HĐ Bất chợt một ngày nào đó, chúng ta bị lạc giữa một nơi xa lạ, không một ai quen biết, không có phương tiện để liên lạc thì phải làm sao? Cảm giác lo âu, sợ sệt, cô đơn luôn vây kín. Nhưng theo bản năng sinh tồn, tất nhiên ta sẽ đến thăm dò nơi mình đang ở, lần mò, nhờ sự trợ giúp để tìm đường thoát khỏi nơi xa lạ này. Người học đạo khi biết mình đang chìm đắm trong dòng sanh tử luân hồi, cần phải thân cận các bậc thiện tri thức, học tập nghiên cứu Kinh điển, nương theo lời Phật, lời Tổ, ứng dụng vào đời sống tu hành để nhận được “kho báu nhà mình”.
Lời dẫn
“Nương Kinh mà hiểu nghĩa, xem giáo lý biết được dấu vết. Rõ mọi thứ vòng, xuyến… đều là vàng, thể nhận muôn vật là chính mình. Tà chánh chẳng biện biệt, chân ngụy nào phân chia. Chưa vào được cửa này tạm cho là thấy dấu”.
Lời bình
Một chiếc thuyền bị mất phương hướng, đang trôi dạt giữa biển khơi, để thuyền được neo đậu vào bờ an toàn, cần phải có chiếc la bàn. Tam tạng Kinh điển ví như chiếc la bàn, là dấu vết để người nương theo tìm về bờ Giác.
“Nương Kinh mà hiểu nghĩa, xem giáo lý biết được dấu vết”.
Trong Kinh Pháp Hoa có ghi lại Đức Thế Tôn ra đời vì một đại sự nhân duyên: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Vậy tri kiến Phật là gì? Tri kiến Phật là thấy, biết như thật, nhìn nhận sự vật đúng như bản chất của nó, chớ thêm vào những vọng tưởng, so sánh, phân biệt. Nhìn thấy đóa hoa chỉ là đóa hoa, núi sông chỉ là núi sông, đừng thêm bớt gì nữa là đang sống với tri kiến Phật. Vì muốn chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật mà bánh xe pháp mãi được lăn chuyển.
Ngày nay, tuy đã xa cách Phật, Tổ nhưng người học đạo vẫn tu tập được là nhờ vào sự dạy dỗ của Thầy Tổ, nương theo Tam tạng Kinh điển, học tập, nghiên cứu, áp dụng theo lời Phật dạy, tự tìm ánh sáng cho chính mình.
Không ai trải đầy hoa hồng trên bước đường đi của mình, dù đời hay đạo. Chén úp trên sóng còn bị khua, hà huống trong đời sống tu tập làm sao tránh khỏi những chướng duyên, thử thách. Khi phiền não thật tối tăm, u ám, nhìn mọi thứ xung quanh đều trở nên chán ngán, tuyệt vọng. Lúc ấy, quả thật si mê biết mấy, chỉ nghĩ đến phiền não trong tâm, không có cách hóa giải. Vậy làm sao để chuyển hóa? Phải thật tỉnh táo, dẹp bỏ phiền não bằng cách đừng nghĩ đến nó nữa, hãy đi đến Tôn tượng của Đức Thế Tôn sám hối thật nhiều, hãy thành tâm sám hối cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Khi tâm đã yên, hãy lật từng trang Kinh, chiêm nghiệm lời Phật dạy để chuyển hóa những phiền não trong tâm. Trong Kinh Pháp Hoa, Phật có dạy: “Ba cõi không an giống như nhà lửa”. Chúng ta chưa thoát ra ba cõi, tức vẫn còn bị tham, sân, si đốt cháy, nên mới chìm đắm trong phiền não, si mê. Nếu biết phiền não là lửa, nó sẽ thiêu đốt giới, thân, huệ mạng của mình, liệu chúng ta có tiếp tục phiền não nữa không? Chẳng bằng tự mình đạp mây mà uống nước cam lồ. Phải nương theo lời Phật dạy để vượt qua những khó khăn, thử thách. Chỉ có hai sự lựa chọn, một là dũng cảm đối mặt, đón nhận thử thách, xem đây như một bài kiểm tra về công phu, xem thử đạo lực tu hành của mình có đủ sức để vượt qua không, dù rất cay đắng gian nan, nhưng tất cả rồi cũng sẽ qua, sau cơn mưa trời lại sáng. Hai là trốn tránh, nếu làm như vậy, mình chính là một người rất hèn nhát, yếu đuối, nếu tiếp tục tránh né thì sự tu sẽ không bao giờ tiến bộ.
