HĐ Kính thưa quý vị đại biểu
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Sư trưởng Thượng Như Hạ Thanh viên tịch. Đặc san Hoa Đàm, dại diện Phân ban Ni giới Trung Ương phối hợp Trường Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, Đại học Quốc Gia Tp Hồ Chí Minh tổ chức. Hội thảo khoa học với chủ đề Di sản Sư trưởng Như Thanh- Kế Thừa và phát triển Ni giới Việt Nam để tìm hiểu về cuộc dời và sự nghiệp của Sư trưởng Như Thanh, cũng là dịp để chư Ni ôn lại truyền thống của Ni giới Việt Nam.
Hội thảo đã nhận đươc 28 tham luận từ các nhà nghiên cứu học giả trên khắp dất nước, từ Hà Nội; Hà Nam, Hải Phòng đến Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Tp Hồ Chí Minh… Các tham luận có thể được chia ra thành 03 nội dung chính: (1) Những đóng góp của Sư trưởng Như Thanh với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam; (2) Di sản Sư trưởng Như Thanh và (3) Những ký ức của hậu bối về Sư trưởng Như Thanh.
Phần lớn các tham luận của Hội thảo tập trung vào nội dung thứ nhất liên quan đến những đóng góp của Sư trưởng đối với sự phát triển của Ni giới nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung (14 tham luận).
Tham luận Sư trưởng Như Thanh với sự nghiệp hoằng pháp của Ni giới của HT.TS Thích Tấn Đạt đề cập đến những đóng góp của Sư trưởng trên lĩnh vực hoằng pháp. Theo HT.TS Thích Tấn Đạt Sư trưởng là: “Người tiên phong vào sự nghiệp hoằng pháp của Ni giới Việt Nam… Nhờ vào uy lực và khả năng hùng biện thuyết phục của Sư trưởng. Ni giới đã có thể tham gia đầy đủ, thường xuyên hơn, sánh vai cùng chư Tăng trong sự nghiệp hoằng pháp trong mấy thập niên qua.” Tham luận Đọc Bách Thành Yên Thủy – Thiện Tài Cầu Đạo của Sư trưởng Như Thanh của SC. Thích Nguyên Đúc nhấn mạnh năng lực phiên dịch Kinh điển khó nghĩ bàn của Sư trưởng cũng như gương cầu đạo hiếu học của Người thông qua dịch phẩm “Bách Thành Yên Thủy- Thiện Tài Cầu Đạo”. Tham luận Tấm Gương Hoằng Pháp của Sư Trưởng Như Thanh của SC. ThS. Thích Đồng Hòa cho rằng Sư trưởng đã làm tròn bổn phận của người xuất gia, đó là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, mà không cầu danh vị, chuyên tâm hoằng pháp lợi sinh, giáo dưỡng Ni chúng, giúp đỡ Ni đoàn… Tham luận về Những sáng tác của Sư trưởng Như Thanh của TS. Đặng Hoàng Lan khái quát sự nghiệp văn học Phật giáo với những tác phẩm của Sư trưởng, qua đó khẳng định, những công trình tác phẩm của Sư trưởng là di sản tinh thần quý báo mà thế hệ hôm nay và mai sau cần phải kế thừa, vận dụng cho xứng đáng là đệ tử của Sư trưởng. Tham luận Sư trưởng Như Thanh và sự thành lập của Ni bộ Nam Việt của TS. Lê Thị Hằng Nga và TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh nhấn mạnh đóng góp to lớn của Sư trưởng trong việc thống nhất, phát triển Ni bộ. Sự thống nhất Ni bộ Nam Việt năm 1956 (Ni bộ Bắc tông từ năm 1972) là tiền đề cho Giáo hội sau này có đủ hai vụ Tăng, Ni trong Tổng vụ Tăng sự. Tham luận Những đóng góp của Sư trưởng Như Thanh với phong trào chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX của TS. Tống Thị Quỳnh Hương khẳng định, Sư trưởng chính là một kỳ nữ hiếm có tham gia vào cong cuộc chấn hưng Phật giáo, mở đường cho Ni chúng đồng hành trong quá trình chấn hưng xuyên suốt thế kỷ XX. Sư trưởng là người tiên phong, mở ra một kỷ nguyên khai phóng cho sự dấn thân và hoạt động của Ni giới Việt Nam. Tham luận Phát