Thứ Bảy, 30 Tháng Chín 2023
Lối sống Bông hồng cài áo

Bông hồng cài áo

Hằng năm cứ đến mùa Vu Lan, tại các Thiền môn, tự viện, các tổ chức Phật giáo đều có lễ “Bông hồng cài áo”.

Như chúng ta đã biết, không chỉ riêng dân tộc Việt Nam, không chỉ riêng đối với Phật giáo, mà có thể nói tất cả các quốc gia trên thế giới, tất cả các tôn giáo đều lấy chữ hiếu làm đầu: Hiếu đạo vi tiên. Mỗi quốc gia có mỗi phong tục tập quán khác nhau, mỗi tôn giáo có tôn chỉ khác nhau, nên chữ hiếu cũng được thể hiện theo mỗi hình thức khác nhau nhưng không ngoài mục đích là để cho con cái biết nghĩ tưởng đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Từ thập kỉ sau của thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam đã bắt đầu có lễ “Bông hồng cài áo” trong mùa Vu Lan báo hiếu. Cho đến nay đã trở thành buổi lễ truyền thống không thể thiếu, ngày càng phát huy rộng rãi như rừng hoa đua nở ngọt ngào hương thơm.
Lễ bông hồng cài áo, nếu chúng tôi không lầm, có nguồn gốc từ phương Tây, phát xuất từ “Ngày của mẹ” (Mother day), Thiền sư Nhất Hạnh đã đưa vào Việt Nam qua tác phẩm nổi tiếng “Bông hồng cài áo” của Ngài.

Có được cuộc sống trên đời, không ai không phải do từ cha mẹ sanh đẻ, không ai không phải do từ công ơn dưỡng dục của cha mẹ ngay từ thuở mới lọt lòng. Hạnh phúc cho những ai còn cha còn mẹ. Một đóa hoa hồng cài lên ngực áo phía trái tim là để nhắc nhở bổn phận làm con luôn luôn phải nghĩ nhớ đến công ơn trời biển của cha mẹ đã cho ta được vóc dáng hiện nay. Hoa hồng biểu trưng cho tình cha huyết mẹ, cho tình cảm thân thương nồng thắm, cho sự ràng buộc không thể tách rời giữa hơi mẹ và hơi thở con, như trăm dòng máu đỏ đều xuất phát từ trái tim, về lại trái tim, luân lưu không ngừng nghỉ. Trái tim không mang lý trí, trái tim chỉ chứa chan tình cảm giữa mẹ và con.

Bất hạnh cho những ai không còn mẹ. Cha mẹ không còn có mặt trên đời nhưng hình ảnh cha mẹ trong con vẫn luôn là bất biến, lúc nào cha mẹ cũng có trong con. Đại tang của cha mẹ con mang theo suốt trọn cuộc đời (chung thân chi tang). Bông hồng màu trắng biểu trưng cho sự thuần khiết, cho lòng tưởng nhớ không nguôi đến các đấng sinh thành dưỡng dục. Hình bóng của cha mẹ dù đã đi xa nhưng trong tâm hồn con luôn luôn thương nhớ gởi về. Nhìn thấy đóa hoa trắng cài nơi trước ngực như cảm nhận được hơi thở của cha mẹ đang còn bên cạnh cuộc đời.

Mẹ mang nặng đẻ đau, cha nuôi dưỡng cho ta nên người, công lao to lớn ấy dù cho suốt cả cuộc đời vai vác cha lưng cõng mẹ cũng không thể bù đắp lại muôn một. Chữ hiếu phải được thể hiện bằng tinh thần thuần khiết nhất. Dù mẹ cha đang còn tại thế hay đã qua đời thì tinh thần thuần khiết ấy với con vẫn không bao giờ thay đổi. Ngày nào cũng đều là ngày Vu Lan. Mùa nào cũng là mùa báo hiếu. Ở vào thời điểm nào, bông hồng cài áo cũng đều mang đầy ý nghĩa thiêng liêng cao cả.

Kim Hoa

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!