Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023
TIN TỨC Sự kiện Bức tượng Phật bằng gỗ (mít) tại thành phố Hồ Chí Minh

Bức tượng Phật bằng gỗ (mít) tại thành phố Hồ Chí Minh

《HĐ》 Một ngày cuối năm 2017, tôi may mắn được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Bổn Sư bằng gỗ tại chùa Huệ Quang, số 66 đường 107, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thật sự ấn tượng trước thần thái và vẻ đẹp của bức tượng. Chữ “đẹp” dành cho bức tượng không chỉ nói về vẻ đẹp thông thường ở hình thức bên ngoài, còn là vẻ đẹp của nội tâm toát lên từ bên trong bức tượng.

Bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật công phu, mỗi nét khắc thể hiện tâm huyết của người nghệ nhân cũng như ý tưởng của người Thầy. Bức tượng toát lên vẻ đẹp 32 tướng tốt của Đức Phật, như ngực đầy tròn trịa, vai ngang thể hiện sự mạnh mẽ của người nam. Tuy nhiên, ấn tượng nhất có lẽ là khuôn mặt của bức tượng. Từng đường nét từ ánh mắt, cái mũi, đến khuôn miệng, tất cả đều được chăm chút một cách kỹ lưỡng. Đôi mắt Đức Phật hơi mở làm cho người Phật tử khi đứng dưới ngước nhìn lên cảm thấy như Đức Phật đang nhìn xuống. Nhờ vậy, người Phật tử có thể cảm nhận được tâm từ bi của Đức Phật tỏa ra xung quanh, ánh mắt Đức Phật nhìn xuống như thấu hiểu, chở che, tâm hồn mỗi người trở nên thư thái hơn, nhờ đó trút bỏ được mọi gánh nặng trong cuộc sống đời thường.

Bức tượng được hoàn thành trong thời gian gần một năm. Hiện nay, khi người ta có thể sản xuất tượng bằng máy, trong vài ngày có thể cho ra một bức tượng, giá trị của bức tượng gỗ hoàn toàn được làm thủ công càng được nâng lên. Tượng cao 3, 4 m, nặng khoảng 1, 5 tấn, bằng chất liệu gỗ mít ta. Theo tôi được biết, đây là bức tượng Phật ngồi bằng gỗ mít ta (khác với mít nài) cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Bên cạnh đường nét chạm khắc, chất liệu gỗ tạc tượng cũng thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam. Tượng được làm hoàn toàn bằng gỗ mít, một loại gỗ phổ biến ở xứ sở nhiệt đới của Việt Nam. Gỗ mít có những ưu điểm mà ngay cả các loại gỗ quý như gỗ cẩm hay gỗ hương cũng không có được. Đó là độ bền, trường tồn với thời gian, không bị nứt, co ngót hay mối mọt. Màu vàng của gỗ thật tự nhiên thể hiện tâm sáng, thanh tịnh. Từ thời vua chúa trong lịch sử Việt Nam, gỗ mít đã được sử dụng để làm tượng tại những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam như chùa Tây Phương, chùa Đậu, chùa Dâu,… Như vậy, có thể nói bức tượng mang màu sắc Phật giáo miền Bắc – cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Song song đó, bức tượng cũng mang nét truyền thống của Phật giáo miền Nam xưa, được thể hiện ở y áo (trang phục) của Đức Phật. Theo truyền thống Phật giáo miền Nam xưa, tượng Phật được làm tròn vai, không để hở vai. Đa số tượng Phật ở miền Nam thường để hở vai. Như vậy là không đúng với truyền thống Phật giáo miền Nam xưa như được ghi chép trong sử sách.

Đằng sau tác phẩm nghệ thuật viên mãn đó là cái tâm của Thầy trụ trì chùa và nghệ nhân khắc tượng. Thầy Chơn Minh, trụ trì ngôi chùa, luôn mong muốn lưu giữ truyền thống Việt Nam. Thầy chia sẻ: “Lúc Thầy về đây, Thầy có làm Lễ động thổ. Trong phần nghi lễ, có nghi thức thí gạo và muối xung quanh chùa, vừa thí gạo muối vừa đọc chú Đại Bi. Tâm nguyện của Thầy rất đơn giản, đó là xây ngôi chùa ở đây để tạo ảnh hưởng tốt về đạo đức, lối sống đến người dân xung quanh. Thầy không suy nghĩ cao sang, không tham vọng ngôi chùa phải trở thành một trung tâm lớn.” Tượng Phật chính là thần thái trung tâm của ngôi chùa. Một bức tượng đẹp, có thần thái, có thể tạo ảnh hưởng tự nhiên nhất đối với bất kỳ ai đến lễ chùa.

