Chủ Nhật, 14 Tháng Tư 2024
Cảm tácHội thảo khoa học : “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt...

Hội thảo khoa học : “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” Đôi dòng cảm nhận

  Trong khuôn khổ Đại lễ Tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch và chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công do Phân ban Ni giới Trung ương, một hội thảo khoa học với chủ đề “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” đã được long trọng tổ chức ngày 26/10 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (xã Phù Lĩnh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Mặc dù đã nhiều lần tham dự hội thảo Phật giáo, nhưng hội thảo lần này thực sự làm cho tôi rất ấn tượng. Ấn tượng từ khâu tổ chức, khánh tiết, đón tiếp đại biểu đến nội dung các bài tham luận. Trước ngày hội thảo diễn ra các đại biểu như tôi đã được Ban tổ chức gửi thiệp mời cùng thẻ đại biểu về địa chỉ nhà riêng theo đường bưu điện. Do vậy sáng 26/10 tôi thủng thẳng chạy xe về hướng Sóc Sơn. Con đường từ trung tâm Hà Nội tới Sóc Sơn vẫn quen thuộc như mọi ngày. Nhưng ấn tượng đầu tiên khi gần tới nơi là tấm băng rôn đỏ in dòng chữ “Chào mừng đại biểu về dự hội thảo khoa học quốc gia” khiến cho chúng tôi có cảm giác đang được chào đón rất nồng nhiệt. Đi thêm khoảng 4 km nữa sẽ đến Học viện, địa điểm tổ chức Hội thảo và Đại lễ Tưởng niệm cố Ni sư Diệu Nhân. Hôm ấy, khu vực Học viện thật tấp nập, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Cờ Phật rợp trời, thảm đỏ được trải từ cổng Học viện tới tận hội trường Bảo tàng để đón tiếp các đoàn đại biểu. Bước vào hội trường chúng tôi cảm nhận rõ không khí trang nghiêm của hội thảo.

Khoảng 8 giờ, sau khi các đại biểu có mặt đông đủ, là nghi thức cung thỉnh chư Tôn đức cùng các vị Hòa thượng quang lâm chứng minh. Hiện diện còn có chư vị giáo phẩm Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS: HT. Thích Thiện Pháp, HT. Thích Thanh Nhiễu; TT. Thích Đức Thiện (kiêm Tổng Thư ký); HT. Thích Gia Quang (kiêm Phân viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam); TT. Thích Thanh Quyết (kiêm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội); cùng chư vị giáo phẩm trưởng các ban, viện TW… Lãnh đạo Ni giới có Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện, Trưởng PBNG TW, Trưởng ban Chỉ đạo Đại lễ.

Phía chính quyền chúng tôi thấy có bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước cùng các vị nguyên lãnh đạo các cơ quan TW; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Đặc biệt, hội thảo đã thu hút đông đảo các học giả, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học, các viện nghiên cứu khắp các tỉnh thành trong cả nước như Giáo sư Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; PGS.TS. Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS. Trần Hồng Liên,…
Hội thảo thu hút 120 bài tham luận, nội dung được chia làm 3 phần: Những vấn đề lý luận chung; Ni sư Diệu Nhân và các vị danh Ni Việt Nam; Ni giới Việt Nam truyền thống và hiện đại. Từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các bài tham luận xử lý một cách căn cơ nguồn tư liệu ít ỏi hiện có liên quan tới Ni sư Diệu Nhân, chắt lọc nguồn tư liệu phong phú, đa dạng về Ni giới, nữ Phật tử Việt Nam thời hiện đại. Nội dung các tham luận nhấn mạnh vai trò hộ trì Phật pháp, những đóng góp cho dân tộc của nữ Phật tử Việt Nam, khẳng định Ni sư Diệu Nhân là vị Ni có uy tín lớn, am hiểu giáo lý đạo Phật một cách sâu sắc.

Ni sư Diệu Nhân, thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042 tại Thăng Long, xuất thân Hoàng tộc nhà Lý. Chồng mất sớm, bà thủ tiết, quyết không tái giá, dốc hết tư trang gia sản, bố thí dân nghèo vùng khó, xuất gia tầm sư học đạo, cứu độ quần sinh. Bà được Thiền sư Chân Không (1046 – 1100) thuộc thế hệ thứ 16 dòng Thiền Nam phương Tỳ Ni Đa Lưu Chi nhận làm đệ tử, đặt Pháp danh Diệu Nhân. Ni sư Diệu Nhân nhất tâm học hỏi những điều tâm yếu Phật pháp, chuyên tâm hành thiền, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới triều Lý, là người được nối pháp, đứng đầu thế hệ thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi – một trong ba dòng Thiền có ảnh hưởng nhất đương thời. Thiền sư Chân Không giao Ni sư Trụ trì Ni viện Hương Hải thuộc hương Phù Đổng (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội), là Ni viện đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Tại đây, Ni sư chuyên tâm thiền định, thuyết pháp giảng kinh, người người nô nức tìm về. Ngày mùng 01 tháng 6 âm lịch năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (tức ngày 15/7/1113), đời vua Lý Nhân Tông, Ni sư viên tịch, hưởng thọ 72 tuổi.

Đánh giá cao sáng kiến của PBNG TW về Đại lễ và Hội thảo, HT. Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh: “Đây cũng là cơ hội để Ni giới Việt Nam tiếp tục noi gương các bậc nữ lưu tinh nghiêm giới luật, trí tuệ siêu việt, tên tuổi ngang hàng với các bậc cao Tăng, được tôn xưng là Tổ sư Thiền như Ni sư Diệu Nhân, qua đó làm hành trang cho sự phát triển của Ni giới Việt Nam trong thời đại mới”.

Hội thảo khoa học và Đại lễ Tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân là một dịp quý báu để Ni giới, nữ Phật tử Việt Nam “ôn cố tri tân”. Hội thảo bế mạc, đại biểu ra về nhưng trong lòng cảm thấy hoan hỷ lạ thường!

TS. Ninh Thị Sinh (Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2)

Tin khác

Cùng chuyên mục