Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024

Giới đàn

Tượng Phật A Di Đà được chế tác từ loại gỗ quý Giáng hương. Đây là pho tượng được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ cao lớn nhất Việt Nam.

 Giới Đàn nơi cử hành nghi thức thụ giới và thuyết giới. Đàn là cái nền đất được đắp hơi cao hơn mặt đất trong giới trường. Giới trường vốn không cần xây cất nhà cửa, chỉ cần kết giới làm dấu trên bất cứ chỗ đất trống nào là được; nhưng để đề phòng mưa gió. Từ xưa đã thực hành cả hai nghi thức thụ giới trong nhà và kết giới thụ giới ngoài chỗ đất trống. Ấn Độ thời xưa, lúc ban đầu, thường tác pháp ngoài trời, chứ không lập đàn riêng. Cứ theo Thích Thị Yếu Lãm quyển thượng chép, thì Bồ-tát Lâu Chí xin Đức Phật cho phép làm một Giới Đàn để truyền giới cho các Tỳ-khưu. Đức Phật hứa khả, do đó, một Giới Đàn được dựng lên ở phía Đông Nam ngoại viện Tinh xá Kỳ Viên. Về hình thức Giới Đàn, trong Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng truyện quyển thượng, ngài Nghĩa Tịnh miêu tả Giới Đàn ở chùa Na Lan Đà tại Trung Ấn Độ như sau: “Vuông vức mỗi bề hơn một trượng; chung quanh Giới Đàn xây tường gạch, cao chừng hai thước, chỗ ngồi trong tường cao khoảng năm tấc”. Ở Trung Quốc, tương truyền giới đàn đầu tiên là Giới Đàn do ngài Đàm Kha Ca La xây dựng ở Lạc Dương vào đời Tào Ngụy khoảng các năm Gia Bình, Chính Nguyên (249-256). Từ đời Tấn, Tống về sau, ở miền Nam lập rất nhiều Giới Đàn như: Giới Đàn ở chùa Ngõa Quan tại Dương Đô (Nam Kinh) do ngài Pháp Hộ lập vào đời Đông Tấn, các Giới Đàn ở Thạch Thành, tỉnh Sơn Tây và ở Phần Dương, tỉnh Chiết Giang, do ngài Chi Đạo Lâm thiết lập, v.v… tất cả có tới hơn 300 giới đàn.

Đời Đường năm Càn Phong thứ 2 (667), luật sư Đạo Tuyên thiết lập Giới Đàn tại chùa Tịnh Nghiệp ở ngoại ô thành phố Trường An, với chiều cao 7 thước 7 tấc (Tàu) gồm 3 tầng: tầng dưới rộng 2 trượng 9 thước 8 tấc, cao 3 thước, tầng giữa rộng 2 trượng 3 thước, cao 4 thước 5 tấc, tầng trên vuông vức mỗi bề 7 thước, cao 2 tấc. Chung quanh mỗi tầng đều có khắc những hình sư tử thần vương. Đồng thời, ngài Đạo Tuyên soạn “Giới Đàn Đồ kinh”, trong đó ngài trình bày rất rõ ràng, chi tiết về nguồn gốc, tên gọi và hình dáng Giới Đàn, từ đó Giới Đàn mới có hình thức nhất định. Và cũng từ đó, trào lưu kiến lập Giới Đàn thịnh hành trên khắp nước, kể cả công và tư. Niên hiệu Vĩnh Thái năm đầu (765), vua Đường Đại Tông ban lệnh kiến lập Giới Đàn Phương đẳng ở chùa Đại Hưng Thiện. Đồng thời, sắc lệnh cho Tăng Ni trong kinh thành mỗi bên đều thỉnh cử 10 vị Đại đức lâm đàn. Đây là lần đầu tiên Đại đức lâm đàn được thiết lập, tức là “Tam sư thất chứng”. Giới Đàn Phương Đẳng là giới đàn Đại thừa, đàn pháp tuy y theo các bộ luật, nhưng người thụ giới phải phát tâm bồ đề rộng lớn, đó là điểm đặc biệt khác với giới đàn Tiểu thừa. Năm 754, ngài Giám Chân từ Trung Quốc vượt biển sang Nhật Bản, ít lâu sau, ngài xây cất giới đàn ở trước điện Đại Phật của chùa Đông Đại: Đây là giới đàn đầu tiên tại Nhật Bản. Kiểu mẫu Giới Đàn này được căn cứ theo bộ “Giới Đàn Đồ Kinh” của ngài Đạo tuyên.

