Thứ Ba, 12 Tháng Ba 2024
Phật họcDi sản văn hóaChùa Sắc Tứ Huệ Lâm: Một di sản văn hóa của Ni...

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm: Một di sản văn hóa của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Huệ Lâm: 169 Tùng Thiện Vương, Phường 11, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

  Chùa Sắc tứ Huệ Lâm hiện tọa lạc ở số 154 Tùng Thiện Vương, Phường 11, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Đây là ngôi chùa cổ nhất và cũng là ngôi chùa sắc tứ duy nhất của Quận 8. Bên cạnh giá trị kiến trúc cùng một số hiện vật có giá trị nghệ thuật mà chùa đang lưu giữ, Chùa Sắc tứ Huệ Lâm còn là một di tích mang dấu ấn của nữ giới Phật giáo khá sâu sắc. Tất cả đã góp phần tạo nên giá trị đặc biệt cho ngôi chùa này trong lịch sử và văn hóa của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đôi nét về lịch sử Chùa Sắc tứ Huệ Lâm

Hiện nay, chưa có tư liệu thành văn nào xác định thời điểm thành lập Chùa Sắc tứ Huệ Lâm. Tuy nhiên, tại chánh điện có đôi cột chạm chữ Hán ghi lại thông tin khá quan trọng về lịch sử chùa như sau:

慧 林 寺 前 瞻 氏 枚 造 經 壹 伯 餘 年 已 弊 至,
壬 子 年 四 月 吉 日 總 督 杜 夫 人 陳 氏 重 修.

Huệ Lâm tự tiền Chiêm Thị Mai tạo kinh nhất bách dư niên dĩ tệ chí,
Nhâm Tý niên tứ nguyệt cát nhật Tổng đốc Đỗ phu nhân Trần Thị trùng tu.

(Chùa Huệ Lâm trước đây do bà Chiêm Thị Mai xây dựng, đã hơn một trăm năm, hư hỏng đã nhiều,
Ngày tốt tháng tư năm Nhâm Tý – 1912, bà họ Trần là phu nhân ông Tổng đốc họ Đỗ đứng ra trùng tu).

Từ căn cứ này có thể tạm xác định Chùa Sắc tứ Huệ Lâm đã được bà Chiêm Thị Mai hay còn được gọi là bà Môi xây dựng cách nay khoảng hơn 200 năm1. Sau khi thành lập, có lẽ Chùa Huệ Lâm đã được chư vị Hòa thượng thuộc Thiền phái Lâm Tế trụ trì và hoằng hóa như: Liễu Lộc – Quảng Thành, Liễu Lộc – Từ Lâm, Liễu Cung – Từ Khiêm (đời 37 dòng Tổ Đạo); Tiên Minh – Huyền Cơ (đời 37 dòng Bổn Nguyên), Minh Thông – Thiện Sự (đời 38 dòng Bổn Nguyên). Dấu ấn của các vị Tổ sư này vẫn còn bảo lưu tại chùa qua các bài vị đang được thờ ở tổ đường và một ngôi tháp Tổ hiện nằm lẫn trong khu dân cư phía trước chùa.

