Thứ Năm, 18 Tháng Tư 2024
Phật họcNghiên cứuĐức Phật của chúng ta

Đức Phật của chúng ta

“NÀY AGGIVESSANA, RỒI TA SUY NGHĨ NHƯ SAU: TA BIẾT TRONG KHI PHỤ THÂN TA THUỘC GIÒNG SAKKA ĐANG CÀY, VÀ TA ĐANG NGỒI DƯỚI BÓNG MÁT CÂY DIÊM PHÙ ĐỀ. TA LY DỤC, LY BẤT THIỆN PHÁP, CHỨNG VÀ TRÚ THIỀN THỨ NHẤT, MỘT TRẠNG THÁI HỶ LẠC DO LY DỤC SANH, CÓ TẦM CÓ TỨ. KHI AN TRÚ NHƯ VẬY, TA NGHĨ: “ĐẠO LỘ NÀY CÓ THỂ ĐƯA ĐẾN GIÁC NGỘ CHĂNG? VÀ NÀY AGGIVESSANA, TIẾP THEO Ý NIỆM ẤY, Ý THỨC NÀY KHỞI LÊN NƠI TA. ĐÂY LÀ ĐẠO LỘ ĐƯA ĐẾN GIÁC NGỘ” (TRUNG BỘ I, TRANG 240B). TỪ NƠI KINH NGHIỆM BẢN THÂN NÀY, ĐỨC PHẬT CỦA CHÚNG TA TỪ BỎ KHỔ HẠNH, HÀNH TRÌ THIỀN ĐỊNH, CHỨNG ĐƯỢC SƠ THIỀN, THIỀN THỨ HAI, THIỀN THỨ BA, THIỀN THỨ TƯ, CHỨNG ĐƯỢC TÚC MẠNG MINH, THIÊN NHÃN MINH VÀ “VỚI TÂM ĐỊNH TỈNH, THUẦN TỊNH, TRONG SÁNG, KHÔNG CẤU NHIỄM, KHÔNG PHIỀN NÃO, NHƯ NHUYỄN, DỄ SỬ DỤNG, VỮNG CHẮC, BÌNH TĨNH NHƯ VẬY, TA HƯỚNG TÂM ĐẾN LÂU TẬN TRÍ. TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ KHỔ”, TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ KHỔ TẬP”. TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ KHỔ DIỆT”. TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN KHỔ DIỆT”. TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ CÁC LẬU HOẶC”, TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ LÂU HOẶC TẬP KHỞI”. TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ LÂU HOẶC DIỆT”. TA BIẾT NHƯ THẬT: “ĐÂY LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN LÂU HOẶC DIỆT”. NHỜ HIỂU BIẾT NHƯ VẬY, NHẬN THỨC NHƯ VẬY, TÂM CỦA TA THOÁT KHỎI DỤC LẬU, THOÁT KHỎI HỮU LẬU, THOÁT KHỎI VÔ MINH LẬU. ĐỐI VỚI TỰ TÂM ĐÃ GIẢI THOÁT NHƯ VẬY, KHỞI LÊN SỰ HIỂU BIẾT: “TA ĐÃ GIẢI THOÁT”. TA ĐÃ BIẾT: “SANH ĐÃ TẬN, PHẠM HẠNH ĐÃ THÀNH, NHỮNG VIỆC NÊN ĐÃ LÀM, KHÔNG CÒN TRỞ LẠI TRẠNG THÁI NÀY NỮA” (TRUNG BỘ I, 248A-248).

Như vậy, cùng với kinh nghiệm bản thân, từ bỏ khổ hạnh, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ, bậc Đạo sư của chúng ta thành tựu chánh đẳng chánh giác và trở thành đức Phật.

Sau khi thành đạo, đức Phật chúng ta luôn luôn đi hoằng hóa, thuyết pháp độ sanh. Tuy vậy, Ngài vẫn bị xuyên tạc hiểu lầm. Và Sunakkhatta đã hiểu lầm về đức Phật của chúng ta như sau: “Sa môn Gotama không có pháp thượng nhân, không có trì kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, Sa môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tạo thành, tùy thuận trắc nghiệm và thuyết cho mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau’ (Trung bộ I trang 69).

Đức Phật với nhận thức sáng suốt của Ngài, chấp nhận phần hai của lời phê bình của Sunakkhatta là đứng đắn, vì pháp Phật dạy, không do ai dạy Ngài, chỉ do tự bản thân tu tập, chính do tự suy luận, chính do tùy thuận trắc nghiệm của Ngài xây dựng lên, và pháp ấy dạy cho một mục tiêu đặc biệt là đoạn trừ khổ đau của chúng sanh, và có khả năng hướng thượng giúp chúng sanh đoạn tận tham sân si, chấm dứt khổ đau.

