Thứ Tư, 17 Tháng Tư 2024
Phật họcGieo mầm mạ non (phần 2)

Gieo mầm mạ non (phần 2)

  “Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiên thần miếu”

Đây là câu chuyện về Ngài Phá Táo Đọa, ông là vị Thiền sư thuộc hệ Ngưu Đầu, một hôm cùng đồ đệ đi ngang cái miếu ở núi Tung Sơn, Ngài thấy mọi người tấp nập đem heo, bò, gà, vịt… để cúng thần miếu. Họ nói trong miếu có thờ ông Táo rất linh thiêng, cầu gì được nấy. Ngài bèn vào miếu thấy ông Táo (cái miếu được đắp bằng đất) được thờ rất trịnh trọng, Ngài liền cầm gậy gõ vào ông Táo nói:
– Đây là đất nước gió lửa hợp thành, linh từ đâu đến?

Nói xong Ngài đập ông Táo một cái bể nát, rơi xuống. Nên người ta gọi Ngài là “Phá Táo Đọa” nghĩa là “đập ông Táo rơi”. Còn câu phú: “Phá Táo cất cờ”, vì trong chỗ thờ ông Táo có cờ phướn treo rất nhiều, khi Ngài đập ông Táo xong, cờ xí cũng dẹp luôn. “Đạp xuống dấu thiên thần miếu” nghĩa là: đạp xuống, bỏ đi sự linh thiêng của ông thần Táo ở trong miếu cũng không còn nữa. Xong việc, Ngài bước ra. Người dân bảo với Thiền sư:

– Ông sẽ bị hộc máu mà chết đó, bị quả báo cho xem, ông mau vào xin lỗi đi. Ngài lặng lẽ thản nhiên tiến bước, được một đoạn đường thì có người mặc áo xanh đến trước mặt Ngài quỳ lạy và thưa:
– Con là thần Táo, nhờ ơn của Hòa thượng độ, nên hết nghiệp làm thần, nhờ tỉnh giác con được sanh về cõi trời, con đến tạ ơn Ngài.

Qua câu chuyện cho chúng ta thấy, sự mê lầm chấp trước không chỉ riêng thần Táo mà cả chúng ta cũng vậy. Chấp thân tứ đại, đất, nước, gió, lửa hợp thành là mình, thì khó thấy được đạo, khi được Thiền sư khai ngộ, ông Táo thức tỉnh không bám vào cái bếp đất, nhờ linh thiêng mà người cúng cho ăn, ngay nơi đó liền hết nghiệp. Chúng ta cũng vậy, hãy cố gắng nương những lời dạy của Chư Phật chư Tổ mà thức tâm tỉnh giác, giảm bớt đi sự chấp trước mê lầm về thân, thì khi hết duyên chúng ta sẽ dễ dàng buông xả sắc thân này.

“Câu Chi day ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang”

Theo quyển Bích Nham Lục, do Sư ông Trúc Lâm thượng Thanh hạ Từ soạn dịch năm 1995 nói về Thiền sư Câu Chi như thế này:
“Hòa thượng Câu Chi là người Kim Hoa, Vụ Châu. Buổi đầu Ngài ở am, có một vị Ni tên là Nhật Tế đến, đi thẳng vào chẳng lột nón, cầm tích trượng đi nhiễu giường thiền ba vòng nói:
– Nói được thì lột nón.
Hỏi như thế 3 lần, Hòa thượng Câu Chi không đáp được. Vị Ni liền đi. Câu Chi nói:
– Trời đã chiều, cô hãy ở lại nghỉ.
Cô Ni nói:
– Nói được thì ở lại.
Câu Chi cũng không đáp được, vị Ni liền đi.
Hòa thượng Câu Chi buồn và than rằng:
– Ta nay tuy mang hình trượng phu mà không có khí trượng phu.
Liền buồn quyết rõ việc này, toan bỏ am đi các nơi tham thỉnh, làm người hành khước tôi luyện. Đêm ấy sơn thần đến mách:
– Chẳng cần rời chỗ này. Ngày mai có nhục thân Bồ tát vì Hòa thượng nói pháp.
Quả thật, ngày hôm sau có Thiền sư Thiên Long đến am. Câu Chi đón tiếp, thưa rõ việc vừa qua, Thiền sư Thiên Long liền đưa một ngón tay lên chỉ đó. Câu Chi bỗng nhiên đại ngộ. Bởi Câu Chi hiện thời trịnh trọng, chuyên chú tu hành, nên nhân duyên đã đủ “thùng thông dễ thủng đáy”. Sau này có ai hỏi, Sư liền đưa một ngón tay lên, đó là theo cách và nếp cũ của cha ông “ông ang”. Trong am của Hòa thượng Câu Chi có một đứa bé, khi đi ra ngoài bị người hỏi:
– Bình thường Hòa thượng lấy pháp gì dạy người?