Thiền sư Vô Nghiệp mỗi khi giáo hóa học nhân thường bảo: “Chớ vọng tưởng”. Khi phiền não tâm thường suy nghĩ lung tung, nên phiền não càng thêm não phiền. Khi đó, nếu mạnh mẽ, dứt khoát nói lên “Chớ vọng tưởng” thì tất cả phiền não đều chấm dứt. Phiền não có là do vọng tưởng chi phối. Khi buông vọng tưởng là sẽ hết phiền não. Vì vậy, tư lương không thể thiếu trong khi hạ thủ công phu chính là lời Phật, lời Tổ dạy, đó chính là ngọn đèn sáng giúp chúng ta vượt thoát khỏi những si mê, tăm tối.
Đã rõ Phật tánh vốn sẵn có, nhân tu mới hiển lộ. Vậy phải nương nhờ vào Kinh điển, giáo lý để tìm ra dấu vết. Tất cả lời dạy của Đức Thế Tôn không ngoài mục đích khai thị chúng sanh nhận được tâm Phật của chính mình. Kinh Pháp Hoa gọi là tri kiến Phật, Kinh Lăng Nghiêm gọi là Như Lai Tàng Diệu Chân Như Tánh. Còn Mã Tổ thì bảo tức tâm tức Phật, Nam Tuyền Phổ Nguyện bảo rằng: Tâm bình thường là Đạo… tất cả đều là dấu vết cho người vào cửa tâm.
“Rõ mọi thứ vòng, xuyến đều là vàng, thể nhận muôn vật là chính mình”.
Vòng, xuyến, bông tai, nhẫn, tất cả món trang sức trên đều cùng một thể là vàng. Đây là cách nói để nhận ra yếu chỉ “một tức tất cả”, “muôn pháp đều do tâm biến hiện”.
Những bậc Kiến tánh thấy các pháp không ngoài tâm. Thiền Lão Thiền sư đã bảo rằng:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Đối với các bậc Tác gia, “trúc biếc, hoa vàng” cũng chỉ là trúc, là hoa, rõ ràng hiện bày trước mắt, thấy cảnh chỉ là cảnh, không thêm bớt gì cả, không có tình, cũng chẳng hữu ý. Thế gian thì khác, thấy trúc, thấy hoa liền khen, chê, phân biệt. Thế nên, trúc biếc, hoa vàng đâu còn là cảnh, mà đã trở thành những vọng tưởng hư dối. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Muốn thấy, biết như thật cần phải: trăng trong, mây bạc mới hiện được toàn chân. Một khi trăng đã sáng, đã trong, mây mù tan hết thì tất cả đều hiện bày, không có gì sai khác. Còn chúng sanh do vô minh che lấp, vọng tưởng trùng trùng nên không bao giờ thấy, biết đúng như bản chất của sự vật.
Ở thế gian, hè đến là hoa phượng nở. Hoa phượng tự nó không phải là hoa phượng, do nhiều yếu tố hợp thành và cũng do con người đặt tên. Phượng nở là do thời tiết nhân duyên, đến mùa thì nó lại nở. Thế mà đối với những người mang nặng nỗi ưu sầu lại buồn man mác, khắc nỗi nhớ lên cây, rồi lại làm thi sĩ, ngẩn ngơ trước thiên nhiên, thật điên đảo, đáng thương xót làm sao! Họ cứ chạy theo những cảm xúc không thật, những tình cảm lăng xăng mà quên mất cái thấy, biết hiện tiền. Quả là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cũng là hoa phượng, nhưng đối với các em bé làm gì có ưu sầu. Hay đối với người ngoại quốc cũng chẳng biết đây là hoa gì. Chỉ có những người si mê mới ưu sầu, khắc khoải.
