Chủ Nhật, 14 Tháng Tư 2024
Lối sốngĐi với Phật mặc áo cà sa

Đi với Phật mặc áo cà sa

  Lễ Phật xong, Phương đi xuống nhà Trai đường dùng cơm. Bất ngờ Phương gặp Hoa, trong bộ quần áo nâu sồng dáng bộ là một Phật tử rất thuần thành, đang tất bật lo dọn bàn ăn cho Phật tử. Quá là ngạc nhiên, Phương chào Hoa và nói:
– Trời! Gặp Hoa ở đây thiệt là không thể ngờ! Nhìn không ra đó nhen Hoa! Ôi! Đâu ai dè Hoa ở ngoài đời và Hoa ở cửa Phật khác xa nhau dữ vầy nè!
Hoa cười thật thoải mái và trả lời Phương:
– Ậy! Thì “Đi với Phật mặc áo Cà sa. Đi với ma mặc áo giấy mà”!
– Vậy bây giờ là Hoa đang “mặc áo cà sa”, phải không?
Hoa cười xòa xác nhận:
– Đúng vậy! Đúng vậy!
– Thiệt là… không thể hình dung được cô “Hoa quậy” ngoài đời bây giờ lại rất chi là “Phật tử thuần thành” như vầy!
– Em thì vậy! Đi tới đâu thì theo đó. Ai tới đâu mình tới đó…
Phương hỏi:
– Hoa tới chùa hồi nào?
– Em đến hôm qua lận! Ngủ lại chùa một đêm. Lần nào cũng vậy hết chị à! Em đi chùa mà đi giây lát rồi về em không chịu được. Phải đi hai ngày,… tối ngủ lại ở chùa một đêm. Ngủ lại ở chùa, giữa cảnh núi rừng như vầy thích lắm chị à!… Mà thôi, mấy chị ngồi vô bàn đi, ngồi đây nè… Rồi, mấy chị ăn ngon nhen! Em đi lo dọn chỗ khác nữa đây!…

Nhìn thấy điệu bộ Hoa lăng xăng đi chạy lo đãi ăn hết bàn này rồi bàn nọ, Phương cứ nghĩ ngợi mãi về câu nói của Hoa ban nãy: “Đi với Phật mặc áo Cà sa… ”. Đây không phải là lần đầu tiên Phương nghe câu nói: “Đi với Phật mặc áo Cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, nhưng bỗng dưng hôm nay nghe câu nói này trong hoàn cảnh khá đặc biệt này Phương bỗng cảm thấy ngạc nhiên và đâm ra nghĩ ngợi. Cái sự ngạc nhiên của Phương là ở chỗ, thông thường tình huống người nói câu này là họ đang biện minh cho hành động “mặc áo giấy” của họ, Phương chưa bao giờ nghe câu này khi người đang mặc áo nâu sồng như trường hợp này, nhất là người nói lại là Hoa. Phương biết Hoa không nhiều, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những dịp các trường sinh hoạt giao lưu, cắm trại… Nhưng Phương vẫn không quên hình ảnh Hoa đã đôi lần xung phong ra trước đám đông nhảy những điệu “tuýt” rất kích động, giựt gân… thật xa lạ với phong cách một cô giáo, và những lần Hoa cùng cụng ly gào thét: “Dô! Dô!” với đám thanh niên đến say bí tỉ đến hết biết trời biết đất, không giống chút nào là tư cách một nữ nhi.

Nhà Phật cũng có câu: “Tùy duyên, bất biến”. Mọi sự mọi việc ở đời đều phải hội đủ yếu tố “nhân – duyên” mới thành kết quả. Người sống ở đời ứng xử còn phải tùy thuận theo “duyên”, nhưng điều quan trọng chính là ở mệnh đề sau: “bất biến”. Cái không thể thay đổi, sai chạy, đó là cái “Tâm”, cái “Phật tánh”. Người tu, không kể là người xuất gia hay tại gia, đều phải chịu hậu quả về hành động của mình. Hành động “quyền biến” như thế nào mặc lòng, nhưng nếu hành động với tâm bất thiện thì quả báo bất thiện xảy đến là điều không tránh khỏi. Chúng ta vẫn thường nghe người đời nói câu này, trong những khi họ có thái độ “hung dữ” hoặc “ranh mãnh” để đối phó với những sự đàn áp oan ức chẳng hạn… Nhưng giả sử đó là những người tu thì có thể “hung dữ” hoặc “ranh mãnh” như vậy không? Dĩ nhiên là không thể. Chúng ta không thể hình dung một người tu mà có thể phá giới sát, đạo, dâm, vọng, cư xử như người đời thường rồi biện minh câu “… Đi với ma mặc áo giấy”. Do vậy, chúng ta chỉ thấy có những người đời mới nói câu này thôi. Mà dường như người đời thường “mặc áo giấy” nhiều hơn “mặc áo cà sa”!

