Thứ Bảy, 30 Tháng Chín 2023
Hành trạng chư Ni Câu chuyện về Ni sư TN Như Thiện

Câu chuyện về Ni sư TN Như Thiện

Chuyện mầu nhiệm Phật pháp nói mãi vẫn không hết. Và, đây là một gương lành thành tựu trong đạo pháp không thể nghĩ bàn.

Người  bà cô của tôi thế danh Lê Thị Thiệt, đã quyết chí xuất gia sau khi giáo pháp đức Phật đã chinh phục trái tim Người.

Vị Thích nữ này là Ni sư TN Như Thiện, sinh năm 1920 tại Sa Đéc. Ni sư có hai người em cũng cùng chí huớng xuất trần đó là hai bậc chân tụ thạc học: HT. Thích Khánh Nghiêm, pháp tự Thông Trì (1922- 1969) nguyên trụ trì Chùa Hải Ninh, Tp Hải Phòng và Ni sư TN Tịnh Nguyệt (1925-1991) trụ trì Tịnh thất Hồng Liên, Thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp.

Dù sức học của Ni sư không sánh tày hai người em, nhưng chí xuất trần thì rất lớn. Ni sư xuất gia hồi 20 tuổi, và đảnh lễ Ni trưởng TN Như Ngọc, Chùa Phước Huệ, Sa đéc làm thầy Bổn sư và lưu lại nơi ấy tu học rất nhiều năm. Khỏang thập niêm 1980 thế kỷ 20, Ni sư về trụ trì Chùa Bà sư, sau đó đổi thành Chùa Phước An (nay là Tu viện Thường Quang) ở Sa đéc. Năm 1984 Ni sư và Ni sư Tịnh Nguyệt trùng tu lại ngôi chùa này từ mái tranh xiêu vẹo.

Ni sư rất tinh tấn tu trì và cần mẫn chấp tác nhằm tịnh hóa tự tâm và trang nghiêm tịnh xứ  với bao cỏ cây gai góc.

Tuy  nhiên, bể ái mênh mông khó làm vơi cạn, nhất là người có ái tình sâu nặng khi đã lập gia đình rồi mới xuất gia. Bao cảnh thăng trầm của người thân ruột thịt khiến tâm trạng Ni sư cũng vì thế mà nhiều phen bấp bênh tân khổ. Có lẽ vì thế mà sốt một quảng dài đời tu của Ni sư không thấy được mấy thăng hoa.

Nhưng, sức mạnh ý chí con người chân tu này cũng không phải tầm thường. Và rồi, vi diệu thay ! cửa Phật pháp vẫn luôn luôn linh diệu, bến từ bi vẫn luôn chờ đón người xuất thế, lửa tham ái trong tâm Ni sư lần lần tắt rụi theo bước tiến của năng lực tu trì.

Và, một duyên lớn nữa, những năm cuối đời Ni sư được sống gần Sư cô Chúc Hiền, cũng là người cháu ruột (và thỉnh thoảng có sự lưu tâm của Sư cô Chúc Hâu, đệ tử Ni sư Tịnh Nguyệt). Nhờ vị sư cô này sớm tối ân cần, chấp lao phục dịch, thuốc men cơm nước và an ủi tinh thần, khiến đời chân tu có người bạn nhỏ cảm nhận bớt đơn côi. Sư cô luôn khuyến khích Ni sư nhất tâm tiến về Phật quốc. Bằng sự tôn kính và khuyến khích này cũng như do nỗ lực tự thân,  Ni sư đã mạnh mẽ vượt qua biển nghiệp ái của mình. Từ đây, công phu niệm Phật và trì chú của Ni sư thêm chuyên cần không gián đoạn. Do đó, nội tâm Ni sư thêm nhiều định lức và trí tuệ,  thì chuyện thân quyến không còn bận dạ, chuyện chùa chiền không muốn nặng tâm. Và đặc biệt, trí nhớ Ni sư rất tốt và tinh thần luôn luôn minh mẫn. Sáng sốt và định tỉnh cho đến phút đến phút cuối cùng “ấn hoại văn thành” .

Khỏang giữa năm 2009, Ni sư bị té ngã nên phải vào vào bệnh viện và điều dưỡng suốt mấy tháng trời. Lúc này mới thấy tinh thần khinh an và đạo hạnh  của Ni sư thăng tiến rõ rệt. Tay chân đau nhức và bầm tím thế mà, hễ có ai đến thăm đều khuyên niệm lục tự Di đà và thường hay giảng dạy 12 lời nguyện đức Quán Âm. Chưa ai nghe Ni sư kêu than và trách móc điều gì hết.

Cách chừng nửa tháng trước khi về Phật, có Phật tử ở gần chùa thấy được điềm lành nơi chùa Ni sư ở. Ni sư thường nói: “bây giờ tôi không còn lo lắng gì hết”. Và, thời gian này tiếng nói của Ni sư bỗng trở nên trongtrẻo và dễ nghe dù mang trọng bệnh.

Trước khi Ni sư về Phật khỏang 15 phút, Sư cô Chúc Hiền vào thăm và hỏi: ‘Sư Bà có niệm Phật không?” Ni sư trả lời: “mô Phật, có”. Ít lâu, cô ấy hỏi thêm: “Thưa Sư Bà khỏe không”, Ni sư bảo “khỏe” trong hơi gió.

