HĐ Lời thưa: Một ngày đầu hạ năm Nhâm Dần, tôi có duyên về thăm lại chùa Bồ Đề Đạo Tràng (phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), hân hạnh được Ni sư Thích Nữ Từ Thảo – Ủy viên HĐTSTƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tài chánh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng tiếp chuyện bên tách trà nóng. Khác với hơn 15 năm trước, hiện tại chùa được trùng tu khang trang, rộng rãi và thoáng mát làm cho cảnh trí thiền môn thêm phần trang nghiêm, thanh tịnh, đáp ứng nhu cầu tu học của Ni chúng. Vẫn là sự cởi mở, nồng ấm và chân thành, thỉnh thoảng cất tiếng cười giòn tan của Ni sư Từ Thảo như trước, tôi được Ni sư dành thời gian quý báu cho cuộc phỏng vấn về hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa Bồ Đề Đạo Tràng gần 20 năm qua. Nội dung cuộc phỏng vấn này như sau:
TS. Dương Hoàng Lộc: Kính thưa Ni sư! Rất mong Ni sư cho biết về quá trình nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng?
Ni sư Thích Nữ Từ Thảo: Việc nhà chùa nuôi trẻ mồ côi kể ra như là một nhân duyên. Là người xuất gia, tu hành, chúng tôi chỉ muốn chuyên tâm tu tập, vui vầy với kệ kinh, nhưng xét thấy việc nuôi dưỡng trẻ cũng là nghĩa vụ của mình bởi đây là tấm lòng nhân, là phương tiện thực hành tinh thần từ bi cứu khổ mà Đức Phật đã dạy. Thế là thầy trò nhà chùa bắt tay vào việc nuôi dưỡng trẻ. Còn nhớ, vào năm 2004, một sáng nọ, khi mở cổng chùa, tôi thấy một đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi phía trước, khóc “oe oe”. Thấy thương tâm, tôi mang vào chùa, chăm sóc em. Từ đó về sau, chùa thường xuyên nhận các em bị bỏ rơi rồi nuôi dưỡng, đến nay đã gần 100 em. Đây là khu vực đô thị hóa phát triển, lại có nhiều khu công nghiệp, nhà máy,… nên người nhập cư, công nhân đến đây ở ngày một đông. Đến năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cấp phép thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già cô đơn Bồ Đề đặt trong khuôn viên chùa nhằm tạo tư cách pháp nhân để nhà chùa hoạt động thuận lợi công tác này. Đến năm 2008 thì tiến hành xây khu nhà ở cho các em nhằm trang bị tiện nghi, đáp ứng mọi sinh hoạt. Năm 2010 thì công trình hoàn thành được sử dụng cho đến nay, kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng là 2.400 m², bao gồm hệ thống phòng ngủ, bếp ăn, phòng học, phòng vi tính, thư viện. Nhờ đó các em được nuôi dưỡng trong điều kiện đầy đủ để ăn học. Năm nay, em lớn nhất chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12 và chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học. Kể ra cũng mừng, tính đến nay đã có gần 50 em được cha mẹ tìm đến chùa xin nhận lại về nhà nuôi dưỡng.
TS. Dương Hoàng Lộc: Việc chăm sóc các em do ai phụ trách thưa Ni sư?
Ni sư Thích Nữ Từ Thảo: Toàn bộ việc chăm sóc các trẻ tại đây là do các Sư cô nhà chùa đảm trách chính, ngoài ra còn có thêm một số Phật tử và tình nguyện viên hỗ trợ. Chùa phân công 10 Sư cô trực tiếp chăm sóc các em hằng ngày, đó là những công việc như trông coi trẻ, dạy học, đưa đón các em đến trường, thậm chí lo cả chuyện giặt giũ quần áo, vệ sinh chu đáo. Trong việc này, các Sư cô luôn tận tâm, thương yêu các em hết mình vì hoàn cảnh thật đáng thương, không có cha mẹ nương tựa! Các Sư cô này đã tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các trường đại học bên ngoài nên đã ít nhiều có kiến thức, kinh nghiệm xã hội, được tập huấn kiến thức và kỹ năng công tác xã hội. Nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý giúp các em phát triển thể chất, bữa ăn được nhà chùa linh hoạt để đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, nhất là sữa tươi mỗi ngày. Kinh phí duy trì cho hoạt động này mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng, ngoài sự đóng góp từ các nhà hảo tâm và Mạnh Thường Quân trong ngoài nước, cần kể đến sự chủ động của nhà chùa bằng nguồn thu được việc sản xuất bao bì giấy, nhang đèn và quầy văn hóa phẩm Phật giáo.
