Chủ Nhật, 2 Tháng Tư 2023

Gia vị yêu thương

  Dân gian có câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” hay “Có thực mới vực được đạo”. Điều đó chứng tỏ thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng đối với mỗi chúng ta.


Thức ăn nuôi dưỡng con người nên có khả năng tác động trực tiếp tới thân tâm. Và lực tác động này không chỉ xuất phát từ thành phần nguyên tố, dưỡng chất, hóa chất, sức nóng, độ lạnh, độ ẩm, kỹ thuật nấu v.v… mà còn xuất phát từ cái tâm của người nấu. Người nấu khởi tâm thế nào thì sẽ phát ra tần sóng thế ấy hòa vào thức ăn, làm biến đổi chất lượng của thức ăn, có nghĩa là người ăn sẽ chịu chi phối một phần từ đó.

Điều này không hề mê tín. Có những điều kỳ diệu xảy ra khi chúng ta trì chú vào ly nước rồi đem cho bệnh nhân uống, có thể khỏi bệnh hoặc bớt bệnh. Năng lực của tâm là thế đó. Cho nên, năng lực tâm của người nấu ăn sẽ phóng thích vào thức ăn rồi bức xạ trở lại cho người ăn. Người vợ, người mẹ nấu ăn cho chồng con với cả trái tim yêu thương thì cả nhà sẽ ngon miệng hơn, hòa thuận, vui vẻ hơn. Còn người phụ nữ nào vào bếp với tâm lý bất đắc dĩ, khó chịu thì chắc chắn gia đình đó ít sum vầy, ít hạnh phúc. Ông bà mình cũng có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” là ý nghĩa đó.
Khi tâm người ta yêu thương dễ chịu với nhau thì dù món ăn có nghèo nàn giản đơn đi nữa, ăn cũng thấy ngon. Ngược lại, có những gia đình khá giả mà bữa cơm như một cực hình.
Nấu ăn không khó nhưng cái khó là bạn phải làm sao cho món ăn không chỉ ngon, đẹp mắt, đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn không tốn quá nhiều thời gian.

Xin lưu ý rằng dù cho bạn có yêu việc bếp núc đi nữa cũng đừng để mất quá nhiều thời gian vào chuyện bếp núc. Bởi vì cuộc sống của mình ngoài việc nấu ăn còn rất nhiều việc khác cũng quan trọng không kém, bạn phải biết cân bằng.

Còn đối với những ai xem việc nấu ăn là một nhiệm vụ bất đắc dĩ phải làm và cảm thấy sợ hãi mệt mỏi khi vào bếp thì hãy cố gắng thay đổi tư tưởng của mình nhé. Nấu ăn chính là cơ hội để chúng ta thiết lập một sợi dây kết nối vô hình đến người khác. Ta sẽ tạo được mối thiện duyên đối với những người được thưởng thức món ăn do ta nấu. Vì vậy bạn hãy bắt đầu đăng ký một lớp học nấu ăn để nâng cao tay nghề nhé.

“Nấu ăn là một nghệ thuật – người nấu ăn là một nghệ sĩ”. Vậy nấu như thế nào để việc nấu ăn trở thành nghệ thuật? Và người nấu ăn phải có phong thái như thế nào mới trở thành nghệ sĩ?

Hãy nhìn những nghệ sĩ đang chú tâm vào tác phẩm nghệ thuật của mình bạn sẽ thấy họ giống như một Thiền sư: không lăng xăng, không nói nhiều, đặt trọn vẹn tâm mình vào tác phẩm.
Cũng vậy, trước khi vào bếp, bạn phải nhớ rằng; công đoạn đầu tiên không phải là dọn dẹp lau chùi bếp núc mà là dọn dẹp chính cái tâm của mình. Hãy để những thái độ khó chịu của mình bên ngoài gian bếp, đặt hết tâm mình để nấu một bữa “cơm lành canh ngọt”. Có như vậy thì bữa cơm ta nấu mới chứa đựng trọn vẹn dưỡng chất nuôi thân và chất liệu mát mẻ cho tâm. Bên cạnh việc lựa chọn nguyên liệu tươi, sạch mà ngon, bổ, rẻ bạn cũng phải chú ý nêm thêm gia vị hoan hỷ và yêu thương thì món ăn mới thật sự bổ dưỡng.

Đối với những vị Phật tử có duyên phụ trách việc nấu ăn trong chùa thì vai trò càng quan trọng hơn. Vì những món ăn các vị nấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của quý Thầy, quý Sư cô. Quý Thầy, quý Sư cô có sức khỏe thì mới có thể tu tập tốt. Thế nên, các vị càng phải hết sức thận trọng, nấu ăn phải chánh niệm, hoan hỷ. Tránh trường hợp quát tháo ầm ĩ, nói chuyện thị phi ồn ào hoặc công quả một thời gian đủ lâu rồi trở thành “bà chủ chùa” hồi nào không hay thì uổng lắm.

Thiết nghĩ, sức khỏe của tâm cũng quan trọng không kém sức khỏe của thân. Nếu vì việc nấu ăn để nuôi thân mà làm tâm mệt mỏi thì bạn phải xem lại để kịp thời điều chỉnh. Thà ăn đơn giản chỉ một chén cơm với rau luộc nước tương mà đời tu nhẹ nhàng an lạc còn hơn món này món kia đầy mâm mà thân tâm vì thế, sanh mỏi mệt phiền não.

Tôi rất thích đời sống khất sĩ thuở Đức Thế Tôn còn tại thế. Người xuất gia sống nhờ vào thức ăn khất thực, tùy duyên thọ dụng, dành nhiều thời gian để tĩnh tọa thiền hành, chăm sóc tốt cho sức khỏe của tâm. Chính vì thế, nên thời ấy rất nhiều vị Tỳ kheo chứng Thánh quả. Buồn thay chúng ta hôm nay không còn diễm phúc kế thừa truyền thống giản dị và cao đẹp ấy nữa. Rồi một hôm nọ ta giật mình khi nhận ra rằng: “hình như mình đã lấy cái phụ làm cái chính lúc nào không hay”.

Trong một số thiền viện lớn ở Nhật, việc nấu ăn không giao cho ai khác ngoài vị Trụ trì đức độ phạm hạnh. Có lẽ họ ý thức được tầm quan trọng của năng lượng từ trường trong tâm người nấu lan tỏa đến các món ăn.


Thế nên, nấu ăn là một việc rất quan trọng dù là ở gia đình hay ở chùa cũng đều cần người đầu bếp nêm thêm những gia vị yêu thương hoan hỷ để món ăn thêm phần trọn vẹn!

Tiểu Tuyết

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!