Thứ Bảy, 13 Tháng Tư 2024
Phật họcTự việnCác thiền viện Ni trên đất Đồng Nai

Các thiền viện Ni trên đất Đồng Nai

Thiền viện Viên Chiếu

 Mùa hè năm Mậu Thân 1968, trên đỉnh Tương Kỳ, Hòa thượng Trúc Lâm hạnh ngộ lý sắc không. Thế là kiếm Bát Nhã vung lên, chày Kim Cang nện xuống, cửa thiền rộng mở, nạp tử bốn phương tìm về cội nguồn Chân Không. Thiền tông Việt Nam sau những năm dài ẩn mình nay đã tái sinh.

Năm 1975, lịch sử đất nước sang trang, Hòa thượng Trúc Lâm gửi gắm hoài bão cho môn đồ rời Chơn Không, Linh Quang, Bát Nhã về vùng đất mới Long Thành Đồng Nai. Thường Chiếu mãi sáng soi, Viên Chiếu rọi không cùng, một viện Tăng một viện Ni vâng lệnh Ân sư rời núi về đồng bằng, tùy thuận chúng duyên vô quái ngại. Thiền sinh nhập cuộc thử sức thử lòng.

Nối bước hai viện Thường – Viên, hàng loạt các Thiền viện khác lần lượt ra đời. Mỗi Thiền viện mỗi đường nét, tùy thời tùy duyên mà phát triển. Tất cả đều tu theo tông chỉ “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Là con cháu thiền gia thì không được quên mình. Quên mình là quên tất cả, mất tất cả. Phật dạy, chúng sanh mang trong mình một viên minh châu, chớ có hướng ngoại tìm cầu. Hãy ngay nơi mình thật thà sống, thật thà nhận lại thì tha hồ ngắm vầng nhật chiếu, dạo ánh trăng soi.

A ha! Quanh năm cày với cuốc
Mà ta vẫn sống như muôn đời an nhàn
Dân ta phong lưu trong nhọc nhằn
Cà tương dưa muối, nhưng ai giàu hơn
Xem ai giàu hơn!
                                                                                (Ni sư Hạnh Huệ – Thiền viện Viên Chiếu)
Thiền viện Linh Chiếu

Thi ca thống khoái đã thể hiện rõ nét Viên Chiếu, thế mới hay trượng phu đâu phải chỉ là nam nhân! Những tháng năm cơ khổ với đồng cao ruộng thấp, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, dân Viên Chiếu càng sống hết tình, tu hết mình, thổi vào mảnh đất tâm một cái hồn rất Viên Chiếu – mạnh mẽ, quật cường, tràn trề nhựa sống. Thiền sinh Ni Bát Nhã trên ngọn Tương Kỳ năm xưa đã không cô phụ Tông sư.

Đời sống tu học của Thiền sinh ở các Thiền viện trong giai đoạn ban đầu tuân thủ theo ba nguyên tắc: tu hành như hơi thở, học pháp như uống nước, lao động như ăn cơm. Chư Ni còn khéo léo vận dụng các phương tiện văn hóa Phật giáo, thuyết pháp tại các đạo tràng… không ngừng sẻ chia Phật pháp đến Phật tử khắp nơi, chẳng luận trời Nam hay đất Bắc. Gia đình Phật tử Viên Chiếu ra đời dưới sự hướng dẫn tận tình của chư Ni và sự hỗ trợ nhiệt thành của quý Phật tử, đã lớn mạnh không ngừng cả tinh thần tu học lẫn hoạt động đời thường. Những đứa trẻ “rất rừng” năm nào nay đã trưởng thành trong suối pháp. Ánh sáng Phật pháp thật sự lan tỏa khắp muôn nơi, đúng với tên gọi Viên Chiếu nơi đây.

Đến năm 1980, từ những ngôi thất lá đơn sơ nhỏ nhắn, Linh Chiếu được hình thành. Quý Ni trưởng vốn xuất thân từ Ni trường Dược Sư, nên tuy gian khó buổi đầu có trở ngại tay yếu chân mềm, nhưng vẫn không làm mai một lý tưởng giác ngộ, không phai nhạt niềm tin nơi Tông sư. Quý Ni trưởng cùng những Thiền sinh học trò phố thị, vượt qua thách thức gian nan buổi đầu, cùng nhau lao động tự lực cánh sinh, nuôi dưỡng thân tâm an lạc, vui vẻ hít thở khí thiền. Khúc khải hoàn của cô Linh Chiếu ngàn xưa, Thiền sinh Ni ngàn sau cũng mong có thể dạo lại một khúc chơi!

Linh Chiếu hôm nay đã trở nên uy nghiêm, mái tranh xưa giờ biến thành tùng lâm. Linh Chiếu vâng theo lời dạy Tông sư, đã chọn cho mình phong cách lương y để đến với nhân sinh, thành lập và phát triển Tuệ Tĩnh đường. Bằng chính nét nhu nhuyến hiền hòa, 30 năm qua chư Ni Linh Chiếu đã chữa trị, chia vui sớt khổ với không biết bao nhiêu bệnh nhân, thầm lặng mang Phật pháp đưa vào tâm khảm từng người. Đồng thời, nhân sinh bệnh khổ cũng đã khơi dậy, nuôi dưỡng từ tâm của những người con Phật nơi đây. Linh Chiếu thật sự trở thành một viên thuốc bổ giúp người bớt khổ, như Hòa thượng Tông sư đã tâm nguyện cho đời mình.

