HĐ Hoằng pháp là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của người đệ tử Phật, bởi vì “mục đích của Đức Phật thị hiện ra đời vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người.” Do đó giáo lý của Đức Phật là phương pháp sống thực tiễn, không thể tách rời con người, nếu không đem chính pháp hoằng truyền cho chúng sinh thừa hưởng, thì Phật giáo không có lợi ích gì, muốn chánh pháp được lan rộng cho chúng sinh thừa hưởng thì phải nhờ vào những sứ giả của Như Lai hoằng truyền.
Phật pháp là dòng chảy uyển chuyển linh động không hạn cuộc trong bất cứ khuôn khổ nào, đó là phải khế lý, khế cơ, khế thời… tất cả nhằm đáp ứng yêu cầu của từng thời đại. Đó chính là tinh thần tùy duyên bất biến của Đạo Phật. Người trụ trì làm nhiệm vụ hoằng pháp, phải làm sao Phật pháp ngày càng được phổ cập khắp mọi nơi, trong mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân… hạnh nguyện độ tận chúng sinh, đó là lý tưởng tối thượng của người đệ tử Phật.
Vậy sự nghiệp hoằng pháp được khẳng định, nhiệm vụ hoằng pháp được xem là một sứ mệnh cao cả của người xuất gia. Bất cứ ở thời đại nào, Tăng Ni cũng đều thích nghi và hòa cùng nhịp sống nhân loại ở thời kỳ đó, cho nên: “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Nếu thế kỷ XXI là “thế kỷ của tôn giáo” thì vai trò và trách nhiệm của Tăng Ni Phật giáo sẽ nặng nề hơn trong sự hướng dẫn con người quay về nội tâm, ổn định đời sống tinh thần. Để hoàn thành sứ mạng kế thừa, chư Tăng Ni cần phải cập nhật hóa kiến thức và hoằng pháp trong bối cảnh xã hội hiện đại, vì vậy mục tiêu hoằng pháp cần phải được định hướng rõ nét, để đáp ứng nhu cầu của tín đồ Phật tử, việc tuyên dương chánh pháp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi công năng tu tập và hiệu quả các hoạt động Phật sự của các Sư trụ trì. Vị Sư trụ trì là tác nhân trung tâm giúp cho giáo pháp của Đức Phật được lan tỏa khắp nơi, đến với nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, vị Trụ trì cần phải biết rõ vai trò quan trọng của mình và bối cảnh xã hội, nhu cầu của tín đồ Phật tử và sự vận động bánh xe chánh pháp thời hiện đại như thế nào? Do đó, Sư trụ trì có nhiệm vụ thiêng liêng là truyền bá lời Phật dạy đến mọi người, nhằm đem lại lợi ích cho số đông và cho chính bản thân mình có khả năng xây dựng xã hội của Phật giáo đối với thế giới ngày nay.
Từ đó vai trò vị Trụ trì trở nên quan trọng hơn, để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ trên, cần phải hoàn thiện và đa dạng hóa các phương tiện truyền thông phổ biến nhất là thuyết giảng trên các pháp tòa, cần có nội dung chất lượng cao và cần nhiều pháp tòa cũng như duy trì thường xuyên các thời khóa thuyết giảng. Vận dụng nhuần nhuyễn các phương tiện đó để có khả năng cao nhất nhằm chuyển tải đạo lý Phật giáo và đời sống hàng ngày của người Phật tử cũng như đời sống xã hội. Phật giáo cần thích nghi và phát triển trong đời sống hiện đại để cung ứng về mặt tâm linh cho nhân loại vì đạo Phật là ánh sáng của từ bi và trí tuệ. Tùy thuộc vào sự thúc đẩy của tình hình thực tiễn đó là những hoạt động, những yêu cầu của đông đảo Phật tử ở tại cơ sở, chính là ngôi chùa và vị Sư trụ trì. Vị Trụ trì có quyền điều hành đối với một ngôi chùa. Vì vậy có tính chủ động cao, có thể chuyển đổi cơ chế sinh hoạt một cách triệt để và kịp thời. Cho nên, bao thế kỷ qua, mọi người được hiểu đạo và hướng về Phật pháp là do công hoằng hóa của các bậc Tổ sư từ bao đời trước. Quý ngài đã tận tâm tận lực hết lòng giáo hóa chúng sinh đời ngũ trược cương cường, khiến họ quy hướng theo con đường Phật pháp tu hành.
Nhiệm vụ, vai trò của vị Sư trụ trì:
– Vai trò, nhiệm vụ của vị trụ trì trở nên chính yếu trong sự nghiệp tạo niềm tin Phật pháp, để mọi người có cái nhìn tốt đẹp về Đạo Phật. Nếu làm không tốt thì chính vị Trụ trì là kẻ “phá kiến” một tội trong những tội làm mất tín tâm người Phật tử tại gia. Như vậy, vị Trụ trì phải làm gì trước những nhu cầu bức thiết của xã hội hiện nay? Chúng ta nhận thấy người đảm nhiệm vai trò Trụ trì một ngôi chùa rất quan trọng, quyết định vận mệnh, tồn tại và phát triển của cơ sở Phật giáo tại địa phương. Từ xưa tới nay việc Phật giáo hưng suy không phải do tổ chức Giáo hội mạnh hay yếu mà chính là cơ sở tự viện có tu hay không tu; có hướng dẫn hay không hướng dẫn Phật tử tại gia hay xuất gia tu tập. Nếu nơi đó có hướng dẫn Phật tử tại gia và xuất gia tu học thì Phật giáo nơi đó hưng thịnh; trái lại tuy cơ sở tự viện có phát triển về cơ sở vật chất chùa to Phật lớn, sinh hoạt hình thức bên ngoài nhưng không có người chuyên tu thì Phật giáo sẽ suy vi. Cho nên, trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Nhân thị tối thắng, năng sinh chư thiên pháp cố”, nghĩa là: con người là hơn cả vì có thể tạo nên những điều tốt đẹp”.
