Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023

Bóng mẹ

  Đã mấy tháng rồi, tôi canh cánh bên lòng nghĩ đến ngày tưởng niệm 20 năm ngày Bổn Sư viên tịch, 20 năm tuy không dài lắm nhưng có rất nhiều đổi thay.

Khi có mặt ở Tổ đình Hồng Ân, nhiều cảm xúc trong tôi xen lẫn. Trong nỗi buồn nhớ Người, vị Tôn sư khả kính, tôi hồi tưởng những ngày được sống cạnh Thầy, song một số chị em chúng tôi lại không đủ căn cơ để tiếp nhận được những áo nghĩa nhiệm mầu mà Thầy muốn truyền trao. Nhưng chúng tôi vui vì thấy một số tỷ muội đã trưởng thành và đang gánh vác các Phật sự để tiếp nối hạnh nguyện của Thầy.

Ngày xưa, bước chân vào Đạo, ngoài việc học tập Phật Pháp, tôi vẫn mang hoài bão là sẽ thi vào trường cán sự điều dưỡng hoặc đại học y để về sau có điều kiện được chăm sóc những người bệnh nhân nghèo, khốn khó. Nhưng sau đó, Bổn Sư tôi là Ni trưởng thượng Diệu hạ Không lại muốn tôi ghi danh học khóa xã hội học, một phân khoa nhỏ của Đại học Vạn Hạnh, được học riêng tại Tổ đình Từ Nghiêm.

Ở khóa học này, chương trình đào tạo chỉ có 2 năm, nhưng được giảng dạy rất nhiều môn thuộc các lĩnh vực: Giáo dục, giáo dục cộng đồng, từ thiện- xã hội, y tế và kinh tế,… mục đích nhằm nâng cao đời sống của đồng bào ở miền núi, vùng quê xa xôi, hẻo lánh.

Chương trình học tập quá rộng, tôi biết khả năng mình không thể quán triệt hết nên chỉ tập trung vào các môn như: Tâm lý giáo dục (Sư phạm mầm non, tiểu học), y tế và giáo dục cộng đồng. Sau khi ra trường vào năm 1967, tôi được Ni trưởng Bổn Sư đưa về làm việc tại Cô nhi viện Tuy Hòa (Phú Yên) rồi về Cô nhi viện Diệu Định (Đà Nẵng), chính nơi đây khi phụ trách phòng y tế, với công việc khám chữa bệnh, tôi đã có nhân duyên gần gũi hai trẻ Hoàng Định Đức và Hoàng Định Trí (hiện giờ là ca sĩ Randy – người Việt lai Mỹ).

Trong năm nay, vào ngày 04/06/2017 diễn ra buổi họp mặt của trên hai trăm đoàn sinh Cô nhi viện Diệu Định (Đà Nẵng), Cô nhi viện Tây Lộc (Huế) và Cô nhi viện Đức Sơn (Huế) đang sinh sống trên khắp mọi miền đất nước; các em đã về Đà Nẵng để cùng dự lễ tưởng niệm ân Sư (trong đó có quý Ni trưởng, quý Ni sư là những người mẹ tâm linh đã dày công nuôi dạy các em từ những năm 1968 – 1975 và Cô nhi viện Đức Sơn 1988 – 2017).

Hôm ấy Ban tổ chức lễ họp mặt đã mời tôi đại diện Ban điều hành các Cô nhi viện Diệu Định, Tây Lộc và Đức Sơn phát biểu cảm tưởng, tôi đã chia sẻ ấn tượng sâu sắc về hai cháu Hoàng Định Đức và Hoàng Định Trí là hai trẻ sống tại Cô nhi viện Diệu Định.

Tôi còn nhớ như in, vào một buổi chiều khoảng 18 giờ, chúng tôi nhận được một em bé khoảng 2 tháng tuổi do Phật tử đem đến gửi, bé đang thoi thóp thở như cận kề cái chết, toàn thân có những vết bầm tím, hậu quả của cuộc cãi vã ấu đả của bố mẹ mà em bé trở thành nạn nhân của họ. Khi ấy, chính bản thân tôi và bà bảo mẫu phụ trách phòng nhà trẻ đã bế cháu ra đường để đón xe Jeep nhà binh đưa cháu về bệnh viện. Tâm trạng hốt hoảng tưởng như hoàn toàn thất vọng trước bệnh tình của bé, nhưng nhờ sự tận tình của các y bác sĩ cùng sự chăm sóc của chúng tôi tại bệnh viện lớn ở thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ, đúng một tuần sau, em bé này được cứu sống.