Nhưng Đức Phật không chấp nhận phần đầu lời phê bình của Sunakkhatta khi Sunakkhatta nói Ngài không có pháp thượng nhân, không có trì kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Ở đây, đức Phật mới rống, tiếng rống con sư tử, xác nhận đức Phật có được 4 pháp truyền thống. Ngài là vị có đủ 10 danh hiệu là Thế Tôn, bậc A la hán, chánh đẳng giác, minh hạnh túc, thiện thệ, hiểu biết thế gian, bậc vô thượng, điều ngự những ai đáng được điều ngự, bậc Thầy chư Thiên và loài người, Phật, Thế Tôn. Và Ngài chứng được thần túc thông, thiên nhĩ thông và tha tâm thông:

NHƯ LAI LÀ VỊ CÓ ĐƯỢC MƯỜI NHƯ LAI LỰC, CÓ BỐN VÔ SỞ ÚY. NHƯ LAI NHƯ THẬT BIẾT SỰ KIỆN CÓ XẢY RA LÀ CÓ XẢY RA, SỰ KIỆN KHÔNG XẢY RA LÀ KHÔNG XẢY RA. NHƯ LAI NHƯ THẬT BIẾT QUẢ BÁO TUỲ THUỘC SỞ DO, TUỲ THUỘC SỞ NHÂN CỦA CÁC HẠNH NGHIỆP QUÁ KHỨ, VỊ LAI, HIỆN TẠI. NHƯ LAI NHƯ THẬT BIẾT CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TẤT CẢ CẢNH GIỚI. NHƯ LAI NHƯ THẬT BIẾT THẾ GIỚI VỚI NHIỀU CHỦNG LOẠI SAI BIỆT. NHƯ LAI NHƯ THẬT BIẾT CHÍ HƯỚNG SAI BIỆT CỦA MỘT LOÀI HỮU TÌNH. NHƯ LAI NHƯ THẬT BIẾT CÁC CĂN THƯỢNG HẠ CỦA LOÀI NGƯỜI, CỦA CÁC LOÀI HỮU TÌNH; NHƯ LAI NHƯ THẬT BIẾT SỰ TẬP NHIỄM, SỰ THANH TỊNH, SỰ XUẤT KHỞI CỦA CÁC THIỀN CHỨNG VỀ THIỀN VÀ GIẢI THOÁT, VỀ ĐỊNH. NHƯ LAI NHỚ ĐẾN CÁC ĐỜI SỐNG QUÁ KHỨ; VỚI THIÊN NHÃN THUẦN TỊNH SIÊU NHÂN, THẤY SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT CỦA CHÚNG SANH NHƯ LAI NHỜ ĐOẠN TRỪ CÁC LẬU HOẶC TỰ MÌNH CHỨNG TRÍ, CHỨNG NGỘ, THÀNH TỰU VÀ AN TRÚ NGAY TRONG HIỆN TẠI, VÔ LẬU TÂM GIẢI THOÁT, TUỆ TÂM GIẢI THOÁT. CHÍNH NHỜ MƯỜI NHƯ LAI LỰC NÀY, NHƯ LAI TỰ NHẬN CHO MÌNH ĐỊA VỊ NGƯU VƯƠNG, RỐNG LÊN TIẾNG RỐNG CON SƯ TRONG CÁC HỘI CHỨNG VÀ CHUYỂN PHÁP LUÂN (TRUNG BỘ III, TRANG 70A- 71A).

