Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024

Gọi tên rau dại

  Bất kỳ ở địa phương nào của Việt Nam, từ rừng núi cho tới nông thôn đều xuất hiện rau dại. Có những nơi đất giàu chất dinh dưỡng, rau dại mọc tươi tốt xanh um cả một vùng, nhìn mê con mắt. Chúng góp phần trong bữa ăn chính của bà con nghèo làng quê, giúp ích cho ngành Y học Cổ truyền, tạo môi trường sống trong lành thân thiện. Nhưng chúng không bao giờ được đứng vào hàng ngũ chính thức của các loại rau phục vụ thực phẩm cho con người vì mang tên rau dại.

Rau dại thường thì không có một tên gọi chính thức. Tùy từng vùng mà chúng có những tên gọi khác nhau do địa phương tự đặt rồi lâu ngày quen dần (ngoại trừ những rau hiếm chỉ có một nơi). Rau dại không được chăm sóc chu đáo như rau chuyên canh, lại nhọc nhằn giữa thảo dược, cỏ và thức ăn. Rau không được khuyến cáo dùng, vì có thể đôi khi nhầm lẫn dẫn đến chết người (như lá ngón). Có loại rau dại vừa là thức ăn lại là độc dược (củ ấu tẩu) nếu không biết cách chế biến. Vì thế mà ít người quan tâm đến sự tồn tại của nó, có thì ăn, không thì thôi vậy. Rau dại còn bị “vùi xuống đáy xã hội” vì người ta luôn ví von rằng: Rau để cho gia súc, gia cầm ăn như rau muống nước, rau trai, rau dệu v.v…

“Dại” thì đã làm sao chứ? Ít ra rau tự thân vươn lên, kiên cường tươi tốt trước nắng cháy, bão giông. Hoang dã đấy! Nhưng lại là thực phẩm an toàn, không phân- thuốc hóa học, cũng chẳng cần ai phải nâng đỡ chở che trước sâu bệnh hoành hành. Với những bệnh nhân, khi mà Tây y bó tay thì người ta lại quay về với Y học Cổ truyền, thuốc Nam thuần Việt. Lúc chạy khắp rừng sâu, vườn cỏ tìm cho bằng được rau dại trị bệnh mới thấy nó giá trị biết dường nào.

Đối với những người con sinh sống ở nông thôn, rau dại là một phần ký ức của tuổi thơ gian khó. Ai lớn lên mà không từng ăn rau dại. Rau muống nước, rau trai, bình bát dây, nhãn lồng (lạc tiên, chùm bao), đọt mọt, sắn rừng, bò khai, hẹ nước, bồn bồn, dớn, choại, đắng biển, lủi…. vừa giúp người nghèo có cái no bụng, lại là những bài thuốc chữa bệnh lặt vặt rất hữu hiệu. Rau dại nuôi sống bà con là thế. Nhưng chúng bị rơi vào quên lãng bởi sự hiện diện của rau trồng. Mãi cho đến khi người ta ly hương mới biết nhớ, biết thương đến những ngọn cỏ, cọng rau dại quê nhà. Nhớ đến quặn thắt ruột gan khi nghĩ về cái thời tuổi thơ bé bỏng, thèm được ăn một đĩa rau dại nhưng thật xa vời. Lúc ấy mới biết giá trị của cuộc sống, biết quý trọng tình cảm nhà quê, biết thương Mẹ thương Cha…

Giờ rau dại đã bước sang trang mới, đẹp hơn, giá trị hơn so với thời hoang dã của ngày hôm qua. Ở nhiều chợ, siêu thị, rau dại có giá cao gấp đôi so với rau trồng nhưng vẫn không đủ lượng cung. Trong các quán ăn, nhà hàng, thực khách ngày càng thích rau dại hơn. Rau dại còn giúp bà con làng quê tăng thêm thu nhập đáng kể… Âu đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống. Không ai, không gì có thể vàng son trường tồn. Khi mà rau trồng ngày một phân thuốc vô tội vạ, khiến cho người tiêu dùng cảm thấy hoang mang, thì người ta vội tìm đến rau dại để trấn an tâm lý. Ăn rau dại cũng là cách để chúng ta nhớ về những tháng ngày gian khó xa xưa.

Nguyễn Duy

Tin khác

Cùng chuyên mục