Thầy trụ trì rất cẩn trọng trong mọi việc, từ việc chọn nghệ nhân, đến chọn chất liệu và từng chi tiết nhỏ khác. Thầy đã phải chờ đợi nghệ nhân (anh Hà) trong 7 năm. Thầy đã đi xem nhiều cơ sở làm tượng, đúc tượng lớn nhưng đều không vừa ý. Đến khi xem tượng do anh Hà làm, Thầy vừa ý ngay. Anh Hà không có xưởng lớn, thương hiệu hoành tráng, người giới thiệu hay quảng cáo rầm rộ, nhưng Thầy lại tin tưởng nơi anh, giao cho anh sứ mệnh tạo tác ý nguyện của Thầy. Thầy chia sẻ: “Thầy chọn anh Hà vì anh ấy làm được (làm tượng đẹp), lại tốt tính, biết lắng nghe ý kiến của Thầy, đặc biệt là tính tình hiền lành, không toan tính vụ lợi, đàng hoàng, có thiện tâm.”

Anh Hà, tên thật là Nguyễn Thuyến, nhưng người trong ngành mộc ít biết đến cái tên này. Họ thường gọi anh là “Hà Râu”. Nhắc đến anh “Hà Râu” trong giới ai cũng biết. Tôi may mắn được tiếp xúc với anh. Cảm nhận của tôi về anh là một người thật giản dị, chân thành, trung thực, điềm đạm và đặc biệt là tràn đầy tâm huyết với công việc.

Anh Hà sinh ra và lớn lên ở thôn Yên Vũ 2, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (cái tên Hà cũng xuất phát từ chữ “Hà Tây). Anh sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, tại một ngôi làng có truyền thống làm nghề mộc. Anh học nghề từ năm 12 tuổi. Khi ra nghề, năm 1996, vừa tròn 18 tuổi, anh vào Sài Gòn và bắt đầu làm tượng Phật. Hiện nay, anh vừa hành nghề, vừa dạy nghề. Anh đã dạy nghề cho khoảng 20 người, trong đó có những người đã trở nên rất thành đạt.

Đối với anh Hà, hạnh phúc ở đời là được tiếp xúc với đạo Phật, được tiếp xúc với các Sư đạo cao đức trọng. Sự tiếp xúc này tạo nên sự chuyển hóa trong con người anh, hướng anh đến với tâm Phật, giúp anh hoàn toàn nhập tâm khi làm tượng Phật. Tâm nguyện của anh Hà khi làm bức tượng này là “tạo nên một tác phẩm trường tồn, sống mãi với thời gian, không phải một tác phẩm mà có thể hôm nay thay, ngày mai thay.” Trong lúc làm tượng Phật, anh luôn luôn niệm Phật. Chính sự nhập tâm, chú tâm này tạo nên sự khác biệt, tạo nên sự thành công ngoài mong đợi của tác phẩm. Bằng sự nhập tâm tuyệt đối, anh đã thổi hồn vào gỗ, tạo nên thần thái hiếm có của tác phẩm.

Có thể nói, đây là một bức tượng Phật “đẹp” ở nghệ thuật tạo tác trong từng nét khắc, ở sự dung dị, mộc mạc của chất gỗ mít quen thuộc, ở thần thái và chiều sâu tâm linh. Với tâm nguyện “xây chùa, dựng tượng để tạo ảnh hưởng tốt cho người dân xung quanh” của Thầy trụ trì và tâm huyết “tạo nên một tác phẩm để đời” của nghệ nhân, bức tượng Phật tại chùa Huệ Quang là một sự kết hợp hài hòa viên mãn giữa hình thức và nội dung, giữa tâm ý và hành động thực tiễn. Đây đúng là kiệt tác nghệ thuật để lại ấn tượng khó phai đối với bất kỳ ai có dịp đến chiêm ngưỡng.

Hằng Nga


Nghệ nhân Nguyễn Thuyến (Hà Râu)
Địa chỉ: 361/60/18A, tổ 22, ấp 6, xã Đông Thạnh,
huyện Hóc Môn, TP.HCM.
ĐT: 090 398 2799.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!