NHƯ LAI CÓ ĐƯỢC BỐN VÔ SỞ UÝ, TỨC LÀ BỐN ĐIỀU KHÔNG SỢ HÃI, CHÍNH NHỜ THÀNH TỰU BỐN PHÁP NÀY. NHƯ LAI TỰ NHẬN CHO MÌNH ĐỊA VỊ NGƯU VƯƠNG, RỐNG TIẾNG RỐNG CON SƯ TỬ TRONG HỘI CHÚNG VÀ CHUYỂN PHÁP LUÂN: “THẾ NÀO LÀ BỐN? NÀY SARIPUTTA, TA THẤY KHÔNG CÓ LÝ DO GÌ, MỘT SA MÔN, BÀ LA MÔN, CHƯ THIÊN, MA VƯONG, PHẠM THIÊN HAY MỘT AI Ở ĐỜI CÓ THỂ CHỈ TRÍCH TA ĐÚNG PHÁP RẰNG: “CÁC PHÁP NÀY CHƯA ĐƯỢC CHỨNG NGỘ HOÀN TOÀN MÀ NGÀI TỰ XƯNG LÀ ĐÃ CHỨNG NGỘ HOÀN TOÀN.” NÀY SARIPUTTA, VÌ TA KHÔNG THẤY CÓ LÝ DO GÌ NHƯ VẬY, NÊN TA SỐNG, ĐẠI ĐƯỢC AN ỔN, ĐẠT ĐƯỢC KHÔNG SỢ HÃI, ĐẠT ĐƯỢC VÔ UÝ. NÀY SARIPUTTA, TA KHÔNG THẤY CÓ LÝ DO GÌ, MỘT SA MÔN, BÀ LA MÔN, CHƯ THIÊN, MA VƯƠNG, PHẠM THIÊN HAY MỘT AI Ở ĐỜI CÓ THỂ CHỈ TRÍCH TA ĐÚNG PHÁP RẰNG: “CÁC LẬU HOẶC NÀY CHƯA ĐƯỢC ĐOẠN TRỪ MÀ NGÀI TỰ XƯNG ĐOẠN TRỪ…”. NHỮNG PHÁP NÀY ĐƯỢC NGÀI GỌI LÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI PHÁP, KHI ĐƯỢC THỰC HÀNH THỜI KHÔNG CÓ GÌ LÀ CHƯỚNG NGẠI PHÁP CẢ… NÀY SARIPUTTA, TA THẤY KHÔNG CÓ LÝ DO GÌ MỘT SA MÔN, BÀ LA MÔN, CHƯ THIÊN, MA VƯƠNG, PHẠM THIÊN HAY MỘT AI Ở ĐỜI CÓ THỂ CHỈ TRÍCH TA ĐÚNG PHÁP RẰNG: “PHÁP DO NGÀI THUYẾT GIẢNG, KHÔNG ĐƯA ĐẾN MỘT MỤC TIÊU ĐẶC BIỆT, KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG HƯỚNG THƯỢNG, KHÔNG CÓ THỂ DẪN NGƯỜI THỰC HÀNH ĐẾN DIỆT TẬN KHỔ ĐAU”. NÀY SARIPUTTA, VÌ TA THẤY KHÔNG CÓ LÝ DO GÌ NHƯ VẬY, NÊN TA SỐNG ĐẠT ĐƯỢC AN ỔN, ĐẠT ĐƯỢC KHÔNG SỢ HÃI, ĐẠT ĐƯỢC VÔ UÝ (TRUNG BỘ I, TRANG 71 B).

Như vậy, với 4 pháp truyền thống, với 10 Như Lai lực, với 4 vô sở úy, Đức Phật của chúng ta xác chứng Ngài có pháp thượng nhân, có tri kiến thù thắng của bậc Thánh, xứng đáng với địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chứng và chuyển pháp luân.

Đức Phật của chúng ta sở dĩ chiếm một địa vị ưu thế so sánh với các ngoại đạo đương thời là vì Ngài là vị đầu tiên để lại chúngta một truyền thống kế thừa rất đặc biệt, khác với các ngoại đạo cổ xưa, và truyền thống ấy mãi cho đến ngày nay, sau hơn 2.500 năm có mặt trên thế giới này, vẫn còn được tôn trọng, tiếp nối và truyền thừa.

Kinh Makhàdeva 83, Trung bộ kinh II trang 75 đề cập đến truyền thống của vua Makhadeva, vị vua này khi sợi tóc bạc đầu tiên hiện ra trên đầu của Ngài, liền giao ngôi báu cho hoàng tử, tự mình xuất gia tu đạo. Vua Makhedeva lại dặn hoàng tử lên ngôi trị vì cho đến khi sợi tóc bạc đầu tiên mọc lên thời liền trao ngôi báu cho hoàng tử của mình, còn mình thời xuất gia tu đạo. Vua Makhedeva lại dặn hàng tử lên ngôi trì vì cho đến khi sợi tóc bạc đầu tiên mọc lên thời liền trao ngôi báu cho hoàng tửi của mình, còn mình thời xuất gia tu đạo. Vua Makhedeva dặn dò phải giữ gìn truyền thống này đừng cho gián đoạn. Tuy vậy, truyền thống của vua Makhadeva được truyền cho đến khi vua Nemi là vị vua cuối cùng gìn giữ truyền thống này, con của vua Nemi là Kalàrajanaka lại không tiếp tục truyền thống này, không chịu xuất gia khi sợi tóc đầu tiên mọc trên đầu của mình và do vậy truyền thống của Makhàdeva bị chấm dứt.

