Thứ Ba, 16 Tháng Tư 2024
Phật họcNghiên cứuBình đẳng trong Phật giáo

Bình đẳng trong Phật giáo

  (Tham luận Hội thảo Sakyadhita lần thứ 16 tại Úc năm 2019)

Chủ đề của Hội thảo Sakyadhita năm 2019 “Những chân trời mới trong Phật giáo” là một lời nhắc nhở phù hợp rằng, Phật giáo phải duy trì một quan điểm rộng lớn và thích ứng với những thay đổi do các khoảng thời gian và văn hóa khác nhau mang lại.

Trong hành trình học Phật pháp, hai điều về Phật giáo đã tác động sâu sắc đến tôi. Đầu tiên là ý tưởng về Phật tính. Ở đó, mọi chúng sanh đều bình đẳng về khả năng đạt được Phật quả. Thứ hai, mọi thứ trên thế giới đến với nhau, kết hợp lại do nhân quả. Chừng nào chúng ta thực tập chánh niệm và chánh nghiệp để liên tục thanh lọc Tam nghiệp trong đời sống hàng ngày, chừng đó chúng ta mới có thể tạo nên sự giải thoát cho bản thân và trở thành người thầy của chính mình, ngay cả khi vô thường đến. Đó là lý do vì sao Thầy tôi – Hòa thượng Tinh Vân – ủng hộ việc thực hành ba việc tốt trong đời sống hàng ngày: “Làm việc tốt, nói lời tốt, nghĩ điều tốt”.1

Hôm nay, tôi muốn nói về “bình đẳng trong Tăng đoàn xuất phát từ kinh nghiệm tu tập của tôi trong gần ba mươi năm.”

Chúng ta đều biết bình đẳng là gì, nhưng nó có dễ thực hành không? Trong văn hóa Trung Quốc, đàn ông luôn được coi trọng và được coi là ưu việt hơn nữ giới. Khi một Tăng đoàn giảng dạy theo “sự bình đẳng của tất cả chúng sanh”, phải đối mặt với những chuẩn mực xã hội về sự bất bình đẳng, liệu nó có gặp phải những thách thức tương tự? Câu trả lời là “có”.

Có lần tôi đến thăm một chùa cổ. Có hai điều về chuyến thăm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi.

Thứ nhất, chúng tôi bắt gặp một vị Ni đang dọn dẹp. Tôi cùng vị Tăng hướng dẫn đi ngang qua, vị Tăng ấy đã hét lên với vị Ni một cách bất lịch sự và tất nhiên vị Ni đã rất sợ hãi. Điều tôi chứng kiến không phải là sự giao tiếp giữa Tăng và Ni, mà là giữa ông chủ và đầy tớ.

Thứ hai, chúng tôi đã gặp một vị Tăng khoảng 50 tuổi, vị Tăng hướng dẫn ngay lập tức nhắc nhở tôi rằng tôi nên lạy ba lạy khi nhìn thấy một vị Tăng. Tôi đã không hoàn toàn hiểu được những điều thầy ấy nói và đã không đáp lại đúng lúc. Đương nhiên, tôi đã không cúi lạy.

Tại sao tôi lại không thể phản ứng? Bởi vì tôi chưa từng làm như vậy trong những năm tu tập của tôi. Từ khi tôi đến Phật Quang Sơn để học Phật pháp lúc 21 tuổi, Thầy tôi đã dạy tôi về sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Khi nhìn thấy ai đó, chúng tôi mỉm cười và chào hỏi họ một cách lịch sự, tôn trọng. Đồng thời, để đối phó với sai lầm của Phật giáo về việc mọi người phải cúi lạy mỗi lượt, Hòa thượng nhắc nhở chúng tôi rằng, việc cúi lạy ai đó trên đường phố hoặc nơi công cộng là một điều rất khiếm nhã, vì nó cũng bất tiện cho họ. Nếu ai đó muốn phủ phục, người đó nên đến điện thờ để làm như vậy. Vì vậy, khi tôi gặp các Tăng Ni tại Phật Quang Sơn, tôi luôn chắp tay lại để chào họ. Tương tự, khi gặp một vị khác, chúng tôi cũng chắp tay để chào hỏi nhau. Tại Phật Quang Sơn, điều tương tự cũng áp dụng cho nam giới và nữ giới, già và trẻ, tu sĩ và cư sĩ.

