Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Chưa được phân loạiBên dòng Mê Kông

Bên dòng Mê Kông

  Từ trên đỉnh non cao… dòng Mê Kông hùng vĩ vượt qua bao ghềnh thác cheo leo, treo mình uốn lượn theo từng khe nước quanh co, cuối nguồn lại tìm về với đồng bằng, tạo chất phù sa bồi đắp cho bạt ngàn ruộng vườn cây xanh trái ngọt.

Đi qua vùng châu thổ Nam bộ… Mê Kông chia thành hai con sông lớn với tên gọi quen thuộc là Tiền Giang và Hậu Giang, từ đó tạo ra chín cửa sông cùng vươn dài ra biển cả. Sông nước hiền hòa, đất lành chim đậu. Sông nuôi dưỡng cá tôm, tạo nguồn lợi thủy sản. Đất ban phát hạt ngọc trời cho. Sông soi bóng dừa chở che thôn xóm. Đất sản sanh bao hào khí anh hùng, giữ yên bờ cõi. Sông nước hợp lưu, đất hào phóng mở lòng, người người tìm đến cùng an cư lập nghiệp.

Dài dòng văn vẻ để nói về vùng đất mà tôi vừa đặt chân đến. thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang, sông nước hữu tình. Tiền Giang đó… nơi có dòng Mê Kông, nơi từng xảy ra những trận thủy chiến vang danh lịch sử nước nhà. Sau gần nửa thế kỷ bình yên phát triển, sông nước Tiền Giang không chỉ tạo nên đời sống vật chất dồi dào, mà bao nguồn mạch tâm linh cũng được gieo mầm phát tích.

Phật giáo cũng sớm theo bước chân lưu dân góp mặt xứ này và đã kiến tạo nên nhiều danh lam thắng tích có bề dày lịch sử trên dưới ba trăm năm. Chùa Vĩnh Tràng tại thành phố Mỹ Tho là ngôi Cổ tự danh tiếng bậc nhất ở miền Nam. Chùa Bửu Lâm cũng là ngôi Cổ tự danh tiếng trải bao thời gian vẫn giữ được vẻ giữ đẹp cổ kính trầm mặc. Chùa Linh Thứu Sắc Tứ, được xây dựng từ thời vua Lê Cảnh Hưng. Sau được vua Gia Long ban sắc dụ tôn tạo lại thành ngôi già lam tráng lệ, thánh tích uy nghiêm. Năm 1951, chùa được giao cho quý Ni trưởng trụ trì cho đến nay.

“Ni giới Tiền Giang vinh hạnh đóng góp vào trang sử mở đầu Ni bộ Nam Việt với sự có mặt của quý Ni trưởng Phật Bửu – Cai Lậy, Ni trưởng Phổ Đức – Mỹ Tho, Ni trưởng Linh Thứu – Mỹ Tho… ”

Tìm hiểu về Ni giới Tiền Giang, chúng ta được biết nơi mảnh đất giàu truyền thống tâm linh này từng sản sinh ra nhiều bực chân tài, Ni lưu kiệt xuất. Chư vị không chỉ thừa hành các Phật sự tại quê nhà mà còn nằm trong Ban Quản trị Ni bộ Nam Việt một thời vang bóng (1956 – 1963) (Ni bộ Nam Việt về sau hợp nhất với Ni bộ Trung Việt với tên gọi Ni bộ Bắc Tông – 1963 – 1974). Chư vị không chỉ làm rạng danh con dân miền quê sông nước mà còn khơi dậy hình ảnh những người con gái Đức Như Lai không chỉ tinh chuyên tu tập mà tâm nguyện hành đạo dấn thân cũng thật cao cả.

Đó là Ni trưởng Liễu Tánh (1916 – 1982), người khai sơn Ni trường Phật Bửu tại thị xã Cai Lậy – là ngôi chùa Ni đầu tiên của tỉnh Tiền Giang và cả miền Tây Nam Bộ. Ni trưởng là vị danh Ni nổi tiếng khắp cả xứ Nam kỳ lúc bấy giờ. Xây chùa, nuôi học chúng, mở Hạ trường, tổ chức từ thiện xã hội… Người còn tham gia các hoạt động của Ni giới và từng là Vụ trưởng Ni bộ Nam Việt nhiệm kỳ II (1968 – 1972).

Đất Gò Công – Tiền Giang cũng chính là quê hương của Sư bà Diệu Tịnh (1910 – 1942). Là con nhà danh gia vọng tộc, xuất gia học đạo lúc còn thiếu niên và viên tịch khi mới ngoài ba mươi tuổi nhưng Sư bà là vị Ni tài đức vượt bực, ý chí cao thâm. Hạnh nguyện cùng những Phật sự của Sư bà đã để lại nhiều dấu ấn cho hàng Ni giới sau này cùng tiếp bước. Người cũng là vị Giáo thọ Ni đầu tiên của đất Gia Định – Sài Gòn khi mới 24 tuổi.
Năm 1934, Sư bà Diệu Tịnh mời Sư bà Diệu Tấn (Kim Sơn – Phú Nhuận) và Sư bà Diệu Tánh (Sư trưởng Như Thanh) đứng ra xây dựng chùa Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì – Gia Định. Năm sau, chùa được dời về Bà Quẹo và đổi tên là Hải Ấn Ni tự. Đây là ngôi chùa Ni đầu tiên của đất Gia Định – Sài Gòn. Đương thời, Sư bà viết nhiều bài đăng trên Tạp chí Từ Bi Âm với mục đích kêu gọi chấn hưng Ni giới. Cảm nhận tấm lòng cùng hạnh nguyện cao cả của Sư bà, Sư trưởng Như Thanh đã đứng lên kêu gọi thống nhất Ni giới, thành lập Ni bộ vào năm 1956.

Và còn nữa… các bậc danh Ni của miền Tây Nam bộ đã và đang thừa hành Phật sự khắp nơi cũng như tại chính quê hương sông nước hữu tình. Ni trưởng Như Ngộ người tạo lập ra Ni trường Phổ Đức, là Ni trường nổi tiếng của TP. Mỹ Tho từ những năm 50, 60 thế kỷ XX và cho đến tận bây giờ. Sau này Ni trưởng về chùa Thiên Phước – Long An hành đạo, Ni trường Phổ Đức được giao lại cho Ni trưởng Như Hảo và nay là Ni sư Huệ Năng tiếp tục sự nghiệp đào tạo chúng Ni, xây dựng nơi đây thành một Ni trường lớn của tỉnh Tiền Giang, nơi hun đúc và nuôi dưỡng bao thế hệ mầm xanh của đạo pháp.

“Phật giáo Tiền Giang tiếp bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp”. Bao thế hệ Ni lưu đã đi qua miền đất này, bao chí nguyện được vun bồi từ dòng chảy mạch nguồn sâu thẳm. Anh linh chư vị chắc hẳn đang trở về, đang cùng hòa nhập sẻ chia trong ngày Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo.

Lam Khê

Tin khác

Cùng chuyên mục