HĐ Cuộc đời của Ni trưởng Thích nữ Diệu Không rất phong phú, linh hoạt cả đời lẫn đạo. Đối với đời, Ni trưởng xuất thân trong một dòng họ danh gia vọng tộc nhiều đời. Thân phụ là cụ Hồ Đắc Trung(1861 – 1941) quan Thượng thư Triều đình nhà Nguyễn và đã được phong tước hiệu Khánh Mỹ quận công. Sinh trưởng trong một gia đình như thế, nên thiếu thời Ni trưởng đã được đào tạo giữa hai nền văn hóa Đông Tây cẩn mật. Nói tiếng Pháp chẳng thua kém gì những người Pháp có học; làm thơ Hán chẳng khác gì Nho sĩ có hồn thi.
Đối với Đạo, khi còn làm Cư sĩ đến chùa cầu pháp, bổn sư trao cho pháp danh Trừng hảo. Nghĩa là người học trò Cư sĩ có tâm tốt lắng trong. Khi xuất gia với ngài Giác Tiên chùa Trúc Lâm – Huế, được Ngài trao truyền Sa di Ni giới, ban cho pháp tự Diệu Không. Nghĩa là ngay nơi diệu hữu mà đạt lý chân không và từ tánh-không mà muôn pháp hiển bày một cách sống động, nhiệm mầu.
Nhân kỷ niệm lần thứ hai mươi, Ni trưởng Thích nữ Diệu Không viên tịch, các môn hạ của Người có xin tôi viết bài cho tập kỷ yếu tưởng niệm.
Những điều tôi nghe
Sau năm 1975, tôi làm Kế toán trưởng Tổ hợp Mỳ sợi Kiều Đàm, nơi lo kinh tế cho đời sống phần nhiều của các chùa viện tại Thừa Thiên giữa cảnh giao thời, mà Ni trưởng là một trong những người đứng ra thành lập. Ấy là nhân duyên tôi tiếp cận với Ni trưởng rất nhiều và được Ni trưởng kể cho nghe nhiều mẫu chuyện đạo đời, nhiều kinh nghiệm tu tập và dấn thân làm Phật sự qua nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử Đất nước và Phật giáo.
Tôi nghĩ, cuộc đời của Ni trưởng là một bản trường ca thiên diễn vô tận giữa hiện thực và siêu nghiệm, giữa thực tế và huyền thoại,giữa tâm và tướng, giữa phương tiện và cứu cánh cứ chập chồng lên nhau và có mặt trong nhau giữa chơn không và diệu hữu, giữa diệu hữu và chơn không. Vì là diệu hữu, nên công việc có đa đoan, cũng chỉ là ráng chớp ửng hồng giữa không gian bình lặng; và vì là chơn không, nên không có hạnh nào mà không làm, nhưng tâm chẳng dính vướng vào đâu.Nên, ở đâu và lúc nào, Ni trưởng cũng có tự do trong hành hoạt và tự tín ở tâm hồn, tạo thành bầu trời bình an giữa muôn trùng sóng vỗ.
Nhân đây, tôi xin ghi lại một vài điểm mà tôi tâm đắc mỗi khi tiếp xúc với Người và được Người kể lại.
Bài học cúng dường
Có lần Ni trưởng kể chuyện cho chúng tôi nghe rằng: Sau khi làm người cư sĩ học đạo, vào một buổi chiều đến chùa Trúc lâm, thấy một chú Tiểu ngồi dưới gốc cây học kinh, liền bước tới chìa tay cho chú Tiểu mấy đồng. Chú Tiểu từ chối không nhận. Bấy giờ Người hỏi tại sao? Chú Tiểu liền chắp tay trả lời, vì cúng dường không đúng pháp, nên tôi không nhận.
Người hỏi: Thế nào là cúng dường đúng pháp? Chú Tiểu trả lời: Cúng dường đúng pháp là phải đặt vật phẩm cúng dường vào một cái đĩa và người cúng dường phải nói rõ nội dung cúng dường để người nhận biết mà cầu nguyện và hồi hướng công đức đúng như sở nguyện của người cúng dường.
