Thứ Ba, 16 Tháng Tư 2024
Truyện ngắnCội mai già ( phần 2)

Cội mai già ( phần 2)

  Phải chi Sư phụ còn tại thế, Thầy sẽ nói về “hạnh cúng dường” của cây mai, như thế Sư phụ có thể hài lòng hơn là những câu đáp ngây ngô của Thầy mười mấy năm về trước. Hiểu được hạnh này, Thầy an tâm ở lại chùa Từ Bi dù các bạn đạo đồng học nay đã định cư tại Mỹ thường gửi thư về ngầm kêu gọi, thúc giục Thầy ra đi.

Vừa đứng lên định tiếp tục lặt lá cho xong, bỗng Thầy Minh Huệ thấy có bóng người thấp thoáng ở cổng Tam quan. Tim thầy đập mạnh trong lồng ngực, Thầy giơ tay dụi mắt để nhìn lại cho rõ: người đàn ông lớn tuổi mặc bộ đồ vải đen, đầu vấn khăn, dáng người dong dảy, bước đi mạnh dạn… Thôi đúng là ông Hai Sửu rồi! Thầy buông thõng hai tay, sự xúc cảm chôn chặt hai chân Thầy một chỗ. Ông Hai đến gần hơn, nước mắt Thầy bỗng ứa ra khi nhìn thấy vẻ xơ xác tiều tụy của ông trên mái tóc trắng hếu mà rụng đã gần hết, còn đôi má thì đen sậm, hóp sâu, vầng trán rộng đã nhiều đường xếp nếp. Chỉ đôi mắt còn giữ được cá tính cố hữu của ông sự rắn rỏi cương quyết và nghị lực.

– Thầy nhớ tôi không? – Ông Hai lên tiếng trước.
– Mô Phật, cây mai này mấy tuổi, chú vắng biệt mấy năm, phải không?
Ông già chép miệng:
– Dạ, mười năm rồi, thời gian nhanh thiệt!
– Chú bỏ nghề bán mai luôn hả? Tìm chú ở chợ hoa không có, nhiều lúc muốn tới nhà thăm nhưng biết chú ở đâu mà kiếm?
– Thầy có lên tận Long Khánh tìm cũng không gặp đâu. Chuyện còn dài lắm, để thủng thỉnh tôi kể sau. Thầy đương lặt lá mai đó hả, ờ, bữa nay lặt cũng vừa. À quên, còn Thầy Minh Trí đâu, tôi phải chào Thầy cái đã.