Phương cũng có vài người bạn, trong những bữa tiệc tùng thường uống rượu, tuy không đến nỗi như những thanh niên say bét nhè bỉ tỉ, nhưng cũng cứ ào ào “Dô! Dô!” không thua kém ai. Khi Phương nhắc bạn: “Mình đã là Phật tử thì phải không nên uống rượu” thì bạn Phương nói: “Lúc quy y Thầy có nói cho phép uống rượu mà, miễn không say là được”. Thế nhưng dù ai uống say mà tự nhận mình say đâu? Tuy nhiên, Phương lại nghĩ, khi chưa quy y thì mình cũng uống bét nhè, khi đã Quy y rồi mình cũng uống như thế, vậy thì có gì khác nhau giữa người chưa quy y và đã quy y? Khi đã phát nguyện giữ giới, dẫu biết rằng có những giới mình không thể giữ được hoàn toàn vì còn sống chung chạ với đời nên phải “tùy duyên”, nhưng đã quy y rồi thì ít nhiều cũng phải có chuyển biến trong tâm. Và nếu bây giờ không giữ được thì cũng phải cố gắng tiến dần dần lên cho đến khi giữ được. Nếu mình không có ý chí phấn đấu tiến bộ thì làm sao mình có thể thực hiện được như đã hứa trước Tam bảo?

Nhớ hồi quy y Tam bảo, Phương cũng rất đắn đo, sợ phát nguyện giữ giới mà mình không giữ được rồi mang tội. Nhưng Thầy Phương đã bảo: “Nếu mình đã hứa mà mình không giữ được thì mình sẽ cảm thấy hối hận ăn năn, rồi mình sẽ cố gắng giữ. Chứ nếu giới nào nhắm không giữ được thì mình không hứa, thế là mình cứ yên chí là không có lỗi gì trong giới đó, cứ sống thoải mái như cũ… như vậy là mình sẽ cứ gây nên tội mãi”. Phương thiết nghĩ, người tu không thể dựa vào câu nói: “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” để biện minh cho sự “quyền biến” của mình như người thế tục. Phải luôn nhớ câu: “Tùy duyên nhưng bất biến”. Phương bỗng nhớ lại câu:

“Tạc nhật dạ xoa tâm.
Kim triêu Bồ-tát diện
Dạ xoa dữ Bồ- tát
Bất cách nhất điều tuyến”.

Dịch:

“Hôm qua mê là tâm dạ xoa
Hôm nay giác là mặt Bồ-tát
Bồ-tát với dạ xoa
Không cách một đường tơ”.

Bồ-tát hay dạ xoa chỉ là một. Vô niệm là Phật, niệm thiện khởi lên thì thành Bồ-tát, niệm ác khởi thì biến Dạ xoa… Song niệm thì biến chuyển không ngừng. Ở đây, lúc này, tâm Hoa là tâm Bồ-tát, nhưng khi rời cửa Phật, tâm Bồ-tát nơi Hoa liệu có còn không, hay sẽ lại trở về với một “cô Hoa quậy”: Ai tới đâu thì em tới đó? Phương ngó quanh cố ý tìm Hoa để chào trước khi ra về, nhưng thấy Hoa vẫn còn tíu tít bận rộn nên thôi. Suốt trên đường về, lòng Phương vẫn không thôi tự hỏi: Hoa bây giờ khác Hoa dạo trước là do đã chuyển biến phát khởi tâm Bồ đề, quy hướng về Phật pháp, hay đây chỉ là vì nhất thời “Đi với Phật” nên “mặc áo cà sa”?. Đã phát khởi tâm Bồ-đề thì xin hãy giữ tâm lành này kiên cố mãi nhe Hoa!. Phương thầm nhắn nhủ với Hoa như thế.

Thanh Tùng

Tin khác

Cùng chuyên mục