Nghe chú Tiểu nói vậy. Người liền đi lấy một cái đĩa đặt mấy đồng bạc vào trong cái đĩa một cách ngay thẳng và chắp tay thưa với chú Tiểu về nội dung cúng dường. Chú Tiểu liền đứng dậy chắp tay nghe lời thưa cúng dường của tín chủ xong, liền đưa tay chạm vào cái đĩa đặt tặng phẩm và cầu nguyện, rồi nói bây giờ cúng dường đúng pháp, nên tôi hoan hỷ nhận.
Ni trưởng nói cho chúng tôi biết, chú Tiểu ngày xưa ấy là Hòa thượng Thiện Siêu ngày nay.
Tâm là gốc
Khi còn mang thân Cư sĩ đến chùa Trúc Lâm – Huế, bấy giờ Ni trưởng được Hòa thượng Giác Tiên gọi cho uống nước và hỏi: “Hiện nay cô đang làm gì?”. Bấy giờ, Ni trưởng trả lời: “Dạ, con đang làm công việc từ thiện, hộ nữ công gia chánh…”.
Ngài dạy: “Cô làm việc ngọn ngành mà quên đi cội gốc, ví như cây lá sum suê mà gốc cây mục nát, trước sau gì cũng sẽ thất bại”.
Bấy giờ, Ni trưởng hỏi: Thưa Ngài, vậy cội gốc là gì? Ngài đáp: Tâm con người. Con người không lo trau dồi cái tâm của mình cho trong sáng, mà chỉ lo chạy rong những việc bên ngoài, đuổi bắt ngành ngọn, chẳng khác nào cây lá sum suê mà gốc cây mục nát, tránh sao cho khỏi nạn khô cành, héo lá.
Nghe Hòa thượng dạy như vậy, bấy giờ Ni trưởng ngồi yên lặng suy nghĩ, nhưng Hòa thượng còn gọi tên và dạy tiếp: “Những gì tôi nói, cô hãy suy nghĩ kỹ, đừng để sau này ăn năn, hối hận. Thôi, cô hãy về đi!”.
Một tháng sau, Ni trưởng trở lại chùa Trúc Lâm – Huế đảnh lễ Hòa thượng Giác Tiên, Người hỏi: “Cô đã suy nghĩ kỹ chưa? Và dạy tiếp: “Vua Minh Trị Nhật bản, vì biết dạy dân về đạo đức, nên dân mạnh và nước giàu. Đời Lý, Trần, nước ta cũng nhờ Đạo đức mà suốt gần 400 năm người Tàu không dám xâm lược. Vua Trần Nhân Tôn một nhà Cách mạng mà cũng là Đại Thiền Sư, tôi đã từng ra núi Yên tử, đã được đọc lịch sử ấy.
Tình hình nước ta bị Pháp đô hộ, họ muốn dân ta quên gốc và biến dân ta thành nô lệ. Những người ái quốc nổi lên chống trả đều bị giết hết hay bị bắt bớ tù đày. Nếu,Cô có tâm, nên lặng lẽ học Phật, tu tâm và dạy người, nuôi chí lớn. Có như vậy, và nhiều người như vậy mới mong những thế hệ sau,có người lo cho nền độc lập nước nhà, trùng hưng Phật pháp”.
Nghe Hòa thượng ân cần dạy bảo, bấy giờ Ni trưởng vỡ lẽ ra nhiều mặt đối với kiếp nhân sinh và chí nguyện xuất gia thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh của Ni trưởng từ đó phát sinh.
Người Sa di Ni để tóc
Vào năm 1932, bấy giờ Ni trưởng đã 27 tuổi, duyên đời đã hết duyên đạo lại sinh, nên đã được Hòa thượng Giác Tiên trao truyền cho Sa di Ni giới, với pháp tự Diệu Không. Tuy, bấy giờ tâm Ni trưởng đã xuất gia, thọ Sa di Ni giới, nhưng thân làm cư sĩ, đầu vẫn để tóc, nhằm chu toàn các Phật sự của một thời kỳ Phật giáo đang đối mặt với muôn ngàn khó khăn, trùng điệp.
Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, cụ Hồ Đắc Trung và Cụ Thân Thần Tôn Thất Hân hết lòng ủng hộ, nhưng cụ Nguyễn Hữu Bài lại tìm cách cản trở, không cho phép.
Người Sa di Ni để tóc, được chư Tôn đức bấy giờ giao trách nhiệm, liên hệ với nội cung và vào đọc bản điều lệ của Hội cho bà Đoan Hy – Hoàng Thái Hậu nghe: Trong phần mở đầu của Điều lệ có nói đến sự ủng hộ Phật pháp, xây chùa của các Tiên vương như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu trị, Từ Đức… và xin Hoàng Thái Hậu trao bản điều lệ này lên vua Bảo Đại phê duyệt, để Phật giáo được hoạt động, nhằm duy trì nền tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Nhân cơ hội này, người Sa di Ni để tóc, còn trình với Hoàng Thái Hậu rằng: “Bản điều lệ này đã chuyển đến cụ Nguyễn Hữu Bài cả một năm, nhưng cụ ấy không giải quyết. Cụ Bài làm việc cho chính quyền Pháp, muốn cản trở Phật giáo và tiếp tay với người Pháp truyền bá Cơ đốc giáo và xóa dần nền văn hóa dân tộc, xóa dần nền đạo đức và tín ngưỡng truyền thống, muốn biến Cơ đốc giáo trở thành Tôn giáo chung của người Việt và muốn biến vương triều nước Pháp trở thành mẫu quốc của đất nước Việt Nam”. Nghe người Sa di Ni để tóc trình bày như vậy, Đoan Hy – Hoàng Thái Hậu lắng nghe một cách chăm chú và có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề này. Sau đó, bà Hoàng Thái Hậu cung thỉnh Hòa thượng Thích Tịnh Khiết vào cung để giám định lại những gì Sa Ni di để tóc trước đó trình bày. Trước mặt Hoàng Thái Hậu, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đã khẳng định, những gì Sa di Ni để tóc trình bày với Hoàng Thái Hậu là hoàn toàn đúng. Không bao lâu, Hoàng đế Bảo Đại phê chuẩn điều lệ hoạt động của Hội An Nam Phật Học và Hội đã thực sự hoạt động kể từ đó và phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung phần bắt đầu khởi phát có tổ chức.
Con đường hành đạo của Ni trưởng, đúng như trong kinh Phật dạy mà chư Tổ đã vận dụng: “Ngoại hiện bồ tát tướng, nội bí Thanh văn hạnh”, ấy vậy.
Học hạnh khiêm cung
Ni trưởng kể cho chúng tôi nghe. Có lần Ni trưởng đến thăm Hòa thượng Chơn Thiệt ở Tổ đình Từ Hiếu-Huế, bấy giờ Hòa thượng đang tiếp Ni trưởng một cách ân cần, bỗng dưng câu chuyện bị Hòa thượng cắt ngang và xin phép Ni trưởng đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi và bước mấy bước ra ở cửa. Ni trưởng hỏi, Hòa thượng đi đâu vậy? Hòa thượng trả lời: Có chú Tiểu từ xa đến. Ni trưởng thưa: Hòa thượng ngồi đi, để chú vào rồi hay. Hòa thượng dạy: “Chú Tiểu nhỏ đến chùa thấy người lớn chú sợ, nên mình phải đứng dậy để hỏi thăm chú trước, khiến cho tâm chú yên ổn bớt sợ hãi đi”.
Khi chú Tiểu vào đến khách đường cung kính vái chào Hòa thượng và Ni trưởng xong liền bạch: “Hòa thượng của con là thượng Giác hạ Nhiên, Tọa chủ chùa Thuyền Tôn dạy con đem thư này dâng lên Hòa thượng, Tọa chủ Tổ đình Từ Hiếu”.