Chúng tôi đặt tên cho cháu là Hoàng Định Đức (nhờ phước đức tổ tiên của cháu và Tam bảo gia hộ), bé rất chóng lớn, nước da trắng ửng hồng dễ thương nên mọi người trong viện đều ưu ái đặc biệt. Hoàng Định Trí là em bé Mỹ lai rất đô con, cháu mới 10 tháng tuổi mà đã nặng trên 10kg, quá nặng so với trẻ bình thường. Mỗi ngày sau bữa tiểu thực sáng, tôithường đến phòng nhà trẻ để thăm và cho các cháu uống thuốc. Bé Hoàng Định Trí thấy tôi thì hết sức vui mừng, thường đưa hai tay vẫy và đòi bế, mong được sự quan tâm gần gũi của người thân quen.

Biết thế, nên lúc nào khám bệnh và cho các bé dùng thuốc xong tôi đều bế cháu từ 5 – 10 phút, những lúc này tôi cảm thấy Định Trí vô cùng thích thú. Vì vậy mỗi chiều sau 17 giờ, tôi động viên các cháu lớn đến phòng nhà trẻ bế những em bé ra sân để nhìn các anh chị chơi vũ cầu, nhảy lò cò. Hoàng Định Trí và những cháu khác rất vui khi được nhìn các anh chị lớn chơi nhiều trò chơi dân gian ở trong sân của cô nhi viện.

Các cháu lớn lên qua những năm tháng êm đềm ở cô nhi viện. Nhưng sau đó vì hoàn cảnh, tôi phải thuyên chuyển về Huế và làm việc tại trạm xá Hồng Ân “khám chữa bệnh miễn phí”. Bao năm qua đi, nhưng hình ảnh của hai cháu Hoàng Định Đức và Hoàng Định Trí vẫn còn in mãi trong tâm trí tôi. Tôi luôn nghĩ không biết các cháu giờ đây đã lưu lạc về đâu?
May thay, nhân dịp họp mặt giữa chúng tôi là những người ở trong Ban điều hành và cựu đoàn sinh của các Cô nhi viện, bất ngờ tôi hỏi thăm hai cháu Đức và Trí, thì được biết thông tin từ anh Lê Tất Tri (ngày ấy là huynh trưởng hướng dẫn các em đoàn sinh tại Cô nhi viện Diệu Định mỗi tuần) cho biết Hoàng Định Đức đã chết và Hoàng Định Trí bây giờ là ca sĩ Randy- một ca sĩ nổi tiếng đang định cư tại Hoa Kỳ.

Sau đó, tôi thuật lại nội dung của buổi họp mặt tại Đà Nẵng, một Ni cô trong chùa tìm hiểu trên Internet và cho tôi xem những hoạt động hiện nay của Randy (Hoàng Định Trí). Tôi không ngờ được những nỗi vất vả, gian truân mà Randy phải chịu đựng trong nhiều năm tháng qua, làm tôi vô cùng xúc động. Tôi thấu cảm nỗi lòng khao khát được gặp lại mẹ trong nhiều bài hát Randy sáng tác về Mẹ như Hát lời mẹ ru, Nơi ấy mẹ mong, Ơn nghĩa sinh thành, Hỏi mẹ, Lòng mẹ, Xuân này bên mẹ và đặc biệt là tâm sự “Tìm mẹ giữa biển đời” của Randy.

Mẹ
Tác giả: Randy
Mẹ bỏ ra đi lúc con còn bé nhỏ
Không biết bây chừ mẹ ở nơi mô
Một mình chơi vơi,
Không ai thương mến nuông chiều
Bao nhiêu khó nhọc một mình cưu mang
Mẹ giờ nơi mô con đang chờ trông mẹ
Có biết con buồn nhớ mẹ nhiều lắm không?
Mẹ hiền yêu ơi đớn đau, đau đớn vô cùng.