Đứa bé đưa một ngón tay lên. Khi trở về, nó thưa lại với Hòa thượng. Câu Chi lấy dao chặt ngón tay nó, đau quá bé chạy kêu và khóc. Câu Chi gọi một tiếng, nó xoay đầu lại, Câu Chi đưa một ngón tay lên, nó hoát nhiên nhận hiểu (ngộ). Đến khi sắp tịch, Thiền sư Câu Chi bảo với chúng:
– Ta được một ngón tay thiền của Thiên Long, bình sanh dùng chẳng hết, cần hiểu chăng? Rồi Sư đưa một ngón tay lên liền thị tịch.
Chúng ta thấy đạo lý gì nào?

Sao chú bé bị chặt tay, đau quá kêu và khóc? Câu Chi gọi một tiếng xoay đầu lại (trở về thực tại) chú biết nghe. Câu Chi đưa một ngón tay lên (đây là phương tiện) thầy chỉ cho trò thấu được chỗ không đau, tánh biết sờ sờ, không duyên theo cái đau của ngón tay nữa, nên chú bé đã thầm nhận (ngộ) được bản tâm, tánh biết thấy, biết nghe trùm khắp sờ sờ, không bị cái đau của ngón tay của thân tứ đại chi phối, nên chú đã nhận được ý chỉ của Thầy. Đây là nhân duyên thầy trò giữa Thiền sư Câu Chi và chú bé.

“Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước Nạp Tăng no dầu tự tại”;

* “Lưỡi gươm Lâm Tế”: Là câu chuyện về Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền. Ngài có một đặc trưng kỳ thú, có ai đến hỏi đạo, bất kỳ hỏi câu gì, Thiền sư Lâm Tế liền hét lên một tiếng điếc tai, trong nhà thiền dụ tiếng thét của Ngài như lưỡi gươm bén, chặt đứt mọi kiến chấp nghi ngờ. Nếu ai không biết mà khởi tri giải thì tan thân mất mạng. Chúng ta hiểu gì đây? “Tiếng hét” này? Muốn hiểu đạo chân thật, thì không còn lời để nói nên Ngài đã hét lên, cho chúng ta bặt tâm, vắng lặng, không động khởi mà nghĩ suy, trở về với thực tại, thì đạo ngay đây, sự tỉnh sáng, hằng biết này. Nếu như không hiểu mà còn khởi vọng kiến, thì chân tâm kia vắng bóng, nên nói “tan thân mất mạng”.

