HĐ – Nhắc đến vị này trong hàng ngũ Phật giáo xứ Huế mà ngay cả nước- ai cũng biết và nghe danh. Thật thế, đó là Sư Bà Thích Nữ Diệu Không, tên thật là Hồ Thị Hạnh, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1905 (Ất tỵ), con quận công Hồ Đắc Trung và bà Châu Thị Lương, người làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
Xuất thân từ gia đình quý tộc quan quyền, được mệnh danh là quận chúa, học thức uyên thâm Nho giáo, lưu loát Pháp ngữ, tư chất thông minh, có tinh thần yêu nước thương người. Tuy là một thiếu nữ đài các nhưng Bà có tư tưởng tiến bộ khác bạn bè, đồng thời theo nhân sinh quan Nho giáo phong kiến khép mình trong gia đình, Bà vẫn giữ phép gia phong hiếu thảo cha mẹ, thuận hòa anh em, nhưng đưa mình ra ngoài xã hội để lợi dân ích nước, khéo léo đấu tranh với bất công, bênh vực quyền lợi cho đồng bào nhất là nữ giới. Bà sống giản dị đơn thuần không muốn bận rộn gia thất, nuôi chí xuất trần nhưng hoàn cảnh lúc bấy giờ tại cố đô Huế chưa có chùa Nữ, lại do gia đình mong Bà yên bề chồng con nhưng Bà dửng dưng trước bao nhiêu người ngang trang ngang lứa học cao, địa vị cao, con nhà “Môn đăng hộ đối muốn dặm hỏi”. Cuối cùng khi duyên số đã định, trong một chuyến đi nước ngoài cùng thân phụ Bà đã thương cảm một người tài hoa nhưng bệnh hoạn và khổ đau bất hạnh trong cảnh vợ chết bỏ lại sáu đứa con côi thơ bé. Bà lập gia đình nhưng không vì sự cảm mến thông thường mà vì tình thương bao la như tình mẫu tử muốn ôm ấp nâng đỡ những cô nhi mất mẹ, đưa vai vào gánh vác giúp đỡ bằng hữu có bệnh nan y, đùm bọc gia đình cho bạn mà kết nghĩa hôn phu “Vợ kế kề vai gánh đoạn tràng”. Rồi cuộc sống gia đình ngắn ngủi vài năm, bà trở thành góa phụ. Từ đây Bà được tự do chọn con đường đạo cho bản thân, Bà gửi con của mình cho người chị là bà Hồ Thị Huyên (Vợ Tổng Đốc Ưng Úy, mẹ của giáo sư Bửu Hội), nuôi nấng và gửi các con chồng vào học nội trú ở hai trường Quốc Học và Đồng Khánh.
Thế là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời đã đến. Bà rộng bước đóng góp tài đức trí tuệ và tấm lòng từ bi cho Đạo pháp và dân tộc: Là một nữ tu Phật giáo. Bà giành bao tâm huyết nhiệt tình để thực hiện hoài bão lớn lao phục vụ cho quê hương xứ sở, cho chánh pháp.
Với bao công tác và sự nghiệp Sư Bà đã hiến tặng cho đời cho đạo nhiều phương diện. Ngoài sự tu học trì tụng kinh điển, dịch giảng Sư Bà cũng thực hiện các vấn đề giáo dục, văn hóa, từ thiện- xã hội từ thời còn thiếu nữ cho đến lúc gần xả báo thân vẫn bền bỉ đóng góp cho quê hương
- Phương diện giáo dục:
Thời thiếu nữ khi còn trong vòng gia giáo, Bà đã chịu ảnh hưởng tinh thần cách mạng của Ấn Độ qua Gandi, cách mạng Pháp, Nga và nhất là ngưỡng mộ hai cụ Phan của dân tộc Việt, Bà có chí hướng muốn nâng cao trình độ hiểu biết cho nữ giới. Năm 1926, Bà thành lập hội Nữ công dạy cho phụ nữ ngành nghề thủ công, dạy hiểu biết lịch sử, duy trì nòi giống, dạy gánh vác giang sơn. Xã hội tiến bộ bắt nguồn từ gia đình và gia đình văn minh tốt đẹp chính người phụ nữ là nền tảng. Vì thế Bà luôn thao thức việc giáo dục phụ nữ đương thời còn thấp kém xa vời so với xã hội đất nước phương Tây.