Xa cha mất mẹ đâu còn có gì buồn hơn…
Ôi… không ai thương xót cho mình
Không ai chia sẻ chút tình mẫu thân
Một mình một bóng đơn côi
Có ai biết được tôi cần tình thương
Có ai biết được tôi cần mẹ yêu
Mẹ bỏ ra đi lúc con còn bé nhỏ
Bao tháng năm dài chưa từng biết mẹ là ai
Mẹ hiền yêu ơi thấu chăng cho nỗi ngậm ngùi
Xa cha mất mẹ đâu còn có gì buồn hơn…

Viết đến đây, tôi lắng đọng tâm tư thầm cầu nguyện Đức Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ cho Randy sớm tìm gặp lại mẹ để bù đắp những chuỗi ngày lận đận, cô đơn trong kiếp sống đầy nghiệt ngã khổ đau.

Bây giờ Randy là một nghệ sĩ nổi tiếng. Về vật chất, anh không còn thiếu thốn như xưa, về gia đình, anh đã trải qua ba cuộc hôn nhân, hiện có hai trai, một gái nhưng vẫn chưa có một mái ấm ổn định. Người mẹ đã cưu mang Randy trong chín tháng mười ngày không biết đang lưu lạc nơi nào, còn sống hay đã mất? Sự tìm kiếm về dấu vết người mẹ đẻ vẫn còn là nỗi thao thức sâu thẳm của một người nghệ sĩ có hiếu tâm sâu sắc. Biết đâu khi tìm được mẹ, Randy sẽ có đời sống tình cảm thăng bằng và một mái ấm bình yên ở bất cứ nơi đâu?
Để cho Randy sớm tìm được gốc tích của mẹ, tôi xin xác nhận ca sĩ Randy Hoàng Định Trí đã từng sống ở Cô nhi viện Diệu Định vào những năm 1968 – 1975 trước ngày giải phóng đất nước. Cô nhi viện Diệu Định là địa chỉ chính xác mà Randy được nương tựa trong 6 năm. Bà mẹ nào đã vì hoàn cảnh của cuộc sống mà rứt lòng đem gửi Randy vào cô nhi viện hãy nên mạnh dạn tìm đến chúng tôi để xác chứng.

Sự thật thông tin: ca sĩ Randy Trần Quốc Tuấn sinh ngày 25/ 01/1971 (có lẽ đây là cái tên do cha mẹ nuôi đã đặt cho cháu khi làm khai sinh mới, hơn nữa họ là người thôn quê nên thường có thói quen nhầm lẫn không phân biệt rõ giữa Ni cô và Soeur tại các chùa và nhà thờ) vì vậy cần cứu xét thận trọng, may ra người mẹ ruột của Randy biết được sự thật để nhận lại con mình. Riêng bản thân tôi chỉ mong ước hai mẹ con Randy (Hoàng Định Trí) sớm có ngày đoàn tụ.

Nếu định mệnh đưa đẩy giúp cho tâm nguyện của tôi hôm nay được thành tựu, thì những dòng cảm niệm này sẽ không phí sức và ý tưởng của Bổn sư chúng tôi hướng dẫn tôi đi vào con đường xã hội là một quyết định đúng đắn và tuyệt vời nhất.
Hôm nay ngồi ôn lại công hạnh và sự nghiệp tu học của cố Ni trưởng về các mặt: giáo dục, văn hóa, từ thiện- xã hội,… Mặt nào Ni trưởng cũng hoạt động xuất sắc, riêng hoạt động từ thiện – xã hội Ni trưởng đã có ảnh hưởng sâu đậm đến chị em chúng tôi, đưa đến mối lương duyên học tập noi bước Người.

Thành quả về từ thiện – xã hội của quý Ni trưởng còn lưu lại và được tiếp nối cho đến nay: Cô nhi viện Diệu Giác (quận 2, TP Hồ Chí Minh) do Ni sư Huệ Trí đảm nhận; Cô nhi viện Đức Sơn (Thừa Thiên Huế) do Ni sư Minh Tú đảm nhận; Cô nhi viện Ưu Đàm do Sư cô Phước Thiện điều hành; Viện dưỡng lão Diệu Viên do Ni sư Diệu Đàm đảm nhận, Viện dưỡng lão Tịnh Đức do Ni sư Liên Tu đảm nhận; cùng với các trường dạy nghề Tây Linh của Ni trưởng Như Minh, Trường khuyết tật và dạy nghề Long Thọ của Sư cô Thoại Châu. Ngoài ra, cần kể thêm một số trường mẫu giáo còn hoạt động như: Diệu Đế, Quảng Tế, Hồng Đức, Diệu Viên, Ngự Bình, Diệu Nghiêm, Hoa Nghiêm, Phò Quang,… Không những thế, quý Ni trưởng, quý Ni sư còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ tiền học bổng hằng năm cho các em học sinh, sinh viên nghèo trong thành phố và một số huyện thị khác.