Hòa thượng Chơn Thiệt dạy: Chú đợi tôi một lát để Tôi đi mặc áo vàng đã. Khi mặc áo vàng xong, ra khách đường, Hòa thượng bảo chú Tiểu mở thư ra đọc cho nghe. Thay vì ngồi mà nghe, thì Hòa thượng Chơn Thiệt lại đứng mà nghe. Ni trưởng liền thưa: Hòa thượng ngồi đi, để nghe chú đọc cho khỏe. Hòa thượng Chơn Thiệt lại nói với Ni trưởng, bức thư này là lời và ý của Hòa thượng Thuyền Tôn, nên mình phải đứng mà nghe, chứ ngồi mà nghe là vô phép.
Nghe Hòa thượng Chơn Thiệt dạy như vậy, Ni trưởng cảm thấy rất hạnh phúc và học hỏi được rất nhiều điều sống động từ các bậc cao đức, nhất hạnh là khiêm cung từ ngài Chơn Thiệt Tổ đình Từ Hiếu-Huế.
Biển tính giác ngộ
So với tuổi tác, chúng tôi chỉ là hàng con cháu, so với hạ lạp Ni trưởng vượt hơn chúng tôi đến ba mươi hạ lạp, so với công lao đóng góp đạo đời, Ni trưởng thật lớn lao, nhưng mỗi khi gặp chúng tôi, Ni trưởng rất ân cần thăm hỏi cung kính đúng pháp. Chính điều này đã làm cho Ni trưởng sáng rực lên giữa khung trời đạo hạnh đế đô.
Ni trưởng hiểu rõ giá trị mà đức Phật chế định Bát kỉnh pháp và chư Tổ đã duy trì trong sự truyền thừa mạng mạch Phật pháp. Bát kỉnh pháp là thần dược chữa lành cơn bệnh nghiệp hiểm nghèo của nữ giới và đổi thay dị thục quả thành quả vô lậu giải thoát và là phép lạ làm cân bằng giới tính, để cho nữ giới có khả năng thắng vượt vô minh, mà nhập vào biển cả tịnh hạnh của Tăng đoàn, làm bậc thầy mô phạm cho cả thế giới trời người và là mảnh ruộng phước để cho chư thiên, nhân loài gieo trồng phước đức.
Nên, Bát kỉnh pháp đối với Ni trưởng không phải chỉ dừng lại ở nơi pháp học, mà chính nó là pháp hành có năng lực tảo trừ tận gốc những hạt giống kiêu mạn, khiến cho đời sống của hành giả nhập vào biển tính giác ngộ bình đẳng của chư Phật.
Không có vấn đề gì
Sau năm 1975, trong những tháng ngày giao thời kinh tế khó khăn, Tăng, Ni đi làm ruộng, làm công nhân bệnh viện, làm công nhân Xì dầu, Mỳ sợi… gặp những khó khăn đến trình thưa với Ni trưởng, thì Người luôn luôn ân cần khuyên nhũ, cố gắng lên và nói: “Hãy xuất trần ngay nơi bụi trần; Hoa sen vươn lên từ bùn, không có bùn sẽ không có môi trường tốt cho hoa sen”.
Ni trưởng nói và cười: “Mọi khó khăn chỉ cho vui thôi, chẳng hề hứng gì đối với Phật đạo. Quý vị hãy làm mọi công việc một cách nhiệt tình với tâm không vướng mắc”.
Cũng bằng phương pháp quán chiếu này, Ni trưởng đã giải quyết mọi công việc bằng tâm mà không phải bằng tướng. Nên, trên con đường tu học và hoằng pháp lợi sanh, Ni trưởng đã vượt qua mọi chướng duyên một cách nhẹ nhàng từ nội tâm đến ngoại cảnh và đã dung nhiếp Ni chúng đến tu học với Người từ mọi lứa tuổi và mọi thành phần xã hội.
Tuy, hai mươi năm huyễn thân của Người đã ra đi, nhưng hương thơm đạo hạnh của Người đã tinh kết thành một đóa hoa trong vườn thiền Phật giáo,vẫn còn đang thơm phức giữa sinh diệt dòng đời.
Xin cảm ơn đời đã tinh kết một bông hoa.
Chùa Phước Duyên – Huế, ngày 9/6/2017
Thích Thái Hòa