* “Nạng Bí Ma”: Bí Ma là tên một ngọn núi ở Ngũ Đài Sơn, chỗ Ngài Văn Thù Sư Lợi hàng phục được rồng dữ, nên từ đó được gọi tên núi là Bí Ma. “Nạng Bí Ma” là nói về Thiền sư Thường Ngộ ở ngọn núi Bí Ma này. Ngài hay chống cây nạng gỗ, hình dạng ở trên thì suôn, phía dưới thì chĩa ra hai nhánh, như cây nạng (ná) bắn chim của lũ trẻ miền quê. Mỗi khi vị Tăng nào đến hỏi đạo, Ngài liền lấy nạng chận trên cổ Tăng và hỏi rằng:
– Ma quỷ nào dạy ông đi xuất gia? Ma quỷ nào dạy ông đi hành khước? Nói được cũng bị cây nạng đập chết, nói không được cũng bị cây nạng đập chết. Nói mau! Nói mau!
Ai cũng sợ cú đòn kỳ đặc này của Ngài. Vậy nói gì đây, để thoát chết mọi người? Thật ra, đây là thuật của Ngài, giúp người hỏi đạo thôi và xem coi ai đã ngộ. Lúc đó, nói gì bây giờ? Ở đây không phải Ngài làm, để ta đáp, mà Ngài xem đối phương sống được với đạo hay chưa? Như chúng ta biết, nếu đã thông suốt, thì đâu còn nói gì nữa, chỗ đó là “bất khả đắc”, “vô sở đắc” cơ mà. Nhưng nếu người hỏi đạo tương ưng với Ngài, đồng đạt đạo như Ngài thì thầy trò sẽ tự cảm thông với nhau, chứ nơi đây không có ngôn ngữ, tâm truyền tâm. Hình tướng trên mặt nhận thức, thường chúng ta không nhìn thấy được.

“Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước Nạp Tăng no dầu tự tại”

Ý câu này nói, Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền và Thiền sư Thường Ngộ, người thì sử dụng tiếng hét người thì sử dụng cây nạng, đó đều là phương tiện của các Ngài để độ Tăng chúng, đầy tự tại trong việc giáo hóa với những vị Tăng mặc áo đi hành khước “Nạp Tăng” không có gì ràng buộc các Ngài hành đạo cả.

“Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang”.

* “Sư tử ông Đoan” chỉ cho Thiền sư Tây Dư, họ Đoan ở An Cát Châu. Ngài dùng chỉ màu, đan thành hình lốt con sư tử, thỉnh thoảng khoác vào người, sư đến Hoa Đình, lên tòa nói:
– Sư tử Linh Sơn la thét trong mây, Phật pháp không thể suy lường được.

Do nhân duyên như vậy, nên gọi Ngài là Sư tử ông Đoan. Vậy chúng ta thấy đối với đạo chân thật, thì làm sao có thể suy lường? Chỗ ấy bặt dấu vết, suy nghĩ ắt chẳng trúng. Riêng hình ảnh của sư tử, đặc biệt là tiếng rống của chúng, được nhà thiền sử dụng rất nhiều. Sư tử là loài chúa tể của chốn sơn lâm, con vật nào cũng sợ sự oai phong lẫm liệt của nó. Trong tác phẩm Chứng Đạo Ca, Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác có dùng hình ảnh của sư tử như sau:

Âm:

“Sư tử nhi chúng tùy hậu
Tam tuế tiện năng đại hao hống
Nhược thị giả can trục Pháp vương
Bách niên yêu quái hư khai khẩu.”

Nghĩa:

“Sư tử con, mọi loài đều theo sau
Tuổi mới lên ba liền rống lớn
Chó rừng dù theo gót pháp vương
Trăm năm yêu quái há mồm suông.”

Ý đoạn này nói: Sư tử con dù nhỏ vẫn oai phong, tất cả thú rừng đều sợ, các loài vật khác chỉ theo phía sau thôi (tùy hậu) không dám đi đằng trước. Tuy mới ba tuổi nhưng lúc rống, cũng là tiếng rống kinh hoàng của loài sư tử. Nếu chó rừng (dã can) dù có theo sư tử trăm năm để học và bắt chước tiếng rống này, thì cũng uổng công suông mở miệng, vẫn không thể bắt chước được.

