HĐ Giữa chốn phồn hoa đô thị đã bao giờ bạn thấy lạc lõng, giữa dòng người tấp nập có khi nào bạn thấy cô đơn? Hòa mình vào cuộc sống phát triển của xã hội bạn đã từng một lần dừng bước và suy ngẫm chưa? Tư duy về một tương lai hay trong khoảnh khắc hiện tại suốt chừng đấy năm bạn đã và đang làm những gì. Thuở xa xưa các thiền sư rời chốn đô thị tìm nơi tịch tĩnh cô liêu để tu hành, viễn ly ngoại cảnh đoạn trừ năm món dục. Ngày nay, hàng Tăng Ni trẻ hòa nhập với xã hội đi vào cuộc sống dấng thân, với tinh thần hoằng pháp lợi sanh. Vậy đâu mới là pháp môn phù hợp ? Và đạo Phật xưa nay phải chăng là khác nhau? Dọc theo dòng lịch sử, vượt qua cả không gian và thời gian đạo Phật đã tồn tại hơn 2500 năm, nói một cách chính xác hơn là đạo Phật đã tồn tại được 2.559 năm tính từ khi Đức Từ Phụ nhập Niết-bàn. Từ đó sau các lần kiết tập kinh điển đã có nhiều vấn đề xảy ra, cho đến ngày nay trên thế giới đạo Phật được chia ra 2 dòng truyền lớn, đó là Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền, hay nói cách khác là Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển. 2 hệ phái này phát triển và tồn tại du hành cho đến ngày nay. Thế nhưng, chúng ta cần nhìn lại là người đệ tử Phật trong xã hội cách thời Phật tại thế hơn 25 thế kỷ chúng ta đã đang và sẽ học tu được gì.
Tu theo Tiểu thừa hay Đại thừa có thật sự quan trọng. Chúng ta bỏ thời gian công sức và trí lực ra tìm tòi học hỏi để rồi cuối cùng chỉ đổi lại sự phân biệt giả tạm thôi sao. Chúng ta mong cầu điều gì? Hãy tự hỏi bản thân mình, cái chúng ta cần là hạnh phúc chân thật của sự tịch tĩnh nơi tâm, không cầu, không mong, không lo, không sầu, không nghĩ, không não, không phiền, hay cái chúng ta cần là sự thỏa mãn lòng tham của dục vọng, danh lợi, để rồi dẫn đến phân biệt cao thấp, lớn nhỏ. Vốn dĩ mỗi mỗi cá thể điều đồng thể tánh như nhau, chỉ do sự phân biệt của thức mà các căn thấy có sai biệt. Ví dụ như có nhãn thức nên nhãn căn mới có sự phân biệt đẹp-xấu, trắng-đen. Cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy:” nhứt thiết duy tâm tạo”, Phật cũng do “tâm” này mà Ma cũng do “tâm” này. Chỉ do vô minh nên mới sanh chấp có chấp không chấp đúng chấp sai. Nghĩ thử xem mục đích cuối cùng của việc tu hành là gì? Chính là tìm về được với bản tánh chân như, bản thể thanh tịnh của tự thân mỗi người, đã bao năm tháng trôi ta làm kẻ cùng tử lang thang bỏ cha rong ruổi để rồi chẳng có gì ngoài khổ đau.
Đức Thế Tôn thị hiện nơi đời ngũ trược này là muốn khai thị cho chúng sanh ngộ tri kiến Phật, với lòng từ bi bao la rộng lớn như thế, cuối cùng cũng chỉ vì muốn các con của Ngài thoát khổ được vui, chứ không hề muốn phân chia lớn-nhỏ, đại-tiểu. Đức Phật đã khẳng định ” đạo của Ta chỉ có một vị đó chính là vị giải thoát cũng như nước biển chỉ một vị mặn duy nhất mà thôi” cho nên nếu là một người con thật sự của Như Lai thay Như Lai xiển dương Phật Pháp, trước tự độ sau đến độ tha thì chúng ta chỉ nên nhất hướng một đường mà bước đi con đường Trung Đạo. Không quan tâm bạn là một nhà sư Nguyên thủy hay một vị thầy Đại thừa, mà cái cần được chư trọng ở đây là bạn đã hành được những gì theo pháp Phật, hành động và việc bạn làm mang lại những gì cho chúng sanh an lạc hay khổ đau, bạn đang hoằng pháp hay là đang rời xa chánh pháp, đó mới là điều chúng ta cần quan tâm. Sự tu hành không cần phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa miễn sao khi thực hành pháp môn đó hợp với chánh pháp và đem lại sự bình an, an lạc nơi tự thân tâm chúng ta thì coi như ta hữu duyên với nó. Vì Đức Phật dạy đến tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, và trong Kinh Đế Thích Sở Vấn có viết khi trời Đế Thích hỏi Phật: ” pháp là chi?” Đức Phật đáp: “chi chi cũng là pháp” cho nên không cần biết bạn là ai tu pháp môn gì miễn nó hợp chánh pháp đem lại sự lợi lạc cho tự thân và chúng sanh thì bạn xứng đáng là Thích Tử Như Lai, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai.
“Ngẫm việc ở đời thường sai biệt
Ta nên hay không cũng biệt sai
Tu hành chú trọng chi Đại Tiểu
Trở về bản tánh tịnh tâm như”.
Tánh Như