HĐ Đã là hai mươi năm kể từ khi tôi từ biệt Thầy mãi mãi – Sư bà Thích Nữ Diệu Không – Người đã dìu dắt, dạy bảo và có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tu tập và hành đạo của tôi. Phận thầy trò đã kết thúc rất lâu nhưng bây giờ mỗi khi nhớ lại hình ảnh của Thầy, những ký ức trong lòng tôi cứ ùa về như sóng cuộn.
Những năm 70 của thế kỷ trước, tôi bước chân vào chùa xuất gia. Sau 3 tháng nhập chúng thì tôi được gắn bó với Thầy, vừa học công phu, vừa làm thị giả.Thời gian làm thị giả cho Thầy là một cơ hội quý báu để được gần gũi và học hỏi trực tiếp, cũng là giai đoạn cuộc đời có ý nghĩa nhất của tôi. Bài học đầu tiên mà Thầy dạy, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Một buổi chiều đang ngồi quạt hầu cho Thầy nằm ở nhà sách đọc sách thì tôi được hỏi:
– Con học công phu đến đâu rồi? Tôi trả lời:
– Dạ, con vẫn học chăm chỉ ạ.
– Vậy Lạy Hồng Danh đến danh hiệu nào thì khép lại 108 Danh hiệu Phật?
– Thưa sư phụ, con lạy đến Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật.
Thầy làm thinh mỉm cười rồi tiếp tục lần chuỗi niệm Phật. Lúc ấy, tôi cứ đinh ninh rằng Thầy không nói gì nghĩa là mình trả lời đúng cho đến khi mở kinh ra đọc lại, tôi mới biết mình đã trả lời sai. Thầy đã không dạy, càng không la mắng gì nhưng vì bản thân thấy quá hổ thẹn nên tôi đến tìm Thầy để sám hối:
– Bạch sư phụ, con giở quyển Nhật Tụng ra con mới “Nguyện kim hồi hướng Diệt như thị Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát” là hết 108 Lạy Hồng Danh. Con xin được sám hối với sư phụ.
Sức mạnh từ bài học không lời và lòng độ lượng của Thầy đã khiến tôi càng dốc lòng cố gắng vượt khó học tập hơn nữa. Cái Thầy dạy tôi một phần nhưng chính tôi phải dạy và rèn luyện bản thân mình mười phần.
Thầy không chỉ dạy bảo tôi như bổn phận một người Thầy mà còn đối xử, yêu thương tôi như cha, như mẹ. Năm 1971, sau một thời gian làm thị giả, sư phụ cho tôi đi học ở chùa Báo Quốc (Huế). Trong thời gian đi học bồ đề, tôi cứ phải đi đi về về Hồng Ân, trưa nào đi học cũng phải nhịn đói vì không có thời gian ăn. Một hôm có khách đến viếng chùa đột xuất nên các sư tỷ lấy luôn phần cơm của tôi ra mời. Đi học về biết không có cơm chiều mà giở mâm cơm ra thấy nửa chén cơm và 1 miếng chao kho quẹt, mắt tôi bỗng nhoè đi vì xúc động. Vừa ăn vừa khóc vì nửa tủi, nửa xót xa. Thầy biết mình đi học về đói bụng mà không có cơm ăn nên để dành nửa phần cơm cho mình. Tình thương của Thầy bao la, ấm áp biết bao! Đó là chén cơm ngọt như nước cam lộ mãi mãi tôi không bao giờ quên:
Cha mẹ ân sâu trả 1 đời
Thầy trò muôn kiếp khó mà lơi…
Mùa hè Đỏ lửa 1972, Ni chúng chạy vào Đà Nẵng, tránh giặc giã ở chùa Bửu Quang và Khuôn Hội Tây Ninh Đà Nẵng. Biết Ni chúng đang trải qua một tháng ròng rã lánh nạn nên dù đang làm Phật sự ở Sài Gòn xa xôi,sư phụ vẫn cho thuê một chiếc máy bay đưa toàn bộ Ni chúng vào chùa Diệu Tràng và Diệu Giác (quận 2, Sài Gòn) vào an cư ba tháng. Tấm lòng cứu rỗi đại chúng của Thầy thật bao la và độ lượng! Năm ấy, riêng cá nhân tôi được gửi vào Đại học Vạn Hạnh(nằm trên đường Trương Minh Giảng xưa, nay là Lê Văn Sỹ) để theo học sư Trí Hải. Sau 6 tháng, sư phụ gọi tôi trở về lại Huế vì “Ni trường Diệu Đức sắp mở khoá học chuyên khoa Phật học nên con phải về…”. Đầu năm 1973, trên chuyến tàu trở về chùa cũ, tôi không giấu nổi niềm háo hức và sự tự hào vì mình là một trong những Ni sinh được học chuyên ngành Phật học tại Ni trường đầu tiên của Huế do sư phụ Thượng Diệu Hạ Không thành lập.
