Thứ Tư, 13 Tháng Ba 2024
Phật họcNghiên cứuGiáo dục Phật học (Pháp học) dành cho nữ tu sĩ Phật...

Giáo dục Phật học (Pháp học) dành cho nữ tu sĩ Phật giáo Myanmar

  Tại Myanmar (Miến Điện), các chủ đề về Kinh điển Phật giáo được dạy theo giáo trình quốc gia, do Ban Tôn giáo Chính phủ Myanmar biên soạn. Tiêu chuẩn giáo dục tại các thiền viện (chùa, tịnh xá) dành cho nữ tu sĩ Phật giáo đã được cải thiện rất nhiều trong thế kỷ qua.

Trọng tâm giáo dục của Myanmar là hệ thống Kinh điển Phật giáo và ngôn ngữ Pāli; tại các Ni viện Myanmar, không dạy thêm môn nào khác ngoài trọng tâm vừa nêu. Từ năm 1901, Chính phủ đã cho phép cả nữ tu sĩ và cư sĩ được tham dự các kỳ thi tụng thuộc Thánh điển có tên gọi là Pathamapyan, do Nhà nước tổ chức.

Vào năm 1915, khi vị nữ tu sĩ đầu tiên đoạt giải quán quân tại cuộc thi tụng thuộc Thánh điển trình độ cao cấp – Pathamagyi đã tạo tiếng vang tốt cho giới tu sĩ nữ. Về sau, có thêm nhiều nữ tu sĩ cũng đạt được điều như thế. Trong giai đoạn đầu thế kỷ vừa qua, hầu hết các nữ tu sĩ đạt xuất sắc tại những kỳ thi Pathamapyan, đều đến từ các Ni viện nằm rải rác xung quanh dãy đồi Sagaing (Sagaing Hills). Kể từ đó, Pháp học (pariyatti) – nghĩa là học tập Kinh điển đã trở thành động lực mạnh mẽ cho giới tu sĩ nữ và ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ xin vào Ni viện để được học Kinh điển Phật giáo.

Chương trình học tập Thánh điển

Ngày nay, các nữ tu sĩ Phật giáo (và cư sĩ) có cơ hội học tập và tham dự các kỳ thi quốc gia, tương ứng trình độ học tập của họ. Hệ thống giáo dục dành cho chư Tăng và chư Ni trong những kỳ thi này là như nhau. Bao gồm năm cấp độ:

1. Giai đoạn cho người mới bắt đầu (Mula-dan);
2. Trình độ tiểu học (Pathamange-dan);
3. Trình độ trung cấp (Pathamalat-dan);
4. Trình độ cao cấp (Pathamagyi-dan);
5. Giai đoạn đào tạo Pháp sư (Dhammacariya).

Tài liệu học tập tại các Ni viện khác nhau ở từng cấp độ, đơn cử như ở Trình độ cao cấp (Pathamagyi-dan), học viên sẽ học những phần sau:

1. Học Kinh

a. Học Bộ Pháp Cú bằng ngôn ngữ Pāli (Dhammapada) và Chú giải (Atthakathā). Lưu ý rằng, chỉ có nữ tu sĩ và cư sĩ học phần này, còn các nhà Sư và Sa di thì học bộ Luật (Vinaya).
b. Học Bổn Sanh Kinh bằng ngôn ngữ Pāli (Jātaka) và Chú giải (Atthakathā).

2. Học Ngữ Pháp Pāli

a. Ngữ Pháp Kaccāyana (Kaccāyana Grammar), của Bhikkhu Kaccāyana – Nhà sư Sri Lanka.
b. Rūpasiddhi, của Bhikkhu Buddhappiya – Nhà sư Sri Lanka.
c. Thaddagyi Poke-sit, Tập ngữ pháp phân tích, của Sayadaw Khin Gyi Pyaw – Nhà sư Myanmar.
d. Alankā, Tập sách dạy về những tinh hoa của ngôn ngữ, tác giả Bhikkhu Saμgharakkhita – Nhà sư Sri Lankan.
e. Abhidhannappadīpikā, Tự điển Pāli của Bhikkhu Moggalāna – Nhà sư Sri Lanka.
f. Chandodaya, Tập sách giải thích các quy tắc viết thơ văn, của Bhikkhu Saūgharakkhita – Nhà sư Sri Lanka.

