Thứ Hai, 15 Tháng Tư 2024
Chưa được phân loạiChuyện ở chùa

Chuyện ở chùa

  1. Đôi mắt của Thầy

Người ta nói rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Lần đầu tiên, cô thấy có một đôi mắt với đôi con ngươi rộng mở, trong sáng và an nhiên, đặc biệt là như thấu suốt tâm tư cô, không phán xét, chỉ là soi thấu. Đôi mắt làm cô bỡ ngỡ khi nhìn vào, cô có cảm giác như chạm phải một thế giới bao la và kì diệu làm tâm hồn nhỏ bé của cô choáng ngợp. Đôi mắt vừa hồn nhiên lại vừa hiểu biết. Ánh mắt ấy nhìn cô làm cô thấy cái tôi của mình như tan đi trong đó, chỉ còn lại mênh mang. Ánh mắt như một mặt hồ trong suốt. Cô liên tưởng đến Đức Phật:

Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.

Đó là đôi mắt của Sư phụ. Lúc mới vào tu, những lúc buồn buồn cô thường nhìn Sư phụ nũng nịu. Mười lần như một, Sư phụ đều đem kẹo bánh ra dạy Đại chúng cùng ăn.
Theo thời gian cô lớn dần, cô không còn cái mánh làm nũng bằng ánh mắt nữa. Sư phụ cho cô đi học xa. Lần ấy cô sốt cao lắm. Trời rét run người mà bác sĩ không cho cô đắp chăn vì thân nhiệt của cô cao quá. Tủi thân, cô nhắn tin cho Sư phụ làm nũng: “Sư phụ ơi, con bị sốt rồi…” Sư phụ nhắn lại: “Sư phụ vừa mổ mắt.” Vậy là cô hết nhõng nhẽo. Cô lại bồi hồi nhớ ánh mắt mênh mông hiểu biết và bao dung của Sư phụ.

Học xong, cô mang về chùa một cơn bệnh nặng. Hầu như sáng nào Sư phụ cũng đi công phu cùng Đại chúng. Những sáng cô không lên chùa, có khi vì bệnh thật, có khi vì giải đãi, những sáng ấy cô đều bắt gặp ánh mắt Sư phụ nhìn cô chăm chú. Ánh mắt ấy không chỉ thấu suốt mà còn ẩn chứa một sự quan tâm. Cô thoáng buồn cho chính mình. Sư phụ thì như vậy, mà cô thì như thế này. Cô tự hỏi không biết bao giờ cô mới thôi làm cho Sư phụ bận lòng. Nhưng thôi, vô thường mà, rồi cô sẽ thay đổi được thôi, cô tự an ủi chính mình. Không có gì là không thể thay đổi cả. Kể cả cơn bệnh trầm kha của cô.

Cô hiểu rằng trên con đường thiêng liêng này, con đường của giác ngộ và giải thoát, cô không hề đơn độc. Ánh mắt của Sư phụ luôn dõi theo từng bước cô đi. Ngôn ngữ không thể nào diễn tả được những gì cô cảm nhận từ đôi mắt ấy. Sư phụ vẫn thường dạy: “Như người uống nước, nóng lạnh tự biết.” Cô biết rằng, yêu thương có khi chỉ là một ánh nhìn. Yêu thương, đôi khi không cần bằng lời nói. Ánh nhìn của Sư phụ là thứ giữ cô những lúc tâm hồn cô đi hoang, nâng đỡ cô những lúc cô thấy mình chênh chao trống vắng, tiếp thêm cho cô sức sống và nghị lực. Ánh mắt ấy còn ấm áp hơn ánh mắt của ba mẹ cô nhìn cô. Có lẽ, ánh mắt của Đức Bồ tát Quán Thế Âm hay là của Đức Phật nhìn chúng sanh, cũng mầu nhiệm như vậy. Đầy đủ mọi công đức, mắt thương nhìn thế gian. Cảm giác biết ơn tràn ngập trong lòng cứu rỗi cô qua khỏi những tai ách khổ nạn.

Cô tự hỏi do nhân duyên gì mà cô lại được một người không ruột thịt yêu thương như ruột thịt. Đó là nhờ ai nếu không phải là nhờ ân đức Tam bảo.

Hạnh phúc của cô đôi khi chỉ là được thấy Sư phụ ở nhà không đi đâu. Mỗi bữa ăn có sự có mặt của Sư phụ. Nhưng cô biết mình chưa trưởng thành. Một người trưởng thành sẽ biết cách thoát ra khỏi sự bám víu vào hình tướng. Cô nghĩ có lẽ đã đến lúc cô từ giã tuổi thơ, thôi không làm một đứa trẻ lẵng nhẵng bám chân Sư phụ nữa. Một ngày nào đó, Sư phụ cũng tuân theo luật vô thường. Niềm hạnh phúc của cô không bền.