Trong lĩnh vực y tế tại Thừa Thiên – Huế còn có Tuệ Tĩnh đường Hải Đức và nhiều Tuệ Tĩnh đường khác đã tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Mỗi năm, đã khám và chữa bệnh cho trên 50 ngàn bệnh nhân. Tổng chi phí trên 2 tỷ đồng, chưa kể những lần viếng thăm, trợ giúp các bệnh nhân phong cùi tại Thừa Thiên – Huế và nhiều tỉnh thành khác. Đó là những minh chứng rất cụ thể về dấu ấn sâu đậm nhất mà quý Ni trưởng và Ni trưởng Bổn sư chúng tôi đã để lại cho đời. Ngoài các cơ sở kể trên, hằng năm vào các dịp lễ Vu Lan, Phật Đản, Tết Nguyên Đán và những lúc có thiên tai bão lụt, Ni trưởng Như Minh, Minh Tánh (Chùa Long Thọ ̣- Huế), Ni sư Minh Tú, Diệu Đàm và chị em chúng tôi trong Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tích cực thăm viếng, cứu trợ, giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện miền núi, vùng đồng bằng ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và nhiều tỉnh thành khác mỗi năm từ 4 -5 tỷ đồng.

Sự ra đời của Cô nhi viện Đức Sơn, Ưu Đàm (tiếp nối Cô nhi viện Tây Lộc) gặp giai đoạn kinh tế quá khó khăn nhưng Ni trưởng Minh Đức, Ni sư Minh Tú và Sư cô Phước Thiện đã khắc phục để các Cô nhi viện được tồn tại, phát triển bền vững có tiếng tăm ở trong nước và nước ngoài. Số lượng các cháu là trên 200. Nhiều cháu vốn xuất thân từ các cơ sở nói trên, đã thành đạt trong cuộc sống và đặc biệt có một số cháu đang du học ở nước ngoài.
Nếu như những năm sau 1975 kinh tế không quá khó khăn, tàn dư của chiến tranh sớm qua đi thì Cô nhi viện Diệu Định ở Đà Nẵng cũng có thể còn hoạt động, cháu Hoàng Định Trí sẽ được tiếp tục học tập và trưởng thành như những đứa trẻ khác ở Cô nhi viện Đức Sơn, và sẽ sớm tìm lại người mẹ ruột của mình. Mong mỏi lớn nhất của những người làm công tác xã hội như chúng tôi không quá lớn lao, chỉ mong các cháu trong cô nhi có được cuộc sống như bao trẻ em khác trên thế giới.

Đó chính là tấm lòng của chúng tôi. Những người được các cháu trong cô nhi có khi cất tiếng gọi… Mẹ!

Tình mẹ, một tình cảm thiêng liêng, cao quý luôn hiện hữu trong mỗi người con. Giờ đây, các cháu không chỉ dành tình cảm ấy cho đấng sinh thành của mình mà chúng tôi cũng đã được đón nhận tình cảm thiêng liêng ấy. Có lẽ vì chúng tôi đã mang tâm hồn của người Mẹ, người Thầy để săn sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ các cháu.

Trong tập thơ “Diệu Không Thi Tập – Ni trưởng Thích nữ Diệu Không” có bài “Lòng Mẹ” đã nói về tâm tưởng ấy.
“… Thuyền từ muôn bến thường qua lại,
Đưa khách trần lao vượt khỏi dòng… ”

… THUYỀN TỪ – Tấm lòng của người Mẹ tâm linh cũng như người Mẹ huyết thống, dù khó khăn vất vả trong mọi hoàn cảnh các Mẹ vẫn luôn dạt dào, sâu thẳm mãi hướng về hình bóng các con mong có đời sống vật chất và tinh thần được đong đầy.

… ĐƯA KHÁCH… VƯỢT KHỎI DÒNG – Giúp cho những cháu nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi không nơi nương tựa có cuộc sống đủ đầy khi thiếu vắng tình thương của mái ấm gia đình, cũng như các Sư cô trẻ sớm từ giã gia đình phát tâm vào chốn thiền môn tu học; cả hai đối tượng này đều được đời sống tâm linh hỗ trợ cho họ đạt được nhiều điều tốt đẹp. Chỉ vậy là đã đạt ước nguyện bấy lâu!

Thích Nữ Diệu Đạt

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!