3. Học Tạng Luận/Vi Diệu Pháp (Abhidhamma)

a. Bộ Pháp luận (Abhidhammatt Ha-sangaha) – Tác giả Bhikkhu Anuruddha – Nhà sư Sri Lankan.
b. Bộ Phân biệt/Phân tích luận (Abhidhammattha-vibhāvinī) – tác giả Bhikkhu Sumangalasāmi hay Abhidhamma-sangahatīkā.
c. Bộ Song đối luận ngôn ngữ Pāli (Yamaka Pāli) và phần phân tích giải thích.
d. Bộ Phát thú/Vị trí Luận ngôn ngữ Pāli (Patthāna Pāli) và phần phân tích giải thích.
e. Bộ Chất ngữ luận ngôn ngữ Pāli (Dhātukathā Pāli) và phần phân tích giải thích.

Giáo dục và Phương pháp giảng dạy

Giáo dục cho nữ tu thường bắt đầu ở độ tuổi 13-14 và trước tuổi 25 là giai đoạn học tốt nhất, vì khả năng ghi nhớ lúc này cực tốt. Không như các vị Sadi, hầu hết các nữ tu không có nhiều kiến thức Kinh điển khi họ vào Ni viện.

Muốn được dạy Thánh điển chính thống, bài bản, nữ tu sĩ cần phải xin vào Ni viện chuyên về Pháp học. Ngặt thay, số lượng Ni viện tại các vùng nông thôn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi các tịnh xá dành cho nam giới đến học Kinh điển lại khá nhiều. Chính vì vậy, các vị nữ tu sĩ không có nhiều điều kiện học Kinh điển như các vị Sadi. Do đó, nữ tu sĩ tiếp nhận giáo dục thiền môn trễ hơn so với nam tu sĩ.

Sau khi được nhận vào Ni viện, trước hết, vị nữ tu phải học Thanh quy chốn thiền môn; rồi học cách tụng những bản Kinh căn bản và học thuộc lòng các bài kệ hộ trì (paritta). Khi đã thích nghi nếp sống thiền môn, vị ấy được cho đi học ngữ pháp Pāli và Bộ Luận nền tảng, căn bản (basic Abhidhamma).

Mỗi môn học có phương pháp dạy khác nhau; mỗi vị Pháp sư có cách thức giảng dạy riêng biệt tùy theo dòng truyền thừa của họ. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ giới thiệu phương pháp dạy ngữ pháp Pāli và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) tại Ni viện chúng tôi. Hai giáo trình để học ngôn ngữ Pāli và giúp vượt qua các kỳ thi tụng Thánh điển (Pathamabyan) là Tập ngữ pháp Kaccāyana Grammar và Rūpasiddhi. Những tài liệu này giải thích cấu trúc và cách sử dụng từ ngữ Pāli, đồng thời là nền tảng căn bản để đọc hiểu các văn bản ngôn ngữ Pāli.
Sau khi hoàn tất hai giáo trình trên, người học nắm bắt được các đặc điểm chính yếu của từ ngữ Pāli. Nhiều cuốn sách được viết thêm nhằm trợ giúp cách học hiệu quả hơn, có cả phần hướng dẫn dịch từng chữ; các quy tắc ngữ pháp trong thơ văn Myanmar. Người học cần nắm bắt những quy tắc ngữ pháp ấy, mới dễ dàng chuyển dịch từ Pāli sang Myanmar và ngược lại. Một khi có được kiến thức vững chắc về cấu trúc của ngôn ngữ Pāli, người học chuyển qua học trong Abhidhan (tự điển) và San, để viết được luận văn, cả văn xuôi lẫn văn vần. Sau vài năm học tập, thực hành, các sinh viên thuộc tu viện có đủ kỹ năng để đọc hiểu văn học Pāli.

Trọng tâm học thuật của Phật giáo Myanmar là học Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và phần chú giải Pāli từ thế kỷ XII; học Abhidhammatt Ha-sangaha, cả bản Pāli và Myanmar. Người học bắt đầu từ các phần căn bản, rồi dần dần tiến lên sau đó.

Song, khó mà học nhanh được, trừ khi có nền tảng vững chắc từ Abhidhammatt Ha-sangaha. Vì vậy, người học phải học thuộc lòng Abhidhammatt Ha-sangaha, rồi tự mình phân tích vào mỗi tối. Họ dành phần lớn thời gian để học thuộc các đoạn Kinh văn, tụng các câu kệ, rồi đọc lại những phần quan trọng chính yếu trong tài liệu.

Từ trình độ cao cấp Pathamagyi trở lên, người học bắt đầu suy gẫm về ý nghĩa thâm sâu các khái niệm trong Thánh điển, đó là lúc họ khai mở hết những kiến thức đã thu nhận. Sau khi nắm bắt trọn vẹn được Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), có thể học tiếp Đầu Đề (Mātikā), Bộ Chất ngữ luận (Dhātukathā), rồi Bộ Song luận (Yamaka) và Phát Thú luận (Patthāna). Người học được dạy trọn bộ Yamaka, còn bộ Patthāna thì chỉ được học chương Kusala Tika, do một vài giới hạn về thời gian ở cấp độ học này. Trước đây, Tạng Vi Diệu Pháp – Abhidhamma (Mātikā, Dhātukathā, Yamaka và Pa hāna) có truyền thống dạy – học vào ban đêm.