Giọng trầm buồn, Thầy Minh Huệ cúi đầu, nói:
– Sư phụ tôi tịch hơn bốn năm nay rồi, hai tháng sau ngày Giải phóng.
Ông Hai Sửu đứng lặng yên. Hồi lâu ông nói:
– Thầy Minh Trí đã giảng cho tôi nghe về lý vô thường, tôi chiêm nghiệm nhiều năm nay, thấy hay lắm. Nhờ liều thuốc này, tôi đã vượt qua bao nhiêu dâu biển đổi dời mà lòng vẫn bình thản như không. Nay tôi trở lại muốn gặp Thầy để hỏi một câu, nói đúng hơn là xin một liều thuốc khác.
Thầy Minh Huệ nhìn ông Hai với cặp mắt kính nể. Có thể đây là một người bạn đạo của Thầy chăng? Tu mà gặp được người chí hướng thật là điều đáng mừng, như đi đường xa mà có bạn đồng hành vậy.
Ông Hai Sửu nhìn cây mai, bắt sang chuyện khác:
– Thầy lặt được phân nửa rồi há, để tôi tiếp Thầy một tay. Nè, lặt như vầy mới mau, chớ bứt từng lá, gặp như mai rừng hàng hàng lớp lớp, chừng nào mới xong?
Tối hôm đó, Thầy Minh Huệ châm một bình trà nóng để chuẩn bị thức với ông Hai Sửu, nghe ông kể chuyện phong trần của đời ông. Sau một ngày dài nghỉ ngơi, ông Hai có vẻ tươi tỉnh hơn. Ông hớp một ngụm trà còn bốc hơi thơm mùi hoa lài, vui vẻ mở đầu câu chuyện:
– Tôi có lên Bảo Lộc hái trà một thời gian. Nghề này cũng vui, được làm bạn với núi rừng cây cỏ.
– Bộ bán mai không đủ sống sao chú phải đổi nghề vậy?
– Bỏ nhà cửa, bỏ rừng mai là một đau khổ lớn của đời tôi, tưởng đâu tôi chịu không nổi nhưng rồi cũng qua, mọi sự đều trở nên bình thường.
Rồi ông xuống giọng, kể:
– Cái chết của em trai tôi làm thay đổi cả đời tôi, Thầy à. Gia tài có hai anh em, tôi lại không vợ con gì nên sống chung với nhau từ nhỏ tới lớn, thân thiết vô cùng. Rõ ràng là “Anh em như thể tay chân.” Cha mẹ qua đời để lại cho chúng tôi một gia tài khá lớn: căn nhà ngói ba gian, vườn mai hơn trăm gốc, vườn cây ăn trái mấy mẫu. Ở vùng núi Chứa Chan, hỏi đại gia đình tôi, ai cũng biết vì ông bà tổ tiên lập nghiệp ở đây đã lâu đời. Huê lợi sống rất dư nên tôi không để ý chi tới tiền bạc. Thấy em tôi có vợ con, tôi giao hết cho nó quản lý; phần tôi, mỗi Tết tôi chặt mai nhà và một mớ mai rừng bán lấy tiền xài vặt. Đời sống với tôi thật là dễ dàng, thật là hạnh phúc vì không có điều chi phải lo nghĩ.

Em tôi qua đời, tôi tự cảm thấy như bị chặt mất một phần cơ thể, đau đớn không tả được nhưng nhìn hai đứa con của nó còn thơ dại, thấy vợ nó còn vật vã khóc than, tôi biết mình phải cứng cỏi hơn để lo lắng cho vợ con nó. Người chết dầu gì cũng yên phần rồi, giờ phải lo cho người sống. Lúc ấy đứa con trai đầu lòng của em tôi mới mười ba tuổi, đứa con gái lên mười. Vợ nó còn trẻ lắm, mới ba mươi ngoài thôi, vì thím nhỏ hơn em tôi tới mười tuổi.
Thím ấy là người có nhan sắc. Tôi hiểu là góa chồng đang tuổi nửa chừng xuân như thím, trước sau gì cũng bước thêm bước nữa. Tôi chấp nhận điều đó nhưng hy vọng thím sẽ biết chọn lựa người đàng hoàng, đứng đắn, vì lỡ một kẻ không ra gì lọt vô nhà đào mỏ rồi hành hạ hai đứa cháu tôi, ắt tôi khó nhịn.

Như tôi đã nói, lúc em tôi còn sinh tiền, bạn hàng đến mua mai, mua trái cây, tôi đều giao tiền cho em tôi rồi nó đưa cho vợ nó giữ. Thím ấy không ăn xài phí phạm, lại biết cách đối xử với tôi, với bà con cô bác bên chồng nên tôi hoàn toàn tín nhiệm. Sau này, tôi cũng để cho thím tùy ý thâu tiền, giữ tiền; một là tiền bạc đối với tôi không thành vấn đề, hai là vì tôi không muốn nắm quyền thu xuất sợ làm thím tủi thân.

Chẳng biết có phải vì lý do đó hay không mà những kẻ xấu mồm xấu miệng trong giới bạn hàng và trong lối xóm bắt đầu xầm xì to nhỏ, họ nói: “Tôi lấy lòng thím để thím chịu tôi.” Hình như bao nhiêu cặp mắt của họ đều hướng về gia đình tôi để tìm dấu vết khả nghi nào đó hầu làm to chuyện hơn. Tôi thấy khó chịu mà tự nhiên thím ấy cũng đâm ra ngượng với tôi. Tính tới tính lui, tôi bèn nghĩ ra một cách: cất cái chòi nhỏ sau nhà, tối tối ra đó ngủ là yên chuyện. Ban ngày, tôi dở cơm theo, ra vườn làm việc đến xế bóng, chỉ có mặt trong bữa cơm chiều thôi.