Phật Quang Sơn là một tu viện bao gồm cả Tăng và Ni. Mặc dù sự tương tác giữa tu sĩ và cư sĩ, nam giới và nữ giới, trẻ và già bị hạn chế bên ngoài các cuộc họp và sự kiện, nhưng chúng ta là những huynh đệ trong đạo, những người đối xử với nhau bằng sự bình đẳng, tôn trọng và tình bạn tâm linh. Văn hóa bình đẳng ở Phật Quang Sơn đến từ đâu? Tôi nêu ra ba điểm sau đây để thảo luận: Giáo dục, hệ thống đền chùa và truyền bá Đạo pháp.

1. Bình đẳng trong giáo dục

Hòa thượng Tinh Vân có lý tưởng nhấn mạnh giáo dục và bồi dưỡng nhân tài, bởi vì đây là cách duy nhất để đảm bảo tương lai của Phật giáo. Do đó, đây là nỗ lực đầu tiên Hòa thượng Tinh Vân đảm nhận khi thiết lập Phật Quang Sơn vào năm 1967. Hiện nay, vào năm thứ 53 Phật Quang Sơn được thành lập, Trường Đại học Tòng Lâm 2 đã đào tạo hơn 1.300 Tăng Ni hiện đang phục vụ khắp năm châu trên thế giới để truyền bá giáo lý của Đức Phật và thúc đẩy Phật giáo Nhân gian.

Trường Đại học Tòng Lâm của Phật Quang Sơn khác với các trường Phật giáo khác về thực hành bình đẳng. Hầu hết các trường Phật giáo Trung Hoa chỉ chấp nhận các sinh viên xuất gia, nhưng Trường Đại học Tòng Lâm cũng chấp nhận sinh viên là cư sĩ, cung cấp cho họ các bữa ăn và chỗ ở, giáo dục và học bổng. Sau khi những sinh viên này đến để học Phật pháp và Bồ tát đạo, họ có thể xin xuất gia. Những người học xong mà không có ý định xuất gia cũng có thể ở lại đây để làm việc. Bất kể tu sĩ hay cư sĩ, tất cả sinh viên tốt nghiệp đều được lợi ích từ giáo lý của Đức Phật, coi đó là niềm tin và nơi nương tựa trong đời họ.

2. Bình đẳng trong nếp sống chùa chiền

Phật Quang Sơn có sự đồng thuận như sau: “Thừa nhận tinh thần lãnh đạo theo hệ thống; tuân thủ nguyên tắc không dựa vào điều gì khác ngoài Pháp; chỉ làm những gì phù hợp với Phật giáo và hoàn thành công tác bằng nỗ lực tập thể.” Quy định Thanh tịnh của Phật Quang Sơn (佛光山寺清規) quy định cụ thể những quy tắc ứng xử trong Chánh điện, nhà ăn, lớp học cũng như nhiều cuộc họp 3. Thay vì phụ nữ ngồi phía sau nam giới, nhưng ở đây, nam giới được ngồi ở phía Đông (tay phải) và nữ giới ở phía Tây (tay trái). Vì nội quy đã được thiết lập và triển khai, nên đương nhiên mọi người phải tôn trọng lẫn nhau, thiết lập sự bình đẳng như một nền tảng.