Tri kỉ của cô là sao Mai và cũng là sao Hôm. Tri kỉ của cô còn là trời xanh mây trắng. Tri kỉ của cô là hoa và trăng. Và còn là không khí. Có lẽ cô nên tập thấy chân hình của Sư phụ trong những cảnh vật ấy. Một ngày kia, Sư phụ không còn nữa để cô lén chiêm ngưỡng, thì những tri kỉ ấy sẽ an ủi cô.

Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt
Viện tiền sơn thủy thị chân hình.

Cô có thể thấy tuổi già đang đến nơi nhục thân của Sư phụ. Đã đến lúc Người cần được tĩnh dưỡng. Sẽ đến một ngày ánh mắt trong sáng của Người không còn dõi theo cô nữa. Ánh mắt trong veo, sâu thẳm, trao cho cô một thứ tình cảm linh thiêng. Cô nguyện với lòng mình sẽ cất giữ kí ức thiêng liêng ấy trong từng hơi thở của cô.


2. Con đang làm gì đó?

Đó là công án của Sư phụ và đại tỷ của cô. Ngày còn hành điệu, thỉnh thoảng cô được Sư phụ và đại tỷ hỏi: “Con đang làm gì đó?” Đó là cách bề trên nhắc cô trở về với hiện tại. Và cô luôn thất bại trước công án này. Đơn giản vì cô không có chánh niệm. Cô trả lời dở ẹc: “Dạ con đang làm cái này, cái kia…” Thay vì lẽ ra phải đáp là: “Con đang niệm Phật.” Thì bởi vì là cô có niệm Phật trong lúc làm việc đâu. Cô không thực sự tu tập. Nên chắc Sư phụ và đại tỷ thất vọng về câu trả lời của cô lắm. Biết vậy nên giờ đây cô tự nhắc mình: “Con đang làm gì đó?”

3. Cõi tịch mịch

Lúc mới vào tu, cô được giao cho công việc chùi nhà xí. Cô từng đọc câu chuyện có một hành giả xuất thân từ cửa quan, vì muốn che giấu thân phận mình nên tình nguyện làm những công việc không ai làm như chùi nhà xí, một ngày kia ông ngộ đạo.

Cô nghĩ mình không cao siêu như vậy. Nhưng cô thích cảm giác khi bước vào một phòng vệ sinh sạch sẽ, vì vậy mà cô chùi nhà xí. Cô muốn đem lại cảm giác thoải mái cho người khác, như là cô muốn được thoải mái vậy.

Khi cô được thọ giới Thức-xoa-ma-na cũng là lúc cô kết thúc khóa Phật học. Trở về chùa, cô được cho mặc áo năm thân của điệu để ăn cơm, và công việc cô được giao vẫn là chùi nhà xí. Cô mỉm cười hạnh phúc. Không phải ai cũng được ở mãi trong tuổi thơ như cô. Thậm chí cô còn sợ điệu trong chùa giành không cho cô chùi nhà xí. Nhưng không có ai giành cả. Cô lại sống lại những tháng năm hành điệu, tận hưởng cảm giác nhẹ nhõm thoải mái khi bước vào một phòng vệ sinh được chính mình làm sạch.

Sư phụ dạy phải gọi nhà vệ sinh là “nhà vắng” cho lịch sự. Cô thích hai chữ đó.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.

Cô lại nhớ triết lý của một người bạn đồng tu của cô: “Mãi là điệu, đó là đạo”. Ban đầu, cô phải đối diện với bản ngã và tính kiêu mạn của mình. Tôi học giỏi, tôi xuất thân như thế này, sao tôi phải làm công việc đó. Có người nhỏ hơn tôi, sao tôi lại phải làm. Đó là những gì mà cô phải vượt qua. Cô khám phá ra một điều tâm đắc từ hai chữ “nhà vắng” của Sư phụ. Nó không gì khác hơn là cõi tịch mịch mà cô muốn bước vào. Để hòa nhập với cõi đó, cô không những phải buông bỏ bản ngã và thói kiêu mạn, mà còn phải buông bỏ cả cái chấp trước rằng mình đang làm một công việc khác người để đạt tới giác ngộ. Nếu cô cứ nghĩ rằng mình đang làm một công việc khác người, chẳng qua đó cũng chỉ là tính háo danh trá hình mà thôi. Thôi thì “Tâm bình thường là đạo”. Cô cứ thoải mái tận hưởng cảm giác nhẹ nhõm sau khi “nhà vắng” đã được làm sạch. Và cô mong rằng mình được đem đến cho người khác sự sảng khoái khi bước vào nhà vắng, cõi tịch mịch của cô. Dọn nhà xí cũng chính là dọn cái tâm của cô. Cô từng thấy có một vị đồng tu học rất giỏi nhưng không thích dọn nhà xí. Cô ngạc nhiên lắm, và tự hỏi có phải vị nào học giỏi cũng như vậy. Nhưng thôi đó là việc của người ta. Với cô, thật uổng phí nếu bỏ qua cơ hội tạo phước, dọn tâm và nuôi lớn tịnh nghiệp cho chính mình. Đẹp thay sự quét dọn. Tịnh nghiệp càng thêm lớn. Dù cho có ai đó cười cô một chút vì trước khi đi tu cô đã lỡ học xong Đại học, cô từng nghe đến tai: “Đại học đi chùi nhà xí.” Ừ thôi, sống cho người thì phải lau nước mắt. Cô biết rồi mà. Miễn cô thấy bình thường thì đó sẽ là một công việc bình thường. Suy nghĩ nhiều thì làm sao trở thành một với cõi tịch mịch. Là chúng sanh, ai mà chẳng cần đến cái cầu tiêu? Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 cầu nguyện Ngài là ngọn đèn, là cây cầu cho những ai cần đến. Với một chúng sanh tầm thường đang trên đường học đạo như cô, chỉ cần lợi lạc cho người khác thì dù là trở thành một cái nhà xí, cô cũng xin nguyện làm.