Nhưng truyền thống của Đức Phật của chúng ta lại khác. Chính Đức Phật xác nhận như sau trong Trung bộ I trang 82A:

“NÀY ANANDA, TRUYỀN THỐNG ẤY CỦA MAKHÀDEVA KHÔNG ĐƯA ĐẾN YẾM LY, LY THAM, ĐOẠN DIỆT, TỊCH TỊNH, THƯỢNG TRÍ, GIÁC NGỘ, NIẾT BÀN. VÀ NÀY ANANDA, THẾ NÀO LÀ TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP ĐƯỢC TA THIẾT LẬP VÀ TRUYỀN THỐNG ẤY ĐƯA ĐẾN YỂM LY LY THAM, ĐOẠN DIỆT, TỊCH TỊNH, THƯỢNG TRÍ, GIÁC NGỘ, NIẾT BÀN? CHÍNH LÀ THÁNH ĐẠO TÁM NGÀNH NÀY, TỨC LÀ CHÁNH TRI KIẾN, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG, CHÁNH TINH TẤN, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH. NÀY ANANDA, ĐÂY LÀ TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP ĐƯỢC TA THIẾT LẬP, VÀ TRUYỀN THỐNG ẤY ĐƯA ĐẾN YỂM LY, LY THAM, ĐOẠN DIỆT, TỊCH TỊNH, THƯỢNG TRÍ, GIÁC NGỘ, NIẾT BÀN. NÀY ANANDA, VỀ VẤN ĐỀ NÀY, TA NÓI NHƯ SAU: “TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP NÀY DO TA THIẾT LẬP, HÃY TIẾP TỤC DUY TRÌ. CÁC NGƯỜI CHỚ CÓ THÀNH TỐI HẬU SAU TA”. NÀY ANADA, KHI HAI NGƯỜI CÒN TỒN TẠI, VÀ CÓ SỰ DỨT ĐOẠN, NGƯỜI ẤY LÀ NGƯỜI TỐI HẬU VẬY. NÀY ANANDA, TA NÓI VỚI NGƯỜI: “TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP NÀY DO TA THIẾT LẬP, CÁC NGƯỜI HÃY TIẾP TỤC DUY TRÌ, CÁC NGƯỜI CHỚ CÓ THÀNH NGƯỜI TỐI HẬU SAU TA” (TRUNG BỘ II, 82 A).

Như vậy quí vị đã thấy truyền thống kê thừa mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta, chúng ta đã tiếp tục thừa kế trải hơn 2.500 năm lịch sử, và cho đến nay, truyền thống kế thừa ấy vẫn được tiếp tục.

Để tìm hiểu hơn nữa về bậc Đạo sư của chúng ta, chúng ta cần phải có một ý thức rõ ràng, Đức Phật là ai, Đức Phật đã tự mình diễn tả về mình như thế nào và Đức Phật đã được các đệ tử của mình và các ngoại đạo đề cao như thế nào? Những tư liệu đó sẽ giúp chúng ta hiểu được đức Phật của chúng ta rõ ràng chính xác hơn và đánh giá được những đóng góp mà bậc Đạo sư đã đem lại cho nhân loại và cho Thế giới.

Một vấn đề có thể làm nhiều người thắc mắc trong quá khứ cũng như trong hiện tại, là đức Phật là ai? Ngài là thiên thần chăng? Thiên nhân chăng? Ngài là người như chúng ta chăng? Kinh Tăng Chi tập II A trang 51 ghi chép như sau:

“Bà la môn Dona thấy dấu chân đức Phật có dấu bánh xe (Pháp Luân) với đầy đủ tất cả chi tiết, khi Đức Phật đi trên con đường giữa Ukkttha và Setabbya, liền suy nghĩ đây không phải là dấu chân của loài người, nên đến gần đức Phật và hỏi: “Có phải Ngài sẽ là vị Tiên, Ngài sẽ là Càn thát bà, Ngài sẽ là Dạ Xoa, Ngài sẽ là loài người?” Với bốn câu hỏi này, Đức Phật tuần tự trả lời: “Ta sẽ không phải là Tiên, Ta sẽ không phải là Càn thát bà, Ta sẽ không phải là Dạ Xoa, Ta sẽ không phải là người?