Đến thời kỳ xuất gia Bà đã bỏ tiền và quyên góp tổ chức, xây dựng Ni viện Diệu Đức để giáo dục Ni chúng tu học tại Huế, Bà hỗ trợ chư Tăng mở trường đào tạo Tăng tài:
“Phật học khai trường độ chư Tăng…
…Mong sao củng cố ngôi Tam Bảo”
Cụ thể sau ngày đấu tranh Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm qua rồi Bà cùng quý Ôn Minh Châu, Nhất Hạnh, Trí Thủ xây dựng Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn. Đây là viện đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. Tiếp tục sự phát triển hướng giáo dục cho Ni chúng, Bà giành bao công sức kêu gọi đóng góp cùng tịnh tài của riêng sáng lập tại các thành phố lớn tại miền Nam như: Sài Gòn, Long Thành, Đồng Nai, Sadec, ở miền Trung như: Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An,… nhiều Ni viện phục vụ việc tu học của giới Nữ. Bà luôn thao thức về sự tiến bộ học hỏi của Tăng Ni cũng như mọi người trong xã hội. Có dịp, Bà không bỏ lỡ cơ hội phát triển cơ sở giáo dục cho đời cho đạo. Bà ủng hộ quý Ôn xây dựng trung tâm giáo dục, các trường cơ bản Phật học, các Phật học viện. Vào cuối thế kỷ XX, gần ngày xả báo thân, Bà được biết giáo hội Tỉnh Thừa Thiên cần một địa điểm thuận lơi để mở trường Đại học, Bà đã hết sức hoan hỷ nhường cơ sở mẫu giáo và dạy nghề Hồng Đức cho Hòa Thượng Thiện Siêu làm học viện Phật giáo. Một ước mơ của toàn Giáo Hội Tăng Ni và cư sĩ đã được thành tựu. Đại học Phật giáo miền Trung đã có mặt, tu sĩ và cư sĩ của nửa vùng đất nước đón nhận một sự kiện to lớn chưa bao giờ có. Với Bà, hướng dẫn dìu dắt quần chúng tiến bộ việc đạo, việc đời là sự đại. Thơ Bà sáng tác cũng thường mang tính giáo dục- Dạy làm người, khuyến tu, khuyên học đạo, làm thiện,… Bà thường nhắn nhủ việc học khó khăn nhưng phải gắng công:
“ Muốn tới non cao phải gắng công…
…Trăm khó ngàn khăn cũng cố qua”
(Khuyến tu)
Ánh sáng trí tuệ cần được soi tỏ, đức nhẫn bao trùm các hạnh để con đường giáo dục thành tựu phải:
“Thắp đèn trí tuệ soi đêm tối…
…Nhẫn lực thắng hơn muôn lực khác”
Và muốn đạt đích phải nuôi chí bền.
“Tìm cho tới gốc phải nuôi chí mình”
Bên cạnh các viện Phật học Tăng Ni, Bà cho mở nhiều trường mẫu giáo đến nay vẫn tiếp tục hoạt động có kết quả tốt giúp con em có nơi học hành vui chơi.
- Văn hóa:
Với niềm khao khát xã hội tiến bộ, có kiến thức, có giáo dục, Bà luôn ưu tư xây dựng một nền văn hóa bản sắc dân tộc chống lại Âu hóa đang lan tràn và ảnh hưởng đến tầng lớp thành thị khá giả, đồng thời nâng cao trình độ xã hội dân chúng còn thấp kém. Bà thông thạo Pháp văn, Bà đã đọc sách báo tiếng Pháp, tiếp thu văn hóa tiến bộ của Châu Âu, mong đem cái hiểu biết để cải hóa nhân quần, nhất là phụ nữ. Bà ý thức rằng muốn giải thoát những hạn chế của phụ nữ trước tiên nên xây dựng nền văn hóa dân tộc.