Năm 1974, đang học ở Ni trường Diệu Đức thì Ni chúng nghe tin Hoà thượng Thanh Từ mở lớp thiền ở Sài Gòn. Một số Ni sinh ai cũng muốn vào học nhưng sợ Thầy không cho. Trong số đó, có 5 vị tự ý trốn đi, tôi còn nhớ có sư tỷ Diệu Như, Minh Ánh…Sự việc đó khiến những người ở lại “đứng mũi chịu sào”. Khi phát hiện học trò không xin phép, Thầy và các Ni trưởng liền tổ chức họp chúng cấp bách khiến ai nấy đều kinh sợ. Thầy giận hỏi:
-Còn tất cả các vị Ni ở đây, có muốn đi thiền nữa không?
Chúng tôi run rẩy trả lời: “Bạch thầy, chúng con tha thiết học pháp, tu để giải quyết sinh tử”, “Chúng con chỉ học với thầy thôi chứ không muốn ra khỏi Ni trường”.Đến lượt tôi, sư phụ đập bàn, hỏi :
-Còn mi thì sao?
-Dạ! Bạch sư phụ và quý Ni sư, dạ sư phụ đặt đâu con ngồi đó.
Nghe vậy, Ni sư Ni Đức mới đứng dậy lấy cái ghế ra và bảo:
– Huệ Âm ngồi đây.
Câu nói ấy khiến ai ai cũng bật cười, giải toả cả bầu không khí căng thẳng.
Sư phụ nghiêm khắc khiến ai cũng sợ nhưng lại luôn lo lắng, quan tâm cho Ni chúng. Năm 1975, Thầy nói với chúng tôi:
-Các con đã học xong và cũng lớn rồi, đất nước giải phóng rồi, mỗi người cần chọn cho mình một nghề.
Nghe lời thầy, tôi chọn nghề đi dạy. Thế là mỗi tháng 4 lần trên quãng đường 30 cây số, tôi đi bộ cùng với sư cô Diệu Pháp từ Hồng Ân đến chùa Ưu Đàm, làng Vinh Vệ để dạy trẻ.Sau một năm đi dạy, sư phụ gọi tôi về làm thị giả tiếp. Lúc đó trong chùa Hồng Ân chưa có điện, nước. Năm 1979, mùa hè thật oi bức, hạn hán. Chùa Hồng có hai cái giếng, một cái bên trong vườn chùa là để chúng sử dụng ăn uống, một cái bên ngoài là để chúng tắm giặt. Thế mà năm đó hai cái giếng đều khô cạn không còn một nước. Chúng phải đám ruộng cách chùa 500 mét đào một cái ao thật sâu và rộng để 1-2 giờ khuya nước tự lại, chia phiên bốn chị phải thức đêm gánh nước một ngày. Để có nước 60 vị Ni đang an cư tại Hồng Ân, nấu ăn và uống. Thời gian đó, Sư phụ đi Phật sự ở miền Nam chưa về. Tháng 6 âm lịch Sư phụ vừa về tới thời tiết vẫn còn nóng bức. Sư cô Tri sự nói giếng khô hết chúng còn thiếu nước uống cả tháng nay. Sư phụ bảo tất cả chúng lên trì chú cầu mưa cùng với Sư phụ. Ngày hôm sau tự nhiên sấm mây nối kéo đến. Thế là đổ mưa xuống một trận mưa thật lớn, nước đầy cả trong bể và bên ngoài giếng. Tôi thấy thường mỗi sớm thức dậy, ngồi thiền xong, đứng dậy rửa mặt với cái thau nước rất ít. Rửa xong, Thầy đem ra tưới cây hoặc rửa chân chứ không phí một giọt nước nào cho dù nước đó đã sử dụng rồi, không đổ ra ngoài một cách uổng phí. Thầy thường dạy:“Bất cứ vật dụng gì, cho đến nước trong cũng không nên xài phí, có thì để cúng dường hoặc bố thí, nhìn chỗ khó khăn hơn mình, thì biết nhận quá khứ cho hoan phí không từ phước mới bị thiếu ở nơi biên địa không có Phật pháp mà cũng thiếu ăn thiếu mặc như vùng dân tộc thiểu số. Mỗi mùa Phật đản về là Sư phụ đi giảng đi họp vào Nam là Sư Tri sự rất lo. Có Sư phụ là có đủ tất cả, không sợ thiếu tinh thần đến vật chất. Không có Sư phụ là nước cũng không có uống vì giếng khô cạn.
Thầy đi đâu tôi đi đó. Có một thời gian thầy đi giảng thọ bát quan trai ở chùa Linh Quang, lúc về Quy Thiện, mốt về giảng Tây Thiên nên thầy gọi tôi:
– Chị mượn chiếc xe đạp chở tôi đi.
