HĐ Đức Phật đã từng dạy: “Không bệnh là lợi nhất, biết đủ là giàu nhất, bạn lành là thân nhất, Niết bàn là an vui nhất” (Vô bệnh đệ nhất lợi, tri túc đệ nhất phú, thiện hữu đệ nhất thân, Niết bàn đệ nhất lạc – Kinh Pháp cú). Bệnh là một trong bốn nỗi khổ lớn của đời người: Sinh, lão (già), bệnh, tử (chết). Bệnh tật chẳng những gây đớn đau cho thể xác mà còn gây khổ não cho tinh thần, cả thân và tâm đều không an ổn, khiến con người phải chịu bất lực trước nhiều việc và đôi khi trở thành vô dụng, mất đi giá trị đóng góp cho xã hội và làm lợi ích cho mình, mất đi hạnh phúc trong đời sống. Có một nhà thơ đã cảm thán viết lên những lời như sau:
“Bệnh tật đeo theo để khổ đời,
Con người vì bệnh phải mòn hơi.
Bệnh xui quân tử không tròn chí,
Bệnh khiến nam nhi phải lỡ thời
Bệnh chuyển trần gian thành địa ngục,
Bệnh mờ non nước áng mây trời.
Phải chăng không bệnh là hy hữu?
Nên mộng xuân hồng phải tả tơi!”
Vì thế cho nên không bệnh thật sự là cái lợi lớn. Ngay cả người tu xem thân tứ đại giả hợp là hư huyễn, lấy bệnh khổ làm thuốc hay để từ đó quán chiếu, chứng thật tướng các pháp, nhưng trên bước đường tu hành nếu mang quá nhiều bệnh tật cũng gặp không ít trở ngại. Một khi chưa đạt đến “tâm bình thế giới bình”, chưa thực chứng Bát nhã thấy“tứ đại giai không” thì vẫn không thoát khỏi những nỗi đau thân xác, những khó chịu về tinh thần, vẫn thấy bệnh tật mang lại cho mình nhiều trở ngại. Cái thân là một phương tiện quý báu của người tu, nó là chiếc thuyền chở đạo giúp người tu vượt qua khỏi sông mê biển khổ, đến bến bờ an lạc, giải thoát. Nếu không có thân hoặc mang cái thân rệu rã như củi mục thì không sử dụng vào đâu được, hoặc chẳng thể dùng cho nhiều việc có ích. Không có cái thân hoặc cái thân vô dụng thì cái tâm không thể nào phát huy diệu dụng, cái tâm không có phương tiện biểu hiện. Tóm lại người tu hành nếu không có sức khỏe, thân mang nhiều bệnh tật thì gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn trong việc tu học, xem như gặp phải chướng duyên. Ví dụ như người mắc phải các bệnh lý về xương khớp, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, thoái hóa cột sống v.v.. rất trở ngại cho việc tọa thiền, hành trì tụng kinh, lễ bái, làm các công tác từ thiện nặng nhọc…; Các bệnh lý về thần kinh, tâm thần, đãng trí cũng gây trở ngại cho việc học tập kinh điển, hành trì giáo pháp; Các bệnh lý về tim mạch, suy nhược thần kinh, bệnh phổi rất khó hòa chúng tu học và hành đường, công quả, chấp lao phục dịch trong các đạo tràng. Có rất nhiều bệnh khi phát lên thì thân xác đau đớn, tinh thần khổ não, rất khó định tâm, tỉnh trí.