Khoảng cuối thế kỷ XIX, Chùa Huệ Lâm bị khuyết Trụ trì nên các hương chức người Việt và Minh Hương hợp cùng một số người giàu có quanh vùng đã thành lập Ban Hộ tự với tên gọi là Huệ Lâm hội quán2 để quản lý chùa. Hội này đã có trách nhiệm quản lý chùa cũng như đại diện chùa để giải quyết một số vấn đề với chính quyền: Như năm 1889, khi chính quyền thành phố Chợ Lớn tiến hành chỉnh trang đô thị, xây dựng một số ụ trồng nên đã thu hồi hơn 6 mẫu đất của Chùa Huệ Lâm. Trong khu đất ấy có một số ngôi tháp mộ của chư Tổ nên hội quán đã điều đình để giữ lại các tháp này nhằm lưu giữ dấu ấn lịch sử của tiền nhân3. Một sự kiện đặc biệt nữa diễn ra trong thời kỳ quản trị của hội đó là chùa được vua Thành Thái gia ân sắc phong và đây là ngôi chùa sắc tứ cuối cùng tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định, từ đó chùa có thêm mỹ danh là “Sắc tứ Huệ Lâm tự”. Đến năm Nhâm Tý (1912), một thành viên giàu có trong hội là bà họ Trần – vợ của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương đã đóng góp một số tiền rất lớn để đại trùng tu Chùa Huệ Lâm với diện mạo kiến trúc như ngày hôm nay. Có thể thấy rằng, tuy không có Tăng sĩ trụ trì nhưng dưới thời kỳ quản trị của hội quán thì Chùa Huệ Lâm đã được xây dựng lại khang trang, góp phần giữ gìn một cổ tự của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sau khi trùng tu chùa, có lẽ ban hộ tự đã thỉnh Giáo thọ Hồng Cẩn – Chí Đạo (đời 40 dòng Bổn Nguyên) từ chùa Giác Viên4 về trụ trì và hoằng dương Phật pháp. Đến năm 1945, Giáo thọ Hồng Cẩn viên tịch, chùa lại khuyết Trụ trì một lần nữa và mãi đến năm 1965 thì chùa mới được giao cho Ni trưởng Giác Nhẫn trụ trì. Từ đó, Chùa Sắc tứ Huệ Lâm bước sang một trang mới với những dấu ấn của Ni trưởng trong công tác đào tạo Ni chúng và công tác xã hội được diễn ra liên tục tại ngôi cổ tự này. Hiện nay, Chùa Sắc tứ Huệ Lâm do NS. Thích Nữ Như Trí đương kim trụ trì và Ni sư vẫn tiếp túc hành đạo theo tôn chỉ mà Ni trưởng Giác Nhẫn để lại.

2. Chùa Sắc tứ Huệ Lâm và giá trị kiến trúc nghệ thuật

Chùa Sắc tứ Huệ Lâm hiện nay là một công trình kiến trúc được xây dựng hoàn chỉnh từ năm 1912. Chùa có mặt bằng tổng thể theo hình chữ “Khẩu” (口) gồm: chánh điện và trai đường nằm trên một trục dọc, ở giữa là sân thiên tỉnh, hai bên là nhà cầu. Chánh điện của chùa là một tòa nhà lớn được xây dựng bằng cột gỗ, tường gạch, mái lợp ngói, nền lót gạch bông. Bộ khung cột của chánh điện làm bằng gỗ quý theo kiểu tứ trụ với 4 cây cột cái chống đỡ 2 bộ vì kèo, ngoài ra còn có 14 cây cột con kê trên đá tảng đỡ lấy hệ thống kèo, xà, đòn tay, tạo thành tòa nhà uy nghi, cao rộng.

Bài trí ở chánh điện là bộ tượng Ta Bà Tam Thánh với Thích Ca ở gian giữa, Quan Âm ở gian trái và Địa Tạng ở gian phải. Cả 3 pho tượng này đều làm bằng thạch cao và đặt trong khám thờ bằng gạch cao lớn. Tại khám thờ giữa, ngoài tôn tượng của Thích Ca còn có tượng Thích Ca đản sinh, 7 vị Phật Dược Sư và bộ sám bài 5 vị được chạm nổi trên gỗ – đây là một trong những hiện vật cổ còn sót lại của Chùa Sắc tứ Huệ Lâm. Phía trước khám thờ này còn có một án thờ bằng gạch bài trí bộ Di Đà Tam Tôn. Dọc hai bên vách chánh điện còn có một số án thờ Thập điện Diêm Vương, Ngọc Hoàng, Hộ pháp, Ông Thiện, Ông Ác… Các pho tượng này đều là tượng cổ, được chế tác bằng gỗ và chạm trổ, sơn thếp rất mỹ thuật. Trang trí tại chánh điện ngoài cặp cột chạm lại lịch sử của chùa còn có 4 cây cột gỗ chạm chìm trực tiếp 2 cặp liễn đối trên thân cột rất mỹ thuật và sắc sảo:

唱 萬 德 鴻 茗, 總 五 塵 咸 皆 清 凈,
禮 千 華 寶 相, 統 六 根 無 不 皈 依.