Ở đây, dẫn thêm câu chuyện để chứng minh tất cả đều do tâm sanh.
Thiền sư Tư Nghiệp trước kia làm nghề đồ tể. Một hôm, Ngài đang thọc huyết heo, chợt tỉnh ngộ liền đi xuất gia, Ngài có làm bài kệ:
Hôm qua mặt Dạ xoa
Sáng nay mặt Bồ tát
Bồ tát cùng Dạ xoa
Chẳng cách một đường tơ.
Bồ tát hay Dạ xoa là do đâu? Tất cả chỉ do tâm. Dạ xoa là do tâm mình nghĩ ác, làm ác, có những tâm tật đố, tham lam, bỏn xẻn. Còn khi mình nghĩ thiện, làm thiện, biết bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, thiền định thì lúc đó trở thành Bồ tát. Vậy Bồ tát với Dạ xoa cách nhau bao xa? Không cách một đường tơ.
Trong cuộc sống, khi một việc bất như ý xảy ra, nghe ai đó nói nặng, lúc đó mình sẽ sân si đùng đùng mắng lại, mặt mày đỏ ửng, mắt trợn trắng, tay chân múa máy, lúc đó có phải là Dạ xoa không? Ngược lại, ngay khi đó mình giữ được chánh niệm, nghe chỉ là nghe, không chạy theo âm thanh sẽ không khó chịu, cãi vã, liền trở thành Bồ tát. Cũng là một việc, một hoàn cảnh, nhưng do cách ứng xử, cách tu tập của mình nên có những sai khác. Thế nên, tất cả cũng chỉ do tâm.
“Tà chánh chẳng biện biệt, chân ngụy nào phân chia”.
Đối với một sự việc, một đối tượng nào đó, thông thường người đời hay phân biệt rành rẽ một là đúng hai là sai, hoặc là tà hoặc là chánh. Con người luôn đưa ra một khái niệm, một cái khuôn để đánh giá sự việc và sẽ đóng khung trong cái khuôn đó, khó mà thay đổi được. Ví dụ, một người trước kia từng trộm cắp phạm luật hình sự, bị đi tù. Trong quá trình cải tạo, người ấy biết được việc làm của mình là sai trái, nên rất ăn năn, hối hận và nguyện sẽ không tái phạm nữa. Khi ra tù, họ biết trân trọng cuộc sống, mong muốn làm lại cuộc đời mới lương thiện hơn. Nhưng xã hội lại kỳ thị, xa lánh họ. Mọi người dùng cặp mắt nghi ngờ, vẫn nghĩ rằng đây là người xấu, đã từng trộm cắp. Định kiến là như thế, chính vì những suy nghĩ cố chấp, bảo thủ nên thế gian mãi là một trường đau khổ. Chúng sanh chìm đắm trong những chuyện đúng – sai, phải – quấy, tà – chánh, chân – ngụy, nên không bao giờ sống với chơn hạnh phúc, với con người thật của mình.
Còn đối với những bậc sáng mắt đã sống được với bản tâm thanh tịnh thì thấy rốt ráo “Xưa nay không một vật”. Đến như trong ấy, một vật cũng không thì làm gì có tà chánh, chân ngụy, chỉ là một thể Như Như tròn đầy.
Đức Thế Tôn là bậc Thầy vĩ đại của chư Thiên, loài người. Sự hóa độ chúng sanh của Ngài thật hy hữu, không trừ bất cứ một hạng người nào. Dù căn cơ thấp kém hay ở giai cấp bần cùng, Ngài đều không so sánh, phân biệt cũng không phân chia chân – ngụy, tà – chánh.
Đức Như Lai không chỉ thuyết pháp cho hạng người quyền quý như vua Bạc Đề Ca, mà cũng thuyết pháp cho hạng người bần cùng như ông Ưu Ba Ly; không riêng thọ lãnh sự cúng dường của những người giàu có như ông Tu Đạt Đa, mà cũng thọ lãnh sự cúng dường của các hạng nghèo khổ như ông Thuần Đà; không riêng cho phép xuất gia các hạng không có tánh tham như Ngài Ca Diếp, mà còn cho phép xuất gia những người có nhiều tánh tham như ông Nan Đà; không những thuyết pháp cho những người an tịnh không dự việc đời, mà cũng thuyết pháp cho vua Tần Bà Sa La trong lúc đang bận rộn việc nước; không những thuyết pháp cho hạng thanh niên trẻ tuổi, mà cũng thuyết pháp cho cụ già tám mươi tuổi; không những thuyết pháp cho hoàng hậu Mạt Ly, mà còn thuyết pháp cho kỹ nữ Liên Hoa.