Qua đây chúng ta thấy tinh thần đốn giáo trong Thiền tông, ai có duyên thì sẽ nhận chân, biết được nguồn tâm theo lời dạy của Chư Phật, chư Tổ mà trở về, còn người lạc vào đường tà, trong ngoài khác nhau thì dù có bắt chước, chỉ là gượng gạo không có kết quả gì. Cái gì chân thật là của mình vẫn hay hơn. Chúng ta là con cháu Thiền tông, thì phải theo lời dạy của cha ông, rống cho được tiếng rống của loài sư tử, chứ đừng để từ sư tử mà lại học theo cách kêu của chó rừng (dã can) thì thiệt thòi lắm đây. Nếu chúng ta không khéo tu, thì chuyện này cũng dễ dàng xảy ra thôi. Tu lâu ngày không tiến triển, điều tất nhiên sẽ sanh tâm chán nản, muốn tìm cầu một cái gì kỳ đặc, muốn hiển bày dị tướng… Ngày nào cũng làm, cũng học, cũng ăn, cũng ngồi thiền tụng kinh như vầy, không có gì hay ho… Thực tế ta hãy tự nhìn nhận lại bản thân, có thật sự trọn vẹn trong việc làm, trọn vẹn trong việc học, trọn vẹn trong việc tu hay chưa? Ăn chúng ta có biết mình đang nhai không? Tu chúng ta có biết mình đang tu không? Mà tu là gì? Ta có thật sự tỉnh giác, chánh niệm trong tất cả thời đi đứng nằm ngồi chưa? Tự ta có làm chủ được thân và tâm khi tiếp duyên xúc cảnh hay không? Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần ta có hoàn toàn tự chủ hằng biết mà không vọng khởi chăng?… Những việc ấy ta đã hoàn tất hẳn chưa? Bấy nhiêu đó còn làm không xong, chuyện làm của cả một đời tu sĩ, không biết trọn vẹn chưa? thì tìm cầu cái gì kỳ đặc làm chi? Làm chủ được chính mình, làm chủ được sanh tử đi, rồi hãy mưu cầu việc khác nhé! Mọi người tu sĩ của chúng ta ơi! Đâu phải chuyện dễ dàng nào! Vậy nên thôi đi những lý tưởng siêu việt khác người, hãy an bần thủ đạo thắp sáng nguồn tâm chân thật của chính mình, làm một vị bần Tăng giữa cuộc sống này. Tuy cũng ăn cơm, mặc áo, sinh hoạt trong nếp sống thiền gia, nhưng hằng biết hằng tỉnh sáng suốt chiếu soi, không để khách trần phiền não dẫn dắt một phút giây nào, còn nếu bị trôi mình theo cảnh, thì phải sớm biết để lôi ông chủ về… chỉ thế thôi là tốt lắm rồi! Trong cuộc sống này chúng ta làm chủ được tự thân và tự tâm thì sau này đối với cái sống và chết mình sẽ tự tại hơn. Vậy là tuyệt vời quá đỗi còn đòi hỏi chi xa xôi? Vậy nhé! Chúng ta cùng nỗ lực, tu tập theo con đường Chư Phật, chư Tổ đã chỉ dạy. Còn chưa kể sự lao công nhọc sức của những bậc thầy, những bậc Ân sư đã hao hơi tổn khí vì chúng ta quá nhiều, thật hổ thẹn, cho thân phận mình kém cỏi, chưa sống đúng và tu tốt để các Ngài được an tâm, những tập khí thâm căn cố đế từ vô thỉ, thỉnh thoảng cứ tràn về. Dù đã biết rõ, hiểu một cách chân thật rồi mà lúc thực hành còn chẳng xong, bầm trầy bầm trật, hà huống chi không có cái hiểu đúng đắn, làm sao chúng ta có cơ hội để trở về với tâm chân thật đây? Còn những phần ngoài khả năng, thuộc về tập nghiệp của tự thân đã tích lũy từ bao đời, giờ một cái đùng muốn y sạch sẽ thì không phải chuyện dễ dàng (trừ những bậc thượng căn thượng trí), nhưng xét cho cùng tột, chúng ta chưa phải Thánh Tăng. Thế nên, tâm tâm nguyện nguyện, nỗ lực tu hành theo lời chỉ dạy của những bậc thầy trong Chánh pháp, trong môi trường của đại chúng, sống với Tăng đoàn để dễ dàng thúc tiến chính mình là tuyệt vời nào bằng.

* “Trâu thầy Hựu”:

Điển tích là như thế này: Thiền sư Linh Hựu ở núi Quy (Quy Sơn) khi sắp tịch Hòa thượng nói:
– Sau khi tịch, lão Tăng sẽ sanh ở dưới chân núi, làm con trâu. Trên lưng có dòng chữ “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”. Vậy khi ấy các ngươi gọi Quy Sơn Tăng Linh Hựu là đúng, hay gọi con trâu là đúng?