Năm 1993, Hòa thượng thành lập Thiền viện Trúc Lâm tại Đà Lạt, một số Thiền sinh Linh Chiếu theo Hòa thượng lên cao nguyên xây dựng Trúc Lâm nội viện Ni, tu học phấn chấn nhiều hơn. Cho đến nay, hơn 150 hành giả công phu không ngừng.

Sau Viên Chiếu, Linh Chiếu, nương ân đức của Hòa thượng Tông sư, cùng tấm gương của đàn anh đàn chị đi trước, các Thiền viện Ni nối tiếp thành lập. Mỗi nơi đều tỏa hết nét của mình, những mong trở thành vườn ngọc mang ánh quang thắp sáng rừng thiền Trúc Lâm.
Thiền viện Hương Hải, Thiền viện An Lạc, Thiền viện Tuệ Thông, Thiền viện Hoa Viên, bốn Thiền viện Ni nương Tổ đình Thường Chiếu, đều là chốn trở về cho hàng nghìn chư Ni ở khu am thất ngoại viện Thường Chiếu. Các viện thường luân phiên tổ chức khóa tu tuần, tu tháng, các lớp học phổ thông… không ngừng nhắc nhở, không ngừng đồng hành cùng đồng đạo tuổi già, nguyện đời đời kết chặt đạo tình Linh Sơn cốt nhục.

Thiền viện Liễu Đức được biết đến như một chiếc nôi nuôi dưỡng những tiểu Ni tinh khôi để mai này trở thành rường cột của Phật pháp. Thiền viện Chân Pháp uy nghiêm cứng cỏi của miền trung du nhiều sỏi đá. Chư Ni nơi đây là hậu duệ của Trúc Lâm Ni, cũng gióng trống pháp thổi mưa từ, thức tỉnh đạo tâm của những người dân cơ khổ quanh vùng.

Trí Đức Ni, đứa con muộn của Thiền phái Trúc Lâm, dưới sự giáo dưỡng của Hòa thượng Tông sư và Hòa thượng Thường Chiếu, Thiền sinh Ni tập tễnh lớn lên từng ngày trong tu học và làm việc. Tuy còn nhỏ nhưng cũng xin góp sức góp lòng, hàng tháng Thiền viện tổ chức hai kỳ tu tập, một cho Phật tử từ các nơi, một cho chư Ni am thất ngoại viện Thường Chiếu cùng một số Phật tử dự thính. Vui vẻ trẻ trung, chư Ni khá là bén duyên với hội chúng, đạo tràng đông vui. Bằng sức trẻ, Trí Đức Ni đã không ngừng nỗ lực, không phải thời kỳ gian khó như các trưởng bối xưa kia, song vẫn cứ “một ngày không làm là một ngày không ăn… Dù gian khó ta hằng sống trong hòa khí trong an lành, dù vui sướng ta thường nhắc mau dừng bước lang thang này”. Nguyện noi gương người đi trước mà nỗ lực, để không cô phụ hai chữ Trí Đức do Hòa thượng ban cho.

Có phải là nhân duyên diệu kỳ, trên 1.000 Thiền sinh Ni hội tụ ở vùng đất Đồng Nai này? Và còn nhiều Thiền viện khác nữa ở khắp mọi miền đất nước, đã có mặt và chung bước trên con đường thiền tông.

Đất Bà Rịa – Đại Tòng Lâm có các Thiền viện Ni Huệ Chiếu, Phổ Chiếu. Vũng Tàu có Chơn Không Ni, Tịch Chiếu, Chơn Chiếu, Bảo Hải. Đất Bình Dương có Thiền viện Ni Phúc Trường, Trúc Lâm Thanh Đức. Miền Gò Vấp có Thiền viện Linh Phúc, Bình Chánh có Thiền viện Bửu Minh. Về miền Tây – Cần Thơ, Thốt Nốt có Thiền viện Viên Phước. Ra miền Trung – Phan Thiết có Thiền tự Ni Viên Minh, Hội An có Thiền tự Bửu Châu. Đất Bắc, địa phận Vân Đồn có Thiền viện Ni Giác Tâm uy nghiêm một cõi. Tỉnh Vĩnh Phúc có Thiền viện An Tâm. Còn nhiều các Thiền tự Ni xa xôi heo hút xóm làng, tuy không được biết nhiều nhưng chư Ni tu tập trọn lòng với thiền phái, đem ngữ âm thiền đến với mọi tầng lớp dân quê.

Trong phạm vi bài viết, nói về các Thiền viện Ni trong tỉnh Đồng Nai, không sao tránh khỏi sơ sót, đóng góp chút công quả nhân dịp lễ Tưởng niệm Thánh Tổ Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di. Xin ghi lời nhắc nhở của Ngài Trần Thái Tông trong bài kệ Vô Thường – Khóa Hư Lục:

Mạc tác trường niên khách
Chung quy tảo chiếu công.
Đừng làm khách suốt năm trời
Quay về cho sớm chiếu soi nhà mình.

Bao tháng ngày phiêu lãng đã qua, nay đủ duyên ta cùng trở về nhà, về lại chốn Tổ Trúc Lâm, tội tình chi mà không vào nhà nấu nước pha trà, hòa một khúc thái bình ca, tặng khách mỗi đường qua

TKN. Hạnh Chiếu

Tin khác

Cùng chuyên mục