Quỳ và lạy có thể không bằng sự tôn trọng; không quỳ lạy không có nghĩa là thiếu tôn trọng. Về điều này, Hòa thượng Tinh Vân tin rằng, tỏ lòng tôn kính không có nghĩa là phải lễ lạy. Chắp tay, nhìn chăm chú Đức Phật, dâng hoa,… cũng là những cách tỏ lòng tôn kính. Sự chân thành tôn kính từ bên trong quan trọng hơn việc nhất thiết phải thể hiện bên ngoài.

Bình đẳng là một pháp thực hành của Phật Quang Sơn, từ Hòa thượng sáng lập Tinh Vân cho đến những người mới. Về mối quan hệ giữa Sư phụ và đệ tử, Hòa thượng tin và thực hành những gì Ngài gọi là “ba phần Thầy Tổ và bảy phần huynh đệ”.

3. Bình đẳng trong truyền bá Đạo pháp

Trong chuyến đi khác thăm chùa, Thầy cũng nói điều gì đó gây ấn tượng với tôi. Thầy hỏi: “Tại sao lãnh đạo của Phật Quang Sơn bao gồm nữ giới? Tôi không đồng ý với điều này.” Sự việc này khiến tôi nhớ lại khi Lục tổ Huệ Năng lần đầu tiên đến Hoàng Mai để tìm Pháp từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Ngũ tổ hỏi:
– Tại sao ngươi đến đây?
– Để tìm quả vị Phật.
– Ngươi đến từ Lĩnh Nam, một con chuột rừng thiếu văn minh.
– Làm sao con có thể đạt được Phật quả?
– Loài người phân biệt giữa Bắc và Nam, nhưng Phật tính thì không phân biệt.
– Trong khi hình thức của một con chuột rừng khác với một tu sĩ, Phật tính khác nhau như thế nào?
– Ta không thấy nam hay nữ, ta chỉ thấy tu sĩ với sự quyết tâm.
Từ điều này, chúng ta thấy rằng, mặc dù những phẩm chất bên ngoài khác nhau nhưng Phật tính là như nhau.

Trong thế kỷ XXI, chúng ta ủng hộ không mệt mỏi cho sự bình đẳng, nhưng sự bất bình đẳng vẫn tiếp tục tồn tại. Làm thế nào để chúng ta thay đổi? Hòa thượng Sư phụ thúc đẩy địa vị của nữ giới thông qua những hành động cụ thể. Ví dụ, việc biên soạn và chỉnh sửa kinh sách Phật giáo trong quá khứ được bảo trợ bởi Chính phủ với những nhiệm vụ được chỉ định cho chư Tăng. Tuy nhiên, Hòa thượng Sư phụ thiết lập Ủy ban Kinh điển Phật giáo Phật Quang Sơn (Fo Guang Shan Buddhist Canon Committee) vào năm 1977, trong đó cũng có chư Ni 4. Kể từ đó, Ủy ban đã được truyền lại ba thế hệ, xuất bản các tác phẩm bao gồm: Agama Canon (17 tập), Prajna Canon (51 tập), Chan Canon (33 tập, Pure Land Canon (33 tập), Lotus Canon (55 tập), Illustrated Canon (20 tập), Yogacara Canon (40 tập) và Biographical Canon (19 tập). Tương tự, những nỗ lực truyền bá Đạo pháp của Phật Quang Sơn trong văn hóa, giáo dục và công tác quản lý đền chùa,… đã được hun đúc bởi một cá nhân không phân biệt giới tính như thế.

Khi đối mặt với sự bất công, Hòa thượng Sư phụ nói: “Get motivated, don’t get agitated.” (Hãy tạo động lực, đừng bị kích động). “Có động lực” không có nghĩa là nỗ lực vượt lên trên cảm xúc vào thời điểm cảm xúc dâng trào, mà là phấn đấu vì những nỗ lực ngàn năm của Phật giáo. “Có động lực” không có nghĩa là phấn đấu vì lợi ích của chính mình, mà là vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Khi chúng ta làm việc với tâm nguyện: “Chỉ mong muốn giải thoát cho chúng sanh, không bao giờ cho hạnh phúc của riêng mình” với sự kiên trì, thời gian và lịch sử sẽ mang lại cho chúng ta sự công bằng. Một người có được sự tôn trọng của những người khác không phải vì giới tính, độ tuổi hay màu da của họ, mà do tính cách của họ. Miễn là chúng ta làm việc với quyết tâm và chăm chỉ, đối xử tốt với người khác và phụng sự người khác một cách vị tha theo hạnh Bồ tát, chúng ta có thể ngẩng cao đầu để sống với sự giải thoát. Luôn lấy Bồ tát đạo làm định hướng, cần phải phát nguyện rằng: “Tôi là tương lai của Phật giáo.”