Cả thầy và trò học đều phải học thuộc lòng Abhidhamma dưới ánh sáng nhá nhem khi màn đêm buông xuống. Sau khi phân tích được phần nào, người học tự nhẩm lại bằng ngôn ngữ Pāli. Do học vào ban đêm, nên những bài học có tên gọi “nya-wa” hay “bài học về đêm”. Truyền thống này vẫn tồn tại, chỉ khác là ngày nay, các vị giáo thọ dạy Abhidhamma suốt ngày. Không khỏi tự hào về đất nước Myanmar, họ đã kế thừa truyền thống Phật giáo về việc học tập, phân tích Abhidhamma tường tận, thấu đáo. Hiện giờ, hầu hết tất cả giáo án có chất lượng tại Myanmar ít nhiều đều liên quan Abhidhamma dưới nhiều hình thức.

Việc học ở trình độ Pháp Sư (Dhammacariya)

Từ năm 1937, kế hoạch học Dhammacariya có cấp bằng được đề xuất. Đến năm 1942, Chính phủ chính thức triển khai các kỳ thi Dhammacariya. Nữ tu sĩ Daw Hemayi thuộc Ni viện Thameikdaw Gyaung ở Sagaing là người đầu tiên thi đậu kỳ thi ấy, ở độ tuổi 40. Để được cấp bằng Dhammacariya, người học phải thi đậu ở cả ba chuyên đề: Pārājika, Sīlakkhandha và A hadālinī (Giới Ba-la-di, Giới Uẩn).

Do phải học rất nhiều nội dung trong ba chuyên đề nêu trên, người học có thể dự thi mỗi năm một chuyên đề, hoặc thi cả ba trong cùng một năm. Tại mỗi kỳ thi Dhammacariya, chỉ khoảng 25% người thi đậu, phần còn lại chờ năm sau thi lại.

Người thi đậu bằng Dhammacariya, sẽ được Chính phủ Myanmar trao tặng danh hiệu Pháp sư… Sāsanadhaja Sri Pavara Dhammacariya. Sau khi đã hoàn tất trình độ Dhammacariya, vị ấy được phép học tiếp, để dự thi phần Nikaya. Song, rất hiếm người làm điều này, một phần do quá sức, một phần do suy nghĩ rằng với bằng cấp Dhammacariya, đã đủ cho họ đi dạy hoặc thậm chí mở một Ni viện mới.

Mặc dù số lượng nữ Pháp sư và học giả tại Myanmar gia tăng đáng kể trong thế kỷ qua, nhưng những học giả Phật giáo ưu tú trong nước vẫn là các nhà Sư. Chư Ni học chuyên ở trình độ cao cấp, vẫn phải đi cầu học các nhà Sư giảng dạy, chỉ bày, chuẩn bị cho kỳ thi Dhammacariya, miễn là không vi phạm Giới luật (vinaya).

Tương lai khả quan cho Nữ tu sĩ Myanmar

Sau khi độc lập, nhờ những nỗ lực của nhà Sư Bhikkhu Vitsittaarabhivaūsa, còn được gọi là Tipitakadhara Sayadaw, các trường Đại học Phật giáo quốc gia được thành lập tại Yangon và Mandalay, nhưng họ không nhận các nữ tu sĩ vào học. Năm 1998, từ chính sách Nhà nước, Chính phủ thành lập Học viện Truyền giáo Phật giáo Nguyên thủy Quốc tế, nhằm đào tạo các Tăng sinh thành những nhà truyền bá Phật giáo Quốc tế.

Tại Học viện, tất cả bài giảng đều bằng tiếng Anh, học viên được học Kinh văn, dịch thuật, văn hóa Phật giáo, thiền định và công tác truyền giáo. Học viện đón nhận cả Tăng sinh và Ni sinh đã có bằng Dhammacariya hoặc có bằng Đại học bên ngoài. Nữ cư sĩ có bằng Đại học cũng được ghi danh vào Học viện. Vấn đề nảy sinh trong lớp học là các vị cư sĩ không giỏi về ngôn ngữ Pāli, trong khi các Ni sinh lại không khá Anh ngữ cho lắm. Chính điều này đã tiếp thêm động lực cho các Ni sinh dành chiến thắng trong các giải thưởng giáo dục. Trong những năm gần đây, một vài vị đã được Chính phủ mời làm giảng viên chính (toàn thời gian).