huy vai trò của Ni giới theo hạnh nguyện của Sư trưởng Như Thanh của TS. Nguyễn Văn Tuân và TS. Vũ Thị Hương đề xuất môt số giải pháp, kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho Ni giới có thể đóng góp lớn hơn cho Đạo pháp và Dân tộc trên cơ sở nghiên cứu hạnh nguyện của Sư trưởng trong việc đào tạo và phát huy vai trò của Ni giới trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tham luận Sư trưởng Như Thanh người khởi xướng và tổ chức các hoạt động từ thiện- xã hội của TS. Dương Hoàng Lộc cho rằng: “Sư trưởng đã thể hiện trí tuệ sáng suốt bằng việc nhận thức rõ ưu điểm của Ni giới, xem trọng tham gia từ thiện- xã hội phải được đào tạo kiến thức lẫn kỹ năng các lĩnh vực liên quan một cách bài bản, hoàn toàn không mang tính tự phát.” Tham luận Sư trưởng Như Thanh với tác phẩm “Thiền tịnh song tu” của Th S. Nguyễn Văn Qúy tìm hiểu tư tưởng của Sư trưởng qua tác phẩm “Thiền tịnh song tu” qua đó khẳng định, thông qua tác phẩm này, Sư trưởng muốn hướng dẫn tín đồ Phật tử tu hành đúng pháp môn Tịnh Độ trong từng bối cảnh xã hội nhất định. Tham luận Sư trưởng Như Thanh vả Phật học Ni viện Từ Nghiêm của SC.TS. Thích Thánh Tâm tìm hiểu quá trình Sư trưởng phát khởi, vận động và hoàn thành việc thành lập Ni bộ Nam Việt tại Phật học Ni viện Từ Nghiêm. Tham luận Đóng góp Phật học của Sư trưởng Như Thanh qua bộ sách “Duy Thức Học” của PG.TS. Hoàng Thị Thơ đã đi sâu tìm hiểu và có những đánh giá chính xác về bộ”Duy Thức Học” của Sư trưởng. Tác giả nhận định tác phẩm “Duy Thức Học” đã “cho chúng ta thấy tư tưởng Phật học uyên thâm của Sư trưởng đã góp phần không nhỏ nâng cao trình độ Tự độ và Độ tha của Ni giới Bắc truyền Việt Nam, cũng như về Phật học trong so sánh Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo thế giới”. Tham luận Nhân cách văn hóa của Sư trưởng Như Thanh của SC.ThS. Thích Niệm Huệ tìm hiểu nhân cách văn hóa Sư trưởng qua các khía cạnh: sự hiếu học, tài năng, đóng góp cho giáo dục Phật giáo và đức độ trong hành vi ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Tham luận Tinh thần hiếu học của Sư trưởng Như Thanh đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Ths. Võ Thị Khánh Vân đề cập hai khía cạnh quan trọng trong nhân cách của Sư trưởng, đó là tinh thần hiếu học và những đóng góp của Người cho sự nghiệp giáo dục Ni giới cũng như trẻ em nghèo kém may mắn. Tác giả tham luận khẳng định, sự hiếu học của Sư trưởng “bắt nguồn từ truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc và căn tính được tích lũy qua nhiều đời. Người học từ gia đình, từ cha mẹ, từ thầy, từ sách vở và từ thực tiễn cuộc sống… Sư trưởng chính là hiện thân của sự kết kinh điển và thực tiễn sinh động.” Tham luận Những điểm tương đồng và quá trình hành đạo cũa Sư trưởng Như Thanh và Ni trưởng Diệu Không của TS. Dương Thanh Mừng đã nêu những điểm tương đồng giữa Sư trưởng Như Thanh và Ni trưởng Diệu Không về: thời điểm và bối cảnh xuất gia, việc xây dựng hệ thống tổ chức, giáo dục và đào tạo. phương pháp tu tập và cách thức sinh hoạt, hoạt động từ thiện, xây dựng các cơ sở tu học, thờ tự. và về các trước tác. Những đóng góp ấy tuy thầm lặng nhưng lợi lại vô cùng lớn lao và tạo nên những âm hưởng thực sự trong mạch nguồn của Ni giới và cả trong quá trình đi lên của Phật giáo Việt Nam.
Nội dung liên quan đến di sản của Sư trưởng Như Thanh bao gồm 07 tham luận.