Như vậy đâu được gần hai năm thì hỡi ơi, mọi người khám phá ra thím ấy có bầu. Thật là “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay.” Tôi bắt buộc phải nói chuyện thẳng với thím về việc này. Tôi mời thím ra trước bàn thờ cha mẹ và em trai tôi, tôi đốt nhan bàn thờ, mời thím ngồi đàng hoàng rồi bắt đầu hỏi cho ra lẽ. Thím thú nhận lỗi lầm, xin lỗi tôi và khóc như mưa; còn cha đứa nhỏ là ai, thím không hở môi. Hễ hỏi tới là khóc, tôi vừa giận, vừa tức, vừa thương, chẳng biết giải quyết sao cho ổn. Trong gia tộc, những người lớn tuổi cũng hội họp lại chất vấn tôi. Tôi chỉ một mực kêu oan chớ biết ất giáp gì đâu mà khai. Họ đưa ra quyết định: “Chờ đứa nhỏ sanh ra coi giống ai rồi tính sau.”

Ngày thím ấy đi sanh, chính tôi phải chở đi, chớ ai vô đó bây giờ, Thầy nghĩ coi phải vậy không?
– Còn con trai của thím đâu?
– Lúc đó nó mới mười lăm tuổi, chưa được phép lái xe lam ba bánh. Hơn nữa, nó xấu hổ nên không muốn dính líu tới chuyện này. Thím sanh một đứa bé trai thật dễ thương, mặt mày thông minh sáng láng. Tôi ráng nhìn kỹ coi nó giống ai mà không đoán được, có lẽ vì đứa nhỏ giống mẹ nhiều hơn cha. Chẳng biết trời xui đất khiến hay sao mà tôi lại mến thằng bé đó kỳ lạ. Thời gian thím nằm chỗ thì con gái thím săn sóc mẹ nó, còn tôi lo cho đứa nhỏ: Cho bú, thay tã, thức đêm thức hôm với nó; càng ngày càng mến tay mến chân không muốn rời. Người ta lại có cớ để tin rằng tôi là cha đứa bé.
Gia tộc bắt buộc tôi phải chọn một trong hai giải pháp: Nếu tôi nhìn nhận đứa nhỏ là con, đứa nhỏ sẽ được ở lại trong nhà với mẹ nó còn tôi phải đi biệt, vì họ hàng lối xóm không ai muốn thấy mặt kẻ làm bại hoại gia phong, đảo lộn luân thường; còn như đứa bé không phải là con tôi, mẹ con nó phải ra khỏi nhà.
Thầy Minh Huệ ngạc nhiên hỏi:
– Chú là chủ nhà, đâu ai có quyền đuổi chú. Giấy tờ chủ quyền ông đứng tên phải không?
– Phép vua thua lệ làng, Thầy ơi! Người dân quê chúng tôi lấy gia tộc làm gốc. Một người bị dòng họ từ thì phải bỏ xứ mà đi, chớ ở lại không sống nổi vì không dám nhìn mặt ai hết.
Tôi nhớ đứa nhỏ sinh vào tháng 11/Đinh Mùi (1967). Năm đó, tôi nghỉ bán mai nhưng nhớ lại Thầy Minh Trí Tết nào cũng cần một cành mai đặc biệt để chưng ở bàn thờ, nên cuối năm đó tôi chở xuống một nhánh mai và một cây mai. Thầy nhớ không?
– Nhớ chớ! Tôi phụ chú đào lỗ cho cây mai xuống đất mà.
– Tôi chọn cây mai khá lớn để phòng khi tôi bỏ xứ đi, không còn bán mai nữa, Thầy trò có nhánh mà chưng. Thú thiệt, lúc đó tôi muốn xin ở lại chùa luôn nhưng nghĩ lòng mình đang rối beng, vô chùa tu cũng không đặng.
– Vậy là chú chọn giải pháp ra đi, tức là nhìn nhận đứa bé là con của mình?
Ông Hai Sửu gật đầu:
– Chớ Thầy nghĩ coi còn cách nào khác hơn? Tôi thương đứa nhỏ vô tội, phải hy sinh cho nó.
– Nhưng còn sự oan ức của chú?
– Tôi nhớ Thầy Minh Trí dạy rằng: “Thân mạng này là vô thường, không thật có, thì những gì thuộc về nó, từ tài sản đến danh tiếng, đến những oan ương, phải trái cũng đâu phải là thật.”
Thầy Minh Huệ phục thầm ông già. Những điều mà ai cũng biết, ai cũng nói mà ít ai thực hành được thì chính ông lại là người dám thể hiện trong cuộc sống.
Chập sau, ông Hai tiếp:
– Tôi lưu lại chùa một hôm rồi trở về Long Khánh. Trong lúc tôi suy nghĩ tìm cách ra đi sao cho ổn thỏa và định bụng ăn Tết xong sẽ đi thì đêm mùng Một năm ấy, Tết Mậu Thân, cách mạng nổi lên tấn công khắp nơi. Tôi chợt muốn nhân cơ hội này bỏ nhà đi để ai cũng tưởng tôi chết trong lúc đạn lạc tên bay, để không còn ai nhắc nhở gì tới mình nữa.