Hiện nay, càng có nhiều nữ tu sĩ Myanmar đi du học nước ngoài. Nhờ vậy, họ có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá, tiếp nhận nền giáo dục hiện đại và phương cách học giáo pháp đầy sáng tạo. Song, đa phần nữ Pháp sư tại Myanmar không khuyến khích sinh viên du học nước ngoài, trừ những sinh viên đã có nền tảng vững vàng về Thánh điển (Pitaka).

Trong những năm gần đây, các tổ chức Phật giáo tư nhân, phi lợi nhuận đã mở ra nhiều kỳ thi Alakāra, dành cho các vị tu sĩ trẻ dưới 28 tuổi, cả Tăng lẫn Ni. Ban đầu, kỳ thi chỉ được tổ chức tại Mandalay, đến nay đã có hơn 14 thành phố và thị trấn chuyên tổ chức các kỳ thi Alakāra.

Thời gian đầu, các vị nữ tu không đăng ký các kỳ thi Alakāra. Song, giờ đây, họ đã dự thi tại Yangon, Thaton và Pakokku. Đến nay, có 20 nữ tu sĩ thi đậu và nhận được danh hiệu Alakāra. Cách thức và hệ thống thi cử đã giúp sinh viên chốn thiền môn có thêm kỹ năng ngôn ngữ, học nhanh hơn và hiểu sâu hơn các tài liệu gốc bằng ngôn ngữ Pāli. Những người có bằng Alakāra có nhiều cơ hội thi đậu kỳ thi quốc gia Pathamabyan và kỳ thi Dhammacariya hơn. Vì lẽ đó, các kỳ thi Alakāra ngày càng thu hút nhiều sinh viên trẻ tuổi.
Công tác cải cách giáo dục cho nữ tu sĩ không ngừng tiến triển trong vài thập niên trở lại đây, do nhiều nguyên nhân. Trước nhất là phụ nữ có trình độ, có học vấn tìm về nương tựa giáo pháp Đức Phật (Buddha sāsana) ngày một nhiều và ngày càng có nhiều phụ nữ xuất gia tu học tại Myanmar.

Thứ đến, các vị Pháp sư Tăng có tâm huyết, nhận trách nhiệm giảng dạy các nữ tu và giúp họ trở thành Pháp sư. Riêng với nữ Pháp sư, thế hệ trước đã nhiệt tình, nhiệt tâm, tích cực cải cách việc giảng dạy để nâng cao trình độ cho thế hệ sau trong nhiều thập kỷ liền. Nhờ đó, việc học của Ni chúng Myanmar tiến bộ rõ rệt. Thông qua mạng lưới rộng lớn các phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng có nhiều cư sĩ quan tâm đến tầm quan trọng trong công tác giáo dục, truyền bá, xiển dương Pháp bảo của chư Ni, nên họ đã phát tâm cúng dường, hỗ trợ tài chính ngày một nhiều hơn.

Thêm nữa, mối quan hệ tích cực giữa các tu viện và các nữ Pháp sư cũng là nguyên nhân giúp cho công tác giáo dục chư Ni phát triển mạnh tại Myanmar, nhờ họ làm việc cùng nhau, trao đổi các phương pháp giảng dạy cho nhau.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, nữ tu sĩ Phật giáo tại Myanmar còn có nhiều hoàn cảnh. Bên cạnh một số tu viện có đời sống khá an ổn, một số khác đối mặt với khó khăn vì không nhận được sự cúng dường để duy trì nếp sống chốn thiền môn. Do vậy, họ không có nhiều thời gian để học hỏi và đang rất cần sự hỗ trợ.

Cũng có những nữ tu được tiếp nhận nền giáo dục hiện đại, nhưng lại không được học Pāli. Một số khác được học Pāli, nhưng chưa biết giáo dục hiện đại. Nếu các nữ tu được tiếp nhận cả hai nền tri thức, chắc chắn thành công sẽ nhiều hơn.

Thiết nghĩ, nên trao những vị trí thích hợp cho các vị nữ tu đã học xong và có bằng cấp trình độ nào đó, để họ có thể cống hiến cho Phật giáo. Công tác giáo dục chư Ni vẫn rất cần sự hỗ trợ từ các nhà Sư và cư sĩ. Hội đủ tất cả các điều kiện trên, Phật giáo, chắc chắn sẽ đóng góp thêm cho hòa bình và phúc lợi xã hội tại quốc giáo Myanmar.

Ma VipulaNhuận Thanh (Việt dịch)

Tin khác

Cùng chuyên mục