Nghe sư phụ giao nhiệm vụ, tôi liền mượn ngay chiếc xe đạp của sư Diệu Ý– chiếc xe đạp tốt nhất ở chùa. Trên những chặng đường ngày xưa, tôi nhớ có con dốc cầu Liêm rất cao, nó khiến tôi phát sợ nhưng tôi đã chở được thầy đi qua vì tôi quá thương thầy mà không nỡ thầy đi bộ. Miệt mài đưa đón và ở bên thầy suốt hai năm ròng rã ấy, những năm tháng lặng lẽ chăm sóc đến bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sức mạnh nào cho tôi– một cô bé chỉ 23 tuổi, nặng chưa đầy 40 cân – có thể làm được như thế! Miễn sao được gần sư phụ, tôi cũng không ngại gian lao.
Ngoài tình thương của sư phụ dành cho tôi, ở bên cạnh sư phụ, tôi đã được học rất nhiều về Phật pháp cũng như kĩ năng sư phạm. Trong một buổi sáng dạy học ở Tây Thiên, Thầy dạy Ni chúng về triết lý nhân – duyên, tình yêu, tình thương con người thông qua câu chuyện “Giết cha cưới bà cho cháu”. Đến chiều, thầy bảo tôi:
– Sáng chị chở tôi đi dạy, chị nghe rồi. Nay chiều tôi giảng những gì chị kể lại cho chúng nghe.
-Bạch sư phụ, con run quá mà con cũng quên hết rồi.
Nhờ ánh mắt động viên, tin tưởng của Thầy, tôi đã lấy hết can đảm để kể lại bài học cho Ni chúng nghe. Sau khi kể xong, Ni chúng vỗ tay nhiệt liệt khiến tôi cảm thấy thật vui và tôi nhận ra Thầy cũng rất tự hào về mình.
Ngày 12 tháng Giêng Âm lịch năm 1981,Giáo hội Phật giáo Huế tổ chức Đại Giới Đàn ở chùa Bảo Quốc, Thầy cho tôi và mười tỷ muội nữa thọ Đại giới. Sau khi thọ giới và an cư đến năm 1982, Thầy cho tôi và sư cô Diệu Pháp vào Sài Gòn ở chùa Kiều Đàm (Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để tiếp tục học những bộ kinh lớn. Những năm tháng tôi đi học, Thầy thường vào Nam làm Phật sự, ở Kiều Đàm để dịch những bộ kinh như Thành Duy Thức Luận, bộ Đại Trí Độ Luận… còn tôi ngồi viết tay, cô Tuệ Dung đánh máy lại. Ba năm sau khi công việc hoàn thành, nỗi nhớ và hoài niệm về trường Diệu Đức, mái ấm Hồng Ân khiến tôi khắc khoải khôn nguôi nên mạo muội xin thầy về Huế thì thầy nói:
-Mấy chị cố gắng học, cố gắng tu, bất cứ ở đâu mà làm việc cho đại chúng và làm việc lợi ích cho chúng sinh, đó là gần gũi với thầy.
Nghe lời thầy, tôi tiếp tục ở Sài Gòn học tập. Năm 1988, Ni sư Trí Hải xin Thầy cho tôi qua Tuệ Uyển, Vạn Hạnh lập chúng với Ni sư. Đến ngày 20 tháng Bảy Âm lịch năm 1997, mới an cư xong, tôi thấy nao nao trong lòng muốn về Huế thăm sư phụ khánh tuế nên thưa với sư Trí Hải:
– Con nao nao trong lòng, nóng lòng về thăm sư bà.
Sư Trí Hải liền bảo:
-Chị về với tui.
Khi được gặp Thầy, tôi mừng như về với mẹ, với dòng sông quê hương, với mái nhà tranh dẫu có nghèo nàn nhưng ấm áp. Tôi muốn được ở bên cạnh Thầy để chăm sóc như ngày xưa, tôi muốn được có mặt lúc Thầy về với Phật:
“Lòng thành tâm con luôn khấn nguyện
Trở lại Hồng Ân sớm bên thầy”
Nhưng khi nghe tôi bày tỏ mong muốn, sư Trí Hải lại không đồng ý:
– Sư bà cho Huệ Âm về Huế là con giải tán chúng ngay.
Trong cái thế “tiến thoái lưỡng nan” ấy, tôi đành nói với thầy:
-Con sẽ vào Sài Gòn để sắp xếp công việc một thời gian rồi sẽ khăn gói về luôn với sư phụ. Nghe thế sư phụ dạy:
– …Từ bi hoa lá đơm thêm lộc
Hỷ xả mầm non nở khắp vùng…
Thầy nhắc đến lời Phật dạy tứ vô lượng tâm “Từ bi hỷ xả” để nhắc nhớ cho tôi bài học phải biết thương và xót xa những người dưới mình thì lộc sẽ nảy chồi, tre già thì măng mọc.
Tôi về mà lòng canh cánh lời thầy dạy nhưng không ngờ rằng đó là lời dạy cuối cùng thầy để lại cho tôi. Đúng một tháng sau Thầy thị tịch mà tôi chưa kịp về…
“Hai giờ sáng con hay tin được biết
Thầy thâu thần, quyết xả báo thân
Bần thần con hận bản thân
Thầy ơi! Con định mà chưa kịp về!!!”