Thế là tôi âm thầm khăn gói lên đường với chút tiền phòng thân. Đêm tối mịt, tiếng súng nổ vang rền. Tôi bước đi không định hướng vì chẳng biết mình nên đi về đâu. Nhưng thói quen dẫn tôi về cánh rừng mai quen thuộc. Tôi ở đấy đến gần sáng, thơ thẩn nhìn ngắm rừng mai vàng tươi đẹp trong sương sớm, không muốn rời chân. Tôi đã sống và lớn lên với rừng mai này mấy chục năm rồi nên bỏ đi không đành.

Chợt có tiếng người thì thào với những bước chân dù nhẹ nhưng cũng làm xào xạc lá khô. Tôi định thầm nhìn kỹ thì biết đó là nhóm bộ đội đang rút quân và chẳng hiểu sao họ bắt tôi đi theo luôn. Từ đó, tôi trở thành “dân công” của bộ đội. Tôi ở với họ trong những vùng hoang vắng, lúc rừng sâu, khi núi thẳm, thấm thoắt cho tới ngày Giải phóng, tính ra hơn sáu năm trường. Họ thả tôi ra với miếng giấy xác nhận “có công với cách mạng”. Lúc đó, tôi đang ở tỉnh Lâm Đồng, lại sẵn quen với đồng bào Thượng nên khi được tự do, tôi xin gia nhập vào cộng đồng thiểu số. Từ đó, khi làm rẫy, lúc hái trà, tôi luôn luôn ở trên núi, không tiếp xúc cùng người Kinh thành. Sống chung với những người chơn chất thô sơ, tôi cảm thấy khỏe lắm.
– Chú nhớ nhà không?
– Thỉnh thoảng thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng ai cũng đinh ninh là tôi chết rồi nên tôi ẩn thân luôn.
Thầy Minh Huệ gợi ý:
– Sống ngày qua ngày như vậy, không mục đích, không tương lai, chú có cảm thấy thiếu thốn gì chăng về phương diện tinh thần?
Ông Hai cúi đầu, trầm tư. Hồi sau, ông đáp:
– Nhìn một ngày qua, tôi biết mạng sống của mình ngắn dần. Nhưng thân này giả tạm, kiếp số vô thường thì bỏ đi không tiếc. Nhưng tôi chỉ tiếc một điều.
– Chú tiếc gì?
– Tiếc là cho đến tuổi xế chiều rồi mà tôi không biết dâu là cái chân thật chẳng đổi dời, đâu là hạnh phúc trường cửu. Chớ rõ ràng những gì người đời cho là thật thì xét lại không thật có, những thứ họ cho là hạnh phúc, ngẫm kỹ đâu có gì vui.
– Phải chăng đó là điều chú muốn hỏi Sư phụ tôi?
– Đúng vậy, Thầy à.
Thầy Minh Huệ muốn được nghe kể tiếp nên hỏi:
– Chú ở lại núi rừng Bảo Lộc được bao lâu?
– Gần bốn năm. Để tôi nói tiếp Thầy nghe. Đoạn sau còn ly kỳ hơn nữa. Một hôm, tôi phải đưa người bạn miền Thượng về Đà Lạt để mổ ruột thừa. Lâu lắm rồi mới đến chốn thị thành, tôi cũng thích đi dạo để nhìn coi đời sống của dân chúng có khác gì mười năm về trước chăng? Trong lúc bạn nằm dưỡng bệnh, tôi một mình ra chợ. Lang thang từ đầu nọ tới đầu kia nhìn mãi cũng chán, không biết chuyện gì làm tôi bước vô một quán cà phê. Thuở trước, tôi có thú vừa uống cà phê vừa xem báo nên bây giờ có ly cà phê trước mặt, tôi liền nghĩ tới tờ báo.