Trước hết phải kể đến Tham luận Đặc san Hoa Đàm kế thừa di sản Sư trưởng Như Thanh của NS. TS Thích Như Nguyệt (Chùa Huê Lâm), đề cập đến nguồn gốc và lịch sử thăng trầm của Đặc san Hoa Đàm, đứa con tinh thần của Sư trưởng ra đời từ những năm 1970, hiện nay là cơ quan ngôn luận phản ánh tiếng nói của nữ giới Phật giáo Việt Nam. Tham luận Sư trưởng Như Thanh ảnh hưởng đến chư Ni thế hệ hậu học của NS.TS. Thích Như Nguyệt (Học Viện Phật giáo Việt Nam) đề cập đến những ảnh hưởng của Sư trưởng đối với thế hệ trẻ trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục vả thông qua các trước tác, dịch thuật, qua việc lãnh đạo Ni bộ Bắc Tông. Tham luận Nghĩ về di sản sư trưởng Như Thanh của NS. Thích Như Tâm (Tông phong Tổ đình Huê Lâm) nhấn mạnh di sản Sư trưởng liên quan đến năng lực phát huy sức mạnh đoàn kết của Ni giới. Đó là tinh thần đoàn kết để ổn định ngôi nhà Ni bộ cùng với việc tạo điều kiện phát huy tài năng mỗi người vì sự phát triển chung của tổ chức. NS. Thích Như Tâm khẳng định, Sư trưởng Như Thanh vừa là vị kiến trúc sư thiết lập tổ chức vùa là người chèo lái vững vàng của tổ chức- một nhân vật có một không hai trong lịch sử Ni bộ Việt Nam. Tham luận Di sản Sư trưởng Như Thanh- Hành trang cho Ni giới phát triển và hội nhập của NS.TS. Thích Hạnh Tâm (Học viện Phật giáo Việt Nam ) cho rằng Sư trưởng đã thành công trong việc giải mã kho tàng tri thức của Đức Phật, ứng dụng trên mọi bình diện của cuộc sống xã hội Việt Nam. Khai thác và kế thừa di sản của Sư trưởng chính là chìa khóa giúp con người hôm nay tự khám phá tiềm lực từ bi trí tuệ của mình đề luôn giử được thân tâm thanh tịnh, thích ứng với sự biến đổi “siêu nhanh” trong thời đại của cách mạng công nghệ 4.0. Tham luận Nữ giới Phật giáo học tập và kế thừa những gì từ di sản tinh thần của Sư trưởng Như Thanh của PGS.TS. Trần Hồng Liên đã đúc kết di sản tinh thần của Sư trưởng qua bốn bài học có tính bao quát nhất, làm nền tảng cho các hoạt động khác. Đó là bài học về tinh thần vô ngã vị tha, về tinh thần đoàn kết, về tinh thần bình đẳng, về tổ chức và tính tổ chức. Tham luận Bảo tồn và phát huy giá trị những hiện vật liên quan đến sư trưởng Như Thanh qua mô hình phòng trưng bày lưu niệm của Nguyễn Hữu Lộc dã điểm qua những di sản vật thể của Sư trưởng và nhấn mạnh sự cần thiết phải có phòng trưng bày để giữ gìn, bảo tồn những di sản này. Đây là một sáng kiến rát hữu ích nên sớm được triển khai.
Ân đức của Sư trưởng vẫn còn thấm đượm trong các thế hệ Ni giới Việt Nam qua tấm gương sống động, thấm nhuần ân đức của Người. Người đã nhập Niết bàn hay đã tái hiện Đàm hoa? Dù cho hậu thế có dung muôn lời hay ý đẹp để ca ngợi và tán thán giới hạnh của Người đến đâu chăng nữa, cũng chẳng bằng quyết tâm họchạnh, học giới, học đức, học tánh của Người. Ni giới phải luôn tinh tấn, hiểu biết và yêu thương để cùng giác ngộ và giải thoát chính là tâm nguyện của Sư trưởng – bậc thầy viên mãn giới đức của Ni giới Việt Nam và đó là hành động thiết thực nhất làm rang danh Người. Đó là nội dung chính của bài tham luận của NS.TS Thích Hương Nhũ.
Nội dung liên quan đến những ký ức về Sư trưởng Như Thanh được đề cập trong 07 tham luận.