Câu trả lời làm cho Bà la môn Dona ngạc nhiên và chúng ta cũng dễ hiểu, vì nếu Đức Phật trả lời: “Ta sẽ là chư Thiên… hay Ta sẽ là loài người”, tức là đức Phật còn phải tái sinh, còn phải sinh tử luân hồi. Cho nên Đức Phật mới trả lời: “Ta sẽ không phải là Chư Thiên, Ta sẽ không là Càn thát bà, Ta sẽ không phải là Dạ xoa, Ta sẽ không phải là Người”. Những câu trả lời ây đã làm cho Bà la môn Dona ngạc nhiên khiến phải hỏi tiếp: “Vậy sở hanh của Ngài là gì? Và tôn giả sẽ là gì?”. Câu trả lời tiếp của Đức Phật rất là đặc biệt:

“NÀY BÀ LA MÔN, ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI CHƯA ĐOẠN TẬN CÁC LẬU HOẶC, TA CÓ THỂ LÀ CHƯ THIÊN VỚI CÁC LẬU HOẶC ĐÃ ĐOẠN TẬN, ĐƯỢC CHẶT ĐỨT TỪ GỐC RỄ, ĐƯỢC LÀM THÀNH NHƯ CÂY TA-LA, ĐƯỢC LÀM CHO KHÔNG THỂ HIỆN HỮU ĐƯỢC LÀM CHO KHÔNG THỂ SANH KHỞI TRONG TƯƠNG LAI. NÀY BÀ LA MÔN, ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI CHƯA ĐOẠN TẬN CÁC LẬU HOẶC, TA CÓ THỂ LÀ CÀN THÁT BÀ, TA CÓ THỂ LÀ DẠ XOA, TA CÓ THỂ LÀ LOÀI NGƯỜI, VỚI CÁC LẬU HOẶC ĐÃ ĐOẠN TẬN, ĐƯỢC CHẶT ĐỨT TỪ GỐC RỄ, ĐƯỢC LÀM THÀNH NHƯ CÂY TA LA, ĐƯỢC LÀM CHO KHÔNG THỂ HIỆN HỮU, ĐƯỢC LÀM CHO KHÔNG THỂ SANH KHỞI TRONG TƯƠNG LAI…”.

Như vậy, tùy thuộc chúng sanh được đề cập đến, đối với chúng sanh là chư Thiên chưa đoạn tận các lậu hoặc, Đức Phật có thể là chư Thiên nhưng với các lậu hoặc đã đoạn tận, không còn sanh tử luân hồi. Đối với loài người chúng ta chưa đoạn tận các lậu hoặc, Đức Phật có thể là người, nhưng là một con người đã đọan tận các lậu hoặc. Nói một cách khác, dầu thuộc loại chúng sanh hữu tình nào đang còn có lậu hoặc, đang còn sanh tử luân hồi, Đức Phật có thể là chúng sanh ấy, nhưng với các lậu hoặc đã đoạn tận. Chúng ta là người, Đức Phật đối với chúng ta là người, chỉ có sự sai khác: Đức Phật là ngưòi đã đoạn tận các lậu hoặc.

Rồi Đức Phật cho chúng ta một thí dụ xác định rõ ràng vị trí của Ngài trong thế giới loài người:

“VÍ NHƯ, NÀY BÀ LA MÔN, BÔN SEN XANH, BÔNG SEN HỒNG HAY BÔNG SEN TRẮNG SANH RA TRONG NƯỚC, LỚN LÊN TRONG NƯỚC, VƯƠN LÊN KHỎI NƯỚC VÀ ĐỨNG THẲNG, KHÔNG BỊ THẤM ƯỚT. CŨNG VẬY, BÀ LA MÔN, SANH RA TRONG ĐỜI, LỚN LÊN TRONG ĐỜI, TA SỐNG CHINH PHỤC ĐỜI, KHÔNG BỊ ĐỜI THẤM ƯỚT. NÀY BÀ LA MÔN, TA LÀ PHẬT, HÃY NHƯ VẬY THỌ TRÌ…”.

Sau đây là một số lời tán thán hay định nghĩa về bậc Đạo Sư của chúng ta, những lời này được chính Đức Phật xác chứng:

“NÀY SARIPUTTA, NHỮNG AI NÓI MỘT CÁCH CHƠN CHÁNH VỀ TA, SẼ NÓI NHƯ SAU: “MỘT VỊ HỮU TÌNH KHÔNG BỊ AI CHI PHỐI, ĐÃ SANH RA Ở ĐỜI, VÌ LỢI ÍCH, VÌ HẠNH PHÚC CỦA CHÚNG SANH, VÌ LÒNG THƯƠNG TƯỞNG CHO ĐỜI, VÌ LỢI ÍCH, VÌ HẠNH PHÚC, VÌ AN LẠC CHO CHƯ THIÊN VÀ LOÀI NGƯỜI” (TRUNG BỘ I, 83). TIẾP ĐẾN LÀ LỜI VỊ ĐỆ TỬ ĐÃ CHỨNG QUẢ A LA HÁN NÓI LÊN LỜI TÁN THÁN BẬC ĐẠO SƯ CỦA MÌNH: “THẾ TÔN ĐÃ GIÁC NGỘ NGÀI THUYẾT PHÁP ĐỂ GIÁC NGỘ. THẾ TÔN ĐÃ ĐIỀU PHỤC, NGÀI THUYẾT PHÁP ĐỂ ĐIỀU PHỤC. THẾ TÔN ĐÃ TỊCH TỊNH, NGÀI THUYẾT PHÁP ĐỂ VƯỢT QUA. THẾ TÔN ĐÃ CHỨNG NIẾT BÀN, NGÀI THUYẾT PHÁP ĐỂ CHỨNG NIẾT BÀN…” (TRUNG BỘ I, TRANG 237).

Sau đây là lời tán thán của Tôn giả Udâyi đối với bậc Đạo Sư của mình: “Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta” (Trung bộ I, trang 448).

Kinh Tăng chi I, trang 28, xác nhận sự xuất hiện của bậc Đạo Sư của chúng ta là một sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số:

“MỘT NGƯỜI, NÀY CÁC TỲ KHEO KHI XUẤT HIỆN Ở ĐỜI, SỰ XUẤT HIỆN ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO ĐA SỐ, AN LẠC CHO ĐA SỐ, VÌ LÒNG THƯƠNG TƯỞNG CHO ĐỜI, VÌ LỢI ÍCH, VÌ HẠNH PHÚC, VÌ AN LẠC CHO CHƯ THIÊN, VÀ LOÀI NGƯỜI. MỘT NGƯỜI ẤY LÀ AI? CHÍNH LÀ THẾ TÔN, BẬC A LA HÁN. CHÁNH ĐẲNG GIÁC. CHÍNH MỘT NGƯỜI NÀY, NÀY CÁC TỲ KHEO, KHI XUẤT HIỆN Ở ĐỜI, SỰ XUẤT HIỆN ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO ĐA SỐ, AN LẠC CHO ĐA SỐ, VÌ LÒNG THƯƠNG TƯỞNG CHO ĐỜI, VÌ LỢI ÍCH, VÌ HẠNH PHÚC, VÌ AN LẠC CHO CHƯ THIÊN VÀ LOÀI NGƯỜI”.

“SỰ XUẤT HIỆN CỦA MỘT NGƯỜI, NÀY CÁC TỲ KHEO, KHÓ GẶP ĐƯỢC Ở ĐỜI. CỦA NGƯỜI NÀO? CỦA NHƯ LAI, BẬC A LA HÁN, CHÁNH ĐẲNG GIÁC. SỰ XUẤT HIỆN CUẢ MỘT NGƯỜI NÀY, NÀY CÁC TỲ KHEO, KHÓ GẶP Ở ĐỜI”.

“MỘT NGƯỜI NÀY, NÀY CÁC TỲ KHEO, KHI XUẤT HIỆN Ở ĐỜI, LÀ XUẤT HIỆN MỘT NGƯỜI VI DIỆN. MỘT NGƯỜI ẤY LÀ AI? CHÍNH LÀ THẾ TÔN, BẬC A LA HÁN, CHÁNG ĐẲNG GIÁC . CHÍNH MỘT NGƯỜI NÀY, NÀY CÁC TỲ KHEO, KHI XUẤT HIỆN Ở ĐỜI LÀ MỘT SỰ XUẤT HIỆN VI DIỆU”.

“SỰ MỆNH CHUNG CỦA MỘT NGƯỜI, NÀY CÁC TỲ KHEO, ĐƯỢC ĐA SỐ THƯƠNG TIẾC. CỦA MỘT NGƯỜI NÀO? CỦA NHƯ LAI, BẬC A LA HÁN, CHÁNH ĐẲNG GIÁC. SỰ MỆNH CHUNG CỦA MỘT NGƯỜI NÀY, NÀY CÁC TỲ KHEO, ĐƯƠC ĐA SỐ THƯƠNG TIẾC”

Trong khi các bậc Đạo sư khác, giới không thanh tịnh, mạng sống không thanh tịnh, thuyết pháp không thanh tịnh, trả lời pháp không thanh tịnh, tri kiến không thanh tịnh, thời bậc Đạo sư của chúng ta thật là tuyệt diệu về cả 5 phương diện này, như Tăng Chi II, quyển B miêu tả:

“NÀY MOSSALLÀNA, TA CÓ GIỚI THANH TỊNH VÀ TA TỰ RÕ BIẾT: “GIỚI CỦA TA THANH TỊNH, TRONG SÁNG, KHÔNG CÓ UẾ NHIỄM. CÁC ĐỆ TỬ KHÔNG CÓ CHE CHỞ TA VỀ GIỚI. MẠNG SỐNG CỦA TA THANH TỊNH, TA TỰ RÕ BIẾT. MẠNG SỐNG CỦA TA THANH TỊNH TRONG SÁNG, KHÔNG CÓ UẾ NHIỄM, CÁC ĐỆ TỬ KHÔNG CÓ CHE CHỞ TA VỀ MẠNG SỐNG. TA KHÔNG CÓ CHỜ ĐỢI CÁC ĐỆ TỬ CHE CHỞ TA VỀ MẠNG SỐNG. THUYẾT PHÁP CỦA TA THANH TỊNH, TA TỰ RÕ BIẾT. THUYẾT PHÁP CỦA TA THANH TỊNH TRONG SÁNG, KHÔNG CÓ UẾ NHIỄM. CÁC ĐỆ TỬ KHÔNG CÓ CHE CHỞ TA VỀ THUYẾT PHÁP. TA KHÔNG CÓ CHỜ ĐỢI CÁC ĐỆ TỬ CHE CHỞ TA VỀ THUYẾT PHÁP. CÁC CÂU TRẢ LỜI CỦA TA THANH TỊNH, TRONG SÁNG, KHÔNG CÓ UẾ NHIỄM. CÁC ĐỆ TỬ KHÔNG CÓ CHE CHỞ TA VỀ CÁC CÂU TRẢ LỜI. TA KHÔNG CHỜ ĐỢI CÁC ĐỆ TỬ CHE CHỞ TA VỀ CÁC CÂU TRẢ LỜI. TRI KIẾN CỦA TA THANH TỊNH, TRONG SÁNG, KHÔNG CÓ UẾ NHIỄM. CÁC ĐỆ TỬ KHÔNG CÓ CHE CHỞ TA VỀ TRI KIẾN. TA KHÔNG CÓ CHỜ ĐỢI CÁC ĐỆ TỬ CHE CHỞ TA VỀ TRI KIẾN”.

Cuối cùng, chúng ta được nghe Đức Phật của chúng ta nói đến sự ưu ái của Ngài đối với các đệ tử của Ngài, một lòng ưu ái nhiệt tình chơn chánh, luôn luôn hướng dẫn các đệ tử của mình trên con đường giải thoát và giác ngộ:

“NÀY ANANDA, NHỮNG GÌ VỊ ĐẠO SƯ CẦN PHẢI LÀM, VÌ LÒNG TỪ MẪN, MƯU TÌM HẠNH PHÚC CHO CÁC ĐỆ TỬ, NHỮNG ĐIỀU ẤY ĐÃ ĐƯỢC TA LÀM, VÌ LÒNG TỪ MẪN CỦA TA ĐỐI VỚI CÁC NGƯỜI NÀY, NÀY ANANDA, ĐÂY LÀ NHỮNG GỐC CÂY, ĐÂY LÀ NHỮNG KHOẢNG TRỐNG. HÃY TU THIỀN, NÀY ANANDA, CHỚ CÓ PHÓNG DẬT, CHỚ CÓ HỐI HẬN VỀ SAU. ĐÂY LÀ LỜI DẠY CỦA TA CHO CÁC NGƯỜI”.

Nói tóm lại, tìm hiểu và luận bàn về đức Phật của chúng ta, thời không bao giờ có thể chấm dứt, làm sao chúng ta có thể nói lên đầy đủ thân thế sự nghiệp của vị Bổn sư chúng ta, nói lên về tướng đức, giới đức, uy đức, trí đức và quả đức của Ngài cho nên tôi xin kết luận bài giảng của chúng tôi hôm nay với hai nhận xét mà chúng tôi xem là ưu việt, trong sự nghiệp hoằng pháp dộ sanh cuả Đức Phật chúng ta.

Trước hết, Đức Phật của chúng ta, dầu cho có chứng được thần túc thông, tha tâm thông, thiên nhĩ thông, đã không dùng thần thông để giáo hóa chúng sanh. Ngài lựa pháp môn giáo hóa để hóa độ chúng sanh. Nói cho đúng hơn, Ngài dùng thần thông một cách hết sức dè dặt, tế nhị, về hết sức kín đáo.