Tôi mua một tờ báo rồi từ từ đọc. Quán trưa vắng người nên tôi không phải đứng dậy sớm. Tôi đọc lướt qua một lần, tự nhiên mắt tôi dừng lại ở mục nhắn tin. Bỗng tôi chú ý tới hàng chữ: “Trần Văn Sửu, 55 tuổi, quê quán ở Long Khánh. Anh Hai đang ở đâu cũng ráng về, mọi người trông đợi anh. Ba của thằng Giỏi đang ở Long Khánh rất mong được gặp anh.”
Thầy biết không, thằng Giỏi là đứa nhỏ thím mới sinh ra sau này đó. Chính tôi đặt tên cho nó đó.
– Nó là nguyên nhân khiến chú phải sống như kẻ không nhà!
– Giờ nghĩ lại tôi cũng không phiền. Mình làm đúng thì không có gì phải băn khoăn.
Thầy Minh Huệ thấy câu chuyện đã đến hồi hấp dẫn, hỏi tiếp:
– Vậy ông có trở về Long Khánh không? Và ba đứa nhỏ là ai?
Ông già nở nụ cười. Sự nôn nả của nhà Sư trẻ làm ông thêm hứng thú trong câu chuyện:
– Có. Tôi trở về Long Khánh với mục đích là thăm lại mồ mả ông bà cha mẹ, nhìn lại rừng mai và xem coi cuộc sống của mọi người thân có ổn không. Nếu tất cả đều yên, tôi sẽ không còn gì thắc mắc, cũng không còn gì vướng bận. Tôi sẽ đi tu. Đi tu để tìm ra cái thật muôn đời.

Sau khi người bạn tôi xuất viện, tôi chở anh ta về nhà xong thì từ giã hết thảy bà con trong buôn để ra đi. Tôi về tới Long Khánh vào một buổi trưa, lòng cũng nao nao khi nhìn lại cảnh cũ. Cảnh thì không khác mấy nhưng người mới thì nhiều, tôi đi ngoài đường chẳng gặp ai quen. Tôi bước vô nhà, không ai hay, thành ra tôi có dịp quan sát, thấy cảnh nhà có vẻ sung túc hơn xưa nữa, với bàn ghế mới và máy móc tân thời.

Chợt thím ba từ trong bước ra, thấy tôi, thím khựng lại một chút rồi la lên: “Anh Hai! Trời ơi! Anh về!” Rồi thím chạy tới, quỳ xuống ôm chân tôi mà khóc. “Em đăng báo tìm anh liên tiếp bốn năm nay, em linh cảm có ngày anh sẽ về. Em mừng quá.” Tôi đỡ thím dậy, hai anh em ngồi xuống bộ ghế salon, thím hỏi tôi mười năm nay lưu lạc phương nào, tôi vắn tắt cho thím biết rồi hỏi thăm về mọi người.
– Còn ba thằng Giỏi là ai?
Ông Hai cười mỉm chi. Ông không trả lời ngay mà đi một vòng:
– Thật ra thím ấy không phải là kẻ hư thân mất nết. Thuở còn thiếu nữ, thím có mối tình với một chàng thanh niên cùng xóm, nhưng mộng ước không thành vì anh ta – Tài – ôm ấp lý tưởng đại đồng muốn cùng nhóm bạn của mình đi tập kết ra Bắc. Người con gái phải vâng lời cha mẹ đi lấy chồng, ngày vu quy, chính Tài cũng có mặt trong nhóm người đưa dâu về tận Long Khánh. Thật không còn nỗi buồn nào hơn cho cả hai người.