Vậy chúng ta gọi gì đây? Nếu không hiểu, sẽ sanh tâm nghi ngờ, ông Hòa thượng này tu cái kiểu gì, lâu năm dài tháng mà lại sanh làm con trâu? Sự thật không hiểu như thế. Nhân câu nói của Ngài, mà ta vọng ra phải gọi là Tăng hay gọi là trâu là bị vướng bẫy của Thiền sư rồi. Người đã ngộ đạo, cốt muốn chỉ cho ta chỗ rốt ráo, vượt ngoài sự đối đãi phân biệt. Giữa người và vật, Phật tánh bình đẳng không sai khác, phàm Thánh không hai, vượt ngoài đối đãi. Thế nên, trong kinh Pháp Hoa có câu:

“Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. Loài có tình thức và không có tình thức đều có Phật tánh (chủng trí). Đối với những bậc tu hành đạt đạo thì đâu đâu cũng là Phật nên cách nhìn, cái thấy của các Ngài hiển nhiên là vậy thôi. Như Bồ tát Thường Bất Khinh từng nói: “Tôi không dám khinh suất các Ngài vì tương lai các Ngài sẽ thành Phật”.

Ý của Thiền sư Linh Hựu muốn chúng ta nhận thấy được như vậy, chứ không phải chúng ta vin theo câu nói của các Ngài mà suy nghĩ phân biệt, phải gọi thế nào, là vướng bẫy mất rồi. Thế nên, người tu đạo chúng ta cần cẩn trọng.

“Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn Việt hượm xá nghênh ngang.”

Ý câu phú này muốn nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là giới cư sĩ Phật tử, những vị Thiền sư tu đạt đạo như Ngài Linh Hựu ở Quy Sơn, như Sư tử ông Đoan. Cho nên, quý Phật tử phải cố gắng tu tập, chớ khởi tâm nghênh ngang, kiêu mạn, đã khởi thì nên dừng nó lại (hượm). Vì sao Sơ tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông nói điều này? Phật tử thường có điều kiện về tài chính, phát tâm hiến cúng cho Tam Bảo, ít thì không nói, nhưng nhiều thì hay chấp, bị kẹt vào cái ngã của riêng mình và bắt giới xuất gia phải làm theo ý mình, không theo thì giận hờn, không đi chùa đó nữa. Trường hợp này xảy ra rất nhiều ở xã hội hiện tại. Thầy Trụ trì nào nồng hậu đón tiếp, vui vẻ theo ý mình thì mình hậu hĩnh cúng dường, đến chùa tới lui. Nhưng nếu vị trụ trì nào có vẻ bình thường lạnh nhạt… thì hiếm hoi và rất ít thu hút được Phật tử. Chúng ta hãy nhìn nhận lại thực tế mà xem có phải vậy không nào? Cho nên, người cư sĩ Phật tử phải cẩn trọng vấn đề này, chư Tổ đã dạy và nhắc mình phải dừng lại đừng có nghênh ngang là vậy.

“Đưa phiến tử cất trúc bề nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn.”

* “Đưa phiến tử”: là hành động của Thiền sư Văn Yển ở Vân Môn, một hôm sư thăng tòa đưa cây quạt lên (đưa phiến tử) nói:
– Cây quạt này nhảy lên cung trời Tam Thập Tam, đập vào mũi Đế Thích. Con cá Lý ngư ở biển Đông bị đánh một gậy, mưa như cầm chĩnh (bình) mà đổ. Hiểu chăng?

Qua câu này của Ngài ta hiểu nổi không? Nói Đông rồi lại nói Tây cốt để ta bặt nói năng nghĩ suy. Thế mà khi nghe, chúng ta liền tưởng ngay đến cái quạt lạ kỳ này, lên đến cung trời Tam Thập Tam mà xuống cả biển Đông hay thiệt. Thế là ta bị dính ở câu nói của Ngài rồi. Duyên theo cảnh mà lại không trở về với tánh biết hiện tiền. Khi Ngài nói đưa cây quạt, ý nghĩ lại chạy lên cung trời rồi xuống tận biển Đông, vậy là xa chân tâm lắm rồi.