4. Nuôi dưỡng lòng biết ơn

Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy rằng đặc tính của những người độc ác là không biết ơn, không nhớ ơn. Hoàn toàn địa vị của những người không chân nhân là không biết ơn, không nhớ ơn. Ngược lại, người chân nhân là người biết ơn, nhớ ơn, đặc tính của người thiện lành là biết ơn, nhớ ơn. (Chương Hai pháp, phẩm Thăng bằng). Cũng trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy rằng có hai hạng người khó gặp ở đời, đó là người thi ơn trước và người biết nhớ ơn đã làm. (Chương Hai pháp, phẩm Các hy vọng). Một Thiền sư có dạy: “Còn biết ơn là còn hạnh phúc”.

Có muôn ngàn lý do để cô biết ơn. Cô biết ơn Sư phụ nhiều lắm. Dù cô rất hư hỏng nhưng Sư phụ vẫn chấp nhận cho cô tu. Cô biết ơn Sư phụ đã xây dựng lên một ngôi chùa thật là đẹp. Đây là ngôi chùa mà cô thấy hài lòng hơn cả. Hình ảnh Đức Phật khắp các phòng nhắc nhở cô trở về với tự tâm thanh tịnh của mình. Tượng Phật thật hoan hỷ và từ bi làm cô mỉm cười theo. Sau nhà Tổ là hình của Ngài Kiều Đàm Di, hình mẫu lý tưởng để cô vươn tới. Cô thích từng câu xướng lễ, từng bài kinh bài sám Sư phụ cho Đại chúng thực tập. Phương tiện để tu học thì đầy đủ, và cái gì Sư phụ sắm ra cũng thật bền và tạo cảm giác thoải mái dễ chịu. Tất cả từ tinh thần đến vật chất là do một tay Sư phụ tạo dựng nên, cô chỉ việc nương theo Đại chúng để tu tập. Cô biết ơn Sư phụ mỗi khi cô bước chân lên chùa. Cô cũng biết ơn Sư phụ khi cô đi giặt đồ. Thật kỳ lạ là cô cảm thấy đầy đủ nhất khi cô đi giặt quần áo với xà phòng và nước. Chỉ chừng ấy thôi là cô thấy đời mình đầy đủ rồi. Giả sử không có nước và xà phòng để giặt đồ thì sao. Cô cảm ơn Sư phụ, cảm ơn nước, cảm ơn xà phòng, cảm ơn cả cái thau nữa. Cô nghĩ mình cũng phải cảm ơn cả quần áo. Trước khi ngủ, cô cảm ơn mái nhà, cảm ơn cái đơn. Sau khi ngủ dậy, cô cảm ơn cái gối, cái mền. Cô cảm ơn mặt đất nâng bước chân cô. Cô cảm ơn ánh đèn soi sáng cho cô. Cứ như vậy, cô biết ơn tất cả, tất cả mọi nhân duyên. Lòng biết ơn khiến cô cảm nhận được mối liên hệ mật thiết giữa cô và mọi hiện hữu trong cuộc đời. Nếu không vào chùa, mãi mãi cô không biết được bài học cơ bản về lòng biết ơn. Cô biết ơn Đức Phật đã khai sáng ánh đạo vàng. Cô biết ơn mái chùa đã giúp cô sống một đời thanh thản. Cô mong có đầy đủ thiện duyên để mãi mãi ở chùa tu tập. Mỗi ngày là một cơ hội để cô học bao nhiêu điều.

Thương lắm mái chùa quê!

Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
(Nhớ chùa – Thích Mãn Giác)

Tuệ Anh

Tin khác

Cùng chuyên mục