Mặc dầu ra Bắc nhưng vì Tài vốn là dân miền Nam nên sau mấy năm huấn luyện, Tài trở vào Nam công tác. Năm 1967, nhân một chuyến công vụ đi ngang Long Khánh, Tài tìm cách gặp lại người yêu cũ, lúc đó đã trở thành góa phụ. Tình cũ sống dậy chỉ một đêm thôi mà sau đó người thiếu phụ phải gánh bao nhiêu khổ sầu…
Thầy Minh Huệ xen vào:
– Chú cũng có gánh phụ nữa!
Ông Hai tiếp tục câu chuyện:
– Ngay buổi chiều tôi trở về, thân tộc tôi và bà con láng giềng, quen biết cũ họp lại đủ hết. Một vài người đã qua đời. Hai đứa cháu tôi đã lập gia đình, nhà cũng gần đó, thằng Giỏi được mười một tuổi, trắng trẻo đẹp trai như dân thành thị.
– Chắc nó giống ba nó!
– Hao hao thôi. Ba nó bây giờ làm Tỉnh ủy gì đó, thế lực lắm nên cũng đã can thiệp không cho ai cắt xén, chia chẻ vườn đất, nhà cửa của gia tộc tôi, thành ra người ta cũng biết ơn. Tài mời tôi giữ một chức vụ quan trọng nơi quận nhà và muốn giao nhà cửa đất đai lại cho tôi nhưng tôi không hứa.
– Còn người họ hàng có xin lỗi chú không?
– Thái độ trân trọng của mọi người còn hơn trăm lời xin lỗi. Họ tiếp đón tôi như một tiến sĩ vinh qui bái Tổ vậy.
Thầy Minh Huệ tò mò:
– Lúc đó chú cảm thấy thế nào?
– Tôi không thấy gì khác lạ hết. Hồi nào mọi người lạnh nhạt, xa lánh, xua đuổi tôi, tôi không buồn; bây giờ họ niềm nở, cung kính, biết ơn, tôi cũng không lấy đó làm vui. Mấy thứ đó “phù vân” lắm, Thầy ơi!

Kịp nhớ nãy giờ hai người chưa uống thêm một ngụm trà nào, Thầy Minh Huệ ra dấu mời ông Hai Sửu. Trong lúc nhâm nhi cạn chung trà, Thầy Minh Huệ kín đáo quan sát ông Hai. Người ông ốm nhom, đen đúa, hai cánh tay gầy khẳng khiu, đầu hói lưa thưa chòm tóc trắng. Bỗng nhiên, Thầy có cảm tưởng, ông Hai Sửu là hình ảnh của cây mai già bị người ta tước đi hết lá. Phải rồi, ông cũng bị tước đi hết tất cả: Từ đời sống yên ổn đến danh dự, tương lai nhà cửa, đất đai…