* “Cất trúc bề”:

Trúc bề là cây thiền trượng. Thiền sư Quy Tĩnh đến tham vấn Thiền sư Tĩnh Niệm. Ngài Tĩnh Niệm đưa cây trúc bề lên hỏi:
– Gọi trúc bề thì phạm, không gọi trúc bề thì sai. Thế thì gọi là cái gì?
Quy Tĩnh giật cây trúc bề ném xuống đất nói:
– Là cái gì?
Ngài Tĩnh Niệm bảo:
– Mù.
Quy Tĩnh liền ngộ.

Đoạn này, ý Thiền sư Tĩnh Niệm muốn chỉ cho Quy Tĩnh: chân tâm hiện tiền, trong ấy thì không có tên gọi. Quy Tĩnh cũng hiểu được ý của Ngài nên giật và ném cây trúc bề xuống đất nói: “Là cái gì?” Sở dĩ Ngài Tĩnh Niệm bảo mù là ý của Ngài muốn nhắc, tuy không có tên gọi, không động dụng khởi niệm nhưng hằng biết hằng sáng suốt chiếu soi, không phải là không ngơ, mà ông lại hỏi “là cái gì”? Còn hỏi là vẫn chưa thấy đạo, nên Ngài bảo mù.
Phương tiện chúng ta hiểu như thế này: Căn duyên của mỗi hành giả tu tập sẽ có cái nhìn và cách hiểu khác nhau, có cao thấp tùy vào sự tiếp nhận của mỗi người. Thế nên, ở đây không thể luận bàn đúng sai. “Đưa phiến tử cất trúc bề nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn” Các vị Thiền sư có những hành động như đưa phiến tử, cất trúc bề cốt là muốn nghiệm xem căn cơ (cơ quan) của người học đạo đã rốt ráo chưa? Đối với sáu căn của họ đã nhanh nhẹ thông suốt hay còn nặng nề? Nếu ngay đó mà ngộ thì đã “nhẹ nhẵn” thông rồi. Chỉ vậy thôi.

“Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.

* “Sô hòn cầu”: Đây là hành động của Thiền sư Tuyết Phong. Huyền Sa Sư Bị, hỏi Ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn:
– Hiện nay trong đạo chúng Hòa thượng phải làm sao? Ngài Tuyết Phong lấy ba trái cầu gỗ, đồng thời ném ra. Huyền Sa Sư Bị làm thế chụp. Ngài Tuyết Phong bảo:
– Người ở hội Linh Sơn mới làm được như vậy.

Đây là lời khen của Thiền sư Tuyết Phong dành cho Huyền Sa Sư Bị. Vậy chúng ta biết tại sao khen không? Ngài Huyền Sa Sư Bị hiểu được ý Hòa thượng, tâm tương ưng, trong chân tâm ấy không thể nói được nên Hòa thượng ném ba trái cầu gỗ, Huyền Sa hiểu được. Thầy ném thì trò chụp, thầy trò cảm thông với nhau. Nên Ngài khen người ở hội Linh Sơn (hội chúng trên núi Linh Thứu, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói pháp. Ý chỉ những người học đạo, sống được với đạo) đây là hành động sô hòn cầu của Thiền sư Tuyết Phong, nhằm chỉ chỗ không lời chứ không nói về trái cầu gỗ, chúng ta chớ có hiểu lầm.

* “Cầm mộc thược”: Đây là hành động của một Thiền sư cầm cái gáo gỗ, nhưng cũng ngầm chỉ ta về với thực tại, quay về với tánh biết sờ sờ trước mặt đây, chứ không rong ruổi tìm cầu nơi khác.

“Sô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa trước móc khoe khoang”, hai vị Thiền sư, người thì sô hòn cầu (trái cầu), người thì cầm mộc thược (gáo gỗ) là những mưu mẹo, của các Ngài để phô bày cái cách riêng của mình, không ngoài mục đích kéo hành giả trở về với thực tại thắp sáng đèn tâm nơi chính mình.