Phiên âm: Xướng vạn đức hồng danh, tổng ngũ trần hàm giai thanh tịnh,
Lễ thiên hoa bảo tướng, thống lục căn vô bất quy y.

Tạm dịch: Niệm “Vạn đức hồng danh”, năm trần5 thảy đều thanh tịnh,
Bái “Thiên hoa bảo tướng”, sáu căn6 ai cũng quy y.

靉 靆 祥 雲, 佛 日 增 輝 于 四 大,
飄 飛 異 瑞, 法 輪 常 轉 于 三 千.

Phiên âm: Ái đãi tường vân, Phật nhựt tăng huy vu tứ đại,
Phiêu phi dị thụy, pháp luân thường chuyển vu tam thiên.

Tạm dịch: Mờ mịt mây lành, Phật nhựt sáng lòa nơi tứ đại,
Phất phơ điềm lạ, pháp luân xoay chuyển cõi tam thiên.

Đặc biệt, chánh điện còn lưu giữ một hiện vật rất có giá trị, đó là bảng vàng “sắc tứ” ghi lại sự kiện quan trọng của chùa. Bức hoành này được chế tác rất công phu và nghệ thuật: Phần khung chữ nhật được bổ ô chạm khắc đề tài bát bửu, phía trên là phần viền ngoài thể hiện dạng bao lam với kỹ thuật chạm thủng hình tượng dây lá hóa long và chim phượng rất mỹ thuật. Nội dung chữ Hán của bức hoành phi như sau: 敕 賜 慧 林 寺 “Sắc tứ Huệ Lâm tự”, bức hoành chỉ có phần lạc khoản bên phải là: 成 泰 皇 帝 封 贈 “Thành Thái Hoàng đế phong tặng”. Bức hoành này có thể được chế tác ngay sau khi vua Thành Thái ban lệnh ân tứ cho chùa. Năm 1995, nhân dịp đại trùng tu, Chùa Sắc tứ Huệ Lâm đã cho tu sửa bức hoành này và trùng khắc thêm hàng chữ Hán ở giữa ghi nhận lần trùng tu đó: 佛 曆 二 五 三 九 乙 亥 年 “Phật lịch nhị ngũ tam cửu Ất Hợi niên” (Phật lịch 2539, Ất Hợi – 1995).
Ngăn chia với chánh điện bằng một bức tường ngăn là tổ đường, tại đây có 3 án thờ: Ở giữa là án thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cùng các bài vị gỗ của chư Tăng tiền bối, gian bên phải là án thờ Ni trưởng Giác Nhẫn – người có công lớn trong việc trung hưng lại Chùa Sắc tứ Huệ Lâm, gian bên trái là án thờ của 3 vị Ni trưởng Như Thái, Tâm Nhàn và Giác Bổn – đây cũng chính là chị em ruột của Ni trưởng Giác Nhẫn. Trang trí tại tổ đường là bức hoành phi chạm trổ rất tinh tế: 祖 印 重 光 “Tổ ấn trùng quang” (Ấn tổ mãi sáng) do chư sơn thiền đức tại Chợ Lớn tặng năm 1912 nhân lễ lạc thành Chùa Sắc tứ Huệ Lâm.

Trai đường cũng là một tòa nhà có khung cột gỗ như chánh điện nhưng với quy mô nhỏ hơn, nơi đây có án thờ Chuẩn Đề bằng gỗ và các dãy bàn ghế để chư Ni thọ trai hằng ngày. Ngoài ra, nơi đây còn có thiền phòng và văn phòng làm việc của chư Ni tại chùa. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị gắn với di tích như tượng thờ, hoành phi, liển đối… nên đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2005.