Thấy lưỡi của Ni sư đã tím rồi, Sư cô CH mới đặt tay Ni sư xuôi xuống và niệm Phật trợ niệm. Sư cô dùng ngón tay trỏ, xay tròn trên đỉnh tóc của Ni sư theo chiều kim đồng hồ. Ni sư thở một hơi rất nhẹ và an tường về Phật. Thật là một chuyến đi nhẹ nhàng, không chút lưu luyến bịn rịn. Lúc ấy, nơi bàn tay của Sư cô có cảm giác tê tê vì một luồn điện phát xuất từ đỉnh đầu Ni sư.

Ni sư an tường đi như vậy vào lúc 2 giờ 15 phút chiều ngày 20 tháng 7 năm 2009, nhằm ngày 28 tháng 5 năm Kỷ Sửu. Thọ 90 tuổi

Lễ nhập quan lúc 8 giờ ngày hôm sau, nhục thân của Ni sư vẫn mềm mại và không hề có chút uế khí nào. Và có điềm cát tường xảy ra cho một vài Phật tử trông thấy khi linh quan còn quàn tại chùa. Chư Tôn thiền đức Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh về hộ niệm rất đông. Ngoài ra, Thượng tọa Viện chủa Chùa Đông Hưng , Hoa Kỳ,  chư Ni chúng Chùa Vạn Hạnh Thủ Đức, Ni sư Như Hương, trụ trì  Chùa Vạn Linh, Sài Gòn, Quý Sư cô và Phật tử Chùa Hồng Liên , tỉnh Đồng Nai đồng về trợ niệm. Đặc biệt, trong tang lễ, có sự trợ niệm của Ni trưởng TN Như Ngọc, Viện chủ Chùa Phước Huệ,  là thầy Bổn sư của Ni sư năm nay đã niên cao lạp trưởng.

Ngày 22 tháng 7, đúng 2 giờ chiều, chư Tôn đức và Phật tử, đưa nhục thân Ni sư đi hỏa táng dưới cơn mưa  cam lồ mát mẻ. Sau khi hỏa táng, nhục thân tan hoại, chỉ còn tồn lưu  xá lợi  đẹp mầu. Một điều kỳ lạ là, trước đó, Sư cô Như Hạnh, người cháu của Ni sư, đã nằm mộng thấy Ni sư có lưu xá lợi.

Có lẽ vì “hâm mộ” xá lợi quý giá này, mà một người làm công quả tại chùa Ni sư đã âm thầm đến nơi trà tỳ thật sớm để mang xá lợi  về nhà cô ta quê ở Lai Vung, mong rằng có thể “lấy hên”. Sau đó, Sư cô Chúc Hồng, (Chùa Hồng Liên, Đồng Nai) và Sư cô Chúc Hiền vài vài Phật tử phải đích thân qua nhà cô này thỉnh lại. Ni sư đã để lại hơn mười viên xá lợi trong suốt, chủ yếu là màu xanh da trời rất đẹp, trong đó có một viên lớn, còn lại có màu trắng như hạt gạo và màu trắng tinh khiết.

Sau lễ tuần chung thất, Xá lợi Ni sư chia làm hai phần để cúng dường hai nơi. Một  phần thờ tại chùa Ni sư ở, phần kia được cung thỉnh và cúng dường tại bảo tháp Chùa Hồng Liên ở Đồng Nai.

Theo bản thân người viết, đã có 5 năm tu học tại chùa Ni sư, trong những năm tuổi thơ hành điệu, cảm nhận được sự chân chất và nhẫn nại như thế nào.

Và khi đã rời xa Ni sư, nhưng cũng từng gọi điện về hầu chuyện với Ni sư, nhất là những năm cuối đời, nên ít nhiều nhận thấy sự tiến đạo của Ni sư vô cùng mầu nhiệm. Phải khẳng định rằng rất khâm phục, vì không những tôi, ai cũng tưởng rằng, sự luyến ái cháu con của Ni sư sẽ là gánh nặng vướn chân Ni sư. Nhưng không, Ni sư đã nhiệt thành phủi giũ những trần lao này, như thể bỏ một cái giẻ rách không còn xài được. Tất nhiên, việc này không phải từ trên trời giáng xuống, mà là nhờ sự phấn đấu mãnh liệt và bền bỉ của Ni sư cộng với Phật lực gia trì.

Chính tôi được biết, có những người tỏ ra rất xem thường sự quê mùa chân chất của Ni sư, nhưng khi  mục kích sự ra đi an tường và sự kiện lưu lại chân thân xá lợi của Ni sư, không biết họ đã chân thành giập đầu khẩn thiết sám hối bao nhiêu lượt!

Ni sư đi rồi, không ai còn thấy dung nhan và lời khuyến nhủ, những ai từng biết Ni sư đều rất vui mừng sự thành tựu của Ni sư .Điều mà ai cũng học được từ Ni sư đó là chữ Nhẫn. Ni sư phải học chữ này để ống an lành trong hòan cảnh  chịu nhiều lạnh nhạt và thờ ơ.  Âu cũng nhờ sự tân khổ này điều này mà Ni sư thăng tiến một cách dũng mãnh như vậy.

Đông Hưng, VA Beach, hè năm 2010

Thích Chúc Hội

BDT

 

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!