Kết luận

“Người biết tôn trọng người, bản thân sẽ được tôn trọng; người biết yêu quý người, sẽ được mọi người yêu quý.” Sự bình đẳng, lòng trắc ẩn, sự tôn trọng và khoan dung là những giá trị phổ quát cần thiết cho mọi thời đại. Liên quan đến sự phát triển chóng mặt của công nghệ, sự tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo, Hòa thượng Sư phụ bình luận: “Công nghệ ngày càng trở nên tiên tiến. Loài người đã lên Mặt trăng, nhưng vẫn khó để chúng ta có thể đạt tới độ sâu tận cùng của trái tim mình.” 5 Mặc dù lịch sử chứa đầy sự thay đổi, nhưng sự thật về bình đẳng, từ bi, bác ái, trí tuệ và quyết tâm vẫn như cũ. Trong thế giới nhân duyên, đây là những kho báu vô tận bên trong chúng ta. Và vì vậy, tôi muốn chia sẻ mong ước chân thành này rằng chúng ta hãy trân trọng Phật tính của mình, để không bị lay chuyển giữa những điều kiện bên ngoài, vẫn an lạc và thoải mái.

Miao Fan Shih – Liễu Pháp Việt dịch



  1. Tinh Vân, 人間佛教的社會運動 (Phong trào xã hội của Phật giáo Nhân gian). 星雲大師全集.佛光教科書.佛光學 (Những tác phẩm hoàn thiện của Hòa thượng Tinh Vân – Sách hướng dẫn về Phật giáo: Nghiên cứu Ánh sáng của Đức Phật), tập 11, tr. 153.
  2. Tinh Vân, 星雲大師全集:星雲大師年譜 (Những tác phẩm hoàn thiện của Hòa thượng Tinh Vân: Trình bày theo trình tự thời gian của Hòa thượng Tinh Vân), tập 227, tr. 279.
  3. Tinh Vân, 佛光山清規 (Những quy định thanh tịnh của Phật Quang Sơn), tr. 295 – 296.
  4. Chủ trì bởi Hòa thượng Tinh Vân, Ủy ban mời các tu sĩ và học giả khắp thế giới biên soạn và chỉnh sửa kinh sách Phật giáo bằng việc thêm dấu câu, cách dòng, trích dẫn và nguồn tham khảo. Bên cạnh đó, những bình luận và phụ lục được thêm vào để tạo thuận lợi cho các độc giả đương thời hiểu về các văn bản Phật giáo. Kinh điển Phật giáo Phật Quang Sơn được chia thành 16 loại: Agama Canon, Prajna Canon, Chan Canon, Pure Land Canon, Lotus Canon, Avatamsaka Canon, Yogacara Canon, Guhya Canon, Sravaka Canon, Vinaya Canon, Jataka Canon, Biographical Canon, Illustrated Canon, Liturgy Canon, Literature and Arts Canon, and Miscellaneous Canon.
  5. Tinh Vân, 佛教與科學 (Phật giáo và khoa học). 星雲大師全集.佛光教科書.佛教與世學 (Những tác phẩm hoàn thiện của Hòa thượng Tinh Vân – Sách hướng dẫn về Phật giáo: Phật giáo và Nghiên cứu Thế tục), tập 8, tr. 69.

Tin khác

Cùng chuyên mục