“Thuyền Tử rà chèo, dòng sông xanh chửa cho tịn tẩy”,

Thuyền Tử chỉ cho Thiền sư Đức Thành, đưa đò ở bến sông Hoa Đình, người ta còn gọi Ngài là Hoa Đình Thuyền Tử, ông là đệ tử của Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm. Thiền sư Đức Thành là người được truyền tâm ấn, bạn đồng học với Sư có Vân Nham, Đàm Thạnh, Đạo Ngô Viên Trí… Ngài không chịu đi giáo hóa, thích chốn sơn thủy nên thơ, nên sắm một chiếc thuyền, trên bến sông Hoa Đình, đưa đò qua lại, tùy duyên hàng ngày mà hóa độ.

Trước khi đi, Ngài có dặn Đạo Ngô Viên Trí:
– Sau này, Sư huynh thấy có người nào lanh lợi kỳ đặc, chỉ giúp cho một người.
Một hôm Đạo Ngô đến chỗ Thiện Hội đang lúc Ngài Thiện Hội thăng tòa thuyết pháp, có vị Tăng hỏi:
– Thế nào là pháp thân?
Thiện Hội đáp: Pháp thân không tướng.
– Thế nào là pháp nhãn. Đáp:
– Pháp nhãn không dấu vết.
Đạo Ngô nghe xong chợt phát cười. Xong buổi giảng Thiện Hội tìm đến chỗ Đạo Ngô thưa.
– Vừa rồi tôi đáp câu hỏi của Tăng, có chỗ nào sai trái xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy. Đạo Ngô bảo:
Nếu nói về Phật pháp, thầy là bậc nhất, còn yếu chỉ xuất thế thì chưa có phần. Thiện Hội thưa:
– Vậy tôi phải làm sao? Mong Hòa thượng chỉ dạy. Đạo ngô bảo:
– Tôi không phải thầy của ông, nay ông đến bến sông Hoa Đình, có Ngài Đức Thành ông ấy sẽ chỉ cho ông. Thiện Hội giải tán đồ chúng, đi thẳng đến Hoa Đình Thuyền Tử. Thuyền Tử bảo:
– Thả ngàn thước tơ ý ở đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau, nói mau! Khi Thiện Hội vừa muốn mở miệng, bị Ngài đánh một chèo té xuống nước. Thiện Hội mới leo lên thuyền, Sư lại thúc:
– Nói! Nói!

Thiện Hội vừa mở miệng, lại bị Thiền sư đánh cho một chèo nữa. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ. Có kì cục quá không mọi người? Thiện Hội đã lặn lội đến học đạo, không chỉ thì thôi, còn đánh té xuống nước mấy lần? Thật ra, đạo không có ngôn ngữ, Thiền sư Đức Thành muốn chỉ cho Thiện Hội chỗ tột cùng, chỗ ấy thì còn mở miệng được sao? Mở miệng là có lỗi, nên bị đánh là phải rồi. Nhờ bị đánh mấy lần, nhân duyên đã chín muồi, Thiện Hội đại ngộ, nhận được điều mà bấy lâu nay Ngài chỉ hiểu trên văn tự đối đáp, chứ chưa một lần thực nghiệm chúng. Nhưng nay có Thầy khai ngộ, nhân duyên thầy trò là ở chỗ này. Thật tuyệt vời!

Sở dĩ nói: “Thuyền Tử rà chèo, dòng sông xanh chửa cho tịn tẩy” Ý nói Thiền sư Đức Thành (Hoa Đình Thuyền Tử) chèo đò thong thả vui trên sông nước, nhưng dòng sông xanh này chưa được tẩy rửa sạch tận cùng. Vì sao? Bổn phận của người tu, muốn trọn vẹn thì ít nhất trước khi thị tịch phải tìm được một người đệ tử nối pháp mới tròn trách nhiệm. Nên Thiền sư Đức Thành còn nợ, phải tìm cho được một đệ tử là Ngài Thiện Hội này, thì dòng sông kia mới xanh trọn vẹn, Ngài mới tròn bổn phận của người đạt đạo.

(còn tiếp)

Thích Nữ Hải Thuần

Tin khác

Cùng chuyên mục