Vậy thì trong đây, đâu là chánh đâu là tà, đâu là chân đâu là ngụy. Chớ dùng ý thức để luận bàn, cần phải biết rằng tà – chánh, chân – ngụy, đúng – sai, phải – quấy tất cả đều do tâm sanh. Khi tâm không còn tạo tác, so sánh, phân biệt thì tà chánh chẳng biện biệt, chân ngụy nào phân chia.
Thiền sư Tiệm Nguyên Trọng Hưng làm thị giả cho Thiền sư Đạo Ngô. Có một lần bưng trà dâng Thầy, Thiền sư Đạo Ngô liền chỉ vào tách trà nói:
– Là tà hay chánh?
Thiền sư Trọng Hưng liền đi đến gần Thầy, mặt đối mặt nhưng hoàn toàn không nói một câu. Thiền sư Đạo Ngô bảo:
– Tà thì đều là tà, chánh thì đều là chánh.
Thầy thị giả lắc đầu để bày tỏ ý kiến.
– Con không cho như thế!
Thiền sư Đạo Ngô hỏi:
– Cách nhìn của ông thế nào?
Thầy thị giả liền giật tách trà trong tay của Thầy, lớn tiếng hỏi:
– Là tà hay là chánh?
Thiền sư Đạo Ngô vỗ tay cười, nói:
– Ông chẳng hổ thẹn là thị giả của ta.
Thiền sư Trọng Hưng liền đảnh lễ Thiền sư Đạo Ngô.
Là tà hay là chánh phải trình ngữ làm sao? Thiền sư Đạo Ngô và Thị giả Trọng Hưng đều là những bậc đã ngộ đạo. Cho nên, tà, chánh đều thấy không hai, không vướng bên tà cũng chẳng kẹt bên chánh, cái nhìn đã vượt ngoài sự vật đối đãi, rõ biết “Trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư”. Một người đã khế hợp với chân tâm thì thấy tất cả đều là Phật pháp, cỏ, cây, hoa, lá, núi sông đều là Phật pháp. Người tỉnh, người mê, người tà, người chánh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật, đây là đứng trên bản thể mà nói. Còn người si mê dù đối diện với Phật cũng bị lầm qua. Do tâm phân biệt, so sánh, vọng tưởng quá nhiều nên mới thấy có tà, chánh, chân, ngụy.
Đến như Viện chủ Hướng may mắn gặp được Thiền sư Thiên Nhiên Đơn Hà, tất cả mọi sở chấp đều tan vỡ.
Thiền sư Thiên Nhiên Đơn Hà đến chùa Huê Lâm, gặp lúc trời đại hàn. Sư bèn thỉnh Phật gỗ để đốt, để hơ, Viện chủ Hướng trông thấy quở:
– Sao đốt tượng Phật của tôi?
Sư lấy gậy bới tro và nói:
– Tôi thiêu lấy Xá lợi.
Viện chủ bảo:
– Phật gỗ làm gì có Xá lợi?
Sư bảo:
– Đã không có Xá lợi thì thỉnh hai vị nữa thiêu.
Viện chủ Hướng nghe câu nói này, tất cả chấp đều tan vỡ.