Trong suốt 45 năm thuyết pháp và như chúng ta được thấy rõ ngang qua các bài kinh được để lại, Ngài đi bộ từ làng này qua làng khác, từ thị trấn này qua thị trấn khác, đi vào nhà, đi vào giảng đường, đi vào hội chúng, với uy nghi bình thường của một bậc Đạo sư đi truyền đạo và đi giảng đạo. Ngài không dùng thần thông, phép lạ để làm hoa mắt, để làm choáng váng những người đến với Ngài, Ngài chỉ dùng lời nói từ hòa khiêm tốn, thuyết pháp độ sinh; Ngài chỉ dùng thân giáo và khẩu giáo để giáo hóa chúng sanh. Cử chỉ, hành động của Ngài khiêm tốn và tế nhị đến nỗi Pukkasati, một đệ tử của Ngài, gặp Ngài mà vẫn không biết Ngài là Đức Phật. Ngài tế nhị và khiêm tốn đến nỗi người giữ vườn cho ba vị tôn giả Anuruddha, Kimbila và Ananda không biết ngài là Đức Phật, đã ngăn cản Ngài không cho vào thăm ba vị đại đệ tử của Ngài.

Chính thái độ hóa thần thông để giáo hóa chúng sanh đã làm nổi bật giá trị tâm lý hoằng pháp mà Đức Phật của chúng ta đã dùng để hoằng hóa độ sanh.

Ưu điểm thứ hai trong sứ mệnh hoằng pháp độ sanh của Đức Phật chúng ta là Ngài luôn luôn giữ đúng vị trí của một bậc Đạo sư đối với các đệ tử. Trong kinh Ganaka Moggalana, Trung bộ kinh, Bà la môn Ganaka hỏi Đức Phật: “Có phải khi sa môn Gotama giảng dạy như vậy, thời tất cả đệ tử của Ngài đều chứng được cứu cánh Niết Bàn?” Đức Phật trả lời là một số chứng được cứu cánh Niết Bàn, một số không chứng được.

Đức Phật trả lời một cách rất nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng rất thiết thực và tuyệt diệu, giữ đúng vị trí của bậc Đạo sư đối với các đệ tử:

“CŨNG VẬY, NÀY BÀ LA MÔN, TRONG KHI CÓ MỘT NIẾT BÀN, CÓ MỘT CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN NIẾT BÀN VÀ TRONG KHI CÓ MẶT TA LÀ NGƯỜI CHỈ ĐƯỜNG. NHƯNG CÁC ĐỆ TỬ CỦA TA, ĐƯỢC TA KHUYẾN GIÁO NHƯ VẬY, GIẢNG DẠY NHƯ VẬY, MỘT SỐ CHỨNG ĐƯỢC CỨU CÁNH NIẾT BÀN, MỘT SỐ KHÔNG CHỨNG ĐƯỢC. Ở ĐÂY, NÀY BÀ LA MÔN, TA LÀM GÌ ĐƯỢC? NHƯ LAI CHỈ LÀ NGƯỜI CHỈ ĐƯỜNG”. (TRUNG BỘ KINH III, TRANG 105).

Câu trả lời của Đức Phật chúng ta nói lên trách nhiệm của một bậc Đạo sư là trình bày giảng dạy con đường giải thoát giác ngộ chớ không phải thay thế đệ tử tu hành giúp cho các đệ tử. Thái độ của đức Phật trong tư cách của môt bậc Đạo sư cũng nói lên lòng tin tưởng của mình đối với khả năng hiểu biết và tu chứng của các đệ tử của mình. Ngài chỉ dạy con đường, các đệ tử phải tự mình dấn bước trên con đường ấy. Chính nhờ Đức Phật ý thức rõ ràng vị trí của bậc Đạo sư và vị trí của người đệ tử, nên Đức Phật đã thành công rực rỡ trong sứ mệnh hoằng pháp độ sanh của Ngài.

Với hai nhận xét trên, chúng tôi xin kết thúc bài giảng của chúng tôi hôm nay về bậc Đạo Sư của chúng ta, với hy vọng rằng bài giảng của chúng tôi giúp các Phật tử hiểu rõ hơn về sứ mệnh hoằng pháp độ sanh cuả Đức Phật chúng ta, để chúng ta, những đệ tử của Ngài, xuất gia cũng như tại gia, dầu đã trải qua 2500 năm lịch sử, vẫn tin tưởng và mạnh mẽ tiến bước trên con đường giác ngộ va giải thoát mà bậc Đạo sư đã giảng dạy./

HT.Thích Minh Châu
theo phattuvietnam.net

Tin khác

Cùng chuyên mục