Đã mang thân người, không ai là không bệnh, chỉ có điều là nhiều hay ít vậy thôi, cũng như Tổ Quy Sơn đã nói: “Vì nghiệp buộc thọ thân, nên chưa khỏi cái khổ lụy về hình hài” (Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy – Quy Sơn cảnh sách văn). Vì chúng sinh tạo nghiệp mà sinh ra trên thế gian này, vì thọ nghiệp mà có thân và phải chịu những nỗi khổ lụy về thân như đau ốm bệnh hoạn, nóng lạnh, đói khát… Nghiệp đó là gì? Chính là những hành vi tạo tác từ thân, khẩu, ý do phiền não vô minh làm động lực thôi thúc, dẫn dắt. Phần Tập đế nói về nguyên nhân của khổ được Đức Phật giảng trong bài kinh Tứ diệu đế cho biết có 10 phiền não vô minh chính: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, thủ kiến hay kiến thủ, giới kiến hay giới cấm thủ và tà kiến. Vì vô minh phiền não mà tạo nghiệp, vì tạo nghiệp mà phải thọ thân. Mà thân người là do tứ đại, ngũ uẩn giả hợp, mang tính điều kiện, khi nhân duyên thay đổi thì thân người cũng thay đổi. Quy Sơn cảnh sách của thiền sư Linh Hựu diễn tả rất rõ bản chất của kiếp người như sau: Bẩm thụ tinh cha huyết mẹ, các duyên giả hợp tạo thành, tuy nhờ tứ đại nâng đỡ, giữ gìn nhưng chúng thường trái nghịch nhau. Vô thường, già, bệnh chẳng hẹn cùng người; Sáng còn tối mất, chỉ trong khoảng sát na, một tích tắc đã qua đời khác. Ví như sương mùa xuân, móc buổi sáng sớm, phút chốc liền tan; cây bên bờ vực, dây leo ở miệng giếng, há được lâu bền. Niệm niệm qua nhanh, chỉ trong khoảng một sát na, chuyển hơi thở đã là đời sau, sao lại an nhiên để ngày tháng trôi qua vô ích?” (Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cọng thành, tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội. Vô thường lão bệnh bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế. Thí như xuân sương hiểu lộ, thúc hốt tức vô; ngạn thọ, tỉnh đằng khởi năng trường cửu. Niệm niệm tấn tốc, nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lai sinh, hà nãi yến nhiên không quá? )
Bốn nỗi khổ lớn sinh, già, bệnh, chết như bốn cái án đã đóng dấu chờ thi hành. Bốn cái án đó thi hành dần dà nhưng ít ai để ý đến, và thi hành kịch liệt lúc nào không ai biết trước, nhưng điều chắc chắn là ai cũng phải nhận lãnh, không một ai trốn tránh được. Về bệnh khổ thì tùy nghiệp mà có người bệnh ít, người bệnh nhiều, nhưng không ai không bệnh. Dù người có phước nghiệp về sức khỏe, thọ mạng, nhưng khi mang thân tứ đại giả hợp thì phải chịu cảnh biến hoại, do đó không tránh khỏi bệnh khổ. Ngay cả các vị Bồ-tát do nguyện lực độ sinh mà sinh ra trong cõi đời này, khi đã mang thân tứ đại vẫn phải chịu cảnh sinh, già, bệnh, chết như mọi người khác trên thế gian. Các vị ấy không phải do nghiệp lực mà thọ sinh, nhưng vẫn không tránh khỏi sự biến dịch vô thường, bởi vì các vị ấy mang thân do duyên giả hợp tạo thành, có hợp sẽ có tan, hữu hình hữu hoại như lời Đức Phật dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, không thật” (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng – Kinh Thủ Lăng Nghiêm), “Tất cả pháp hữu vi (do duyên sinh) như chiêm bao, như ảo tưởng, ảo giác, ảo thuật; như bọt nước, như hình như bóng; như sương, như ánh chớp” (“Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh; như lộ diệc như điện…”- Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-La-Mật).