Viện chủ Hướng đã tan vỡ mọi sở chấp, còn chúng ta thì sao? Chúng ta cứ lầm chấp vào những hình tướng bên ngoài, cho rằng tượng Phật bằng gỗ, xi măng là thật, đụng đến là không được. Nhưng đâu biết rằng hình, tượng Phật chỉ là phương tiện nhắc chúng ta nhớ lại vị Phật nơi chính mình. Vị Phật thật vẫn luôn hằng hữu, khi lạy Phật, tụng Kinh, niệm Phật, tọa thiền, làm việc, đó là gì? Cái gì biết rõ ràng từng cử chỉ, hành động mà không bị lầm qua? Người học đạo thời nay không nhận chân được lẽ thật là do chấp trước, phân biệt quá nhiều. Thế nên, trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán có dạy: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”. Muốn đến được chỗ chân thật, chí đạo hoàn toàn không khó, chỉ đừng giản trạch, biện luận, so sánh, phân biệt là sẽ gặp được. Đây là những dấu vết cho chúng ta lần mò để tìm được trâu. Đến đây là đã có tin vui cho khách phong trần rồi.
Lời tụng
Âm
Thủy biên lâm hạ tích thiên đa
Phương thảo ly phi kiến dã ma
Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ
Liêu thiên tỷ khổng chẩm tàng tha.
Nghĩa
Mé nước ven rừng dấu dấu kìa
Cỏ thơm ngang ngửa trốn đâu a
Dẫu cho núi thẳm sâu sâu thẳm
Lỗ mũi chọc trời đã hiện ra.
Lời bình
“Mé nước ven rừng dấu dấu kìa”.
Đã có dấu vết của trâu, thấy những dấu chân của nó ở nơi mé nước, ven rừng. Chú trâu này hoang dại quá, cứ mải mê rong chơi mà không biết đường về. Cũng may vẫn còn dấu vết để lần mò. Xem như sắp tìm được trâu rồi.
“Cỏ thơm ngang ngửa trốn đâu a”.
Lần theo mé nước, ven rừng thấy những đống cỏ nằm ngang ngửa, biết được trâu đã đi qua, đã gặm nhắm từng đống cỏ. Dấu vết vẫn còn đây, chỉ cần kiên nhẫn tìm kiếm thêm chút nữa là sẽ tìm được trâu.
“Dẫu cho núi thẳm sâu sâu thẳm”.
Dù núi non xa xôi hiểm trở, nhưng vẫn quyết chí tìm cho được. Ban đầu, không có dấu vết nên dễ thối chí, nản lòng. Bây giờ, đã phát hiện tung tích của y, nên bằng mọi giá phải bắt được trâu về. Phen này xem nó trốn ở đâu.
“Lỗ mũi chọc trời đã hiện ra”.
Lỗ mũi đã lồ lộ hiện ra, đã hiện bày tất cả dấu vết của trâu. Nhìn lại quá trình tìm trâu từ những bụi cỏ, cánh đồng cho đến mé nước, ven rừng, cuối cùng cũng đã lần mò ra được, không một chút nghi lầm. Chú mục đồng đã được nhẹ nhõm, sắp tìm được trâu nên cũng yên lòng.
Thấy được dấu là đã có tin tức. Sau những ngày tháng theo Thầy học đạo, từ những bài Kinh, những bài ngữ lục của chư vị Tổ sư giúp chúng ta ngày một sáng tỏ, biết được thế nào là chân, thế nào là vọng, biết được đầu mối của sanh tử luân hồi. Ví như có tấm bản đồ trên tay, chỉ cần đi theo là sẽ tới nơi. Người học đạo ở giai đoạn này niềm tin đã vững chắc. Lúc đầu tìm tâm không một chút tin tức nên còn hoang mang, lo sợ cũng không dám nhận lại “kho báu nhà mình”, đến đây đã thấu suốt, biết rõ chân tâm trùm khắp pháp giới, đó là tư lương để chúng ta từng bước, từng bước tiến tu. Về lý, tuy đã nhận ra mình có bản tâm thanh tịnh, nhưng về phần sự vẫn chưa trọn vẹn. Chỉ là những dấu vết nhỏ, cần phải trì chí thực hành để sống trọn vẹn với tâm Phật. Bởi lẽ “Đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm”. Tuy đã nhận ra vị Phật nơi chính mình, nhưng nhiều đời đã trôi lăn trong sanh tử, rất dễ nhiễm ô theo trần tục, có những thói hư, tật xấu chưa chuyển hóa được, nên rất dễ buông lung phóng túng theo trần cảnh, làm giải đãi công phu tu tập.
Lệ Quang