3. Chùa Sắc tứ Huệ Lâm và dấu ấn của nữ giới Phật giáo

Ngoài những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Chúa Sắc tứ Huệ Lâm còn lưu giữ những dấu ấn của nữ giới Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Có thể nói rằng, như một mối duyên tình cờ mà Chùa Sắc tứ Huệ Lâm ngay từ khi thành lập cho đến nay đã ghi dấu 3 sự đóng góp của nữ giới Phật giáo. Đầu tiên đó là công đức của bà Chiêm Thị Mai trong việc tạo lập ngôi chùa, đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Chùa Huệ Lâm. Hiện chưa biết rõ về tiểu sử của bà, nhưng có điều chắc chắn rằng bà là một Phật tử rất mực tín thành tam bảo nên mới xây dựng được ngôi chùa vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Hơn một trăm năm sau, một phụ nữ khác là bà Trần phu nhân, vợ của ông Tổng đốc Đỗ Hữu Phương – là người giàu thứ hai trong “Tứ đại phú gia”7 ở Sài Gòn xưa – đã đứng ra để trùng tu chùa. Bà là người “lo bề tề gia nội trợ vén khéo làm thêm của vô hoài, sự nghiệp Ngài hào hộ là gốc tại bà Đốc gầy dựng nhọc siêng”8. Chính từ công lao của hai người phụ nữ đó mà Chùa Sắc tứ Huệ Lâm có được diện mạo huy hoàng tráng lệ như hiện nay và công đức của hai bà sẽ mãi lưu danh hậu thế cùng với Chùa Sắc tứ Huệ Lâm.

Quan trọng hơn cả, Chùa Sắc tứ Huệ Lâm còn là nơi ghi dấu hành trạng và sự nghiệp của Ni trưởng Giác Nhân – một vị Ni trưởng nổi danh trong Ni bộ Bắc tông. Ni trưởng tên thật là Lê Thị Kiểu, sinh năm 1919 tại tỉnh Vĩnh Long. Ni trưởng sinh trong một gia đình quý tộc, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo và Nho giáo nên trong tư tưởng Ni trưởng ngay từ nhỏ đã có hạt giống Bồ đề nẩy nở. Gia đình của Ni trưởng Giác Nhẫn có năm chị em gái, ngoài người chị cả mất sớm, còn lại bốn người em đều xuất gia: Người chị thứ năm là Ni trưởng Tâm Nhàn hiệu Hồng An, người chị thứ sáu là Ni trưởng Như Thái, hiệu Hồng Khoan nguyên là Trụ trì chùa Giác Thiên (Vĩnh Long), người thứ bảy chính là Ni trưởng Giác Nhẫn và người em thứ tám là Ni trưởng Giác Bổn9.

Ni trưởng Giác Nhẫn bắt đầu xuất gia học đạo vào năm 1937 và được Tổ Kim Huê cho thọ Sa-di-ni giới, pháp danh Giác Nhẫn, hiệu Hồng Tịnh thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Bước đầu, Ni trưởng tu tập ở Chùa Phước Huệ. Sau đó, Ngài còn tu học ở nhiều chùa khác như chùa Vĩnh Bửu, Chùa Viên Giác (Bến Tre). Năm 1951, Ni trưởng Giác Nhẫn học lớp Sơ Trung Phật học đường Nam Việt ở Từ Nghiêm. Sau khi học đạo, hai chị em Ni trưởng Giác Nhẫn và Như Thái trở về Chùa Giác Thiên mở lớp Sơ đẳng Phật học và Ni trưởng Giác Nhẫn đảm nhiệm Giáo thọ sư tại Chùa Giác Thiên. Tại mái trường này, Ni trưởng đã đào tạo được một số Ni tài thành đạt10.

