HĐ Thế nhân, kiếp sống đời thường trăm năm tuổi khi đã mãn, họ cho là mất đi tất cả, con cháu chỉ còn đọng lại chút nhớ thương.
“Người xưa nay đã còn đâu
Chỉ còn mây bạc lòng sầu nhớ thương”.
Nhưng theo Phật giáo, cái chết chỉ là thay đổi quá trình của đời người dài hay ngắn kinh qua nghiệp lực để có sự tái lai hay đọa lạc.
Thế nên, sự ký tất của các bậc Thánh hiền, nhân đức hay tổ tiên ông bà…, dù họ không còn huyễn thân trên dương thế nhưng nếp sống đạo đức, nhẫn nại, khoan dung và lòng nhân ái của quý Ngài vẫn sống mãi cho đàn hậu học noi theo.
“Người đã khuất nhưng không bao giờ mất
Người ra đi muôn thuở vẫn còn ghi
Hình bóng oai nghi công hạnh vang lừng
Lưu lại đó cho thế nhân hậu học”.
Xưa kia, Bách Trượng Thiền sư với phương châm “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” là quy củ tu hành, để giảm bớt sự bào mòn vật chất thế nhân, Hòa thượng Hải Hiền cả cuộc đời tu hành gắn liền với ngọn núi Đồng Bích, mỗi ngày chỉ cần vài củ khoai sọ, rau rừng là an tâm cấy cày niệm Phật A Di. Bậc cao Tăng Trúc Đạo Sanh, mỗi khi thuyết pháp sỏi đá cũng gật đầu. Thiền sư Phú Thịnh, áo bá nạp che thân, tìm con đường vắng vẻ ngồi thiền và để bát khất thực, có người lấy làm lạ hỏi: “Sao Ngài không tìm chỗ có người qua lại đông thì được nhiều đồ ăn hơn?” Ngài trả lời: “Tôi chỉ cần vài ba xu hoặc chút thức ăn là đủ, đâu cần ngồi chỗ đông người”.
Hơn thế nữa, Hòa thượng Huệ Lâm với ba mươi năm một đôi guốc không mòn, nơi nào đường đi không gai góc, đất mịn, Ngài xách guốc lên tay, nhẹ nhàng bước chân qua chặng đường dài. Sự kiệm đức của quý Ngài, chúng ta hôm nay cần suy nghĩ! Nhiều và nhiều lắm, những bậc pháp khí thiền môn, thiệu long Tam bảo mà ngôn từ kẻ học học không lời nào kể xiết, không bút nào viết tận.
Nét nhìn đặc thù về những bậc cao Tăng thuở trước, mẫu số chung đều vất vả, cần cù lao động, không có thời giờ nghỉ ngơi, lúc làm ruộng hay canh tác hoa màu chính là đang tu hành, trì danh Phật hiệu. Núi non hiểm trở, hang động cheo leo, gập ghềnh mỏm đá không lùi bước chân đi, thú rừng hoang dại, hùm rắn cọp beo,… đều quy phục trước đức độ của quý Ngài, chẳng những không gây tổn hại, mà còn phục dịch trái cây, thức ăn nước uống cùng bảo hộ quý Ngài yên tâm tu hành, viên mãn quả vị giải thoát.
Ngày nay, chúng ta rất hổ thẹn khi xem lại gương xưa ẩn dật tu hành, thương và kính quý Ngài quá đi thôi! Giờ đây, người tu sĩ nói chung cả hai giới Tăng Ni đều xa rời nếp sống núi non hoang dã, để thay vào đó mái chùa, tịnh xá nguy nga, hoành tráng, sinh hoạt thiền môn vật chất quá đủ đầy, nội điển, ngoại khoa đều đáp ứng, xa gần học đạo cũng đa năng lắm dạng, giao lưu rộng mở mọi miền, mọi lúc, mọi nơi.
Đọc lại trang sử của quý Ngài, chư Ni hậu học vô cùng kính ngưỡng, vừa thân thương, vừa gần gũi lẫn cao xa diệu vợi, khoảng cách thời gian quá dài, nhưng nét đẹp, phong cách và lối sống luôn tỏa ngát ngàn phương, qua kệ dẫn của quý Ngài, hậu Ni nguyền ghi nhớ:
Tăng trụ thành hoàng, Phật tổ ha
Thánh hiền tiên triết ẩn nham a
Sơn tuyền lưu xuất nhơn gian khứ
Thanh thủy y nhiên thành trược ba.
Quả thật, núi rừng không còn nơi ẩn tu, biển cả, không trung thâu ngắn đường dài, ấy thế mà đường tu hành chưa mấy ai chứng quả, uy nghi, phẩm hạnh, Tông môn, chẳng có mấy người thừa kế, thật là nan giải cho hậu bối chí tu.
Thầm mong, gương sáng người xưa mãi được tôn vinh, trong tiếp nối sẽ có nhiều đại sĩ ẩn danh, Thánh hiền mở ngõ, lập lại hội Linh Sơn cho vạn lòng nở hoa trí tuệ từ bi, ngàn cánh tung bay hương giới đức.
Tăng già hòa hợp là sức mạnh của Giáo hội, Tăng Ni tinh tấn nghiêm trì Giới luật là điểm tựa phước điền cho sanh chúng, là bậc đạo sư trời người đều quy ngưỡng, thay Phật tuyên dương Giáo pháp.
Người đi cây vẫn xanh màu
Chuyển tâm mở ngõ con tàu thanh lương
Thế nhân hậu học đồng nương
Giăng buồm trí tuệ mở đường Lạc bang.
TKN. Như Như