TS. Dương Hoàng Lộc: Xin Ni sư cho biết đâu là những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa?
Ni sư Thích Nữ Từ Thảo: Trước tiên, chùa gặp được nhiều thuận duyên trong công tác này. Đó là sự nhiệt tình chung tay góp sức ủng hộ tài chánh, thực phẩm từ các Phật tử, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để các em không bị thiếu thốn. Ngoài ra, các Sư cô tu học tại chùa hết lòng hỗ trợ công tác này, luôn quan tâm và thương yêu các em. Bên cạnh đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đồng hành, yểm trợ tinh thần, quan tâm chỉ đạo hoạt động nuôi dưỡng trẻ ngày một tốt hơn vì trung tâm này trực thuộc Ban Trị sự tỉnh, là mô hình từ thiện xã hội tiêu biểu của Phật giáo tỉnh Bình Dương, đóng góp vào thành tựu công tác an sinh xã hội tỉnh nhà. Với các cấp chính quyền, cơ quan ban ngành nhà nước thường xuyên ủng hộ, tích cực hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập, đồng thời thường xuyên đến thăm hỏi tặng quà, lì xì các em vào các dịp lễ Tết, ngày quốc tế thiếu nhi,… Về khó khăn, mặc dù nhà chùa đã cố gắng hết sức chăm sóc, tạo điều kiện giúp các em phát triển toàn diện, nhưng do các em là trẻ bỏ rơi nên tâm lý cá nhân không ổn định, sự thiếu thốn tình thương cha mẹ tạo ra vết hằn sâu trong lòng nên nhiều em tự ti, mặc cảm. Đây là vấn đề mà chúng tôi cần nỗ lực hết sức mình để xoa dịu tâm lý các em được ổn định, vui vẻ, an lạc.
TS. Dương Hoàng Lộc: Cuối cùng xin Ni sư cho biết thêm đôi nét về bản thân và hướng phát triển trung tâm thời gian tới?
Ni sư Thích Nữ Từ Thảo: Tôi sinh ra trong gia đình thâm tín Tam bảo nhiều đời, nên nhân duyên xuất gia tu học cũng thuận lợi. Năm 1980, tôi đến chùa Bồ Đề Đạo Tràng xuất gia với Cố Hòa thượng Thích Thiện Nguyệt. Sau đó, Hòa thượng gửi tôi về Sài Gòn tu học tại chùa Từ Thuyền ở quận Bình Thạnh, làm đệ tử của Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Từ. Năm 1987, được bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo ni và đến năm 2000 thì về làm trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng. Bên cạnh đó, được Tăng sai, tôi tham gia vào Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương để hỗ trợ chư Tôn đức trong các công tác Phật sự. Về hướng phát triển trung tâm thì trong thời gian tới nhà chùa sẽ mở chi nhánh 2 đặt tại chùa Sùng Hưng thuộc huyện Bến Cát dành cho các em nam, còn các em nữ thì tiếp tục ở tại đây. Thủ tục pháp lý đang triển khai. Bản thân tôi và quý Sư cô trong chùa luôn mong mỏi các em ổn định tâm lý, xem đây là gia đình thương yêu của mình, các em được học tập đàng hoàng để sau này trở thành những con người hữu ích, cống hiến cho xã hội. Để chuẩn bị tương lai cho các em, nhà chùa mua cho mỗi em một bảo hiểm của Công ty Manulife với tên gọi “Quà tặng con yêu” với kinh phí 150 triệu trong vòng 10 năm.
TS. Dương Hoàng Lộc: Xin chân thành cảm ơn Ni sư hoan hỷ dành thời gian quý báu chia sẻ thông tin bổ ích này! Nhân dịp mùa an cư kiết hạ, kính chúc Ni sư và đại chúng hạ trường chùa Bồ Đề Đạo Tràng tấn tu đạo nghiệp, trưởng dưỡng nhiều công đức làm lợi ích chúng sanh! Cầu chúc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già cô đơn Bồ Đề ngày càng ổn định, phát triển.
Ni sư Thích Nữ Từ Thảo: Cám ơn anh đã quan tâm. Cầu chúc anh và gia đình an lành, hạnh phúc, công việc thuận lợi!
TS. Dương Hoàng Lộc