Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Phật họcCa Sa vị trước hiềm đa sự (Bài kinh Người Cày Ruộng)

Ca Sa vị trước hiềm đa sự (Bài kinh Người Cày Ruộng)

  Hồi xưa tôi cứ nghĩ việc đi tu đơn giản lắm. Tu là cạo đầu mặc áo nâu, tụng kinh gõ mõ ngồi lim dim mắt chờ thành Phật.

Khi vào chùa mới biết tu đâu phải dừng lại ở chỗ từ việc ăn mặn chuyển sang ăn chay, từ việc có tóc trở thành kẻ trọc đầu, từ mặc áo màu sang mặc áo nâu…

Tu, theo tôi là một việc nói dễ thì rất dễ mà nói khó thì lại khó vô cùng.

Dễ khi bạn là những người “xuất gia quý cầu y thực”, là “những ông thầy tu cơm cháo lếu láo qua ngày”, là những kẻ “ẩn dương nương Phật”. (Xin đính chính rằng những từ trong dấu “…” là lời của chư vị tiền bối chứ tiểu tôi thật lòng không dám đại ngôn như thế).
Nhưng khi đã xác định việc xuất gia của mình là “phát túc siêu phương” “thượng cầu hạ hóa” thì con đường chuyển hóa tâm thức thật khó vô vàn. Cũng phải thôi vì những tập khí mà ta huân tập trong nhiều kiếp tử sinh đâu dễ gì nhổ tận gốc rễ trong một sớm một chiều.
Trong Tiểu Bộ kinh, bài kinh Bhāradvāja, Người Cày Ruộng kể rằng một hôm Đức Thế Tôn đi khất thực ngang qua ruộng lúa của gia chủ Kasibhāradvāja. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Kasibhāradvāja đang phân phát đồ ăn, thấy Thế Tôn đi khất thực liền nói với Thế Tôn:
– Này Sa-môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa-môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!

– Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn.
– Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày, hay lưỡi cày, hay gậy thúc trâu bò, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Vậy mà Tôn giả Gotama nói: “Này Bà-la-môn, Ta có cày và Ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn”.
Thế Tôn tóm tắt bằng bài kệ:

“Lòng tin là hột giống,
Khổ hạnh là cơn mưa,
Trí tuệ đối với Ta là ách và lưỡi cày,
Xấu hổ là cán cày,
Ý là sợi dây buộc,
Và niệm đối với Ta
Là lưỡi cày, gậy thúc.
Với thân khéo phòng hộ
Với lời khéo phòng hộ
Với món ăn trong bụng,
Biết tiết độ, chế ngự,
Ta tác thành chơn thực,
Ðể cắt dọn cỏ rác,
Sự giải thoát của Ta
Thật hiền lành nhu thuận.
Với tinh cần tinh tấn,
Ta gánh chịu trách nhiệm,
Ta tự mình đem lại
An ổn khỏi khổ ách.
Như vậy, Ta đi tới,
Không trở ngại thối lui,
Chỗ nào Ta đi tới,
Chỗ ấy không sầu muộn.
Cày bừa là như vậy,
Ðược quả là bất tử,
Sau cày bừa như vậy,
Mọi khổ được giải thoát”.

Rồi Bà-la-môn Kasibhāradvāja lấy một bát bằng đồng lớn, đổ đầy với cháo sữa dâng Đức Phật và thưa: “Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!”

Thế Tôn trả lời:

“Ta không hưởng vật dụng,
Do tụng kệ đem lại,
Ðây không phải là Pháp,
Của bậc có Chánh kiến”.

Đức Thế Tôn đã cày mảnh đất tâm của mình như thế.

Những pháp lữ của tôi, bạn có thấy rằng hàng tu sĩ chúng ta hôm nay phải gánh vác trên vai mình quá nhiều thứ gọi là “Phật sự” không?
Một điều đáng buồn là những khóa thiền, khóa tu Phật thất… rất ít người tu tham dự. Vì chúng ta còn quá nhiều thứ để làm, quá nhiều việc để lo. Chuyện sanh tử cứ tạm thời gác lại để tính sau.
Công việc cày ruộng của chúng ta hôm nay dường như không còn giống Đức Thế Tôn thuở xưa đã làm.

Không biết bạn có thấy được điều đó không chứ riêng tôi đôi lúc đang lăng xăng trong những tất bật thường ngày chợt giật mình tự hỏi bản thân: “Nếu ngay thời khắc này vô thường đến, mình sẽ đi về đâu?”

Chúng ta miệng thì nói “sanh tử sự đại” nhưng nhìn sâu vào tận cùng tâm thức, dường như còn nhiều cái khác khiến ta quan tâm và lo lắng hơn vạn lần.
Tôi chợt nhớ đến Thiền sư Phước Hậu có hai câu thơ nói về nghịch lý của việc tu rồi và chưa tu:

“Ca sa vị trước hiềm đa sự
Đắc trước ca sa sự cánh đa”

Khi chưa khoác áo cà sa thì đa sự là lẽ thường tình, mặc áo cà sa rồi thì sự càng nhiều hơn là nguyên do vì sao vậy? Thiết nghĩ mỗi người chúng ta phải tự tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Như Tuyết

Tin khác

Cùng chuyên mục