Tại Việt Nam nghi thức truyền và thọ giới của Phật giáo Bắc tông vẫn theo truyền thống của Luật tạng(Tứ Phần luật) và tổ chức rất uy nghiêm hoành tráng, nhất là các giới đàn của Phật giáo TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết các Giới Đàn đều sử dụng Chánh điện để làm nơi truyền giới, chỉ có Giới đài Cam Lộ-chùa Huệ Nghiêm là cố định, đây là giới đài đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Giới đài viện được kiến trúc hình chữ “Sơn” Tượng Phật Tỳ Lô cao 2,3m, nặng 1,8 tấn ngự trên đài sen có 200 cánh, mỗi cánh sen có khắc nổi hình Đức Phật Thích Ca. Phía dưới đức Phật Tỳ Lô là Tam thân Phật tựa lưng nhau hướng ba cõi, cao 2,1m nặng gần 7 tấn. Bốn tượng Phật được nâng bởi đài sen cao 2,2m, nặng 2 tấn, trên đó có 1.000 cánh sen, trên mỗi cánh cũng khắc nổi hình Phật Thích Ca. Các tượng phật và đài sen đều được tạo tác từ những khối gỗ nguyên (gõ đỏ) nhập từ Nam Phi.

Trên đỉnh mái vòm của Đức Phật Tỳ Lô, bản Tỳ-kheo giới kinh được chạm khắc tinh tế. Có 5.400 chữ của 250 giới Tỳ-kheo được dát vàng 24k. Xung quanh bậc tam cấp vòng thành xây bằng đá hoa cương. Trên mỗi bậc tam cấp đều chạm nổi hình Hộ pháp. Tổng cộng có 72 vị Hộ pháp được chạm khắc tinh tế, đường nét thanh thoát, uy nghi, mỗi vị mỗi vẻ… Trên bốn mặt tường bao quanh Giới đài có tổng cộng hơn 16.000 chữ của bộ kinh Phạm Võng được khắc vuông vắn, đều đặn, hàng lối ngay ngắn. Các chữ đều được dát vàng 24k rất trang nhã. Sau Giới đài là khu Tịnh Nghiệp đường. Theo Hòa thượng Thích Minh Thông, Tịnh Nghiệp đường là nơi chư Tăng, Phật tử sám hối về tội lỗi mình đã gây ra, làm cho thân tâm được thanh tịnh. Bên trong Tịnh Nghiệp đường có Cửu thể Di Đà, tượng trưng cho chín phẩm của người tu Tịnh Độ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Cửu thể Di Đà có 8 pho tượng cao 3,6m, nặng 2 tấn được đặt dọc hai bên gian phòng Tịnh Nghiệp đường và 1 pho tượng Phật A Di Đà cao 8m, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ đường kính 2,6m và tuổi thọ có thể lên đến ngàn năm.

Đại Giới Đàn Trí Đức tổ chức từ ngày 01- 06 tháng 12 năm 2015 (nhằm 20 – 25/10/ Ất Mùi), do Ban Trị sự Phật giáo TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Hơn 1.000 Tăng Ni giới tử, sau khi khảo thí, các giới tử trúng tuyển sẽ nhập trường vào ngày 28 /11/2015 (nhằm 17/10 Ất Mùi) theo quy định của Ban Tổ chức Giới tử Tỳ-kheo tập trung tại Giới trường chùa Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân); Giới tử Sa di tập trung tại Giới trường chùa Huê Nghiêm (Quận 2); Giới tử Tỳ-kheo ni tập trung tại Giới trường chùa Từ Nghiêm (Quận 10); Giới tử Thức Xoa tập trung tại Giới trường chùa Kim Sơn (Q. Phú Nhuận); Giới tử Sa-di-ni tập trung tại Giới trường chùa Huê Lâm (Quận 11); Giới tử Tỳ-kheo, Sa-di Hệ phái Phật giáo Nam tông (Kinh) tập trung tại Giới trường biệt truyền chùa Bửu Quang (Q.Thủ Đức); Giới tử Tỳ-kheo, Sa-di Hệ phái Khất sĩ tập trung tại Giới trường Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh); Giới tử Tỳ-kheo ni, Thức Xoa, Sa-di-ni Hệ phái Khất sĩ tập trung tại Giới trường Tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp).

Ban Biên tập

Tin khác

Cùng chuyên mục