Năm 1926 Bà cùng với bà Đạm Phương tổ chức “Nữ công học hội” ở Thừa Thiên và sau lan rộng ra nhiều tỉnh miền Trung.. bà cho “Đấu xảo” hàng mỹ nghệ do các nữ nghệ nhân Việt Nam sản xuất. Sự thành công của công cuộc này đã sản sinh một của hàng tên “Nam hóa” ở Huế lúc bấy giờ, khuyến khích mọi người dùng hàng nội địa, giữ gìn văn hóa Việt, dù bị mật thám Pháp nghi ngờ Bà là người có tinh thần bài ngoại, nhưng Bà vẫn khéo léo và khẳng khái bênh vực cho dòng văn hóa bản xứ phát triển.
Khi chính thức là nữ tu Phật giáo, Bà tích cực hỗ trợ chư Tăng triển khai văn hóa Phật giáo. Năm 1932, Bà đích thân gặp Hoàng Thái Hậu (Bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại) để cầu xin sự giúp đỡ chống lại ý đồ kềm hãm sự hoằng hóa Phật giáo của các quan lại đầu triều theo Thiên Chúa. Bà rất đắc lực trong công cuộc thành lập “Phật học hội” hoạt động rộng khắp từ kinh đô Huế đến các tỉnh Trưng phần và miền Nam. Tại các nơi có chi hội các giảng Sư đến hoằng pháp truyền đạt tinh thần Phật hóa cho quần chúng. Có cơ sở để truyền giảng, Bà lại cho dựng nhà in để tỏa rộng nền văn hóa của dân tộc và Phật giáo. Nhà in Liên Hoa xuất hiện, in kinh sách và Nguyệt San Liên Hoa do Hòa Thượng Đôn Hậu chủ nhiệm, Hòa Thượng Đức Tâm làm chủ bút. Đây là nguyệt san phát hành lâu nhất ở miền Trung, Bà cũng có bài viết cộng tác với Nguyệt San Liên Hoa và nhiều báo Phật giáo khác.
Sau 1975, nhà in Liên Hoa bị đóng cửa, Bà cho chuyển thành cơ sở sản xuất mì sợi tạo ngành nghề cho Ni chúng trong thời kỳ bao cấp cuộc sống vô vàn khó khăn và thiếu thốn.
Về trung tâm văn hóa Liễu Quán, một thời gian bị chiếm giữ, Giáo hội Thừa Thiên không có cơ sở để truyền bá tôn giáo cho quần dân, vào năm 1994, Bà dõng mãnh ký tên đứng đơn xin chính quyền tỉnh trả lại cho Phật giáo. Bà cũng gửi hai ông Tống Hồ Cầm và Võ Đình Cường xin giúp đỡ trung tâm văn hóa Liễu Quán sinh hoạt lại “Xin hai anh cho chúng tôi một số chỉ dẫn bổ ích để việc làm từ Trung Ương đến địa phương không có sự chồng chéo và nhất quán phục vụ cho nguyên nhân cao đẹp của Đạo pháp và dân tộc”. Rồi Bà viết thư ngỏ kêu gọi đồng bào “Phật tử trong và ngoài nước, xin hướng về cố đô Huế thân yêu, cầu nguyện và giúp đỡ cho tôi, ngõ hầu Phật sự cao quý trên dần dần được viên mãn”.
Từng bước Bà xây dựng được niềm tin cho mọi người trong Đạo cũng như ngoài đời, đến đâu Bà cũng được mến mộ và ủng hộ lời kêu gọi của Bà. Trong Bà nền văn hóa Phật giáo luôn âm ỉ, Bà thường hằng sách tấn “Trong dòng máu của người Việt Nam đều có giống của Phật, của ông bà nhiều đời để lại”, và nhắc nhở “Đồng bào các giới khắp trên địa cầu…dù xa quê hương quý vị luôn nhớ mình là người Việt Nam, luôn nhớ nguồn gốc mà dạy dỗ con cháu lấy hiếu làm trọng…yêu đồng bào…không quên nếp sống Việt Nam.”