– Vị Sư trụ trì ngày nay ngoài công việc phục vụ tín ngưỡng phải có một đời sống tâm linh, để đưa chánh pháp của Đức Phật đi vào đời sống. Bằng phương thức truyền bá tư tưởng của Đức Phật qua kiến thức Phật học mà mình được thực nghiệm không phải ngôn ngữ của văn tự, mà bằng thực nghiệm tự thân. Đây mới chính là đưa Đạo Phật đi vào cuộc đời, nhằm chuyển hóa cuộc đời. Có được như vậy, Đạo Phật mới thực sự có lợi ích, nếu không thể hiện được điều này thì giáo lý Phật giáo có hay có đẹp cũng không có tác dụng gì.
Nhiệm vụ hoằng pháp của vị Trụ trì:
– Củng cố lòng tin chánh pháp và nhận thức chánh pháp cho Phật tử.
– Nâng cao trình độ Phật học và lý tưởng giải thoát cho Phật tử.
– Tạo sức hút để Tăng số lượng tín đồ Phật tử và mở rộng ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội.
– Đối tượng trực tiếp như các đạo tràng tu học cố định như đạo tràng tu Bát quan trai, khóa tu niệm Phật… các khóa giảng định kỳ cố định tại các giảng đường của Giáo hội, các buổi thuyết giảng do các chùa tổ chức thường xuyên và không thường xuyên các buổi giảng khóa An cư Kiết hạ, các khóa bồi dưỡng trụ trì.
– Những đối tượng gián tiếp là những đối tượng chưa phải là Phật tử và các Phật tử ít có cơ hội được nghe thuyết giảng. Ngoài ra, còn một đối tượng vô cùng quan trọng đó là lớp thanh thiếu niên Phật tử. Cần có một mô hình và chương trình truyền bá chánh pháp cho tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử, cung cấp cho họ kỹ năng và nghệ thuật sống hạnh phúc cũng như nhận thức về giá trị thực của đời người, theo tinh thần Phật giáo.
Hoằng pháp là công việc hàng ngày của tất cả những người thực hiện nếp sống xuất gia phạm hạnh, chính Đức Thế Tôn đã khuyến khích hàng đệ tủ của mình phải tích cực trong việc hoằng pháp.
Với nhiệm vụ là Trụ trì một ngôi chùa của Giáo hội, nơi giao tiếp trực tiếp với quần chúng Phật tử nhiều thành phần đa dạng trong xã hội thì việc truyền đạo cũng có nhiều phương cách khác nhau. “tùy duyên hóa độ” không nhất thiết phải “cứng nhắc” theo một khuôn mẫu nhất định nào, vì Phật pháp là “bất định pháp”. Nhưng nói như thế không có nghĩa là bất chấp mọi quy củ đạo đức của người xuất gia mà chúng ta làm việc gì phải có cân nhắc và đem tâm chân thật để đến với mọi người, nếu không sẽ trở thành phi đạo đức làm tổn thương đến đạo mà còn làm cho sự nghiệp của chính mình bị ảnh hưởng.
Điều cần thiết nhất nơi một vị trụ trì chính là ở cái tâm cái đức. Đây là hai mặt hết sức quan trọng mà trước khi được giao phó nhiệm vụ thiêng liêng gìn giữ cơ sở Giáo hội, giáo hóa mọi người quay về với chính pháp, vượt qua khổ đau, sống tự tại vô ngại giữa cuộc đời mà vị Trụ trì đã phát nguyện thông qua những hoạt động thường ngày. Ngoài ra, vị Trụ trì phải thể hiện được cung cách của một vị Sư chân chính, giải quyết mọi việc bằng tâm tu, bằng đức độ của một người có hành trì, tu tập. Khi tiếp xúc với một vị thầy như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được năng lượng của an lạc và tự nhiên sẽ chuyển hóa.
Thực tế, một vị Trụ trì nếu chỉ chuyên tâm cầu học tập kinh điển và hành trì giáo pháp, thì vị ấy đã có thể giáo hóa được nhiều người. Vì suy cho cùng, công việc của vị Trụ trì là giữ gìn mạng mạch Phật pháp, nên “thiền duyệt” mới chính là “món ăn” tinh thần của các vị. Quần chúng đến chùa điều cần thiết với họ không phải là bàn luận thế sự hay chính trị mà là học hỏi và nghiên cứu sưu tầm giáo pháp. Do đó, nếu vị Trụ trì không có sự dụng công nhất định trong giáo lý Phật pháp, sẽ tạo thành một lỗ hỏng và xem nhiệm vụ, sứ mạng của mình khó mà hoàn thành. Không ngừng làm lớn mạnh sức mạnh nội tâm chính là cách hoằng pháp hữu hiệu nhất của một vị Sư trụ trì.
TKN. Diệu Tâm