao mà chỉ mang tính tượng trưng là quá đủ rồi. Bởi vật chất luôn làm cho con người chi phối tư tưởng. Một khi dùng vật chất để can thiệp vào tâm lý trẻ, tất nhiên trẻ sẽ không lao động, học tập bằng bản năng mà thường kèm theo điều kiện. Điều đó có thể khiến trẻ sẽ bị nô lệ bởi đồng tiền trong tương lai. Khen con là điều cần thiết, nhưng phải có nghệ thuật để không làm hư trẻ.

Vũ Thanh Thanh

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!