HĐ Những ngày hè nóng nực, ngoài việc ăn, uống các loại nước trái cây thanh nhiệt thì món chè cũng có thể giúp cơ thể con người mát mẻ, sảng khoái. Có rất nhiều món chè bổ dưỡng, trong đó đừng quên món chè đậu xanh nha đam dừa nước.
Từ lâu, nha đam không chỉ được biết đến là liều thuốc tự nhiên giúp giải độc cơ thể mà nó còn là một loại mỹ phẩm thiên nhiên giúp cải thiện làn da, ngăn ngừa lão hóa. Nha đam có thể được dùng làm nước ép hoặc nấu chè với đậu xanh rất ngon. Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng. Được sử dụng để nấu cháo, nấu nước uống, ngoài ra đậu xanh thường được rất nhiều người ưa chuộng trong các món chè, ngoài chè đậu xanh nha đam thì đậu xanh còn góp mặt nhiều trong các món chè như: Chè hạt sen đậu xanh, chè bắp đậu xanh,… Riêng cơm dừa nước, theo Đông y, có chức năng tươi nhuận nhan sắc, không độc, tăng cường khí lực, lợi tiểu, giải nhiệt, cầm máu tốt…
Công đoạn sơ chế cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải tỉ mẩn. Cần cho đậu xanh cà vỏ và đậu xanh nguyên hạt vào ngâm với nước. Bạn ngâm trong khoảng 3-4 tiếng, rồi vớt ra để ráo. Nếu có thời gian, bạn có thể ngâm đậu xanh qua đêm để đậu xanh mềm và chè cũng sẽ ngon hơn. Đối với sụn rong biển, bạn đem rửa với nước để khử mùi hôi và loại bỏ vị mặn. Rửa nhiều lần với nước, khoảng 10 lần để rong biển không còn mùi hôi. Sau đó, bạn cho rong biển vào ngâm với nước trong khoảng 2-3 tiếng, rồi cắt thành từng khúc ngắn vừa ăn (hoặc thái sợi). Dừa nước khi đã chẻ lấy cơm để riêng một tô. Nên chọn dừa nước cơm mềm sẽ ngọt, giòn và dễ ăn hơn.
Sơ chế nha đam khá là vất vả. Nha đam bạn đem cắt thành từng khúc khoảng 3-4 cm, rồi dùng dao gọt hết phần gai và vỏ xanh của nha đam. Lưu ý là gọt sâu vào phần thịt trắng để nha đam không còn dính vỏ xanh, tránh việc món chè bị đắng và dễ gây ngứa miệng khi ăn. Khi đã gọt sạch nha đam, bạn cắt phần thịt nha đam thành từng sợi dài vừa phải hoặc cũng có thể cắt nha đam thành hạt lựu. Cắt xong, bạn cho vào nha đam 1 thìa cà phê muối cùng nước cốt của 1/2 quả chanh. Tiếp theo, bạn dùng tay chà xát nha đam, xả lại với nước sạch rồi vớt ra để ráo. Với cách làm này, nha đam sẽ trắng và không còn nhớt. Tiếp theo, bạn cho nha đam vào trụng sơ với nước nóng, rồi nhanh tay vớt nha đam cho vào thau nước đá lạnh để nha đam giòn và trắng hơn.
Khi mọi công đoạn đã hoàn tất thì bắc nồi lên bếp. Cho khoảng 1, 5 lít nước lọc vào nấu cùng với ít muỗng cà phê muối. Khi nước sôi, bạn để đậu xanh vào nấu chín. Khi đậu xanh chín, cho phần nha đam, đường phèn, cơm dừa nước, nước cốt dừa vào cùng lúc. Tùy theo sở thích ngọt nhạt mà bạn cho lượng đường phù hợp. Trong quá trình nấu, nếu có bọt nổi lên bạn dùng muỗng để vớt bọt để nước chè sạch và trong hơn. Nấu trong khoảng 30 phút, khi thấy nha đam, cơm dừa và đậu xanh đều chín, bạn cho vani vào rồi dùng vá đảo đều để nồi chè thơm hơn. Giờ thì cho sụn rong biển và lá dứa vào để tăng hương vị tự nhiên. Sở dĩ sụn rong biển nấu ở bước cuối cùng, vì như thế sẽ đủ độ giòn sần sật. Dùng vá đảo đều nồi chè, nấu thêm khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Món chè này có thể ăn nóng hoặc dùng với đá. Nhưng để hương vị ngon trọn vẹn, múc ra tô, để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh sau 30 phút hẳn dùng. Vị đậu xanh mềm béo, nước cốt dừa ngậy, đường phèn ngọt đầm, nha đam, sụn rong biển và cơm dừa nước thì giòn sần sật, lá dứa thơm phưng phức… làm nên món chè đậu xanh nha đam dừa nước mát dịu.
Trần Thái Học