Bà là một nhà văn hóa “Ngôn hành hợp nhất” chứ không chỉ có nói trên sách báo mà không thực hành, Bà “ chỉ xử sự một cách bình thường vậy mà vẫn thu được thắng lợi vẻ vang, vẫn hoàn thành được việc cứu nhân độ thế” (Giáo Sư Chương Thâu)
- Bà còn có cái tâm đẹp và thiết thực hơn nữa cho nhân quần xã hội đó là về CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI. Bà có một tình thương vô bờ bến đối với người và vật “Thương mãi thương hoài thương không xiết”.
Lúc còn thiếu nữ việc từ thiện đầu tiên Bà đã đem sáu đứa con côi về nuôi nấng dạy dỗ với tình cảm thương yêu trìu mến của người mẹ “Một đàn con bảy đứa…chúng đã gọi mình bằng mẹ thì không thể nào không làm tròn trọng trách…”
Năm 1928, Bà tổ chức hội “Lạc thiện” quyên góp tiền hỗ trợ giúp “Anh chị em có tinh thần cách mạng, giúp phong trào Cường Để ở Nhật, giúp anh em học ở Trung Hoa, một phần bỏ vào quỹ An Nam du học hội, giúp gia đình có người thân hy sinh ở Nghệ An, các cháu mồ côi” (Hồi ký của Sư Bà).
Thời gian tu học Bà đã cho xây dựng nhiều cô nhi viện như Tây Lộc ở Huế, Diệu Định ở Đà Nẵng, Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang, Bình Thuận, Diệu Giác ở Sài Gòn,… gom nhặt những trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, sống lang thang về chăm nuôi giáo dưỡng, đóng góp giúp đỡ các trại tỵ nạn chiến tranh, thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung vào thập niên 60 và các năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước.
Tại chùa Hồng Ân, Sư Bà và Sư Bà Thể Quán mở trạm xá “Khám chữa bệnh miễn phí”, cấp thuốc điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân nghèo vùng núi non xa thị thành ở Dương Xuân và các vùng lân cận. Đồng thời tổ chức các chuyến thăm khám lưu động ở các vùng trong ngoài tỉnh. Bà cũng hỗ trợ cho các “Tuệ Tĩnh Đường” của Giáo hội tỉnh Thừa Thiên trong lĩnh vực chăm lo sức khỏe cho dân nghèo.
Đây là những việc làm cụ thể có giới hạn nhưng trong Bà tâm từ bi cứu độ thật dạt dào và bao la khắp nhân loại để “Thương sao cho kịp Đức Như Lai” (Thương vô tận).
- Tu học: Trên hết những phương diện đã nêu, Bà là một Tu sĩ có một không hai.
Một con người không văn bằng cao, không lớp lớn nhưng Bà được ca ngợi là một nhà giáo dục, nhà văn hóa, từ thiện- xã hội và Bà là một trong những người sáng lập công tác từ thiện- xã hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Từ đâu có được những thành tựu ấy? Chính là cái tâm “Vô ngại đại bi” muốn dấn thân, muốn cống hiến, muốn phục vụ cho nhân quần xã hội, cho đạo pháp. Đó là mục đích, chân lý Bà đã chọn lựa cho đời mình: Xuất gia đầu Phật. Chính đây là con đường đầy ánh sáng và trên hết trong hành hoạt của Bà.
Từ giã con ruột, con chồng, Bà “Hiến trọn đời mình cho nước non” với cuộc sống đạm bạc “…dưa muối phai mùi tục, mõ sớm chuông khuya sưởi ấm lòng” (Lên chùa). Năm 1932, Bà thọ giới Sa Di Ni có Pháp tự “Diệu Không”, Pháp danh Trừng Hảo, hiệu Nhất Điểm Thanh. Hòa thượng Bổn Sư cho Bà vẫn để tóc cho thuận lợi trong sinh hoạt ngoại hộ chư Tăng. Bà cùng Hòa thượng Giác Tiên tổ chức An Nam Phật học hội và nhiều chi hội ở các tỉnh để hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh. Bà vận động xây dựng Ni viện Diệu Đức tại Huế phục vụ cho sự tu học của Ni chúng. Về sau phát triển thêm nhiều chùa như Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Đông Thuyền,…. Tại các tỉnh miền Trung được Bà góp công sáng lập Bảo Quang (Đà Nẵng), Bảo Thắng (Hội An), Tịnh Nghiêm (Quảng Ngãi), Ni viện Diệu Quang (Nha Trang), Dược Sư Từ Nghiêm, Diệu Giác, Diệu Pháp, Diệu Tràng… (Nam Bộ).
