Chủ Nhật, 24 Tháng Chín 2023
Lối sống Cân đong đo đếm... gian dối

Cân đong đo đếm… gian dối

 Hàng ngày chúng ta đi chợ hay mua sắm gì vật gì đó, là coi như bị mất một khoản tiền, cũng bởi vì cân gian, dối trá, lừa lọc.

Cái cân làm ra là để đo lường số lượng cho đúng, thế nhưng người bán hàng đã làm lệch đi, nên người mua lúc nào cũng bị cân thiếu, làm mất đi một khoản tiền mà lẽ ra không đáng có.

Ví như hôm rồi tôi đi đường ghé vào lề mua 2 kg trái cây bán trên xe đẩy, với giá 30 ngàn một kg, trước khi mua tôi cũng hỏi cân có đúng không, người bán nói hùng hồn bao cân luôn, thiếu cứ trả lại, em bán uy tín lắm, thế là tôi mua, nhưng về nhà cân lại chỉ còn 1,7 kg. Còn như đi chợ hàng ngày mua thịt, mua rau, mua cá… người bán đều cân và tính tiền, tiền thì trả đủ, nhưng cân vẫn thiếu. Một kg thịt về nhà kiểm tra lại chỉ còn 8-9 lạng, không bao giờ đủ cả, khi mua vẫn nhìn mặt cân đàng hoàng, thế nhưng thiếu vẫn thiếu.

Hoặc như đi đổ xăng, tôi dám chắc rằng phần đông không bao giờ các cây xăng đong đủ cả, nhưng người mua không có đủ chứng cứ để nói, chỉ nhìn chỉ số mà trả tiền, đắng lòng. Riếc rồi trở thành thói quen chấp nhận. Họ dùng nhiều thủ đoạn để đong thiếu, mà mắt thường không thể biết. Chỉ có cơ quan chức năng mới dám “rờ” gáy, nhưng cũng không dễ, có khi đành ngó lơ cho họ gian.

Hoặc như đi du lịch, ghé vào quán ăn chấp nhận giá chặt chém mà không phản đối; mua hàng lưu niệm thật bị tráo hàng giả, dần dà các quán ăn đó cứ xem việc chém là tự nhiên, bắt người ăn phải chịu mà không hề sợ ai.

Việc người bán cân thiếu, đong gian, giá chém… xảy ra nhởn nhơ hàng ngày, ban đầu người mua cũng phản đối, ý kiến thế nhưng dần dà cũng mệt, với tâm lí “thôi kệ nó”, trở thành một thói quen chấp nhận mua thiếu trả tiền đủ, không còn mấy ai nói gì nữa, coi như là việc nhỏ nhặt. Một thói quen chấp nhận sự gian dối ngay trước mắt, và mặc nhiên như vậy.

Từ đó dễ nhìn thấy thói quen này dẫn đến nhiều thói quen khác lớn hơn, như mua thuốc tây giá cao mà không hề biết giá cho phép; thấy ai đó đưa phong bì cho y bác sĩ đều ngó lơ; đi xe đường dài chấp nhận giá trên trời; thấy hối lộ ngoài đường hay trong cơ quan mà không lên tiếng; dân chấp nhận sự ăn xén ăn bớt trong hỗ trợ mất mùa, thiên tai,… Và rồi khi gặp việc khó lại bắt chước bỏ ra một khoản tiền lớn để bôi trơn mà không hề ái ngại, như làm sổ đỏ; xin giấy phép kinh doanh chẳng hạn.

Nếu như tâm lí chấp nhận cái sai đó là một sự hiển nhiên, một sự dễ dãi chấp nhận sự bất hợp lí này, thì về lâu dài sẽ xảy nhiều hệ lụy cho đời sau. Chúng ta cần lên tiếng phản đối, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn cấm, thì đời sau mới làm người tử tế được.

Nguyễn Văn Dũng

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!