Năm 1965, Ni trưởng Giác Nhẫn tiếp nhận trụ trì ngôi Sắc tứ Huệ Lâm. Lúc bấy giờ, chùa đã trải qua một thời gian gần như bị bỏ hoang nên hầu hết đồ đạc, pháp khí đều bị thất tán hoặc hư hỏng, chỉ còn lại một số Phật tượng cổ được Ni trưởng bảo quản chu đáo và còn lại đến nay. Năm 1970, khi hội đủ duyên lành, Ni trưởng tiến hành trùng tu Chùa Sắc tứ Huệ Lâm lần thứ nhất, đồng thời kiến thiết thêm 2 cơ sở ở hai bên hông chùa là Trường Mẫu giáo và Ký nhi viện. Sau đó, Ni trường còn trùng tu chùa thêm hai lần nữa vào năm 1991 và 1995, đã phần nào mang lại sự khang trang cho ngôi cổ tự. Bên cạnh đó, Ni trưởng cũng rất quan tâm đến việc giáo dục Ni chúng nên năm 1993 Ni trưởng quyết định xin phép Giáo hội và chính quyền để mở lớp Sơ cấp Phật học tại chùa. Lớp học này vẫn còn duy trì cho đến nay đã góp phần vun bồi cho nhiều thế hệ chư Ni tiếp nối sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Bên cạnh công tác Phật sự, Ni trưởng còn rất nhiệt tâm trong hoạt động từ thiện xã hội. Ni trưởng thường xuyên đóng góp tịnh tài tịnh vật để cứu giúp người nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở nhiều nơi.

Có thể nói, tuy trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng Chùa Sắc tứ Huệ Lâm vẫn may mắn bảo tồn được nét kiến trúc cổ xưa cùng một số di vật quý giá, tất cả đã phần nào phản ánh bề dày lịch sử của ngôi cổ tự được Triều Nguyễn sắc tứ ở khu vực Chợ Lớn. Thêm vào đó, nơi đây còn là nơi ghi dấu ấn về cuộc đời hành đạo và hóa đạo của Ni trưởng Giác Nhẫn, với sự chơn tu, nghiêm trì giới luật và xiển dương đạo pháp. Ni trưởng xứng đáng làm tấm gương sáng cho đàn hậu tấn noi theo. Những công trạng đó của Ni trưởng cũng làm cho ngôi chùa Sắc tứ Huệ Lâm thêm phần vẻ vang và trở thành một di sản văn hóa của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hữu Lộc
Bảo tàng Lịch sử – Thành phố Hồ Chí Minh


  1. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), Những ngôi chùa nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.138.
  2. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), Những ngôi chùa nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.138.
  3. Tài liệu số 29665, phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ: Dossier relatif aux terrains irregulierement detenus par la padode de Huê Lâm à Cholon annee 1918 (tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II).
  4. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), sđd, tr. 138.
  5. Ngũ trần: Chỉ cho năm trần hay năm cảnh, gồm: sắc, thanh, hương, vị và xúc.
  6. Lục căn: Chỉ cho sáu căn, gồm: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân và ý.
  7. Tứ đại phú gia gồm: Nhất Sỹ (Ông Huyện Sỹ – Lê Phát Đạt), nhì Phương (Tổng đốc Đỗ Hữu Phương), tam Xường (Bá hộ Lý Tường Quang), tứ Định (Bá hộ Trần Hữu Định).
  8. Nguyễn Liên Phong (Cao Tự Thanh chỉnh lý, giới thiệu) (2013), Điếu cổ Hạ kim thi tập, NXB. Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.75 – 76.
  9. Tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Giác Nhẫn: https://nigioivietnam.vn/ni-truong-thich-nu-giac-nhan/ (truy cập ngày 12/02/2021).
  10. Tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Giác Nhẫn: https://nigioivietnam.vn/ni-truong-thich-nu-giac-nhan/ (truy cập ngày 12/02/2021).


    Tài liệu tham khảo:

    1. Nguyễn Liên Phong (Cao Tự Thanh chỉnh lý, giới thiệu) (2013), Điếu cổ Hạ kim thi tập, NXB. Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
    2. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), Những ngôi chùa nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
    3. Tài liệu số 29665, phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ: Dossier relatif aux terrains irregulierement detenus par la padode de Huê Lâm à Cholon annee 1918 (tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II).
    4. Tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Giác Nhẫn: https://nigioivietnam.vn/ni-truong-thich-nu-giac-nhan/ (truy cập ngày 12/02/2021).
    5. Tài liệu điền dã của tác giả.

Tin khác

Cùng chuyên mục