Chỉ khác là, cũng mang thân tứ đại, cũng phải chịu cảnh biến hoại vô thường do các duyên tan hợp, nhưng các bậc Thánh đã giác ngộ, giải thoát thì khác, thân thể dù bệnh tật nhưng tâm các Ngài không phiền não khổ đau, thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Các bậc Thánh giải thoát có thể nhờ định lực cao thâm mà xả ly hoàn toàn khổ thọ, an trú trong trạng thái tịnh lạc vi diệu. Từ hàng Thánh A-la-hán có thể nhập Diệt thọ tưởng định để vào trạng thái không còn cảm thọ và tri giác. Tuy nhiên khi sinh hoạt, hành đạo, làm các công việc hoằng pháp, lợi sinh, các Ngài phải ra khỏi Diệt thọ tưởng định, nên thân thể vẫn phải chịu đau nhức do biến hoại, bệnh tật, nhưng nhờ tâm xả ly không chấp thủ, luôn nhiếp tâm chánh niệm, có định lực và tuệ giác mà các Ngài vẫn tự tại, an lạc, vượt thoát khổ não. Vì thế, người tu học Phật không phải cầu không bệnh tật, mà là cầu không khổ não khi bệnh tật. Có nghĩa là tu làm sao để đối trước cảnh vô thường, biến hoại, tâm vẫn an nhiên bất động, không phiền não khổ đau như thế nhân thường tình. Muốn được điều đó chỉ có cách duy nhất là thường tinh tấn huân tu thiền định, trí tuệ, công đức phước báo.
Khi mang thân tứ đại giả hợp thì không cách gì tránh khỏi bệnh tật, bởi con người và cõi thế gian là do duyên sinh nên vô thường, biến hoại, chỉ có cách là tu tập đến cảnh giới “ không có người thọ bệnh khổ”, tâm vô trụ chấp, thể nhập tánh không, chứng thực tại vô ngã. Ý thức được bệnh khổ gây nhiều trở ngại cho việc hành trì, tu tập, cho nên người tu cần phải nỗ lực tinh tấn học pháp, hành pháp, tận dụng thời gian còn trẻ, còn khỏe mạnh, chưa bệnh tật để học, để tu, để gieo trồng ruộng phước, vun bồi công đức. Không đợi đến khi vô thường xảy đến, thân thể ốm đau bệnh tật hoặc già nua, không còn sức khỏe, không còn đủ sự tỉnh táo, sáng suốt mới lo tu. Khi vô thường xảy đến, bệnh khổ hoành hành thì không dễ gì tu tập, cũng như lời Tổ Quy Sơn nhắc nhở: “Một mai bệnh tật nằm trên giường, các nỗi khổ dồn đến vây quanh bức bách. Sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ hoang mang. Đường trước mịt mờ chưa biết về đâu. Bấy giờ mới biết hối hận ăn năn, đến khát đào giếng sao kịp?” (Nhất triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách, hiểu tịch tư thổn tâm lý hồi hoàng. Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng? Tùng tư thỉ tri hối quá, lâm khát quật tỉnh hề vi? – Quy Sơn Cảnh sách văn).
Như thế cần phải có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị hành trang cho mình trước khi vô thường xảy đến, để khi gặp cảnh tai nạn hoạn họa, ốm đau bệnh tật chúng ta không hoang mang lo lắng, không sợ hãi, không hối tiếc, ăn năn. Còn khi đối diện với bệnh tật thì sao? Trạng thái tâm vững chãi không dao động, xúc não là điều rất quan trọng. Muốn được như thế cần phải có công phu tu tập do lúc bình thường huân tập, và công phu đó được duy trì tốt, vững chắc trong lúc bệnh tật. Pháp hỷ, pháp lạc có được trong quá trình nghe pháp, ôn lại giáo pháp, quán niệm và hành trì, an trú trong chánh định và tuệ quán sẽ giúp người bệnh vượt qua những nỗi đớn đau thể xác hoặc làm giảm thiểu những nỗi đau đó, đồng thời tâm không rơi vào các trạng thái khổ não. Trong Tương Ưng Bộ Kinh III, chương I, phần Nakulapità, Đức Phật dạy vị gia chủ già nua Nakulapità đang quằn quại trong bệnh khổ như sau: “Này gia chủ, sự thật là thân ông bệnh hoạn, ốm đau. Ai mang cái thân này lại cho là không bệnh, dù chỉ trong giây phút, người ấy là người ngu si. Do vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập như sau: “Dù cho thân tôi bệnh nhưng tâm tôi không bệnh”. Này gia chủ, ông cần phải tu tập như thế”. Lời dạy của Đức Phật không chỉ dành cho gia chủ Nakulapità mà còn dành cho tất cả chúng ta, giúp chúng ta chuẩn bị tâm thái để vững vàng vượt qua bệnh khổ.
Thiện Tài