Tham luận Ba lần diện kiến Sư trưởng Như Thanh của NS. Thích Như Minh kể lại một cách sinh động câu chuyện ba lần Ni sư được phúc duyên diện kiến Sư trưởng. Tác giả bài viết đã ghi lại những bài học đắt giá từ bậc Trưởng lảo Ni, đó là đức kiên nhẫn, cung kính; ý nghĩa của việc trau dồi giới đức và sự yêu thương không phân biệt. Tham luận Sư trưởng Như Thanh- Trăng Lăng Gìa của nữ giới Phật giáo Việt Nam của NS. Thích Đàm Huề (Hà Nam) đã dành những ngôn từ đẹp nhất để nói lên sự kính ngưỡng của tác giả khi nghĩ về Sư trưởng Như Thanh. NS. Thích Đàm Huề khẳng định, Sư trưởng Như Thanh là “Vầng trăng sáng đêm thâu, là suối nguồn vô tận, là biển cả mênh mông, là thuyền từ chuyên chở biển học, biển giải thoát cho hàng Ni lưu trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam”, “Người là tấm gương sáng như ánh trăng Lăng Già…, vẫn thường hằng hiển hiện trên từng trang Giới luật, từng tác phẩm văn chương…” Người chính là bậc “Nữ trượng phu xuất thế của thế kỷ XX…Tham luận Những kỷ niệm về Sư trưởng Như Thanh qua hồi ức của chư Ni Bến Tre của NS. Thích Như Uyên và Th S. Bùi Hữu Nghĩa đề cập đến những hồi ức của chư Ni Bến Tre về Sư trưởng trong thời gian Người đến đây vận động cho việc thành lập Ni bộ Nam Việt. Tham luận Môn hạ thế hệ thứ ba nhớ về Sư trưởng Như Thanh của Đại đức Thích Lệ Minh đã ghi lại một cách đầy xúc động những kỷ niệm và lòng kính ngưỡng sâu sắc của tác giả đối với Sư trưởng qua lần diện kiến đầu tiên cũng như qua những bài thơ của Sư trưởng… Tham luận Sư trưởng Như Thanh- Vị thầy cao quý của Ni giới Việt Nam của NS. Thích Hạnh Tâm cho rằng, Sư trưởng là một bậc nữ lưu học hạnh kiêm ưu, tài đức vẹn toàn, một vị lãnh đạo cùa Ni giới Bắc tông uy danh một thuở, một vị thầy uy nghiêm đĩnh đạc. một vị Hòa thượng Đường đầu thanh tu thạc đức. Tham luận Hậu học nhớ về bậc tiền bối Ni- Sư trưởng Như Thanh của SC. Thích Hải Thuần khẳng định, mặc dù Sư trưởng đã quay gót quy tây, nhưng Người đã để lại những di sản vật thể và phi vật thể quý giá cho hàng hậu học nương theo đó mà đến được bến bờ giải thoát. Tham luận Sư trưởng Như Thanh và tổ chức Ni giới đầu tiên ở Nam bộ của SC.ThS.Thích Hòa Nhã ca ngợi trí tuệ ưu việt của Sư trưởng, sự thông suốt Tam Tạng. Trì giới nghiêm minh, thể hiện tiêu biểu qua tác phấm “Duy Thức Học” SC. Thích Hòa Nhã nhấn mạnh, tinh thần hiếu học, chịu khó vượt qua nghịch duyên của Sư trưởng là nguồn cảm hứng, khơi dậy sức sống cho Ni giới.
Như vậy, có thể nói, với 28 tham luận xoay quanh những nội dung về ký ức。di sản và những đóng góp của Sư trưởng Như Thanh. Hội thảo “Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa- Phát triển Ni giới Việt Nam” đã phản ánh một cách sinh động và đa chiều về Sư trưởng Như Thanh- một nhân cách lớn. Trên cơ sở sự tiếp xúc trực tiếp và thông qua các tư liệu về Sư trưởng, các nhà khoa học đều có chung một quan điểm về phẩm chất và năng lực vượt trội của Người. Người là sự hội tụ của những phẩm hạnh “Bi- Trí- Dũng” trong Phật giáo. Nhớ đến Người là nhớ đến tinh thần cầu học, cầu đạo, tâm từ bi, ý chí vượt khó, bản lĩnh… Người đã có đóng góp to lớn đối với sự hình thành và phát triển của Ni bộ Bắc Tông, với sự nghiệp giáo dục Phật giáo, với việc xây dựng chùa- tự viện, với công tác từ thiện xã hội. Người cũng đã để lại những di sản thơ văn, trước tác, dịch thuật phong phú. Vì lẽ đó, việc kế thừa và phát triển di sản của Người chính là bổn phận của những thế hệ hậu bối hôm nay và mai sau.
T M BAN TỔCHỨC
NS.TS THÍCH NHƯ NGUYỆT
(Đặc San Hoa Đàm)