Ngoài việc sáng lập Ni viện, Sư Bà tích cực đóng góp công sức trong việc xây dựng chùa chiền, Phật học viện, Đại học Phật giáo cho Giáo Hội. Gặp cơ hội là Sư Bà hưởng ứng cống hiến cho Đạo pháp không nan trừ việc khó khăn. Trong tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo đồ, Sư Bà đã xin nguyện tự thiêu để bảo vệ chánh pháp nhưng không được giáo hội chấp thuận.
Dù ở cương vị là một trong những long tượng của Ni chúng Việt Nam, Sư Bà luôn giữ gìn Bát Kỉnh Pháp thuần thành, đúng mức, luôn tôn trọng Tăng giới. Sư Bà rất tự tại, sống giản dị, có tinh thần vô ngại khó ai bì, gặp việc khó Sư Bà đều dấn thân không thoái tâm. Trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh nhiêu khê rắc rối của cuộc sống, họ đã đến cầu xin Sư Bà lời khuyên giải, Sư Bà rất gần gũi thân mật tìm phương tiện dìu dắt răn dạy niềm tin Phật và khuyến hóa cho họ tiệm cận với việc tu học. Nhiều người theo sự giáo hóa của Sư Bà đã thoát được cảnh bức bách của trần gian, tìm được hạnh phúc an lạc. Chỉ bằng tất cả lòng thương chân thật, từ bi cứu độ, Sư Bà đã chuyển hóa bao người hoạn nạn bỉ cực tìm được niềm an vui trong cuộc sống
Với việc giáo dục đệ tử, Sư Bà tuyệt đối cấm không cho có thái độ “Vạch lá tìm sâu” ở người khác mà Sư Bà nhắc nhủ phải tự phản tỉnh nhìn mình để tâm trong sáng và thanh tịnh, xứng đáng là giòng giống Thích tử.
Trong việc tu học, Sư Bà rất nghiêm mật với chính mình về thời khóa công phu, Sư Bà nghiên cứu kinh sách Đại Tiểu Thừa, nhập thất tham thiền, “Sư Bà nguyện lăn lóc cõi Ta Bà” để cứu độ chúng sanh. Sư Bà sáng tác thơ, văn (Diệu Không thi tập, Hạnh nguyện cứu khổ, Ký sự Đường Thiền Sen Nở,…) để khuyến tu, giáo dục phụ nữ giữ giới, hành thiện,… Sư Bà dịch thuật nhiều bộ luật luận như Thành Duy Thức, Du Già Sư Địa luận, Đại Trí Độ luận, Lăng Già Tâm Ấn, Di Lặc Hạ Sinh Kinh, Trung Quán Luận Lược Giải của ngài Long Thọ, Hiện thật luận của Thái Hư Đại Sư.
Mặc dù già bệnh tuổi ở bậc thượng thọ, Sư Bà vẫn sáng suốt minh mẫn chỉ dạy cho đệ tử hay ai cầu thỉnh một việc gì một cách minh bạch rõ ràng. Cuộc đời Sư Bà giành phần lớn cho tha nhân, trên cúng dường, dưới hóa độ, ít khi nghĩ cho bản thân.
Sư Bà thị tịch vào ngày 23 tháng 8 năm Đinh Sửu (24/9/1997), hưởng thọ 93 tuổi, 53 hạ lạp.
Suốt gần trọn thế kỷ XX, Sư Bà đã cống hiến trọn đời cho Đạo pháp, cho dân tộc bao công lao sự nghiệp nhưng không bao giờ Sư Bà tỏ một ý một lời vinh danh công quả. Với tâm vô ngại đại bi Sư bà đã thực hiện những ước nguyện lớn lao cho Đạo cho đời một hình ảnh cao quý sáng ngời của thế kỷ.
TKN. Diệu Đạt