HĐ Chùa Hưng Lâm tọa lạc tại xã Giao Long, huyện Châu Thành, có diện tích 0,85 ha trong khu đất vườn dừa yên tĩnh do bà Nguyễn Thị Khoa (1884-1946) hiến. Ban đầu, chùa là một cơ sở tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Tiên, Ngũ Hành nương nương. Vị trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Huệ Hòa, đời thứ hai là Hòa thượng Quảng Tăng, đời thứ ba là Hòa thượng Quảng Cơ. Tất cả những vị Hòa thượng này chỉ ở chùa trong một thời gian ngắn rồi rời đi. Năm 1957, người cháu của bà Nguyễn Thị Khoa cung thỉnh Hòa thượng Thích Ngộ Oai, húy Quảng Ký, pháp hiệu Tịnh Đạt, thế danh Ngô Văn Ký về làm trụ trì và hiến toàn bộ đất đai hiện hữu để tùy duyên hành đạo.
Hòa thượng Thích Ngộ Oai sinh năm 1919 tại xã An Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, là con độc nhất trong gia đình kính tin Tam bảo. Hòa thượng mồ côi cha sớm nên thân mẫu xin vào Linh Sơn Tiên thạch ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh để sớm hôm làm công quả cho chùa. Năm 1930, Hòa thượng xin phép thân mẫu xuất gia và được Hòa thượng Thích Nguyên Thùy làm lễ xuất gia thế pháp. Năm 1935, Hòa thượng thọ giới Sa di và theo học các trường gia giáo, nhờ siêng năng, cần mẫn nên được xếp hạng Tăng sinh xuất sắc; đăng đàn thọ cụ túc giới vào năm 1945. Khi về chùa Hưng Lâm, lúc này chính điện chùa rất đơn sơ, lợp ngói âm dương, vách bằng be dừa, nền lát gạch bông. Nhà hậu tổ lợp lá dừa, không có vách, nền đất, cửa nẻo thô sơ, ọp ẹp. Hòa thượng Ngộ Oai sống cùng với người dì ruột rất cần kiệm, dành tiền cúng dường để dần trùng tu chùa.
Năm 1983, lúc Hòa thượng khoảng 70 tuổi, sức khỏe hơi kém nên bảo đệ tử là Sư cô Thích Nữ Nhuận Hạnh đi tìm người về phụ chăm lo Tam bảo. Năm ấy, Sư cô Nhuận Hạnh đi an cư kiết hạ ở chùa Long Nguyên (TP Hồ Chí Minh) gặp được Tỳ kheo Ni Thích Nữ Bổn Đán (nay là Như Đán) và mời về gặp thầy. Hòa thượng Ngộ Oai đồng ý cho Tỳ kheo Ni Như Đán về tu tại chùa năm 1984, cùng lo Phật sự. Hòa thượng giữ chức viện chủ để có thời gian niệm Phật, tọa thiền và sống cuộc đời du hóa khi tuổi già. Năm 1986, nhờ sự phát tâm cúng dường của Phật tử, chùa tiến hành sửa lại hậu Tổ, xây tường, lợp ngói âm dương cho kín đáo. Năm 1995, trùng tu chánh điện, lót gạch bông mới, lợp lại mái ngói để có nơi rộng rãi, sạch sẽ cho Phật tử về tu học, thọ bát và niệm Phật. Ngày 27/10/2002, Hòa thượng viên tịch, trụ thế 84 năm, hạ lạp 58 năm.
Ni trưởng Thích Nữ Như Đán tiếp tục gánh vác trách nhiệm trụ trì chùa Hưng Lâm. Ni trưởng xuất gia năm 1963, tại chùa Pháp Bảo Đàn, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Năm 1968, thọ giới Sa di Ni tại chùa Từ Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) với Ni trưởng Huyền Học. Năm 1972, thọ giới Thức xoa ma na tại chùa Từ Nghiêm với Ni trưởng Như Thanh. Năm 1975, thọ giới Tỳ kheo Ni tại chùa Từ Nghiêm do Sư trưởng Như Chí làm đàn đầu. Ni trưởng là Phó Trưởng Ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành suốt 3 nhiệm kì. Hiện nay, Ni trưởng Như Đán là Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre. Từ năm 1993 là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Giao Long. Ngoài ra, còn tham gia Hội Khuyến học xã với mong muốn phục vụ “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội’. Ni trưởng đã nhận nhiều bằng Tuyên dương Công đức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phân ban Ni giới Trung ương, bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre…
Từ mái chùa Hưng Lâm, có nhiều vị trưởng thành, tham gia tích cực vào hoạt động Phật sự như: Đại đức Thích Minh Duyên (chùa Hưng Phước, quận 3, TP Hồ Chí Minh), Tỳ kheo Ni Thích Nữ Diệu Nghiêm-Phó Trụ trì chùa Tân Vạn Phước (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách). Hiện nay, còn có 2 vị Ni đang theo học Đại học, cao đẳng Phật học. Vào ngày 10 và 25 hàng tháng, có tổ chức đạo tràng niệm Phật. Bên cạnh đó, chùa còn làm tốt công tác từ thiện xã hội như: nấu cơm từ thiện vào ngày 4 và 20 hàng tháng cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành, nuôi trẻ mồ côi. Trung bình mỗi năm, tổng giá trị từ thiện xã hội khoảng 90 triệu đồng. Ngày 14/5/2017, đã diễn ra Lễ đặt đá đại trùng tu chùa Hưng Lâm. Công trình có dự toán khoảng 20 tỷ đồng do Ni trưởng Thích Nữ Như Đán và Đại đức Thích Minh Phú chùa Giác Nguyên (quận 4, TP Hồ Chí Minh) vận động xây dựng. Công trình trùng tu nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho phật tử và đánh dấu bước phát triển của chùa Hưng Lâm trong giai đoạn mới.
Thích Nữ Long Viên