Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023
Phật học Hiểu chút gì thâm lý (phần 1)

Hiểu chút gì thâm lý (phần 1)

 Ta nghe đâu đây tiếng pháp thoại từ ngàn xưa vọng về, sống động trong từng phút giây. Ngày nay xa cách mấy ngàn năm lịch sử, nhưng thật may mắn và hạnh phúc vô cùng, khi hằng ngày giới xuất gia chúng ta vẫn được chắt chiu từng lời pháp nhũ, dưới sự chỉ dạy của Thầy Tổ, qua từng câu trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Hôm nay, đầy đủ duyên lành chúng ta xin hãy cùng nhau tìm hiểu đề tài: “Phân tích ý nghĩa chương kinh thứ hai” trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương.

Kinh văn:
Bậc xuất gia làm Sa môn, phải dứt trừ tham dục và dẹp sạch luyến ái. Biết tận nguồn tâm của mình, hiểu tột lý sâu xa của Chư Phật, ngộ pháp vô vi, trong không có chỗ đắc, ngoài không có chỗ mong cầu, tâm không buộc nơi đạo, cũng không tạo nghiệp, không niệm, không tạo tác, không tu, không chứng, không trải qua các thứ lớp mà tự cao tột, gọi đó là đạo.

Trước tiên Phật dạy: Bậc xuất gia làm Sa môn phải dứt bặt tham dục và dẹp sạch luyến ái. Dục gồm có năm loại: tài, sắc, danh, thực, thùy đây là năm thứ ngũ dục làm chướng ngại trên đường tu hành. Nó giống như một chất keo, khi dính vào thì khó gỡ ra được. Thiền Sư Đại Châu Huệ Hải có dạy rằng: Người chìm sâu vào tham dục thì căn cơ cạn, một người còn đầy dẫy những tham dục thì tâm sẽ bị nhiễm ô, không thể nào thấu suốt được kinh điển và thực hành lời Phật dạy. Khi khởi tâm tham muốn vật gì, ta phải biết tự hổ thẹn, nên lấy việc tu hành, tự lợi, lợi tha mà trang nghiêm chính mình. Chuyện kể rằng: Một hôm Thiền sư Huệ Tạng Thạch Củng làm việc ở nhà trù, Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất xuống hỏi:

– Làm việc gì?

Huệ Tạng Thạch Củng thưa: – Chăn trâu.

Mã Tổ hỏi: – Làm sao chăn?

Huệ Tạng thưa:- Một khi vào cỏ, liền nắm mũi kéo lại.

Mã Tổ bảo:Con thật là chăn trâu.

Chúng ta hãy cùng Thiền Sư Huệ Tạng Thạch Củng chăn trâu!Khi bị dính mắc, vướng kẹt vào cỏ năm dục, thì hãy mạnh mẽ dùng sợi dây giới luật và chiếc gươm trí tuệ để kéo nó lại.Kế đến, Phật dạy: “Phải biết tận nguồn tâm của mình”. Tâm của chúng ta có 2 loại. Một là, vọng tâm. Hai là, chân tâm. Chân tâm là bản tâm chân thật, nó hiện hữu, sáng ngời trong từng cái thấy nghe hiểu biết qua sáu căn. Như Sư Ông Trúc Lâm đã dạy: “Mắt biết thấy là chân tâm. Tai biết nghe là chân tâm. Mũi biết ngửi là chân tâm. Lưỡi biết nếm là chân tâm. Thân biết xúc chạm là chân tâm và Ý biết pháp trần là chân tâm.”Mắt biết thấy là chân tâm. Để giải thích về ý nghĩa trên chúng ta hãy tìm hiểu về Thiền Sư Linh Vân, Chí Cần khi chứng ngộ đã viết bài kệ rằng:“Ba mươi năm tìm trang kiếm khách Bao phen lá rụng lại đâm chồi Từ khi nhìn thấy hoa đào nở Đến nay tin chắc chẳng còn nghi”.Khi nhìn thấy hoa đào nở, thì Thiền Sư Linh Vân Chí Cần nhận chân được bản lai diện mục của mình, với cái biết sáng ngời muôn thuở. Ngay nơi sắc tướng, ngoại cảnh mà trở về với chân như. Khi nhìn vào hoa, tâm không chạy theo sắc, không đồng hóa mình với sắc, nhìn chỉ đơn giản là nhìn, mà không khởi thêm bất kỳ vọng tưởng nào nữa, thì chính ngay khi đó chân tâm hiện tiền – mắt biết thấy là chân tâm.Còn vọng tâm là những tâm hư vọng giả dối, tạo tác, toan tính, hơn thua phân biệt, phải trái, đúng sai… chính những vọng tâm đó dẫn chúng ta đi trong sanh tử luân hồi.Hiểu tột lý sâu sa của chư Phật, giáo pháp của Ngài là một kho tàng quý giá. Ngay nơi giáo pháp, kinh điển sẽ soi đường, dẫn lối cho chúng ta đi đến con đường an vui, giải thoát. Vì vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu, tư duy và thực hành lời dạy của Chư Phật để mọi việc làm, hành động đều được soi sáng trong sự chánh niệm và tỉnh giác.“Giải vô vi pháp” có nghĩa là hiểu được các pháp vô vi. Pháp vô vi là pháp không sanh, không diệt, không tướng mạo, không tạo tác, không đến, không đi… Trong Kinh Kim Cang Phật đã dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Có nghĩa là những gì có hình tướng đều là hư vọng, không thật, giả dối… Pháp vô vi ngầm chỉ cho bản tâm thanh tịnh, sáng suốt, nhiệm mầu sẵn có nơi mỗi người. “Trong không có chỗ được”. Lục Tổ Huệ Năng khi đại ngộ qua câu Kinh Kim Cang: “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm” đã thốt lên năm lần rằng: “Nào ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh Nào ngờ tánh mình vốn không sanh diệt Nào ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ Nào ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp Nào ngờ tánh mình vốn không dao động”.Trong bản tâm thanh tịnh vốn tự đầy đủ thì không có khái niệm được hay không được. Bởi vì, được hay không được vẫn là hai bên đối đãi. Nếu còn có chỗ để được tức vẫn có chỗ dính mắc, vẫn còn nằm trong sanh diệt.Khi vua Túc Tông hỏi Quốc Sư Huệ Trung:- Thầy được pháp gì? Quốc Sư bảo rằng:- Bệ hạ thấy một mảng mây trên hư không chăng? Vua thưa rằng: – Dạ thấy. Quốc Sư Huệ Trung bảo rằng: – Nó do đóng đinh mắc, hay cột dây mắc?Qua câu chuyện trên chúng ta thấy: Khi vua hỏi Quốc sư Huệ Trung được pháp gì, tức là hỏi chỗ sở đắc của Quốc sư, thì Ngài đã khéo léo trả lời rằng bệ hạ có thấy mảng mây trên bầu hư không chăng? Nó do đóng đinh mắc, hay cột dây mắc? Áng mây tượng trưng cho sự vướng kẹt, dính mắc vào chỗ sở đắc của mình. Nếu một bề hướng ngoại đi tìm chỗ sở đắc, thì chẳng khác nào lấy đinh hay cột dây lên trên bầu hư không. Và chúng ta nên biết rằng chân tâm vốn rộng lớn, thênh thang như bầu hư không, trong thể rỗng lặng, thênh thang ấy mà hằng phát ra diệu dụng.

Hải Trung Bảo Hải

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!