Chợt một tia sáng lóe lên trong đầu Thầy: “Ông Hai nào khác gì một hành giả, tuy chưa thâm ngộ lý mầu nhưng đã đạt sự. Nhờ tấm lòng hỷ xả vị tha sẵn có, nhờ biết buông bỏ hết những thứ giả lập như mây nổi giữa trời cao nên ông đã an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Ngẫm lại mình, tuy nghiền ngẫm mãi những lý nghĩa cao siêu nhưng thật ra chưa một lần va chạm với thực tế, Thầy tự thẹn thầm và sinh lòng kính ngưỡng ông Hai vô cùng.
Thầy Minh Huệ ngẩng lên, vô tình bắt gặp đôi mắt sáng quắc của ông Hai. “Rõ ràng đây là một người đã làm chủ được chính mình, một Thiền sư đạt đạo”. Thầy thầm nghĩ như vậy. Đang lúc ấy, ông Hai lên tiếng:
– Bây giờ, mọi sự đâu đó xong xuôi rồi, tôi rảnh rang đi tìm đạo.
– Cái mà chú muốn tìm đó, chú đã đạt được rồi!
Ông Hai tròn mắt, ngạc nhiên:
– Thầy nói gì tôi không hiểu?
Thầy Minh Huệ chậm rãi nói:
– Theo chỗ tôi được biết, qua sự học hỏi thôi chứ không phải thực chứng đâu, thì đạo là cốt trở về với cái tâm bình thường của mình… Một Thiền sư đã nói: “Bình thường, tâm là cái tâm chân thật, an nhiên, tự tại, lắng lặng soi chiếu vạn pháp mà không lưu lại dấu vết gì trong đó. Người sống được với bình thường tâm thì dù ở trong cảnh nào, dù buồn, vui, vinh, nhục, sang, hèn, lòng cũng điềm tĩnh như không, chẳng khởi tham giận si mê, không kiêu mạn, không tự ti, không cố chấp…
Ông Hai bắt được ngay:
– Vậy cái tâm đó là lẽ thật muôn đời, nó vượt qua mọi thứ vô thường, biến đổi?
– Phải, đó là Phật tánh, chơn tâm. Nói “Phật tại tâm” là vì thế.
Ông Hai Sửu bật cười khan: “Hồi nào tới giờ, nó ở chung với mình mà mình không hay, cứ đi kiếm hoài.” Nhưng ông chợt nghĩ lại, hỏi:
– Nhưng lẽ nào được nó một cách dễ dàng như vậy sao?
– Cái đó cũng tùy người, chú à. Ai chấp nhặt thì dính cứng khó gỡ, ai dễ buông thì mau thoát khỏi rừng mê. Nhưng mà trường hợp của chú chưa đầy đủ, vì mới đạt sự mà chưa hội lý.
– Còn tôi có lý mà không sự. Chỉ khi nào “lý sự viên dung” thì mới thật sự chứng đắc. “Lý” ví như đôi mắt, “sự” ví như đôi chân, phải đầy đủ cả hai thứ thì mới diệu dụng được.
Ông Hai đề nghị:
– Vậy thì Thầy với tôi hợp tác đi. Thầy có mắt, tôi có chân, cùng nâng đỡ nhau thì đi đâu cũng tới.
Thầy Minh Huệ nghiêm trang hỏi lại:
– Chú chịu ở chùa tu với tôi không?
Ông Hai Sửu gật đầu, giọng chắc nịch:
– Chịu chớ sao không!
– Mà tu coi vậy chớ cũng khó khăn lắm nghe: Phải ghép mình trong giới luật, phải giữ gìn oai nghi tế hạnh, phải thuộc kinh, thuộc chú… Nếu không quen sẽ thấy bị bó buộc, tù túng lắm đó. Nhiều khi chuyện lớn thì dễ làm mà những cái nhỏ nhặt lại khó khăn.
Ông Hai phấn chấn trả lời:
– Vạn sự khởi đầu nan mà. Để tôi cố gắng.
Tết năm ấy, chùa Từ Bi ấm cúng hẳn lên. Nhành mai lớn, tốt tươi, đầy nụ lại được cắm vào bình; một già một trẻ lại có dịp đứng nhìn, chiêm ngưỡng.
Ông Hai Sửu buột miệng nói:
– Bình hoa mai làm tôi nhớ Thầy Minh Trí. Tôi tôn Thầy ấy làm Sư phụ của tôi. Nếu Thầy không cho tôi hai chữ “vô thường” thì làm sao tôi biết được cái chân thường vốn sẵn có xưa nay!

Thầy Minh Huệ thầm phục sự nhạy bén của ông Hai Sửu. Thuở xưa, nếu Thầy nhìn cây mai mà nói lên được như vậy chắc Sư phụ đã hài lòng…

Bích Thu

Tin khác

Cùng chuyên mục